| Hotline: 0983.970.780

Bộ trưởng Cao Đức Phát kiểm tra tình hình hạn hán tại Ninh Thuận

Thứ Hai 06/04/2015 , 09:32 (GMT+7)

Chiều qua (5/4), Bộ trưởng Cao Đức Phát cùng đoàn công tác của Bộ NN-PTNT đã đi kiểm tra tình hình hạn hán tại một số địa phương Ninh Thuận.

Bộ trưởng đã đến thăm xóm Bằng, xã Bắc Sơn, huyện Thuận Bắc, đây là một trong những vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt hạn hán này.

Ông Chamale Quỳ, Bí thư chi bộ xóm Bằng cho biết: Thôn có 599 hộ với trên 3.000 nhân khẩu, do tình hình khô hạn kéo dài không có nước tưới nên bà con đã phải bỏ hoang 4 vụ SX.

Nước sinh hoạt cũng thiếu gay gắt, toàn thôn có 68 cái giếng đào nhưng nay còn 3 cái còn nước; 220 giếng khoan chỉ còn 35 cái có nước.

Do nước giếng không đủ phục vụ nhu cầu, người dân nơi đây phải đi mua nước về sinh hoạt, toàn bộ 1.600 con trâu bò và 500 con dê cừu cũng đang thiếu nước uống nghiêm trọng.

Ông Võ Chi, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Bắc cho biết thêm: Do không có nước sản xuất, đời sống của người dân rất khó khăn, phải đi làm thuê, làm mướn ở nơi khác.

Chính quyền địa phương đã phải cấp gạo cứu đói cho người dân nơi đây 2 đợt và đang xin tỉnh tiếp tục cứu đói trong thời gian tới.

Bộ trưởng Cao Đức Phát tiếp tục kiểm tra hồ chứa nước Ông Kinh, xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải và đã chứng kiến tình hình khô hạn hết sức khốc liệt. Hồ Ông Kinh có dung tích 800.000m3 phục vụ nước tưới cho 120 ha nho và cây rau màu của xã Nhơn Hải.

Tuy nhiên do không có mưa nên hồ đã hết nước từ cuối năm 2014. Để có nước tưới cho cây nho người dân phải đào giếng dưới lòng hồ. Anh Nguyễn Ánh, thôn Mỹ Tân, trồng 3 sào nho quanh khu vực hồ Ông Kinh cho biết, phải khoan giếng dưới đáy lòng hồ sâu khoảng 40 m mới có nước, rồi dùng máy bơm điện hút nước lên bơm vào giếng đào, sau đó mới dùng máy dầu bơm vào ruộng nho.

Cũng theo anh Ánh thì dưới lòng hồ người dân đã khoan khoảng 40 giếng khoan và đào khoảng 20 cái giếng hở để bơm nước chống hạn.

Hiện nước từ giếng khoan rất ít, sau mỗi lần bơm nước lại phải nghỉ 2 ngày và mỗi lần bơm như vậy hết trên 20 lít dầu, đó là chưa kể đến việc người dân phải chung nhau kéo đường điện khoảng 3 km mới tới ruộng.

“Nếu vụ tới nho không được giá thì chúng tôi sẽ bị thua lỗ, mong muốn của bà con là chính quyền kéo đường điện về đến tận ruộng để giảm chi phí cho người dân chống hạn”, anh Ánh bộc bạch.

Cũng trong chiều qua, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã đến thăm mô hình tưới tiết kiệm cho cây nho bằng béc phun tầm thấp tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải.

Phương pháp tưới này thay cho tưới tràn trước đây đã tiết kiệm được 40% lượng nước, từ 6.000 – 7.000 m3/ha/vụ bằng phương pháp tưới tràn thì nay hết trên 3.500m3/ha/vụ. Dự kiến trong ngày hôm nay (6/4) Bộ trưởng tiếp tục đi kiểm tra tình hình hạn hán tại một số địa phương khác và có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận.

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cầu Trần Hoàng Na phục vụ lưu thông từ ngày 26/4

Từ ngày 26/4, cầu Trần Hoàng Na, bắc qua sông Cần Thơ chính thức đưa vào khai thác sử dụng, phục vụ nhu cầu lưu thông cho người dân.

Bình luận mới nhất