| Hotline: 0983.970.780

Bộ trưởng Cao Đức Phát thị sát chuyển đổi đất lúa ở Hòa Bình

Thứ Hai 26/08/2013 , 09:38 (GMT+7)

Cuối tuần qua, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Bộ trưởng Cao Đức Phát làm trưởng đoàn đã có chuyến công tác tại tỉnh Hòa Bình để kiểm tra tình hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng và xây dựng NTM.

Cuối tuần qua, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Bộ trưởng Cao Đức Phát làm trưởng đoàn đã có chuyến công tác tại tỉnh Hòa Bình để kiểm tra tình hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng và xây dựng nông thôn mới (NTM).

Muốn giàu thì phải chuyển đổi

Trước khi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hòa Bình, Bộ trưởng Cao Đức Phát và đoàn công tác của Bộ NN-PTNT đã có chuyến khảo sát mô hình chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng nhãn tại xã Sơn Thủy, kiểm tra mô hình xây dựng nông thôn mới ở xã Trung Bì, huyện Kim Bôi.

Huyện Kim Bôi là vùng núi của tỉnh Hòa Bình, đời sống người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, tương đối khó khăn. Mấy năm nay, từ đất lúa một vụ, hai vụ kém hiệu quả, lãnh đạo huyện đã mạnh dạn chỉ đạo một số xã chuyển đổi diện tích đất bãi, đất lúa một vụ, hai vụ không hiệu quả sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao.

Nhiều hộ đã mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa các loại giống mới từ dưới xuôi lên miền núi để phát triển như nhãn Hương Chi, nhãn lồng… 19 ha đất lúa đã được chuyển đổi, giá trị SX bình quân khoảng 300 triệu đồng/ha, gấp 4-5 lần so với trồng lúa.


Bộ trưởng Cao Đức Phát thăm mô hình chuyển đổi ở Kim Bôi

Người tiên phong chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang mô hình trồng cây ăn quả ở Kim Bôi là ông Bùi Văn Lực, Chủ tịch UBND xã Sơn Thủy. Năm 2009, qua tìm hiểu thực tế sản xuất ở Hưng Yên, ông Lực đã mạnh dạn chuyển đổi, đầu tư trồng toàn bộ diện tích 1,2 ha đất vườn và ruộng của gia đình sang trồng nhãn Hương Chi, kết hợp trồng xen đu đủ.

Năm 2011 nhãn cho bói quả lứa đầu chỉ thu khoảng 8 triệu đồng, nhưng bù lại hơn 2.000 cây đu đủ đã cho thu hoạch tới 28 triệu đồng. Năm 2012, diện tích nhãn của ông Lực cho thu tới hơn 600 triệu đồng. Năm nay, mùa nhãn tiếp tục được giá, bình quân 21 ngàn đồng/kg. Dự kiến gia đình ông thu về cả tỷ đồng.

 Từ mô hình chuyển đổi hiệu quả cao của ông Chủ tịch xã, nhiều hộ gia đình lần lượt chuyển đổi: gia đình anh Bùi Văn Mến trồng 1,4 ha cây ăn quả cho thu 400 triệu đồng; gia đình anh Đinh Công Phục, trồng 0,4 ha nhãn cho thu trên 110 triệu đồng... Toàn xã lần lượt trồng được 55 ha nhãn Hương Chi cho hiệu quả cao.

Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ NN-PTNT, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, ông Bùi Văn Tỉnh khẳng định: Hòa Bình đã xác định rõ cây, con trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Về cây, tỉnh xác định lúa không phải là thế mạnh, cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế là cây keo và các loại cây ăn quả, mía tím… Diện tích mía đạt 8.700 ha, cam đạt 1.500ha, nhãn 1.929 ha, bưởi ruột đỏ Tân Lạc 100 ha… Về con, Hòa Bình chú trọng đến chăn nuôi gà, phát triển thủy sản từ lợi thế các lòng hồ thủy điện.

 Băn khoăn lớn nhất của địa phương này là đầu ra của các sản phẩm nông sản. Thực tế, các sản phẩm đều có năng suất cao, giá cả hợp lý, nhưng tương lai liệu có được đảm bảo?

Về vấn đề chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Cao Đức Phát đánh giá cao nỗ lực của địa phương trong việc chuyển đổi.

Bộ trưởng chỉ đạo: “Trong thời gian tới, Hòa Bình cần tập trung thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển mạnh hơn về chăn nuôi và thủy sản, tăng cường xúc tiến thương mại để tìm kiếm thị trường cho nông sản địa phương.

Mấu chốt của ngành nông nghiệp vẫn là vấn đề sản phẩm làm ra có bán được hay không. Có lẽ cả thế giới này chỉ có tôi là Bộ trưởng mà 3-4 năm nay phải chỉ đạo giảm sản lượng. Thực tế, chúng ta đã đủ lương thực, thực phẩm, phải nghĩ cách làm giàu từ nông nghiệp, phải mạnh dạn lựa chọn cho nông dân cây trồng, vật nuôi. Muốn làm giàu thì phải có bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp”.

12 kiến nghị và lệnh của Bộ trưởng

Cũng tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ NN-PTNT, tỉnh Hòa Bình đã đề xuất 12 kiến nghị xin được giải quyết.

 Trong đó bao gồm các kiến nghị như Hỗ trợ phát triển vùng cây có múi, mía, vùng rau bản địa, rau hữu cơ. Điều chỉnh ranh giới VQG Ba Vì trên địa bàn tỉnh. Bổ sung diện tích và kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng. Cho phép xây dựng dự án đầu tư rừng trọng điểm cấp quốc gia…

Tất cả các kiến nghị của địa phương đều được Bộ trưởng Cao Đức Phát trực tiếp giải đáp và giao cho các đơn vị trực tiếp của ngành như Tổng cục Lâm nghiệp, Tổng cục Thủy lợi, Cục Kinh tế hợp tác và PTNT… phối hợp với tỉnh xây dựng các đề án, hệ thống văn bản “đặt lên bàn Bộ trưởng trong tháng 9 để trình Chính phủ giải quyết”.

Một trong những nội dung quan trọng nhất của buổi làm việc là Chương trình xây dựng NTM. Tính đến thời điểm này, tỉnh Hòa Bình có 29 xã đạt từ 9-13 tiêu chí, 80 xã đạt từ 5-8 tiêu chí, còn 82 xã đạt dưới 5 tiêu chí, 191 xã đã phê duyệt quy hoạch chung, 118 xã phê duyệt quy hoạch chi tiết khu trung tâm cụm xã.

Các địa phương đều xác định đây là nhiệm vụ xuyên suốt, từ đó triển khai đồng bộ và quyết liệt các giải pháp đã hoạch định.

Tỉnh Hòa Bình cũng đã báo cáo một số giải pháp sẽ tập trung thực hiện trong thời gian tới: Tăng cường chỉ đạo sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cho nông sản địa phương; thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia; ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng; tăng cường đào tạo nghề cho nông dân; đẩy mạnh xúc tiến thương mại cho các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh… 

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho rằng, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, Hòa Bình đã có những bước đi vững chắc và đúng hướng khi phát huy tốt vai trò của ngành kinh tế nông nghiệp. Bảo vệ và phát triển rừng hàng năm, xác định được các cây trồng chủ lực cho giá trị kinh tế cao và ổn định, sự chỉ đạo sâu sát của chính quyền các cấp và sự đồng thuận của người dân trong thực hiện chương trình xây dựng NTM... 

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, ông Hoàng Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy đã tiếp thu ý kiến của Bộ trưởng, hi vọng Bộ NN-PTNT tiếp tục hỗ trợ tỉnh tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, đạt được những thành quả tích cực trong công cuộc phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Yên Bái: Cảnh tan hoang những ngôi nhà bị mưa đá, giông lốc tàn phá

Ngày 28/3, tại tỉnh Yên Bái đã xảy ra mưa đá, giông lốc gây thiệt hại nhiều nhà ở và cây cối hoa màu các huyện Mù Cang Chải, Trấn Yên và Văn Chấn.

Bình luận mới nhất