| Hotline: 0983.970.780

Bộ trưởng cùng EVN giải bài toán hạ tầng điện cho nuôi tôm

Thứ Tư 22/03/2017 , 07:01 (GMT+7)

Ngày 21/3, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã làm việc với Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Dương Quang Thành về vấn đề cấp điện cho ngành tôm...

18-43-02_dsc_0338
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại buổi làm việc
 

Ngày 21/3, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã làm việc với Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Dương Quang Thành về vấn đề cấp điện cho ngành tôm, thống nhất việc xả nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và an toàn đập, trồng rừng thay thế...
 

Nhu cầu điện cho nuôi tôm rất lớn

Theo EVN, lưới điện miền Bắc, miền Trung đều là lưới 3 pha 4 dây nên việc cung cấp điện cho nuôi tôm khá thuận lợi. Riêng lưới điện của miền Nam nhiều khu vực lưới điện 1 pha cấp điện phục vụ ánh sáng sinh hoạt, nhưng các hộ dân nuôi tôm tự phát nên khó khăn hơn trong việc cung cấp điện cho khách hàng, dẫn đến tình trạng lưới điện bị quá tải, chất lượng điện áp không đảm bảo.

Để tháo gỡ vấn đề này, TCty Điện lực miền Nam đã sử dụng nguồn vốn vay WB, vốn của TCty, vốn ứng trước của các địa phương gần 900 tỷ đồng để thực hiện đầu tư các công trình lưới điện trung hạ áp đáp ứng cơ bản các vùng nuôi tôm phát triển nóng, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng kịp thời hộ nuôi nhỏ lẻ, không tập trung, phát triển tự phát theo thị trường nguyên liệu tôm.

Tính đến hết 31/12/2016, EVN cung cấp điện trực tiếp cho 48.315 khách hàng nuôi tôm với sản lượng điện là hơn 953 triệu kWh, chiếm 46% điện thương phẩm nông lâm thủy sản.

Cũng theo EVN, qua khảo sát sơ bộ, nhu cầu đầu tư để cải tạo và phát triển lưới điện trung hạ thế phục vụ nuôi trồng thủy sản tại 6 tỉnh ven biển trong khu vực ĐBSCL (Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre và Tiền Giang) đến năm 2020 là khoảng hơn 5.000 tỷ đồng.

Đây là một lượng tiền lớn trong khi nguồn vốn của EVN rất khó khăn. Vì thế, EVN đề nghị Bộ NN-PTNT báo cáo Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có cơ chế ưu đãi huy động sử dụng vốn riêng cho phát triển ngành tôm, bao gồm cả đầu tư kết cấu hạ tầng lưới điện 3 pha cung cấp cho phát triển ngành tôm đồng bộ với các vùng nuôi trồng, chế biến theo quy hoạch được Chính phủ phê duyệt.

Ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, diện tích nuôi tôm cả nước hiện vào khoảng 700.000ha, trong đó có 130.000 - 135.000ha nuôi tôm công nghiệp. Trong kế hoạch trình Thủ tướng Chính phủ về phát triển ngành tôm, diện tích nuôi tôm công nghiệp tăng lên 200 - 250 nghìn ha, chủ yếu tập trung ở miền Trung và miền Nam.

“Chi phí về điện hiện đang chiếm tới 11 - 14% giá thành tôm (khoảng 8 - 10 nghìn đồng/kg). Nếu không có điện mà dùng máy nổ để phát điện thì chi phí này có thể tăng lên gấp đôi”, ông Luân nói và kiến nghị EVN phối hợp cùng Tổng cục, các địa phương rà soát, bổ sung nguồn điện cho các vùng nuôi tôm trọng điểm ngay trong năm 2017 và trong thời gian tới để sản xuất có kết quả.

Ông Luân cũng kiến nghị ngành điện triển khai chương trình giảm tổn thất điện để giảm chi phí cho người nuôi. Chẳng hạn như ở Sóc Trăng, có mô hình giảm tổn thất điện tới 23%; hay mô hình nuôi cá chẽm cũng tiết kiệm được 18 triệu đồng.

Để phục vụ chiến lược phát triển ngành tôm, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo Tổng cục Thủy sản sớm hoàn thiện thiết kế hạ tầng cho ngành nuôi tôm, trong đó có giải pháp về hạ tầng điện. Bộ trưởng đề nghị Tổng cục Thủy sản phối hợp với EVN và các địa phương nuôi tôm trọng điểm thống nhất quy hoạch tập trung; quy hoạch vùng thửa nuôi tôm quy mô công nghiệp.

18-43-02_dsc_0317
Toàn cảnh buổi làm việc
 

Bộ trưởng cũng gợi ý các đơn vị liên quan nghiên cứu triển khai mô hình xã hội hóa đầu tư hạ tầng cung cấp nguồn điện; triển khai chùm đề tài khoa học về tiết giảm điện năng cho nuôi trồng thủy sản. “Mua điện mà mất nhiều tiền quá người ta sẽ sốt ruột, nhưng ít tiền mà nhiều ô xy, thông thoáng hơn là họ ơn ông”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
 

Hạ cốt trạm bơm, xả nước linh hoạt

Tại cuộc làm việc, hai bên cũng bàn thảo về công tác điều tiết nước phục vụ tưới tiêu sản xuất nông nghiệp. Theo EVN, hàng năm để đảm bảo cung cấp đủ nước phục vụ làm đất gieo cấy vụ ĐX cho khoảng 620.748ha lúa và hoa màu, EVN đã phối hợp với Bộ và các địa phương thống nhất kế hoạch điều tiết bổ sung nước từ các hồ chứa thủy điện cho hạ du hệ thống sông Hồng 3 đợt với tổng lượng xả từ 3 đến 5 tỷ m3.

Tuy nhiên, do thời gian xả nước vụ ĐX khá dài và tốn nhiều nước, thời gian còn lại trong năm (nhất là mùa khô) cần điều tiết nước, do vậy EVN đề nghị Bộ ủng hộ Tập đoàn có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép vận hành linh hoạt, cụ thể là trong ngày do đáp ứng biến động phụ tải điện giữa giờ cao và giờ thấp điểm mà các nhà máy thủy điện tương ứng có thể xả rất lớn vào giờ cao điểm và hơi thấp hơn yêu cầu một chút vào giờ thấp điểm (đôi lúc có một vài tiếng/ngày, không ảnh hưởng đến tổng lượng xả xuống hạ du).

Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi bảy tỏ sự ủng hộ phương án đề xuất mà phía EVN đưa ra và hứa sẽ giao các đơn vị liên quan phối hợp nghiên cứu kỹ vấn đề này.


Ảnh minh họa
 

Trong buổi làm việc, lãnh đạo EVN cũng kiến nghị Bộ sớm trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2007/NĐ-CP về quản lý an toàn đập; kiến nghị Bộ xem xét trình Chính phủ cho chủ trương chuyển đổi mục đích rừng và đất rừng đối với dự án đường dây 500kV Vũng Áng - Dốc Sỏi - Pleiku cụ thể với diện tích: Móng (6,9ha) chuyển từ đất lâm nghiệp sang đất xây dựng dự án điện; hành lang tuyết (145,5ha) chuyển từ đất rừng tự nhiên sang đất trồng rừng khác; phối hợp với EVN trong quá trình triển khai xây dựng cụm xả công trình thủy điện tích năng Bắc Ái (liên quan đến dự án xây dựng hồ Tân Mỹ); về công tác trồng rừng thay thế...

Với tinh thần cởi mở, chia sẻ và coi đây là nhiệm vụ song trùng mà hai bên cần tập trung giải quyết, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã giao cho các đơn vị liên quan phối hợp, tập trung cùng với EVN tháo gỡ những khó khăn, thực hiện những nhiệm vụ được gia một cách nhanh chóng và có hiệu quả nhất.

Tiết kiệm 100 tỷ đồng/ngày

Theo ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, do phối hợp xả nước giữa EVN và Tổng cục rất tốt nên trong năm 2017 đã rút ngắn được 4,5 ngày so với kế hoạch.

“Cứ mỗi ngày rút ngắn sẽ tiết kiệm được 300.000m3 và nếu mỗi mét khối nước có giá 330 đồng thì mỗi ngày chúng ta tiết kiệm được khoảng 100 tỷ đồng”, ông Tỉnh tính toán và đề xuất EVN có cơ chế phối hợp cùng Bộ hỗ trợ các địa phương xây dựng trạm bơm từ nguồn kinh phí tiết kiệm được này.

Bên cạnh đó, theo ông Tỉnh, hiện nay một số tỉnh như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh... đang hạ cốt trạm bơm để lấy nước phục vụ sản xuất trong bối cảnh mực nước sông đang ngày một xuống thấp do nguồn cung hạn chế.

 

Xem thêm
Cà phê có thể bị tiêu hủy nếu vi phạm quy định kiểm dịch của Mexico

Thông báo ngày 21/3 của Mexico sửa đổi các yêu cầu kiểm dịch thực vật hạt cà phê Arabica và Robusta nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.