Thăm và làm việc với Trường Cao đẳng Việt Xô và Trường Cao đẳng Cơ giới Ninh Bình tại TP. Tam Điệp ngày 19/6, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết, ông rất bất ngờ với cơ sở vật chất, nguồn nhân lực và số lượng học sinh đông đảo của hai cơ sở giáo dục nghề nghiệp nằm trong 8 cơ sở dậy nghề chất lượng cao của Bộ NN-PTNT.
Theo Bộ trưởng, sở dĩ phải đổi mới căn bản, toàn diện và đổi mới giáo dục theo hướng mở, thực học, thực nghiệp lấy người học làm trung tâm, bởi giáo dục ngày nay không chỉ đơn thuần là truyền dạy kiến thức. Giáo dục giai đoạn trước của chúng ta theo phương pháp biến một cái đầu rỗng thành đầu đặc, tức nhồi nhét chữ và kiến thức thật nhiều cho các em.
Nhưng trong cuộc cách mạng 4.0 diễn ra quá nhanh, không ai biết được 5 năm sau nghề nào còn, nghề nào mất. Đơn cử như ngành ngân hàng, chỉ trong vòng vài năm đã chuyển từ tiền mặt sang thẻ ATM và nay chuyển sang ví điện tử, chỉ cần chiếc điện thoại thông minh đã thanh toán được mọi hàng hóa.
"Giáo dục ngày nay nên thay đổi phương pháp, hãy biến những cái đầu rỗng thành đầu mở. Học sinh, học viên ngày nay cần phải có tư duy phân tích, tư duy logic, tư duy phản biện, để khi xuất hiện cái mới, các em tự có nhu cầu tìm hiểu, khám phá. Rồi cũng đến một lúc nào đó, chúng ta cũng không cần phải đến giảng đường để dạy và học trực tiếp nữa mà học online ở đâu cũng được. Các nhà trường cần nhận thức rõ xu hướng này để có sự dịch chuyển cho phù hợp", ông Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Lấy đạo cụ trực quan từ việc các thầy cô Khoa Chế biến món ăn, Trường Cao đẳng Cơ giới Ninh Bình đang mix pha chế các loại đồ uống từ nhiều loại trái cây khác nhau, Bộ trưởng Lê Minh Hoan gợi ý, hai nhà trường hoàn toàn có thể áp dụng phương pháp mix vào trong giảng dạy.
Theo đó, bên cạnh những giờ thực hành, giờ lí thuyết, các nhà trường nên có các khẩu hiệu, slogan treo ở những nơi trang trọng, các bài ngoại khóa, giờ nói chuyện để truyền cảm hứng cho các em, để các em thấy rằng, trong thời đại ngày nay nghề nào cũng là nghề cao quý. Học đại học, cao đẳng, trung cấp hay sơ cấp đều bình đẳng. Không có bất cứ thứ bậc, địa vị nào phân chia tầng lớp, giai cấp giữa các nghề nghiệp trong xã hội.
Đặc biệt, các nhà trường phải cho các em động lực để khởi nghiệp. Học nghề sửa chữa ô tô sau này ra trường không chỉ đơn thuần làm một anh thợ tại gara hay công ty nào đó mà phải có khát vọng trở thành chủ một gara hay chủ một công ty về ô tô.
Lấy dẫn chứng về câu chuyện dạy và học của người Nhật, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhắn nhủ với các thầy cô hai nhà trường rằng, dạy cũng chính là đi học lần thứ 2. Bởi theo Bộ trưởng, các nước phát triển họ coi trọng truyền cảm hứng, khơi gợi sáng tạo còn quan trọng hơn cả truyền đạt kiến thức.
“Việc máy móc dần thay thế con người là tất yếu của quy luật phát triển, nhưng tôi lo lắng nhất là việc con người trở nên máy móc. Con người khác rô-bốt là có cảm xúc, có thái độ làm việc. Thước đo của các nhà trường ngày nay không chỉ gói gọn trong những thành tích về khen thưởng, đào tạo mà còn bao hàm cả việc đem lại hạnh phúc, tự hào cho học sinh, cho gia đình, làng quê nơi các em sinh ra và lớn lên khi đào tạo ra những công dân thành công mang lại lợi ích tốt đẹp cho xã hội", Bộ trưởng Lê Minh Hoan.
Thầy Phạm Ngọc Vũ, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Việt Xô cho biết, nhà trường đến nay đã đào tạo trên 31.000 học sinh, sinh viên, trên 95% có công ăn việc làm đúng ngành nghề. Riêng tại tỉnh Đồng Tháp, cơ sở của Trường Cao đẳng Việt Xô trong những năm qua đã phối hợp Trung tâm Đào tạo việc làm của tỉnh đào tạo được trên 8.000 học sinh và hơn 2.600 lao động xuất khẩu.
Định hướng chiến lược phát triển Nhà trường giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2030 đã được Bộ NN-PTNT phê duyệt, Trường Cao đẳng Việt Xô trở thành 1 trong 8 trường cao đẳng nghề chất lượng cao của Chính phủ thuộc Bộ NN-PTNT.
Bên cạnh đó, nhà trường tiến hành liên kết với Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao mở các nghề liên quan trồng trọt, cây ăn quả. Phối hợp Liên minh HTX Ninh Bình mở một số ngành nghề về sản xuất, chế biến rau sạch, rau hữu cơ.
Thầy Dương Văn Cường, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ giới Ninh Bình cho biết, nhà trường ra đời năm 1970 với mục tiêu phục vụ phát triển thủy lợi của đất nước. Hiện theo nhu cầu của xã hội và đặt hàng của doanh nghiệp, các ngành nghề đào tạo chủ yếu của nhà trường là phi nông nghiệp. Tuy nhiên, trong những năm gần đây nhà trường mở thêm nghề chế biến món ăn và hiện rất thành công. Tơi đây, nhà trường mong Bộ NN-PTNT và các đơn vị trong Bộ hỗ trợ giúp nhà trường mở thêm nghề chăn nuôi, thú y để đào tạo nguồn nhân lực cho các trang trại, gia trại khu vực nông thôn.