| Hotline: 0983.970.780

Bộ trưởng Ngô Tấn Nhơn - Tả xung hữu đột trong kháng chiến

Thứ Năm 01/06/2017 , 08:01 (GMT+7)

Vừa nhậm chức Bộ trưởng Canh nông được hơn 1 tháng thì chiến tranh Pháp - Việt nổ ra. Bộ trưởng Ngô Tấn Nhơn cùng Chính phủ tả xung hữu đột trong điều kiện đất nước có chiến tranh để giữ vững ngành nông nghiệp.

Chính sách thời chiến

Suốt 15 năm trực tiếp gắn bó với ngành nông nghiệp, trong đó có 8 năm làm Bộ trưởng Bộ Canh nông (nay là Bộ NN-PTNT) trong Chính phủ, kỹ sư Ngô Tấn Nhơn (1914-2005) đã để lại những dấu ấn lớn trong việc xây dựng nền nông nghiệp nước nhà.

14-59-33_bt-ngo-tn-nhon
Bộ trưởng Ngô Tấn Nhơn (1914 - 2005)

Khi tra cứu tư liệu về Bộ trưởng Canh nông Ngô Tấn Nhơn ở các Trung tâm Lưu trữ Quốc gia, chúng tôi tiếp cận với một hệ thống tư liệu khá hoàn chỉnh về những đóng góp của ông đối với ngành nông nghiệp. Dù thời gian ông mới nhậm chức không lâu thì Toàn quốc kháng chiến nổ ra. Chính phủ phải dời Hà Nội lên Chiến khu Việt Bắc. Bộ Canh nông cũng theo ông tản cư về Thanh Hóa. Trong tình thế chiến tranh, Bộ trưởng Ngô Tấn Nhơn đã đưa ra một kế hoạch sản xuất tự cấp, tự túc trong kháng chiến.

Ở Thanh Hóa, ngày 30/12/1946, ông ký Nghị định số 668/BCN tổ chức địa phận nước Việt Nam thành những khu vực canh nông. Ở mỗi khu có một Ban Canh nông, gọi là Ban Canh nông khu, gồm có những nhân viên thuộc Bộ Canh nông. Ban Canh nông có nhiệm vụ: Thay mặt Bộ Canh nông trông coi công việc chuyên môn trong tỉnh và giúp Ủy ban kháng chiến khu về phương diện Canh nông.

Ngày 16/2/1947, ông ký Sắc kệnh số 17-SL cải tổ Sở Khẩn hoang di dân trong Nha Nông chính thành “Nha Khẩn hoang di dân” trong Bộ Canh nông. Trước đó, ngày 12/2/1947, Bộ trưởng Ngô Tấn Nhơn đã ký Nghị định liên Bộ số 161-BTC tổ chức Nha Tín dụng sản xuất có nhiệm vụ giúp cho các tư nhân, các đoàn thể công nghiệp hay hành chính vay tiền để làm những công tác sản xuất chế hóa, tàng trữ hay lưu thông các sản vật và tất cả những công tác có mục đích tăng gia và cải thiện việc sản xuất.

Trước tình thế tản cư có nhiều trâu bò cầy cấy bị đem giết thịt, nhận thấy trong nước thiếu trâu bò để cầy bừa và cần thiết phải bảo vệ gia súc cho nông nghiệp, Bộ Canh nông, Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ đã ra Nghị định liên Bộ số 30-NV ngày 24/2/1947 đặt ở các tỉnh có chiến sự một Ủy ban mua trâu bò đặt tại các tỉnh có chiến sự Hà Đông, Nam Định, Hải Dương, Kiến An, Bắc Giang, Quảng Trị, Thừa Thiên… Ủy ban này có nhiệm vụ mua trâu bò của dân tản cư trong tỉnh; rồi đưa trâu bò đến những nơi an toàn ở hậu phương để tăng gia sản xuất.
 

Đặc phái viên Chính phủ tại Nam bộ

Giữa năm 1947, Bộ trưởng Ngô Tấn Nhơn được lệnh về Nam theo Sắc lệnh của Hồ Chủ tịch làm đặc phái viên của Chính phủ bên cạnh Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ.

Trên cương vị là Bộ trưởng Bộ Canh nông và Đặc phái viên của Hồ Chủ tịch tại Nam Bộ, ông Ngô Tấn Nhơn đã góp phần thực hiện thành công mô hình cải cách ruộng đất tại căn cứ địa Đồng Tháp Mười rộng 600 nghìn ha.

Bằng kinh nghiệm thực tiễn của người con Nam Bộ, ông Ngô Tấn Nhơn đã đề ra đường lối và chỉ đạo thực hiện thành công một mô hình phát triển kinh tế mà mũi chủ đạo là nông nghiệp và tài chính. Ông chọn cách thức tổ chức thực hiện đưa ra là giải phóng lực lượng sản xuất như cải cách ruộng đất, chia ruộng cho nông dân nhưng không đấu tố lấy hết đất và tài sản của tầng lớp trung nông địa chủ, cho nông dân vay tín dụng không lãi, in tiền cung cấp đủ cho các hoạt động kinh tế, giao thương hàng hóa các vùng.

Để tập trung phát triển sản xuất lương thực, Nam Bộ không những chỉ trồng lúa ở Đồng Tháp Mười, mà còn trồng hoa màu ở Đông Nam Bộ làm cho nhân dân khu căn cứ địa từ thiếu lúa ăn đến có đủ lúa ăn và có thừa lúa tiếp tế cho các vùng khác như Nam Trung Bộ. Thành công từ chính sách nông nghiệp mang thực tiễn Nam Bộ đó đã biến một vùng đất hoang hơn nửa triệu héc ta, muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội như bánh canh, chỉ có một ít lúa trời sớm thành một vựa lúa lớn. Nơi đó trở thành căn cứ địa ngày càng vững chắc của cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ.

Đầu năm 1954, ông không làm Bộ trưởng Canh nông nữa. Tuy nhiên, từ đó đến năm 1964, suốt 10 năm, ông đã giữ những trọng trách đều gắn với ngành Nông nghiệp: Ủy viên Thường trực Ban Kinh tế Chính phủ chuyên trách Nông nghiệp, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Phủ Thủ tướng (nay là Văn phòng Chính phủ) chuyên trách Nông nghiệp...

Một trong những đóng góp hết sức quan trọng của ông Ngô Tấn Nhơn thời gian này là đề ra chiến lược phát triển nông nghiệp giai đoạn những năm đầu của sự nghiệp xây dựng CNXH, với phương châm: “Lấy cải tạo nông nghiệp và phát triển sản xuất nông nghiệp làm cơ sở để phát triển toàn diện nền kinh tế quốc dân”. Phương châm đó đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị. Ngành NN-PTNT trong những năm gần đây đã và đang khẳng định vai trò to lớn trong nền kinh tế đất nước.

Bộ trưởng Ngô Tấn Nhơn (1914 - 2005) sinh tại xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang). Ông tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1930, từng bị địch bắt và tù đày. Ông là kỹ sư canh nông thời Pháp thuộc và là một trong những thủ lĩnh của “Thanh niên Tiền phong” tham gia lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng 8/1945 tại Sài Gòn - Chợ Lớn. Ông còn là Đại biểu Quốc hội suốt 4 khóa liên tục từ năm 1946 đến 1971.

Ghi nhận công lao của ông Ngô Tấn Nhơn, Đảng và Nhà nước đã trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất. Năm 2014, Bộ NN-PTNT đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 100 năm sinh cố Bộ trưởng Ngô Tấn Nhơn.

 

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất