| Hotline: 0983.970.780

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: 'Chúng ta có thể biến điều bất lợi thành lợi thế...'

Thứ Sáu 12/08/2016 , 07:45 (GMT+7)

Với 278ha đất ruộng bị đất đá vùi lấp với bề dày 1,5 - 2m ở tỉnh Lào Cai, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, Trưởng ban Chỉ đạo TƯ về phòng, chống thiên tai, cho rằng, chúng ta hoàn toàn có thể biến điều bất lợi thành lợi thế bằng cách cải tạo đất để chuyển đổi từ lúa sang trồng rau màu...

Sáng tạo trong khôi phục sản xuất

Tới thăm huyện Bát Xát - vùng đất đau thương nhất do bão số 2 tàn phá, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận định: “Đây là cơn bão cực đoan nhất trong vòng 15 năm qua”.

Tại cánh đồng Lá Chao (xã Quang Kim), những thửa ruộng lúa xanh tốt giờ đã biến thành một vùng bãi bồi trắng xóa cao hơn nguyên trạng gần 2m.


Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường bốc một nắm đất trên tay vê vê một hồi rồi nói: Đất này đã bị pha cát, không thể trồng lúa được
 

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường bốc một nắm đất trên tay vê vê một hồi rồi nói: Đất này đã bị pha cát, không thể trồng lúa được. Nếu múc đất lên khoảng 1,5 - 2m thì tốn quá nhiều tiền và thời gian khắc phục rất lâu. Nhưng, chúng ta có thể biến điều bất lợi thành lợi thế sản xuất nông nghiệp. Bãi bồi rộng mênh mông (84,2ha) này có thể chuyển đổi thành vùng khu trồng rau màu tập trung theo hướng hàng hóa, với giá trị cao hơn.

Trước mắt, cần hỗ trợ gạo cho người dân bị thiệt hại để họ có đủ lương thực trong vòng 6 tháng. Kế đến là cải tạo mặt bằng, hỗ trợ phân bón cải tạo đất, hỗ trợ giống để người dân gieo trồng. Ở những khu vực canh tác dễ dàng, có thể trồng khoai tây, khoai lang và các loại rau.

“Tôi thấy trên Sa Pa tiêu thụ rất tốt các loại rau sạch, ngô nướng, khoai lang nướng. Vì sao chúng ta không trồng những thứ đó mà phải nhập từ tỉnh ngoài, nước ngoài?”, Bộ trưởng đặt câu hỏi.

18-55-33_nh-bo-1
Tại cánh đồng Lá Chao, nơi có 84ha đất ruộng bị vùi lấp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo chuyển đổi sang trồng rau màu

 

Ở những khu vực mà tỷ lệ đất pha cát cao, nghèo dinh dưỡng hơn, cần trồng đậu tương, lạc. Mục tiêu tối thượng của vụ màu đầu tiên không phải là hiệu quả kinh tế, mà chủ yếu sử dụng nguồn cây xanh đó để cải tạo đất và hình thành một vùng sản xuất mới.

Bộ trưởng cũng lưu ý, người dân địa phương có tập quán trồng lúa nhiều đời. Nên khi chuyển đổi cây trồng, chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn về vấn đề kỹ thuật. Cục Trồng trọt, Trung tâm Khuyến nông Trung ương phải huy động cán bộ về Lào Cai, phối hợp với ngành Nông nghiệp của tỉnh và địa phương tập huấn kiến thức cho bà con.

Với diện tích thủy sản bị thiệt hại, cần thiết phải khôi phục ngay. Tuy nhiên, phải tính toán rất thận trọng, nhất là những giống thủy sản nước ngọt ưa ấm. Bởi chỉ còn 3 - 4 tháng nữa là đến mùa giá rét. Phải cảnh báo sớm và hướng dẫn nhân dân lựa chọn những giống cá có kích thước và trọng lượng lớn hơn bình thường.

 

Không để dân đói, khát

Đoàn công tác tiếp tục men theo dòng suối để vào xã Phìn Ngan, cách xã Quang Kim gần 10 km. Đâu đâu cũng thấy khung cảnh đổ nát, hoang tàn. Một số cầu treo, một nhà máy thủy điện nhỏ, hàng trăm cột điện bị gãy đổ, vùi lấp.

Hoa màu, cây cối bật gốc, nằm lổng chổng khắp nơi. Độ rộng lòng suối trước đây rất hẹp, bây giờ biến thành sông sâu. 17 trong tổng số 34 ngôi nhà ven suối tại bản Sùng Hoảng 2 (xã Phìn Ngân) đã bị những dòng nước dữ như trận “đại hồng thủy” cuốn trôi.

Đêm mùng 4, rạng sáng ngày mùng 5/8, 3 người dân đang trên đường sơ tán đã bị thiệt mạng. Đến nay, mới có 1 nạn nhân được tìm thấy tại xã Bảo Thắng (cách nơi bị lũ cuốn vài chục km). Tổng số 59 hộ dân với 400 nhân khẩu trong khu vực xung yếu phải bỏ nhà lánh nạn ở nơi an toàn hơn.

18-55-33_nh-bo3
Huyện Bát Xát thiệt hại nặng sau bão số 2

 

Tại UBND xã, hàng cứu trợ của các nhà hảo tâm được bầy khắp nơi, người dân đến nhận rất đông. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường hỏi Chủ tịch UBND xã Tẩn Láo Tả: “Hiện tại đời sống của nhân dân ra sao? Tinh thần thế nào?”.

Ông Tả cho biết, những ngày đầu, 59 hộ dân kể trên rất hoang mang. Một số người trong số đó đã xin cấp xã, huyện được chuyển đi địa phương khác an toàn hơn.

Tuy nhiên, chính quyền đã kịp thời thăm hỏi động viên và hứa sẽ tìm chỗ ở để họ ổn định cuộc sống. Trước mắt, mỗi hộ dân bị thiệt hại sẽ được nhà nước hỗ trợ 15kg gạo/khẩu, cộng với các nhà hảo tâm trợ giúp đỡ, tổng số gạo mỗi khẩu nhận được là 40 - 50kg và một ít mì tôm, nhu yếu phẩm thiết yếu.

Bộ trưởng đề nghị tỉnh Lào Cai phải ngay lập tức cử cán bộ xuống thực địa, hỏi nguyện vọng của các hộ dân trong vùng nguy hiểm. Nếu người dân muốn di dời đến khu tái định cư tập trung thì phải làm khu tái định cư ngay. Nếu họ muốn định cư xen với các hộ có điều kiện (ngoài khu tái định cư) thì nhanh chóng cấp tiền hỗ trợ họ di dời và ổn định cuộc sống tại nơi ở mới.

“Phải làm theo ý dân. Nhưng, bằng cách nào cũng phải đảm bảo rằng, khi đến nơi ở mới, dân sẽ được đảm bảo sinh kế để phải có cuộc sống ổn đinh lâu dài”, Bộ trưởng nhấn mạnh.


Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thăm xã Phìn Ngan

 

Việc đảm bảo nước phục vụ dân sinh cũng được Bộ trưởng đặc biệt quan tâm. Bởi theo ông, người Dao sống ở Bát Xát rất nhiều. Họ có tập quán sinh sống gần các khe suối, họ không khoan giếng mà chủ yếu dẫn nguồn nước từ khe suối về. Hiện tại, nước ở những khu vực này rất đục và mất vệ sinh. Cần phải chỉ đạo ngành y tế cấp thuốc xử lý môi trường nước để đảm bảo sức khỏe nhân dân và tránh lây lan dịch bệnh. Bên cạnh đó, phải tìm mọi cách để xây dựng cầu qua suối, không để người dân phải sống trong cảnh… bị cô lập.

Đến ngày 10/8, mặc dù không còn mưa nhưng Lào Cai vẫn ghi nhận thêm 2 nạn nhân bị thiệt mạng do lũ từ thượng nguồn về, nâng tổng số người thiệt mạng lên 9 người, gần 1.200 nhà bị thiệt hại, 120 nhà phải di dời khẩn cấp.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Lào Cai, tổng diện tích lúa bị ngập khoảng 10.000 ha, đến nay 6.000 ha trong số đó đã được tiêu úng. Ngoài ra còn có 278 ha lúa bị đất đá vùi lấp hoàn toàn, không thể khôi phục sản xuất.

Với 6.000ha lúa vừa thoát úng, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo ngành Nông nghiệp cần tích cực chăm bón tốt, bám đồng làm nông để tăng năng suất lúa, bù đắp thiệt hại cho các diện tích bị mất trắng. Đồng thời, yêu cầu UBND tỉnh Lào Cai nhanh chóng đề xuất các mô hình sản xuất mới, phù hợp với chất đất tại các chân ruộng bị vùi lấp hoàn toàn. Bộ NN-PTNT sẽ tạo điều kiện hỗ trợ hết mức có thể.

+ “Việc cấp thiết nhất lúc này là hỗ trợ gạo cho 557 hộ, với gần 2.700 nhân khẩu bị thiệt hại do thiên tai ở Bát Xát, Sa Pa, Si Ma Cai và Bắc Hà, đặc biệt là hơn 100 hộ dân phải di dời đi nơi khác, không để dân thiếu đói và hoang mang”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường.

+ Bà Hạ Thúy Hạnh, PGĐ Trung tâm Khuyến nông Trung ương, khẳng định: Trung tâm sẽ ưu tiên bố trí kinh phí và nhân lực để xây dựng mô hình sản xuất một số giống ngô lai, khoai lang Nhật, đậu tương ngắn ngày; mô hình chăn nuôi gà ri lai và gà đông tảo lai… ngay trong năm nay.

Đồng thời, có thể bố trí ngân sách khoảng 1 tỷ đồng để mở lớp đào tạo tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho bà con.

 

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giá đất bồi thường thấp hơn giá thị trường ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng

THỪA THIÊN - HUẾ Giá bồi thường đất ở, đất trồng rừng sản xuất thấp hơn nhiều so với giá thị trường dẫn đến công tác giải phóng mặt gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm