| Hotline: 0983.970.780

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Hạn chế mở trường đại học, xiết chặt đào tạo

Thứ Năm 12/06/2014 , 09:34 (GMT+7)

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thừa nhận chất lượng giáo dục hiện nay còn quá kém, nặng về chữ nhẹ thực hành, chỉ chú trọng về quy mô, số lượng mà chưa chú ý đến chất lượng.

Chất lượng giáo dục đào tạo kém, không theo kịp với nhu cầu thực tiễn, tình trạng thừa thầy thiếu thợ, sinh viên ra trường không có việc làm và bất cập trong đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ… là những vấn đề được các ĐBQH chất vấn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận (ảnh) sáng 11/6.

lun180607926

Nặng dạy chữ, nhẹ thực hành

Đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng, ĐB Thân Đức Nam (Đà Nẵng) nêu số liệu thống kê vẫn còn tới 75 ngàn sinh viên ra trường không có việc làm và đề nghị Bộ trưởng lý giải nguyên nhân dẫn tới hiện tượng này là do chất lượng đào tạo hay do cơ cấu đào tạo?

ĐB Tô Văn Tám (KonTum) thì cho rằng tỉ lệ 50% sinh viên bị đánh giá năng lực kém là chỉ dấu đáng lo ngại cho nền giáo dục. Trả lời, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thừa nhận chất lượng giáo dục hiện nay còn quá kém, nặng về chữ nhẹ thực hành, chỉ chú trọng về quy mô, số lượng mà chưa chú ý đến chất lượng. Giai đoạn 2006-2010, số lượng trường ĐH mở mới lên tới hơn 100 trường.

Bên cạnh đó năng lực đào tạo của nhiều trường còn yếu chưa đáp ứng nhu cầu xã hội, chương trình đào tạo cũng không thiết thực, chưa chú trọng đào tạo kĩ năng mềm để sinh viên dễ bắt nhịp với thực tiễn. Để cải thiện tình hình, Bộ GD-ĐT đã thắt chặt quản lý cấp phép các trường, tránh tình trạng mở trường ĐH mà không có cơ sở vật chất đầy đủ, thiếu giáo viên giảng dạy.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Độ trễ cung cầu trong thị trường lao động là hiện tượng khách quan

Mỗi năm 400 ngàn sinh viên tốt nghiệp, 5 năm là 2 triệu, vậy con số 75 ngàn người ra trường không có việc làm thì tỉ lệ chỉ trên 3,6%. Khi thị trường lao động đã xuất hiện thì độ trễ cung cầu là một hiện tượng khách quan. Và chúng tôi đã phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH để cân đối cung – cầu.

Cụ thể, Bộ đã ra thông báo sẽ không mở mới các trường ĐH trừ trường hợp đặc biệt liên quan đến an ninh quốc phòng. Đồng thời, các chuyên ngành mở thêm cũng phải xem xét, những ngành nghề đã có quy mô lớn, nhiều học sinh như tài chính, ngân hàng, sư phạm thì không cấp phép mở mới nữa và chỉ ưu tiên cho những ngành nghề đang thiếu.

“Vì vậy, các tỉnh đang có mong muốn mở trường ĐH thậm chí đã có Nghị quyết Tỉnh ủy về việc mở trường thì xin hết sức chia sẻ với Bộ”, ông Luận nói. Về cung ứng nhân lực cho thị trường, Bộ đã phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH để tính toán chương trình, chỉ tiêu đào tạo cho phù hợp nhu cầu thị trường nhân lực.

Tiến sĩ nhiều, nghiên cứu chẳng bao nhiêu

Cho rằng nước ta có quá nhiều tiến sĩ, số lượng tiến sĩ nhiều bậc nhất trong khu vực nhưng hoạt động nghiên cứu khoa học thì lại rất hạn chế. “Dường như bằng tiến sĩ chỉ để làm lợi thế cho một số trường hợp trong xã hội mà không phục vụ nghiên cứu?", ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Phạm Vũ Luận về giải pháp chấn chỉnh tình trạng đào tạo tiến sĩ.

Nội dung này, Bộ trưởng Luận cho biết đã có quy định cấm các trường đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ngoài cơ sở chính của nhà trường (trừ trường hợp đặc thù) và số lượng chỉ tiêu đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ cũng được điều chỉnh giảm đi.

db-nguyen-mnh-cuong195907899
ĐB Nguyễn Mạnh Cường: "Dường như bằng tiến sỹ không phải phục vụ nghiên cứu mà dùng vào việc khác"

Số liệu 34 ngàn tỉ là lỗi “kĩ thuật”

Giải trình về con số 34 ngàn tỉ để xây dựng Đề án cải cách giáo dục, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết số liệu này là lỗi kĩ thuật vì trước đó Bộ GD-ĐT đã trình bày Đề án trước UBTVQH mà không có số tiền dự kiến này. Số liệu này không được bàn bạc thống nhất từ trước mà chỉ do một cán bộ cấp vụ khái toán về khả năng xã hội hóa đầu tư vào giáo dục chứ không phải là vẽ đề án để tiêu tiền ngân sách nhà nước.

Bộ cũng đã ban hành quy chế đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ mới và đến ngày hôm nay thì quy chế đào tạo thạc sĩ đã có hiệu lực, còn quy chế đào tạo tiến sĩ thì chưa. Nội dung, quy chế mới sẽ ràng buộc trách nhiệm của người đào tạo, hướng dẫn và khuyến khích tạo điều kiện để các cơ sở đào tạo trong nước kết hợp phương pháp đào tạo nước ngoài, mời chuyên gia nước ngoài.

Loại bỏ thành tích, loại bỏ cơ chế xin cho

Chất vấn Bộ trưởng Phạm Vũ Luận về hệ lụy của căn bệnh thành tích, ĐB Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) nêu: “Tình trạng học sinh không đọc thông viết thạo vẫn lên lớp khá phổ biến có phải nguyên nhân bệnh thành tích trong giáo dục? Tỉ lệ học sinh khá giỏi quá nhiều có phản ánh đúng chất lượng đào tạo?”.

Bộ trưởng Luận thẳng thắn thừa nhận ở đây có liên quan đến căn bệnh thành tích và Bộ đã rà soát loại bỏ quy định đánh giá giáo viên, nhà trường thông qua đánh giá thành tích học tập của học sinh.

Bộ trưởng cho biết thêm, thời gian qua Bộ GD-ĐT không chỉ loại bỏ được căn bệnh thành tích mà còn loại bỏ được cơ chế xin, cho trong việc phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh bằng cách phân chỉ tiêu của từng trường theo số lượng giảng viên cơ hữu và ưu tiên cho các trường có số lượng giảng viên cao cấp có học vị tiến sĩ.

Bộ cũng đã kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh quy mô đào tạo và Thủ tướng đã quyết định điều chỉnh chỉ tiêu từ 400 ngàn sinh viên còn hơn 200 ngàn sinh viên.

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.