| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 10/11/2014 , 08:15 (GMT+7)

08:15 - 10/11/2014

Bộ trưởng vướng… quy trình

“Dù bắt được quả tang cấp dưới làm sai, làm bậy, nhưng Bộ trưởng cũng không có quyền cách chức được, vì làm như vậy là sai quy trình”. 

Đó là lời chia sẻ, hay chính xác hơn, là một lời than thở, của Bộ trưởng Bộ GT-VT Đinh La Thăng với báo chí, tại buổi thảo luận tổ về Dự án Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi) ngày 7/11/2014.

Quy trình là gì vậy?

Nó có gì ghê gớm đến nỗi một vị tư lệnh ngành, khi đã “bắt quả tang” cấp dưới của mình làm sai, làm bậy, không chỉ gây thiệt hại cho nhà nước hàng tỷ đồng, mà kèm theo đó còn là không biết bao nhiêu hệ lụy khác do chất lượng công trình bị ảnh hưởng, nhưng vẫn không thể cách chức, cử người khác thay vào vị trí đó ngay tại chỗ?

Nói nôm na, thì quy trình là những trình tự được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật về việc bổ nhiệm một người vào một chức vụ nào đó, và cũng như vậy, là để cách chức, loại một người ra khỏi một chức vụ nào đó.

Đối với một doanh nghiệp tư nhân, thì cái gọi “quy trình” đó chẳng có ý nghĩa gì hết. Từ cấp phó trở xuống, nếu làm ẩu, làm sai, làm bậy, ông chủ có quyền cách chức, thậm chí đuổi cổ ngay mà không cần thông qua người này người khác hay tổ chức hết cuộc họp này đến cuộc họp khác.

 Hệ thống nhân sự điều hành của doanh nghiệp cũng như một cỗ máy. Khi cỗ máy bị hỏng chi tiết nào, người chủ sử dụng cỗ máy sẽ loại ngay chi tiết ấy, thay vào đó bằng chi tiết mới. Thế là nó lại vận hành trơn tru.

Nhưng với những cán bộ, công chức nhà nước, vấn đề hoàn toàn khác.

Lâu nay, tất cả đều phải theo “quy trình”. Quy trình bổ nhiệm một người đã rất nhiêu khê. Nào phải phát hiện (việc “phát hiện” là quyền của một vài người lãnh đạo, nên nhiều khi họ… phát hiện toàn con ông cháu cha, học hành lởm khởm, vô đức bất tài) để đưa người đó vào diện quy hoạch nguồn.

Nào bồi dưỡng. Nào lấy phiếu thăm dò tín nhiệm (không thiếu trường hợp chạy phiếu, mua phiếu)…

Rồi cuối cùng mới bổ nhiệm.

Còn quy trình “hạ bệ” một người, lại còn nhiêu khê hơn. Khi ông Bộ trưởng bắt quả tang một cán bộ dưới quyền mình làm ẩu, làm sai, thì ông phải ra quyết định giao cho thanh tra làm rõ.

Cuộc thanh tra sẽ kéo dài một, thậm chí nhiều tháng trời (có kết luận thanh tra rồi, nhiều khi người bị thanh tra còn khiếu nại hết cấp này đến cấp khác).

Và khi đã có kết luận thanh tra rồi, lại phải họp kiểm điểm, sau đó Bộ mới thành lập Hội đồng kỷ luật. Hội đồng, tất nhiên là có nhiều người. Mà đã nhiều người thì nhiều ý, kẻ đấm người xoa, kẻ muốn xử lý nghiêm, người muốn “dĩ hòa vi quý”…

Đã làm đến một chức vụ nào đó, người ta có rất nhiều mối quan hệ trên, dưới chằng chịt trong ngành, ngoài ngành của mình, thậm chí còn được người ở cấp cao hơn “chống lưng”.

Thế cho nên “Khoảng thời gian (thanh tra hay họp kiểm điểm) đó, đủ để người sai phạm đi nhờ vả hết người này đến người khác can thiệp, không thể cách chức được. Nếu cách chức ngay khi bắt quả tang làm sai, làm ẩu, người làm sai, làm ẩu đó không chạy được. Nhưng nếu làm thế thì sai quy trình”. Vẫn lời của Bộ trưởng Đinh La Thăng.

Hãy kiên quyết loại bỏ cái gọi là “quy trình” ấy đi, để “gỡ vướng” cho các vị tư lệnh ngành.

Bắt quả tang làm sai, làm ẩu là cách chức ngay. Người tài ở nước mình không thiếu.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm