| Hotline: 0983.970.780

Bò Úc 'húc tung' người Việt

Thứ Năm 29/06/2017 , 13:15 (GMT+7)

Không chỉ nông dân bị “húc tung” mà còn nhiều nhà nhập khẩu cũng lao đao, sắp phải bỏ chạy bán xới vì những cú húc của giống gia súc không sung - bò Úc…

Tăm tối không có tương lai

1.500 con bò Úc mới nhập đứng ngồi loạng choạng trên nền chuồng bê bết phân, say lử lả vì gặp sóng to gió lớn trong chuỗi ngày lênh đênh nửa tháng ròng ngoài biển từ xứ sở kangaroo vượt vài ngàn cây số về đất Việt. Nhưng chúng cũng không mệt bằng cơn “say sóng” của những nhà nhập khẩu bò trước một viễn cảnh tối tăm của nghề. Cái nắng gay gắt từ trên trời hắt xuống, từ dưới mái tôn thấp lè lè hất ngang khiến cho mặt ông Hoàng Dũng -Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xuất nhập khẩu Súc sản và Gia cầm Hải Phòng (Animex) đanh lại, mắt ông nheo nheo ẩn giấu những muộn phiền.

17-47-32_dsc_8620
Bò Úc ở trại Animex Hải Phòng

Năm 2011, Animex từng là đơn vị tiên phong ở miền Bắc trong việc nhập khẩu bò Úc, khi đó Cty còn chưa có chuồng trại mà phải gửi sang Cty CP Giống bò thịt sữa Yên Phú (Ninh Bình) để nuôi gia công. Năm 2012 Việt Nam mới có 4 công ty nhập khẩu bò chia nhau thị trường hai đầu Nam Bắc. Việc nhập khẩu rồi nuôi vỗ béo bò Úc từng được Cục Chăn nuôi rồi Bộ Nông nghiệp và PTNT đặt nhiều kỳ vọng về một hướng chăn nuôi mới. Nhưng do có quá nhiều doanh nghiệp tham gia dẫn đến tình trạng “bội thực” nguồn cung, cạnh tranh không lành mạnh, soi mói, tung tin hạ độc, triệt tiêu nhau.

Ông Dũng bảo: Không đơn thuần như nuôi bò ta, khi nhập khẩu bò Úc phải đầu tư xây dựng chuồng trại, dây chuyền giết mổ, các trang thiết bị khác rất tốn kém. Bởi đơn vị cải tạo từ trại lợn thành trại bò nên tổng đầu tư mất có trên 20 tỉ chứ như Cty Hòa Phát, Hoàng Anh Gia Lai họ đầu tư rất lớn, cả trăm, cả ngàn tỉ. Khi nhập khẩu bò bắt buộc phải tuân thủ điều kiện của luật Úc (Úc có hệ thống đảm bảo chất lượng chuỗi cung ứng bên xuất khẩu gọi là ESCAS để đảm bảo động vật của họ được đối xử nhân đạo) nhưng nói thật là không doanh nghiệp nào của ta không vi phạm chỉ có điều ở mức độ nào mà thôi. Chuồng trại đã trót đầu tư rồi, hễ bị dừng lại, không cho nhập khẩu nữa thì tổn thất vô cùng lớn.

Trong khi đó, vai trò hiệp hội ở Việt Nam rất yếu, nội bộ các doanh nghiệp nhập khẩu lại mất đoàn kết nên không bảo được nhau, để cuối cùng bị các doanh nghiệp Úc ép buộc phải mua bò với giá đắt (trước giá 1 kg bò hơi chỉ hơn 2 USD thì nay đã là hơn 3 USD - PV).

Cũng theo ông Dũng: Trước đây đơn vị chúng tôi 1 tháng nhập 3 tàu số lượng 5.000-6.000 con bò theo tỷ lệ nuôi vỗ béo 50% còn 50% thịt luôn giờ phải 2 tháng mới dám nhập 1 tàu 1.500 con. Trong khi đó cả công nhân chế biến lẫn chăm sóc là 50 người, chi phí hàng tháng mất 300-500 triệu tính ra vẫn lỗ nhưng còn hơn nếu không nhập thì vẫn phải nuôi bộ máy không công, lỗ còn nặng hơn. Từ đầu năm đến nay đơn vị hầu như hoạt động không có hiệu quả. Nhập bò về rồi vỗ béo để giết mổ nay đã lỗi thời, không có tương lai nữa rồi.
 

Những cái chết được báo trước

Công ty CP Giống bò thịt sữa Yên Phú (Ninh Bình) từng là thủ phủ bò Úc ở phía Bắc nơi đó có những chàng cao bồi sớm chiều cầm phất trần điều khiển đàn bò hoang nhẹ nhàng như diễn xiếc nay không khí đã khá ảm đạm. Từ chỗ lúc nào cũng thường trực 5.000-6.000 con trong chuồng giờ số lượng đàn bò ở đây teo tóp, giảm xuống chỉ còn 1.000 con.

17-47-32_dsc_8950
Cho bò Úc ăn ở trại Yên Phú

Anh Lương Minh Tùng - Giám đốc Công ty CP Giống bò thịt sữa Yên Phú giải thích: Bản chất của doanh nghiệp Việt Nam nói đến cùng là tự hại lẫn nhau vì cạnh tranh xấu đủ thứ. Thực tế là doanh nghiệp này vi phạm 1 nhưng bị chính doanh nghiệp cạnh tranh kia tố lên 10 (vi phạm về ESCAS hệ thống đảm bảo chất lượng chuỗi cung ứng bên xuất khẩu của Úc). Thế nên khi phía Úc biết thông tin, họ cấm xuất khẩu bò với doanh nghiệp nào thì đơn vị đó sẽ gặp khó khăn ngay. “Giết nhau” là ở chỗ đấy!

Nói Việt Nam man di, mọi rợ giết bò bằng búa thì chính người Úc 30-40 năm trước cũng giết bò như thế nay mới dùng súng (một loại súng đặc biệt không hề có đạn mà chỉ bắn ra luồng khí với áp suất cực lớn vào đầu con bò, giết chết chúng ngay lập tức mà không hề đau đớn - PV). Họ không dùng giết bò bằng búa nữa vì làm thế thịt cứng, nhanh thối và không ngon. Súng bắn bò có giá từ 5.000- 20.000 USD nhưng ngược lại khi dùng khiến bò bị chết ngay lập tức, thịt rất mềm và ngon nên Úc ưa chuộng chứ không hẳn do súc quyền.

Còn nhớ mới ngày nào ông Hoàng Thanh Vân - Cục trưởng Cục Chăn nuôi trong cuộc chuyện trò với chúng tôi đã không kìm nén nổi sự mừng vui trong giọng nói khi kể về con bò Úc nhập về để vỗ béo và một vài con trong số đó đã đẻ ra những chú bê Úc đầu tiên trên đất Việt.

Khi được giới thiệu thì 99% doanh nghiệp nhập khẩu bò Úc ở Việt Nam đã nhanh chóng chuyển sang dùng súng bởi không quá tốn kém mà lại rất hiệu quả. Bởi thế mà vụ Việt Nam giết bò bằng búa tạ ầm ĩ trên báo chí Úc mấy năm trước để chính phủ nước này đe dọa trừng phạt các nhà nhập khẩu Việt Nam thực tế chỉ do một ông mua bò Úc loại thải. Bao giờ nhập về cũng có một tỷ lệ bò “dặt dẹo” sắp chết, các lò mổ thông thường sẽ không mua, phải bán cho các lò mổ kém hơn như người giết bò bằng búa tạ đấy chẳng hạn. Người giết bò bằng búa tạ ấy không trong hệ thống nào liên quan đến việc ký kết với Úc cả nên không đáng để phải làm ầm ĩ lên.

“Hết chuyện chơi xấu nhau kiểu trên là chuyện các doanh nghiệp lớn như Hoàng Anh Gia Lai phá hỏng thị trường. Bình thường, chúng tôi cứ nhập hết tàu bò này (2.000-3.000 con) về vỗ béo, xuất bán xong lại nhập tàu khác. Đùng cái họ nhập 30.000-40.000 con một lần, phá vỡ hết thị trường. Nhắm mắt nhập bò mà không nghiên cứu cung cầu nên cung đã vượt quá nhiều cầu. Thực tế nhập khẩu bò Úc hiện khoảng 75.000đ/kg hơi nhưng do cung vượt quá cầu nên 68.000-70.000đ/kg hơi cũng phải bán.

Việt Nam chúng ta có đất đâu, đồng cỏ đâu mà chăn bò? Nhập về toàn nuôi tập trung trong chuồng trại, suốt ngày băm cỏ, nhét vào mồm bò nên chi phí rất cao khác hẳn với nước Úc chăn thả tự do, hoang dã, không mất mấy chi phí. Với công nghệ vỗ béo đó của ta, miệng ăn núi lở, tốn kém nhiều mà giá bán lại hạ nên sinh ra lỗ”. Anh Tùng khẳng định.

Ngành nhập khẩu bò Úc ở Việt Nam đã chết từ 2 năm rồi. Quãng 2012-2014 còn làm ăn được nhưng giờ thì chết hẳn. Số lượng nhập khẩu giảm, số lượng hàng tồn nhiều, doanh nghiệp nào cũng phải chấp nhận bán lỗ. Xu thế loạn thế này phải mất vài năm nữa may ra thị trường mới trở lại khi các doanh nghiệp phá hoại thị trường chết hết vì đã đầu tư cả trăm, cả ngàn tỉ vào xây dựng chuồng trại mà lại không nghiên cứu kỹ thị trường.

“Mình nhập khẩu bò nhưng bán đi đâu phía Úc cũng kiểm soát hết từ giá cả đến chỉ định các lò mổ. Suốt ngày họ “ngồi lên đầu mình” thì còn làm ăn gì nữa? Theo tôi đó chỉ là chiêu trò nhân danh súc quyền mà thôi. Bao nhiêu điều bất cập trong các quy định của Úc đã được những doanh nghiệp nhập khẩu bò kiến nghị biết bao lần rồi nhưng họ không sửa đổi gì cả”, ông Lương Minh Tùng - Giám đốc Công ty CP Giống bò thịt sữa Yên Phú.

 

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Đại hội đồng cổ đông năm 2024 của Tập đoàn GELEX diễn ra thành công

Sáng 28/3/2024, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX diễn ra tại Hà Nội, thông qua báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất