| Hotline: 0983.970.780

Bọ xít - thiên địch quý

Thứ Hai 18/10/2010 , 10:41 (GMT+7)

Thật ra, nếu phân tích khoa học thì bọ xít là một loại côn trùng lợi nhiều hơn hại.

Gần đây có khá nhiều thông tin về loài bọ xít hút máu người xuất hiện, đến mức dân chúng quá hoang mang, lo lắng và hiểu lầm. Có người còn trách: Tại sao với loài côn trùng nguy hiểm như thế, nhà nước lại chẳng có biện pháp nhanh, mạnh và dứt khoát để tiêu diệt hết đi cho tiện?

Thật ra, nếu phân tích khoa học thì bọ xít là một loại côn trùng lợi nhiều hơn hại. Đặc biệt hiện nay, trong nông nghiệp khi con người đã nhận thức được và đang cổ suý phương pháp canh tác sinh học bền vững, nông nghiệp hữu cơ. Nền nông nghiệp hữu cơ này vốn chủ trương canh tác theo kiểu tự nhiên (naturally), không dùng phân bón hoá học, không dùng thuốc trừ sâu… mà dùng phân bón sinh học, dùng cây trái tự nhiên (tiêu, ớt, tỏi…) và các thiên địch để trừ sâu, diệt bọ… Và người ta phát hiện ra rằng bọ xít là một loài thiên địch rất quý giúp nông dân diệt rầy nâu phá ruộng lúa, loại trừ các loại sâu hại rau xanh.

Thiên địch là gì?

Nhiều nước nông nghiệp như Việt Nam chúng ta, hiện nay có xu hướng dùng những sản phẩm bảo vệ thực vật thiên nhiên (natural pest control products). Những sản phẩm này thật sự rất an toàn cho con người, vật nuôi, thú hoang... cũng như rất thân thiện với môi trường. Phương pháp xử lý toàn diện IPM (Integrate Pest Management), tên gọi cho biện pháp bảo vệ thực vật mới, rõ ràng là rất tốt đẹp và nhiều hứa hẹn. Ngoài điểm quá nổi là xanh sạch và thân thiện môi trường, IPM còn giúp cho nông dân tiết kiệm được tiền bạc mua thuốc trừ sâu, giảm bớt công lao động…

Trong biện pháp IPM này, thiên địch đóng vai trò quan trọng nhất. Chọn được loại thiên địch thích hợp là xem như quyết định được sự thành công. Thiên địch, kẻ diệt côn trùng trong thiên nhiên (natural insect killers), chính là những côn trùng “cá lớn”, chúng sẽ ăn những côn trùng, sâu hại cây trồng, giúp nông dân bảo vệ thực vật mà không cần đến hoá chất. Loài thiên địch thường hiện diện tự nhiên trên ruộng lúa, trong vườn rau, cây trái. Hiện nay, con người đã chủ động nhân nuôi nhiều loại thiên địch có lợi theo nhu cầu để thả ra môi trường trồng trọt bảo vệ cây trái.

Bọ xít rất hữu ích

Trong tự nhiên có khá nhiều loại thiên địch trên ruộng đồng. Trong những thiên địch thông dụng như: các loài nhện, ong mắt đỏ, bọ rùa, bọ rùa đỏ, bọ niễng, bọ cánh cứng ba khoang, bọ đuôi kìm, các loài nấm gây bệnh v.v, riêng họ bọ xít cũng rất nhiều loại. Những loại bọ xít này là: (1) Bọ xít nước Mesovelia vitigera và (2) bọ xít nước Microvelia douglasi atrolineata. Loại này sống trên mặt nước, thức ăn chủ yếu là rầy… (3) Bọ xít mù xanh Cyrtorhinus lividipennis, thức ăn chính cũng là sâu rầy, (4) bọ xít nước gọng vo ù Limnogonus fossarum, còn gọi là con cất vó vì bốn chân nó cao như cái vó bắt cá, (5) bọ xít bắt mồi Orius Sauteri.

Đặc điểm chung của loài bọ xít là cả con trưởng thành, cũng như ấu trùng của chúng đều thích ăn rầy nâu với khả năng khá lớn, trung bình mỗi một con bọ xít hằng ngày “xơi tái” cả chục con rầy nâu, sâu hại lúa. Bọ xít thuộc loại côn trùng bắt mồi ăn thịt (predator), chúng không ăn thực vật, nên đây đúng là ưu thế tuyệt đối khi nuôi để thả ra ruộng đồng làm thiên địch “nhân tạo”. Bọ xít còn được gọi là con “thích khách” vì ban đêm chúng bay theo đèn và có thể châm chích hút máu khi con người đang đọc sách, học bài, coi tivi… vì lý do này hiện nay nhiều người vẫn tưởng chúng là những con hút máu truyền bệnh gây hại con người.

Nuôi bọ xít đại trà, được không?

Câu trả lời là hoàn toàn được: Trên thế giới rất nhiều nước như Mỹ, Hà Lan, Trung Quốc… đã có kinh nghiệm sản xuất và sử dụng những thiên địch sống. Rất nhiều công ty sinh học như Biomist Technology, Planet Natural (Mỹ), Koppert (Hà Lan)... đã tung ra thị trường nhiều loại thiên địch, giúp nông dân sử dụng trên ruộng đồng, đặc biệt trong các nhà kiếng trồng hoa kiểng và các loại cây ăn trái như dưa chuột, bầu bí, cam chanh…

Ở Việt Nam, từ năm 2004 cho đến nay, bộ môn Côn trùng (Đại học Nông nghiệp Hà Nội) đã nhân nuôi khá nhiều giống loài thiên địch cần thiết, trong đó bọ xít là loại được “ưu tiên” chọn lựa vì tính hiệu quả và an toàn. Năm 2007, lần đầu tiên nông dân ở các HTX Đặng Xá, Văn Đức (Gia Lâm, Hà Nội) đã thử nghiệm thả bọ xít bắt mồi vào ruộng dưa chuột, kết quả thu được rất khả quan, gần như toàn bộ bọ trĩ hại dưa đều bị diệt hết, dưa ngon hơn và rất xanh sạch, an toàn. Nhện bắt mồi cũng được nuôi thả thử nghiệm tại vùng rau Thanh Trì, Hoàng Mai, Hà Nội; ong mắt đỏ được chuyển giao cho nông dân Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên, Đồng Tháp, Bình Dương và vùng bông Nha Hố, Ninh Thuận… để diệt sâu đục thân lá.

Còn một trở ngại lớn khi sử dụng thiên địch trong canh tác chính là khâu thiếu đồng bộ, vùng canh tác dùng thiên địch và phun hoá chất xen kẽ, “da beo” với nhau. Thiên địch thực chất cũng là một côn trùng, chúng cũng sẽ bị chết vì hoá chất BVTV được tưới phun ở các nương ruộng gần đó.

Lời bàn thêm:

Rõ ràng trong các thiên địch hiện nay, bọ xít là con có nhiều ưu thế nhất:

(1) Chúng là là loài săn mồi, chuyên ăn côn trùng, sâu rầy và không hề ăn thực vật, do đó có thể dễ dàng thả chúng vào môi trường canh tác tự nhiên.

(2) Bọ xít lại có nhiều chủng loại, sinh trưởng khá nhanh, khả năng ăn sâu rầy lớn, đặc biệt rầy nâu, là loại nông dân rất e ngại trên đồng lúa.

(3) Tất cả côn trùng, kể cả bọ xít hút máu, đều có thể gây nhóm “bệnh do côn trùng” cho con người. Sống ở nơi có nhiều côn trùng chúng ta nên dùng các biện pháp bảo vệ như nằm màn, mang găng vớ… hơn là ra sức tiêu diệt chúng bằng sạch!

(4) Nếu được sử dụng hợp lý thì bọ xít sẽ là người bạn quý của nhà nông.

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 2] Đưa yến sào thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Yến sào được kỳ vọng là sản phẩm xuất khẩu mang lại nguồn thu lớn cho Bình Phước, sau hạt điều, cao su và sầu riêng.

Kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, trường học

TP. HCM Công tác kiểm tra sẽ được TP. HCM triển khai đồng bộ tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ, chế biến, nhà hàng khách sạn, bếp ăn tập thể, chợ đầu mối.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.