| Hotline: 0983.970.780

Bóc trần những sai trái của tác giả bài báo hùa theo Trung Quốc vu khống Việt Nam

Thứ Hai 26/05/2014 , 15:04 (GMT+7)

Hãng thông tấn RIA Novosti của Nga đã đăng bài viết của Dmitri Kosyrev với nội dung xuyên tạc lịch sử, vu khống Việt Nam. Luận điểm sai trái của Kosyrev đã gây phẫn nộ trong lòng người dân Việt Nam. NNVN xin giới thiệu ý kiến của một độc giả gửi đến tòa soạn, phản bác những quan điểm vô cùng lệch lạc của nhà nghiên cứu người Nga./ Hùa theo Trung Quốc, RIA Novosti xuyên tạc lịch sử, vu khống Việt Nam

Ông Dmitri Kosyrev vừa có một bài viết được đăng trên RIA Novosti - một trong những hãng thông tấn lớn nhất Liên Xô trước đây và hiện nay ở Nga. Trong bài báo này, có đoạn:  “Hai ngàn năm trước, Việt Nam là một phần của Trung Quốc. Nhưng từ năm 880 – thì không còn. Tất cả các thế kỷ tiếp theo giới trí thức Việt Nam đã bỏ ra rất nhiều công sức để chứng tỏ: Việt Nam – không phải Trung Quốc.” và một luận cứ: Quảng Đông của Trung Quốc rất giống với Việt Nam, ngôn ngữ của tỉnh này cũng khó hiểu đối với người Trung Quốc từ các tỉnh khác, cũng như tiếng Việt.

Với tư cách là một công dân Việt Nam sống trong một xã hội tự do ngôn luận, tôi xin trao đổi về các ý trên của ông.

Ý kiến thứ nhất, ông cho rằng “hai ngàn năm trước, Việt Nam là một phần của Trung Quốc”.

Tôi phải xin hỏi: Ông định nghĩa thế nào về một nước Trung Quốc hai ngàn năm trước?

Bất kì một người có trình độ phổ thông nào ở nước chúng tôi cũng đều biết rất rõ một điều: Khái niệm biên giới hành chính khác rất xa với khái niệm biên giới văn hóa.

Theo đó, nếu xét về biên giới văn hóa, khởi nguồn của đất nước Trung Quốc hiện nay là lưu vực sông Hoàng Hà, với vùng đất mà họ gọi là Trung Nguyên.

Đây là một khu vực chỉ thích hợp cho việc phát triển nên nông nghiệp với các loại cây trồng cần ít nước (kê, cao lương, đại mạch…).

Từ vùng đất này, văn hóa Trung Hoa đã phát triển và đạt đến trình độ cao rồi với niềm kiêu hãnh về một văn hóa mà họ tự coi là trung tâm vũ trụ ấy, họ đã chinh phạt những vùng văn hóa xung quanh, mà họ gọi một cách miệt thị là “man di mọi rợ”.

Nền văn minh Trung Hoa đã phải chịu không biết bao nhiêu binh biến, nồi da xáo thịt, nội chiến, ngoại xâm ngay tại vùng Trung Nguyên, lưu vực sông Hoàng Hà và phía bắc Trường Giang (sông Dương Tử).

Trong khi đó, lưu vực nam sông Trường Giang, vùng đất thuận lợi hơn cho nông nghiệp đã chứng kiến sự phát triển của một nền văn hóa thuần nông (cái nôi của nền văn minh nông nghiệp lúa nước) với tên gọi chung là Bách Việt.

Xét về địa văn hóa, nền văn minh Bách Việt nằm trong nền văn hóa Đông Nam Á, với một đặc điểm nổi trội là sự đan chéo chằng chịt của các dòng sông và biển.

Có thể hình dung về biên giới của vùng văn hóa này như sau: Phía bắc là sông Trường Giang, phía tây là sông Hằng, phía đông và nam là biển. Như vậy, ngay tại điểm này, nền văn minh Bách Việt (một nền văn minh thực vật và sông nước) đã khác với nền văn minh Trung Hoa (có nhiều yếu tố du mục).


Tàu Trung Quốc tập trung bao quanh bảo vệ khu vực giàn khoan Hải Dương-981 hạ đặt trái phép trên vùng biển thuộc thềm lục địa của Việt Nam. (Ảnh: Công Định-Hữu Trung/TTXVN)

Lại ý của ông, rằng “nhưng từ năm 880 – thì không còn”. Điều này không đúng.

Lịch sử Trung Quốc về thực chất là lịch sử xâm lược, ngoại xâm và nội chiến. Từ lưu vực sông Hoàng Hà, họ đã tiến về phương nam, Hán hóa các dân tộc phía nam sông Dương Tử và đồng thời, hấp thụ, hưởng lợi ngay từ nền nông nghiệp lúa nước của các dân tộc ở đây.

Vùng văn hóa Bách Việt bị thu hẹp dần không gian địa lí mà vốn sách Hán thư (漢 書) viết: "Trong vòng bảy hoặc tám nghìn dặm từ Giao Chỉ tới Cối Kê (thuộc vùng Bắc Chiết Giang), ở đâu cũng có Bách Việt, mỗi nhóm có các thị tộc của mình".

Các sách cổ nói đến nhiều nhóm người Việt, trong đó có Câu Ngô (句 吳), Ư Việt (於 越), Dương Việt (揚 越), Mân Việt (閩 越), Nam Việt (南 越), Đông Việt (東 越), Sơn Việt (山 越), Lạc Việt (雒 越, người Kinh ở Việt Nam ngày nay) và Âu Việt (甌 越, hay còn gọi là Tây Âu - 西 甌).

Họ bị người Hán đồng hóa nhưng họ cũng đã không ngừng đấu tranh giành lại quyền độc lập của mình. Công cuộc đấu tranh giành độc lập của các cư dân Bách Việt được đánh dấu bằng sự tồn tại của một quốc gia độc lập, có chủ quyền của người Lạc Việt với tên gọi Việt Nam (hiện nay).

Kể từ năm 938 (chứ không phải 880), người Việt đã chính thức xác lập được chủ quyền của mình và kể từ đó đến nay luôn gìn giữ, xây dựng và bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình.

Người Lạc Việt ở Việt Nam đã phải chịu nhiều cuộc chiến tranh xâm lược (tổng số năm có chiến tranh nhiều gấp hai lần tổng số năm có hòa bình) nhưng luôn tỏ rõ tinh thần hòa hiếu và hòa bình trong mọi thời đại, mọi hoàn cảnh.

Thưa ông Kosyrev, ông có ý “Tất cả các thế kỷ tiếp theo giới trí thức Việt Nam đã bỏ ra rất nhiều công sức để chứng tỏ: Việt Nam – không phải Trung Quốc”.

Luận điểm này sai. Từ những điều sơ lược ở trên đã chứng tỏ Việt Nam không phải là Trung Quốc.

Thưa ông, với tư cách là một nhà Trung Quốc học, hẳn ông là một trong những chuyên gia hiểu rõ về lịch sử, văn hóa, chính trị của Trung Quốc.

Chắc ông phải thấy rằng dòng chảy văn hóa Bách Việt là đã trở thành một trong những mạch nguồn quan trọng của nền văn hóa Hán. Với sự xâm lăng của mình, người Trung Quốc không chỉ mở rộng được lãnh thổ mà họ còn được hưởng lợi về văn hóa, sản vật và văn minh của các dân tộc, các quốc gia mà họ đã chinh phục.

Nền văn hóa Trung Quốc hiện nay được đánh giá là một trong những nền văn hóa lớn của thế giới, giàu và đa dạng về bản sắc. Nhưng để có điều đó không thể không khẳng định cũng có phần nhờ công lớn của văn hóa Bách Việt.

Người Hán đã có những phát minh vĩ đại về nghề làm giấy, về la bàn, về chữ viết… nhưng nông lịch, thậm chí Kinh Dịch mà người Hán cho là của mình thì lại có nguồn gốc phương nam. Một số học giả cho rằng Kinh Dịch là sản phẩm của nền văn minh Thần Nông ở phía Nam sông Dương Tư (nghĩa là thuộc vùng đất Bách Việt).

Có người còn khẳng định cụ thể hơn rằng đây là sản phẩm của người Âu Việt và Lạc Việt, với các lập luận chẳng hạn như: Có thể thấy các khái niệm Kinh Dịch được mã hóa trên các họa tiết trống đồng; một số tên quẻ cũng như diễn giải quẻ của người Trung Quốc từ xưa tới nay đôi khi còn rất mơ hồ...

Chính học giả Trung Quốc mới cố chứng minh rằng Việt Nam là của Trung Quốc. Nhà sử học Trung Quốc La Hương Lâm (羅 香 林) đã cho rằng các dân tộc này (các dân tộc Bách Việt) có cùng tổ tiên với nhà Hạ.

Tuy nhiên, các di chỉ khảo cổ học có niên đại thuộc thời đại Đồ Đá Mới (Neolithic) tại Quảng Tây và ở miền Bắc Việt Nam, đặc biệt là các ngôi mộ chum được tìm thấy nhiều ở Việt Nam và một số ở Quảng Tây, cho thấy thổ dân bản xứ có nguồn gốc ở phía Nam và có quan hệ gần gũi với các nền văn hóa Hòa Bình (9000 - 5600 trước Công nguyên) và Bắc Sơn (8300 - 5900 trước Công nguyên) ở Việt Nam.

Giới trí thức và toàn thể dân tộc Việt Nam đã luôn hiếu nghĩa với các quốc gia xung quanh, đặc biệt là Trung Quốc và đã nhiều lần chỉ rõ cho họ thấy sự kiên cường, bất khuất trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền dân tộc và tấm lòng bao dung, yêu chuộng hòa bình của mình.

Giới trí thức Việt Nam không cần phải bỏ ra một chút công sức nào để chứng minh điều mà nó không tồn tại, xin ông Dmitri Kosyrev nhớ cho.

Ở ý kiến thứ hai, ông cho rằng Quảng Đông của Trung Quốc rất giống với Việt Nam, ngôn ngữ của tỉnh này cũng khó hiểu đối với người Trung Quốc từ các tỉnh khác, cũng như tiếng Việt.

“Quảng Đông của Trung Quốc rất giống với Việt Nam”, điều này ông đã đúng nhưng chưa đủ.

Cần bổ sung cho ông biết rằng không chỉ Quảng Đông của Trung Quốc (hiện nay) rất giống với Việt Nam mà Quảng Tây cũng vậy. Đây là vùng lưỡng Quảng mà về văn hóa, lịch sử và ngôn ngữ chính là bộ phận của vùng văn hóa Bách Việt và là địa bàn cư trú của người Lạc Việt, Nam Việt, Tây Âu (Âu Việt).

Và ông nhận xét “ngôn ngữ của tỉnh này cũng khó hiểu đối với người Trung Quốc từ các tỉnh khác, cũng như tiếng Việt”.

Về mặt dân tộc, hiện nay nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa gồm có 56 dân tộc với các bản sắc về văn hóa và ngôn ngữ riêng, cùng hòa vào dòng chảy của một nền văn hóa Trung Hoa.

Về ngôn ngữ, các dân tộc và tộc người ở Trung Quốc hầu hết đều có ngôn ngữ riêng nhưng điều thú vị là chính phủ và các nhà ngữ học Trung Hoa lại chỉ gọi đó là các phương ngữ (dialect).

Theo đó, tiếng Quảng Đông, được sử dụng tại Quảng Đông, Quảng Tây, Hồng Kông, Mao Cao và trong nhiều cộng đồng Hoa kiều ở các nước trên thế giới, còn được gọi là "Việt ngữ" (粵 語).

Đây là một trong các phương ngữ của văn hóa Bách Việt. Điều này một lần nữa chứng minh sức sống trường tồn của nền văn hóa Bách Việt mà cuối cùng, chỉ có người Lạc Việt không chỉ bảo tồn được văn hóa, ngôn ngữ của mình nói riêng, cộng đồng Bách Việt nói chung mà còn bảo vệ được lãnh thổ, tạo ra một không gian riêng biệt về địa chính trị và địa văn hóa.

Trong tình hình chính trị hiện nay, mọi người Việt Nam đều hiểu mình cần phát huy truyền thống yêu nước và thể hiện tinh thần dân tộc như thế nào.

Những vụ việc ở Bình Dương hay Hà Tĩnh chỉ là sự nóng giận nhất thời của một bộ phận rất nhỏ người dân. Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã lên án và có những hình phạt nghiêm khắc về pháp luật với những đối tượng kém về trình độ nhận thức này.

Chúng tôi, từ trước tới nay đã là một dân tộc quật cường nhưng mềm dẻo và hòa hiếu. Hiểu rất rõ những giá trị, nền tảng văn hóa và trọng trách của mình, mỗi công dân Việt Nam chúng tôi biết mình phải làm gì và làm như thế nào, đặc biệt là trong hoàn cảnh hiện tại.

Lịch sử dân tộc đã chứng minh, chúng tôi chưa bao giờ chịu khuất phục những điều trái nhân nghĩa. Chúng tôi cũng không chấp nhận bất kì một sự xuyên tạc lịch sử nào như ông đã làm.

Tôi và nhiều người Việt Nam khác rất buồn vì một chuyên gia có tầm cỡ như ông, đến từ một nền văn hóa mà chúng tôi yêu mến, lại chứng tỏ trình độ non yếu về kiến thức, dẫn đến những nhận định sai lầm mà tôi đã trao đổi ở trên với ông.

Một lần nữa, thưa ông Dmitri Kosyrev, nếu như người Nga tự hào về nước Nga - một tâm hồn với bề dày văn hóa, lịch sử và sự tiếp biến của nền văn minh La Mã, thì chúng tôi cũng tự hào về dải đất yêu thương hình chữ S với nền văn minh Bách Việt - cái nôi của nền nông nghiệp lúa nước rực rỡ.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm