| Hotline: 0983.970.780

Bối Ba Cụm trong ký ức người miền Nam

Thứ Tư 07/02/2024 , 07:30 (GMT+7)

Ba Cụm là địa danh dân gian của một con rạch, một ngã tư sông, một ngôi chợ, nói rộng hơn là một xóm dân cư nằm ven sông Bến Lức.

Rạch Ba Cụm ngày nay.

Rạch Ba Cụm ngày nay.

Trong giao thông đường thủy giữa đồng bằng sông Cửu Long và Sài Gòn thuở trước, sông Bến Lức có vai trò quan trọng, vì là tuyến đường thủy có thể đi thẳng đến trung tâm của đô thị này. Trên dòng sông ấy, Ba Cụm là một địa điểm mà tàu ghe thường neo đậu tấp nập. Song, sự nổi tiếng của địa danh nầy không chỉ bởi vị trí của nó trong thủy trình của các tàu ghe, mà còn bởi một hiện tượng “cười ra nước mắt” mà người miền Nam gọi là bối Ba Cụm. Dần dà, nó trở thành một cụm từ ví von được sử dụng phổ biến ở Nam Kỳ xưa.

Ba Cụm là địa danh dân gian của một con rạch, một ngã tư sông, một ngôi chợ, nói rộng hơn là một xóm dân cư nằm ven sông Bến Lức, ngày nay thuộc xã Tân Bửu, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Địa danh Ba Cụm được người địa phương giải thích là nơi đây có ba cây da to lớn chụm lại. Địa danh này xuất hiện khá sớm, "Gia Định thành thông chí" hoàn thành năm 1820 đã đề cập: “Dọc theo sông, phố xá trù mật, có bán ghe nhỏ than củi, dầu rái, bao lác và buồm ghe. Qua 12 dặm rưỡi đến quán Ba Cây Da (tục danh quán Ba Cụm) có cổ miếu gọi là miếu Ba Cây Da”. Trong tác phẩm nầy, sông Bến Lức được ghi là sông Tân Long.

Sông Bến Lức là một phần của một dòng chảy dài, nối giữa sông Vàm Cỏ Đông và sông Sài Gòn. Khi chảy qua nhiều nơi, dòng chảy này lại mang những tên gọi khác nhau như sông Bến Lức, sông Chợ Đệm, kinh Đôi, kinh Tẻ. Đây là tuyến đường thủy quan trọng trong kết nối giao thương giữa đồng bằng sông Cửu Long với Sài Gòn, do đó ghe tàu thường qua lại tấp nập. Tuy nhiên, nước sông Sài Gòn đổ vào sông Chợ Đệm, nước sông Vàm Cỏ Đông đổ vào sông Bến Lức, hình thành vùng giao nhau giữa hai dòng chảy nầy được gọi là giáp nước. Ở đó, ghe tàu chỉ qua lại dễ dàng khi nước xuôi, còn lúc nước ngược phải neo đậu để chờ đợi.

Đầu triều Nguyễn, đặc điểm nầy đã được đề cập: “Ở phía bờ nam sông ấy, quán xá trù mật, ghe thuyền qua lại tạm đình, đợi nước lên sẽ đi vào Nam hay là ra Bắc”. Cuối thế kỷ XIX, người Pháp cũng ghi nhận: “Gần làng Tân Bửu có một giáp nước; khi triều xuống, sà-lúp rất khó đi qua; thuyền mành có trọng tải lớn bị mắc cạn phải đợi nước lên mới ra được”.

Vì tập trung tàu ghe đông đảo như thế, các quán xá dọc bờ sông cũng ra đời, phục vụ nhu cầu sinh hoạt của dân thương hồ trong thời gian tạm dừng di chuyển để chờ đợi con nước. Dần dà, nơi đây hình thành một ngôi chợ được gọi là chợ Ba Cụm, ngày nay là chợ Tân Bửu. Khung cảnh náo nhiệt trên bến dưới thuyền đã khơi gợi lòng tham của những kẻ ăn không ngồi rồi, các hành vi trộm cắp bắt đầu xuất hiện và dần dà lan rộng.

Đó là nguồn gốc của bối Ba Cụm. Theo "Việt Nam tự điển", bối là ăn trộm ở sông nước, bối Ba Cụm là bối hoạt động ven rạch Ba Cụm ở Long An. Tuy vậy, bối chủ yếu là trộm cắp vặt, nhắm vào những món đồ linh tinh mà chúng có thể dễ dàng mang đi như thức ăn, quần áo, tiền bạc, hàng hóa… Thỉnh thoảng, những toán cướp quy mô lớn vẫn xuất hiện, nhưng khá ít.

Đồng bằng sông Cửu Long có hệ thống sông ngòi kinh rạch chằng chịt, ngày xưa người dân đi lại và giao thương chủ yếu bằng đường thủy. Tuy nhiên cũng như đường bộ, giao thông đường thủy xảy ra nhiều tình huống phức tạp như va chạm, trộm cướp, chở hàng cấm… "Đại Nam thực lục" cho biết từ đầu triều Nguyễn, triều đình đã nhận định: “Chỉ vì Nam Kỳ đường sông có nhiều ngả, côn đồ dễ ra vào, bọn du thủ du thực phần nhiều cũng mượn cuộc sống lênh đênh đó để làm kế qua khỏi tạm thời”.

Do đó, triều đình đã áp dụng nhiều giải pháp nhằm phần nào kiểm soát an ninh trên đường sông ở Nam Kỳ. Năm 1836, Nam Kỳ Kinh lược sứ Trương Minh Giảng và Trương Đăng Quế tâu: “Nếu muốn phân biệt thuyền từng tỉnh hạt, thì xin sơn màu sắc ở mũi thuyền để tiện nhận xét (Gia Định đầu thuyền sơn tuyền màu đỏ, Biên Hoà là kiêm hạt cũng sơn đỏ, ngoài viền màu đen. Vĩnh Long, mũi thuyền sơn tuyền màu đen; Định Tường là kiêm hạt cũng sơn đen, ngoài viền màu hồng. Trấn Tây và An Giang mũi thuyền sơn tuyền màu lục; Hà Tiên là kiêm hạt cũng sơn màu lục, ngoài viền màu đỏ). Kẻ nào sơn giả mạo, sẽ trị tội nặng. Như thế thì dân trốn tránh không còn chỗ nào để dung thân; mà côn đồ giặc cướp cũng không còn chỗ ẩn núp”.

Đến năm 1851, Nam Kỳ Kinh lược sứ Nguyễn Tri Phương tiếp tục đề xuất những giải pháp nhằm tăng cường kiểm soát giao thương đường thủy ở Nam Kỳ: “Thuyền dân người Kinh, người nước Thanh, người Man, người Thổ, muốn đi buôn ở Cao Miên thì phải kê rõ họ tên quán chỉ người chủ thuyền, số người ở trong thuyền là bao nhiêu, đi bao nhiêu ngày thì về, cần có lý trưởng, bang trưởng bảo đảm kết nhận, quan tỉnh xét thực phê vào làm bằng. Thuyền ấy đi qua những đồn, ải ở nơi địa đầu kiểm xét đúng thực thì để cho đi. Nếu mang theo vật hạng đã cấm, hoặc người dị dạng, thì bắt giải tỉnh để xét”.

Như vậy, từ điều kiện địa lý tự nhiên đặc thù của Nam Kỳ, vấn nạn trộm cướp trên sông nước đã xuất hiện từ rất sớm, triều đình đã đưa ra nhiều biện pháp để có thể giải quyết tình trạng nầy. Đến thời Pháp thuộc, giao thương giữa đồng bằng sông Cửu Long và Sài Gòn càng nở rộ, mặt khác hiện tượng bối là trộm cắp vặt, khó có thể giải quyết triệt để. Bối vẫn ngang nhiên tồn tại và trở thành nỗi lo sợ của dân thương hồ khi qua lại miệt Ba Cụm.

Sông Bến Lức thập niên 1960.

Sông Bến Lức thập niên 1960.

Bối giỏi bơi lặn, thường mai phục dưới nước, chờ ghe thương hồ đi qua thì trèo lên để trộm cắp đồ đạc. Nhiều chủ ghe khi đi qua Ba Cụm đã đề cao cảnh giác, cắt cử người canh giữ chặt chẽ, vậy mà bối vẫn xuất hiện, trộm cắp và chuồn đi một cách nhanh chóng. Dân gian còn lưu truyền nhiều mưu mẹo của bối Ba Cụm, chẳng hạn thoa dầu nhớt lên cơ thể. Một phần để người đen đúa, dễ bề hành sự vào ban đêm. Một phần để người trơn bóng, khó bị bắt khi xảy ra chạm trán với chủ ghe. Song, không phải lúc nào bối Ba Cụm cũng lặn dưới nước rồi trồi lên để trộm cắp, đó chỉ là một trong số những cách thức của chúng. Cũng có khi, chúng trộm cắp giữa ban ngày mà không cần lặn chờ sẵn dưới nước.

Tuy vậy, nói về bối Ba Cụm không phải lúc nào cũng gắn với những giai thoại tiêu cực, trái lại vẫn có những câu chuyện đẹp. Dân gian kể rằng, có hai vợ chồng được gọi là ông Hớn và bà Hở thuộc nhóm thủ lãnh của bối Ba Cụm. Về sau, Quản cơ Nguyễn Văn Lịch đến truy bắt, họ quy phục dưới trướng ông, rồi tham gia nghĩa binh đốt tàu L'Espérance của Pháp trên sông Nhựt Tảo vào năm 1861. Quản cơ Nguyễn Văn Lịch khi đó chính là anh hùng Nguyễn Trung Trực sau nầy. Dĩ nhiên đây là giai thoại dân gian, chúng ta không thể xác định độ chính xác hoàn toàn, nhưng qua đó cho thấy một góc nhìn của người Nam Kỳ về các tay bối trên sông nước thuở ấy.

Ngày nay, Ba Cụm vẫn còn được sử dụng với tư cách là một địa danh dân gian. Ngoài ra, nơi đây có cầu Ba Cụm và cầu Ấp Quán, trong đó cầu Ấp Quán có thể là tàn tích của địa danh quán Ba Cụm ngày xưa. Tuy nhiên, bối Ba Cụm đã không còn. Bối Ba Cụm giờ đây chỉ còn là ký ức của một số người cao tuổi, được nhắc đến trong các giai thoại dân gian, được sử dụng như một thành ngữ để ví von những kẻ trộm cắp trên sông… Dẫu sao, bối Ba Cụm đã trở thành một hiện tượng trong lịch sử giao thương đường thủy ở Nam bộ ngày trước.

Xem thêm
Công tử Bạc Liêu trên màn ảnh mờ nhạt cá tính

Công tử Bạc Liêu là nhân vật để lại nhiều giai thoại trong đời sống cộng đồng, nhưng khi được tái hiện thành một tác phẩm điện ảnh lại không mấy ấn tượng.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.