| Hotline: 0983.970.780

Bội chi ngân sách 'vượt rào' 25.300 tỷ đồng so với Quốc hội duyệt

Chủ Nhật 28/08/2016 , 08:34 (GMT+7)

Báo cáo con số bội chi năm 2014, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) khẳng định, năm 2014 số bội chi Ngân sách Nhà nước được (NSNN) Quốc hội phê duyệt chỉ hơn 224.000 tỷ đồng, nhưng con số thực tế đã vượt quy định hơn 25.300 tỷ đồng.


Bội chi năm 2014 theo kết luận của KTNN đã phá rào và phá trần Quốc hội đề ra

 

Ngoài các vấn đề về bội chi ngân sách quá lớn và dường như số bội chi các năm đều vượt con số được duyệt, báo cáo của KTNN nêu rõ các vấn đề của nền kinh tế vĩ mô, trong đó có việc mất cân đối thu - chi ngân sách. Không điều chỉnh được chi đầu tư phát triển - trả nợ và chi thường xuyên (trả lương, duy trì bộ máy hành chính...)

Cụ thể, báo cáo của KTNN khẳng định, năm 2014, chi thường xuyên vẫn rất lớn, dự toán Quốc hội quyết định và Chính phủ giao 704.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi quyết toán là 723.200 tỷ đồng (chiếm hơn 65% tổng chi NSNN, bằng 18,4% GDP) tăng 2,7% so với dự toán của Quốc hội.

Trong số chi thường xuyên này, KTNN chỉ rõ số chi cho quản lý hành chính là hơn 123.100 tỷ đồng, tăng hơn 20.000 tỷ so với dự toán của Quốc hội. Trái lại, số ngân sách thực chi cho nhiệm vụ chi cho sự nghiệp Khoa học và Công nghệ đạt ít nhất với chỉ 7.000 tỷ đồng.

Về cơ cấu phân bổ nguồn ngân sách chi thường xuyên, báo cáo của KTNN cho hay chi của ngân sách trung ương (NSTW) là 315.570 tỷ đồng nhưng chi của ngân sách địa phương cũng chiếm con số rất lớn là hơn 407.700 tỷ đồng. Việc chi thường xuyên vốn ngân sách ở địa phương không giảm so với các năm, trong khi đó, nhiều địa phương thu không đủ chi, phải xin từ NSTW bổ sung.

Đáng nói, KTNN nêu những ví dụ cụ thể về kỷ luật ngân sách ở các địa phương còn rất lỏng lẻo, trong đó năm 2014 hụt thu ngân sách cấp tỉnh hoặc cấp huyện ở nhiều địa phương nhưng các đơn vị này không thực hiện rà soát, cắt giảm nhiệm vụ chi, điển hình là: Hậu Giang, Cần Thơ, Kiên Giang, Phú Yên, Đắc Lắc, Quảng Nam và Quảng Ngãi.

Về tình trạng sử dụng sai nguồn kinh phí xảy ra ở nhiều địa phương, kiểm toán kiến nghị 21/50 tỉnh hoàn trả lại số tiền 1.600 tỷ đồng cho NSNN, trong đó nhiều nhất là An Giang hơn 560 tỷ đồng; Vĩnh Long hơn 297 tỷ đồng, Thanh Hóa hơn 289 tỷ đồng, Hưng Yên hơn 109 tỷ đồng...

Đáng chú ý, năm 2014 KTNN nêu rõ NSTW đã cấp bổ sung tiền ngân sách có mục tiêu cho một số tỉnh thuộc Tây Nguyên, miền núi phía Bắc nhưng khi kiểm toán không có mục tiêu, nội dung chi cụ thể, trong đó có Đắc Lắc được chi 225 tỷ đồng; Gia Lai 148 tỷ đồng, Quảng Nam 139 tỷ đồng, Lai Châu 128 tỷ đồng và Kon Tum 75 tỷ đồng.

Chi thường xuyên là thế, còn về chi cho đầu tư phát triển thì sao, năm 2014 số chi NSNN cho đầu tư phát triển là 248.400 tỷ đồng, (bằng 16% tổng chi NSNN, bằng 34% số chi thường xuyên), giảm 1,6% so với kế hoạch năm 2013. Như vậy, số chi cho đầu tư phát triển của NSNN năm 2014 vẫn thấp và không mấy cải thiện so với các năm trước.

Đây là vấn đề lớn của kinh tế vĩ mô bởi trong cân đối chi của NSNN, nhiều năm qua chi thường xuyên vẫn chiếm lớn với tỷ lệ 70%, trong đó chi cho đầu tư phát triển - trả nợ nước ngoài chỉ chiếm 30%. Lo ngại hơn là nợ công và bội chi ngân sách Nhà nước đang ngày một lớn. Các khoản nợ đến hạn của các tổ chức, các nước ngày càng nhiều thêm, không còn biện pháp khoanh nợ, giãn nợ bằng (phát hành trái phiếu, tín phiếu) của Chính phủ nữa, do đó nếu không giảm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển và trả nợ thì NSNN sẽ rất rủi ro.

Về nợ công, theo KTNN năm 2014 nợ công của Việt Nam là 2,28 triệu tỷ đồng, trong đó 1,8 triệu tỷ đồng là nợ Chính phủ (chiếm 46,4% GDP và 79,5% tổng nợ công), nợ của các địa phương là hơn 35.400 tỷ đồng.

Về số bội chi ngân sách, KTNN cho biết, năm 2014 bội chi NSNN là hơn 249.300 tỷ đồng, bằng 6,3%, vượt hơn 25.300 tỷ đồng so với mức Quốc hội phê duyệt (224.000 tỷ đồng, tương đương 5,3% GDP). KTNN khẳng định, số bội chi NSNN năm 2014 đã lớn hơn chi đầu tư phát triển hơn 910 tỷ đồng.

Dân trí

Xem thêm
Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hàng trăm tấn rong trôi dạt vào biển Đồ Sơn, Cát Bà là rong mơ

HẢI PHÒNG Những ngày vừa qua, tại khu vực biển thuộc quần đảo Cát Bà và Đồ Sơn xuất hiện hàng trăm tấn rong trôi dạt vào bờ, rồi tràn lên các bãi tắm.

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.