| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 22/03/2016 , 06:35 (GMT+7)

06:35 - 22/03/2016

'Bom nổ chậm rình rập' ở khu dân cư

Vụ nổ tại Khu đô thị Văn Phú (quận Hà Đông, Hà Nội) vào chiều 19/3, đến giờ vẫn còn gây bàng hoàng trong dư luận.

Bàng hoàng bởi sự thảm khốc vì chỉ trong giây lát, vụ nổ đã cướp đi sinh mạng của 4 con người và khiến nhiều người bị thương, trong đó có 2 người thương nặng đến mức nguy kịch. Bàng hoàng bởi sức công phá của vụ nổ quá lớn khiến hàng loạt xe ô tô, xe máy, nhà cửa gần nơi xảy ra vụ nổ bị phá hủy nặng nề.

Nhưng cái làm người ta bàng hoàng nhất là nơi diễn ra hành vi đầy nguy hiểm (cưa vật liệu nổ) của thủ phạm đồng thời cũng là nạn nhân trong vụ nổ tại khu đô thị Văn Phú.

Trước đây, đã xảy ra không ít vụ nhiều người do thiếu hiểu biết mà cưa bom, cưa vật liệu nổ để lấy thuốc nổ hay lấy sắt bán phế liệu, nên gây ra những vụ nổ thảm khốc.

Nhưng hầu hết những vụ tai nạn này xảy ra ở khu vực nông thôn hay nơi vắng người qua lại. Còn trong vụ nổ ở khu đô thị Văn Phú, ông chủ cửa hàng phế liệu đã mang vật liệu nổ ra để ngay trên vỉa hè và tiến hành cưa cắt một cách công khai, không chút e dè, sợ hãi, dù trên đường luôn có người, xe qua lại. Hành vi đầy nguy hiểm ấy diễn ra trước mắt nhiều người mà không có ai để ý, ngăn cản.

Nếu có người ngăn cản, không cho ông chủ cửa hàng phế liệu tiếp tục cưa cắt cái thứ đầy nguy hiểm ấy, thì vụ nổ đã không xảy ra. Hay ít ra cũng buộc được ông ta phải đem tới một chỗ vắng người, thì lỡ có xảy ra vụ nổ, cũng không gây chất nhiều người và tổn hại vật chất lớn đến thế.

Bởi vậy, từ vụ nổ này, nhiều người đặt ra câu hỏi: Tại sao ở một khu đô thi, ở ngay chốn đông người, vẫn có thể tồn tại một cách công khai hành vi gây nguy hiểm tới tính mạng, tài sản của cộng đồng như vậy? Nhiều nhân chứng cho biết ông chủ cửa hàng phế liệu hàng ngày mang phế liệu ra vỉa hè để phân loại, dùng đèn khò cắt bán sắt vụn. Đây không chỉ là hành vi lấn chiếm vỉa hè, mà còn là mối đe dọa tới tính mạng, tài sản của cư dân địa phương và người qua lại. Nhưng chính quyền địa phương đã bao giờ tới nhắc nhở, xử phạt, ngăn chặn? Câu trả lời có lẽ là chưa.

Cũng từ vụ nổ nói trên, đang đặt ra câu hỏi về nguy cơ cháy nổ tiềm tàng ở các vựa phế liệu nằm trong các khu dân cư. Trên thực tế ở nhiều địa phương, đã từng xảy ra những vụ cháy nổ vựa phế liệu nằm ngay trong khu dân cư, gây hoảng loạn cho người dân ở đó. Trong tháng 3/2015, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã xảy ra 2 vụ cháy vựa phế liệu nằm trong khu dân cư. Cũng trong tháng 3 năm ngoái, ở phường Long Bình (Q9, TP.HCM), một vụ cháy vựa phế liệu trong khu dân cư đã gây náo loạn cả một khu vực.

Nước ta từng trải qua những cuộc chiến tranh kéo dài, bom đạn chưa nổ từ trong chiến tranh vẫn còn sót lại đây đó. Bên cạnh đó là những vật liệu có khả năng gây cháy nổ, vẫn thường được vứt bỏ một cách thiếu ý thức hay bị lấy trộm đem bán.

Vì vậy, với tính chất hàng hóa của mình, rõ ràng các vựa phế liệu ở nước ta đều tiềm ẩn những nguy cơ cháy nổ rất lớn. Không những thế, những người làm nghề thu gom, phân loại phế liệu thường là những người có học vấn không cao, nhận thức về an toàn lao động, an toàn cháy nổ còn nhiều hạn chế. Vì vậy, khi được đặt ở ngay trong các khu dân cư, những vựa phế liệu chẳng khác gì những quả bom nổ chậm vậy. Ngoài ra, các vựa phế liệu ở trong khu dân cư còn là nguồn gây ô nhiễm môi trường.

Trong khi đó, công tác quản lý của chính quyền các địa phương đối với các vựa phế liệu, nhất là những vựa nằm ngay trong khu dân cư, vẫn còn khá lỏng lẻo.

Đơn cử như ở Đồng Nai, từ năm 2005, UBND tỉnh đã có chủ trương không cấp phép cho những điểm thu mua phế liệu thành lập mới nằm trong các khu dân cư, nhưng tại nhiều khu dân cư trên địa bàn tỉnh này, các vựa phế liệu không phép vẫn mọc lên nhan nhản mà không bị chính quyền cơ sở xử lý.

Ở Bình Dương, từ năm 2012, UBND tỉnh đã ra quyết định yêu cầu các cơ sở đăng ký kinh doanh phế liệu không được bố trí trong khu dân cư và đô thị. Nhưng trên thực tế, ở các TP, thị xã của tỉnh này, nhiều cơ sở buôn bán phế liệu trái phép vẫn xuất hiện ngay trong các khu dân cư…

Từ vụ nổ ở khu đô thị Văn Phú, nguy cơ cháy nổ và nguy cơ gây ô nhiễm môi trường ở mức cao tại các cơ sở thu mua phế liệu, có lẽ đã đến lúc Chính phủ, các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xem xét, ra quy định cấm đặt các cơ sở thu mua tại các khu dân cư, đô thị. Đi kèm theo lệnh cấm là những chế tài nghiêm khắc và quy trách nhiệm cụ thể cho các địa phương. Không thể tiếp tục để tồn tại những cơ sở thu mua phế liệu chẳng khác gì quả bom nổ chậm ngay trong các khu dân cư.

Bình luận mới nhất