| Hotline: 0983.970.780

Bốn đời vớt xác trên sông

Thứ Tư 20/06/2012 , 10:43 (GMT+7)

Giữa nhịp sống lặng lẽ của làng chài nơi hạ nguồn sông Hương (TT- Huế) có một gia đình đã bốn thế hệ làm “nghề” vớt xác, cứu người trên sông.

Giữa nhịp sống lặng lẽ của làng chài nơi hạ nguồn sông Hương (TT- Huế) có một gia đình đã bốn thế hệ làm “nghề” vớt xác, cứu người trên sông. Nghĩa cử cao đẹp của họ đã góp phần cứu rỗi những linh hồn giữa mịt mùng sông nước hay giành lại sự sống cho bao người khi họ đang tâm chối bỏ cuộc đời

1. Sông Hương đoạn chảy qua thành phố Huế thật êm đềm nhưng từ dưới đáy sông kia, biết bao thân phận con người đã trầm mình nằm lại với dòng sông. Gia đình ông Nguyễn Văn Sết (54 tuổi, thôn Lại Tân, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang) đến nay đã có 30 năm ròng rã với 4 thế hệ trong “nghề” vớt xác, cứu người.

Vốn sinh ra và lớn lên trên sông nước trước đây, ông nội ông, rồi bố ông cũng làm nghề chài lưới trên sông, hễ gặp thi thể hay người nhảy cầu tự vẫn đều cho ghe thuyền đến ngụp lặn, cứu hộ. Năm 2010, ông Sết được lên bờ tái định cư nhưng ông vẫn gắn bó với nghiệp sông nước. Ông cùng các anh em Nguyễn Văn Sưa, Nguyễn Văn Chí (60 tuổi) và Nguyễn Văn Nết (50 tuổi) đã trở thành “đội thợ lặn” nối góp “nghề” của cha ông, chuyên vớt thi thể, cứu người trên sông.

Nay ông Sưa đã mất, gia đình ông mất đi một thợ lặn giỏi. Tâm sự về nghề vớt xác trên sông, ông Sết bảo: “Trước đây, khi mình còn trai trẻ, đời sống còn khó khăn, các thợ lặn trong gia đình đều “lặn chay”, không có một thiết bị hỗ trợ nào nên rất nguy hiểm. Anh em đều từ nghề sông nước mà ra nên hầu hết lặn, mò rất giỏi. Giờ đã có tuổi, sức khỏe không được như xưa nữa, nhưng anh em vẫn bám trụ với nghề”’. Để “nghề” lặn được giữ gìn cho lớp con cháu, ông Sết đã đầu tư 5 triệu đồng mua máy nổ, bộ phận tạo khí, ống dẫn khí phục vụ tìm kiếm thi thể hiệu quả hơn.


Ông Sết với nghề đưa đó, vớt xác người trên sông

2. Trong 30 năm qua, ông Sết đã không còn nhớ rõ bao nhiêu lần mình tham gia cứu người, tìm xác trên sông. Ngồi châm điếu thuốc lá, ông bảo: “Cái nghề mình gian nan nhưng cũng đáng tự hào lắm. Nhiều nơi người ta kiêng kỵ, đã làm nghề sông nước mà cứu người thì… đền mạng như chơi. Tui lại nghĩ khác, mình không cứu đó mới là tội ác".

Mấy chục năm trong nghề, hình ảnh những vụ tai nạn, những phận người chối bỏ cuộc đời tìm đến cái chết đã in sâu trong tâm trí ông, như một ký ức đáng nhớ của một đời trượng nghĩa! Tháng 8/2003, trên sông Hương trước khu vực điện Hòn Chén xảy ra vụ chìm thuyền làm chết 4 người. Nghe thông báo, ông cùng anh em dong thuyền trực chỉ thượng nguồn con sông.

Ông nhớ lại: “Đợt đó trời rét căm căm, đang vào mùa lễ hội, ghe thuyền trên sông Hương tấp nập. Đây là khu vực ở thượng nguồn nên mực nước khá sâu, nhiều vực đá nhọn nguy hiểm. Thợ lặn tìm xác đoạn sông này phải có kinh nghiệm. Tui cùng anh em nắm bắt thông tin, quần thảo rồi thu hẹp đoạn sông tìm kiếm lại chừng 150m2. Khi phát hiện được thi thể các nạn nhân thì một điều khó khăn, nguy hiểm đã xảy ra, các thi thể bị mắc kẹt lại trong các vực đá, rễ cây, cát quấn chằng chịt. Đội thợ lặn phải cẩn thận “tháo gỡ” từng thi thể mang lên bờ. Đến chiều tối thì cả 4 thi thể đều được tìm thấy".

Có lẽ, ký ức kinh hoàng, đáng nhớ nhất của người thợ lặn xác, cứu người không phải là lần đầu tiên đến với nghề mà chính là những cái chết đau thương của hàng chục người trong vụ tai nạn sông nước mà không ai khác, họ - những người thợ lặn là người chứng kiến, xả thân mò mẫm giữa dòng nước để cứu hộ, cứu nạn.

Năm 1988, cầu Kho Rèn bị sập, làm mấy chục mạng người phải nằm lại ở khúc sông. Từ sáng sớm cho đến chiều tối, anh em ông Sết phải quần quật trên khúc sông An Cựu và đã tìm thấy 35 thi thể người xấu số. Giọng ông Sết chùng xuống: “Tui làm nghề lặn cả đời, chưa năm mô mình thấy đau thương như năm 88. Người chết nhiều quá, như mình vớt xác cũng thấy đau thương huống chi là người thân của mấy chục thi thể đó. Đợt đó, đứa con trai tui định bỏ nghề vì nó bị ám ảnh bởi nhiều người chết quá. Tui động viên hoài, nói là mình không làm thì còn ai làm nữa. Nghe thế dần dần thằng con trai mình cũng hiểu, giờ nó đã trở thành một thợ lặn giỏi”.


Con trai ông Sết vẫn tiếp nối nghề truyền thống của cha ông

Không chỉ vớt thi thể, ông Sết còn cứu cả người sống. Năm 2006, khi lái thuyền đoạn gần cầu Phú Xuân thì ông Sết thấy một người thanh niên lao xuống sông tự vẫn. Không chần chừ, ông vội nhấn ga, cho thuyền tiến đến cứu người, đưa lên bờ, sơ cấp cứu thành công trong sự vui mừng khôn tả của người nhà nạn nhân. Bao nhiêu năm làm nghề chài lưới trên sông Hương, ông đã thuộc dòng sông, thuộc từng con nước như lòng bàn tay. Và, từng cái chết trong sự hỉ nộ ái ố của cuộc đời ông đều chứng kiến.

“Nghiệp” lặn xác, cứu người của gia đình ông Sết có tiếng tới mức được mời đi các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên để làm việc. Hiện, gia đình ông đang là cộng sự tích cực cho lực lượng CSGT đường thủy Công an tỉnh TT- Huế. Kinh nghiệm, nhiệt huyết của họ đã góp phần thu thập tang vật, vớt những thi thể phục vụ cho quá trình điều tra, tìm công lý.

Ông Sết tâm sự: “Người chết nước thật đáng thương, nhưng có những cái chết không đáng có, bởi cuộc sống không phải của riêng mình mà cả cha mẹ mình nữa. Có người vì nợ nần do cờ bạc, đề đóm nên túng quẫn. Có người trắc trở trong chuyện tình duyên cũng chối bỏ cuộc đời, tìm đến cái chết”.

3. Mấy chục năm lăn lộn trong nghề, “nghiệp” cứu người, vớt xác vẫn theo ông, lặng thầm như mái chèo, tay lưới buông trên dòng Hương giang vẫn gõ nhịp từng ngày. Sắp bước sang tuổi lục tuần, vẫn chọn cho mình nghề sông nước, ông “neo” cuộc đời mình lại bằng nghề đưa thuyền chở khách trên sông Đông Ba. Bởi ông đã yên tâm, suốt một đời trai trẻ lao lực, giờ đây, thế hệ con trai, rồi cháu ông vẫn theo đuổi với nghề, làm việc nghĩa hiệp trên sông.

Ông Sết tâm sự: “Lặn xác cũng là một nghề, một nghề mưu sinh nhưng không tính toán thiệt hơn, lời lãi được”. Không phải nói suông, mấy chục năm qua, sau mỗi lần cứu người vớt xác, ông chưa hề đòi hỏi, “ra giá” một ai, tùy theo tấm lòng của gia chủ. Có người vì quá nghèo, ông lại bỏ tiền túi mình, mua đồ cúng, lễ vật dâng hương hay phụ giúp gia đình nạn nhân an táng, cầu cho người xấu số được siêu thoát.

Bởi thế, mấy chục năm qua, ông đã trở thành ân nhân không biết bao nhiêu người. Có người cũng lãng quên, nhưng cũng có người nhớ, khi quá giang, họ ngồi lại trò chuyện, hỏi thăm ông. Ông vẫn tâm niệm điều người cha dặn: “Người chết trên sông nước tội lắm. Cái chết đã bi thảm lắm rồi, nếu không tìm thấy hay không nguyên vẹn thi thể thì càng đau đớn hơn. Mình thấy mà không giúp, không cứu là có tội với lương tâm, với người ta”.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Thêm 4 điểm du lịch tiêu biểu ở ĐBSCL

Cần Thơ Hiệp hội Du lịch ĐBSCL vừa công nhận 4 điểm du lịch tiêu biểu của vùng, các đơn vị tiếp tục đầu tư, nâng chất, làm mới những sản phẩm du lịch hiện có.

Bình luận mới nhất