| Hotline: 0983.970.780

Bốn mẹ con nghèo sống lay lắt

Thứ Năm 20/11/2014 , 21:31 (GMT+7)

Gia cảnh của 4 mẹ con chị Hằng chẳng có một thứ gì đáng giá ngoài mấy gian nhà gỗ xiêu vẹo ông cha để lại, tứ phía trống không...

Người dân Hương Khê (Hà Tĩnh) tuy năm nay không phải oằn mình chống chọi với những cơn đại hồng thủy như những năm trước. Nhưng, người dân xã Lộc Yên chưa hết bàng hoàng về 6 đứa trẻ mồ côi năm ngoái không nơi nương tựa, nay lại phải chứng kiến thêm một hoàn cảnh thương tâm là 3 đứa trẻ mất cha, để lại bốn mẹ con cùng cực ôm nhau khóc ròng bên rổ sắn trừ bữa.

Một ngày đầu đông chúng tôi trở lại Lộc Yên, nơi từng “nổi tiếng” với 6 đứa trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ, đến cả một người thân nội ngoại cũng chẳng còn ai, nhưng khi báo chí phản ánh, 6 đứa trẻ đó đã được sự cưu mang của các nhà hảo tâm trong và ngoài nước, nay các cháu đã có một cuộc sống tương đối ổn định.

Những tưởng chỉ có hoàn cảnh 6 đứa trẻ mồ côi nói trên là bi đát, nay lại xuất hiện thêm 3 đứa trẻ khác đang sống khắc khoải, bởi bố các cháu là anh Nguyễn Quốc Dân vừa qua đời vì căn bệnh ung thư, để lại một gia cảnh thương tâm.

Chị Trần Thị Hằng (30 tuổi), vợ anh Dân kể trong nước mắt: Năm 2007 hai anh chị kết duyên với nhau rồi sinh được 3 đứa con, đó là Nguyễn Khánh Huyền (HS lớp 2); Nguyễn Uyển Nhi (2 tuổi) và Nguyễn Hà Đăng (4 tháng tuổi). Cuộc sống của gia đình chỉ trông chờ vào nghề thợ mộc trên đôi tay chồng sống qua ngày. Tai họa ập đến khi tháng 4/2014, anh Dân phát hiện mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối.

Dù biết chồng mình không còn sống được bao lâu nhưng nghĩ còn nước còn tát nên chị phải bán con nghé là tài sản duy nhất để chạy chữa thuốc men cho chồng. Bệnh không thuyên giảm, chị lại phải nhờ người vay nợ ngân hàng 30 triệu đồng để đưa chồng ra Hà Nội cứu chữa. Vậy mà, anh ấy vẫn bỏ lại bốn mẹ con ra đi trong cảnh bần hàn.

Chị Hằng càng quặn thắt hơn khi nhớ lại những cái chết đớn đau của bố mẹ chồng, anh trai chồng đã từng sống trong căn nhà gỗ mục nát này. Hiện người chị của chồng cũng sắp sửa ra đi vì chứng bệnh ung thư. Được biết, cũng tại nơi đây đã có đến 4 người thân ruột rà ra đi vì căn bệnh quái ác này. "Nếu mẹ con chị Hằng phải tiếp tục sống nơi đây mãi không biết mai kia chị và các con rồi sẽ ra sao đây?", một người dân nói.

Quan sát, gia cảnh của 4 mẹ con chẳng có một thứ gì đáng giá ngoài mấy gian nhà gỗ xiêu vẹo ông cha để lại, tứ phía trống không, mấy mẹ con ngồi bên bếp củi với rá sắn luộc nguội tanh, ngoài ra chẳng có một thứ gì đáng giá. Bữa ăn trưa của 3 cháu nhỏ là mớ sắn luộc, còn trên bàn thờ anh Dân chỉ một bát cơm nhỏ với quả trứng gà trông lãnh lẽo đến đến tột cùng.

Cháu Nguyễn Khánh Huyền vừa thắp hương cho bố vừa khóc than: “Bố ơi, bố đi mô mãi thế hả bố. Bố về với mẹ con chúng con đi bố ơi”. Nghe tiếng khóc than của con trẻ lòng chúng tôi quặn thắt, thương cho cảnh 3 đứa trẻ thơ dại thiếu thốn cùng cực.

Ông Nguyễn Văn Thuận, Bí thư xóm Trung Thượng chỉ tay ra vườn nhà nói: "Cả xóm Trung Thượng chúng tôi đều sống trên vùng đồi đá vôi này, không đào được giếng nên không có nước sạch sử dụng, cả làng suốt đời phải xuống rào (sông - PV) lấy nước về sinh hoạt. Có lẽ vì thế mà căn bệnh ung thư luôn hoành hành nơi đây. Mấy năm nay đã có vài chục người lần lượt ra đi, trong đó có những gia đình có từ 3-4 người chết vì ung thư”, ông Thuận nói.

Còn nói về gia cảnh 4 mẹ con nhà chị Hằng, ông Thuận rơm rớm nước mắt: Đây là trường hợp đặc biệt trong thôn, anh Dân ra đi để lại trên vai người vợ ốm yếu 3 đứa con nhỏ nheo nhóc. Những ngày qua kể cả khi anh Dân còn ốm liệt giường cũng như khi anh Dân mất đi, dân làng chúng tôi thay nhau kẻ bơ gạo, người mớ sắn mang đến giúp đỡ mẹ con chị Hằng sống qua ngày.

Cũng theo ông Thuận, với gia cảnh thương tâm của mẹ con nhà chị Hằng rất cần được sự quan tâm giúp đỡ của xã hội, cộng đồng, bởi hoàn cảnh neo đơn không nơi nương tựa, dân sống trong vùng lũ này cũng còn khó khăn thiếu thốn nên rất khó cưu mang. Chỉ mong các nhà hảo tâm giúp đỡ. Nếu không thì cuộc sống cả 4 mẹ con chị Hằng không biết rồi sẽ đi đâu, về đâu khi người thân không còn.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về địa chỉ: Chị Trần Thị Hằng, xóm Trung Thượng, xã Lộc Yên, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh). Điện thoại: 0987.917.134 (ĐT Bí thư Nguyễn Văn Thuận). Hoặc gửi về văn phòng Báo NNVN tại ĐBSCL, số 49 Lý Tự Trọng, TP.Cần Thơ, ĐT: 07103.835431, chúng tôi sẽ chuyển giúp quý vị.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm