Bóng hồng bước qua 'lời nguyền' cấm xuống ao tôm

Tại một số địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long, chuyện phụ nữ lội xuống ao tôm là điều cấm kỵ. Thế nên, lúc chân ướt chân ráo bước vào nghề thuỷ sản, Bùi Thị Huỳnh Hoa rất chật vật tìm việc, còn chủ đầm tôm thì quay lưng xua tay.

Cuối cùng, chữ “duyên” đã đưa chị đến với hàng chục nghìn hộ nông dân nhờ những bài thuốc thảo dược, những chủng men vi sinh đặc biệt. Từ một người bị "cấm cửa" xuống ao, giờ đây, cái tên Bùi Thị Huỳnh Hoa thường được bà con nhớ tới, mỗi khi đàn tôm đứng trước lằn ranh sinh tử.

CEO Công ty TNHH Khoa học Việt Đức Bùi Thị Huỳnh Hoa chia sẻ “cuộc sống luôn có hai dòng chảy, một dòng chảy tái sinh và một dòng chảy huỷ hoại”. Trong môi trường nước cũng vậy, luôn có lợi khuẩn và hại khuẩn.

Khi nguồn nước bị ô nhiễm, nếu dùng kháng sinh liều cao để diệt khuẩn có hại, khuẩn lợi cũng tận đường sống. Đó chính là dòng chảy huỷ diệt. Còn nếu chúng ta bổ sung vào nguồn nước bị ô nhiễm thật nhiều vi khuẩn có lợi để ức chế, lấn át vi khuẩn có hại, thì đó chính là dòng chảy tái sinh.

Kiên trì với triết lý đó, Bùi Thị Huỳnh Hoa đã thử nghiệm nhiều sản phẩm thuốc thảo dược và chế phẩm vi sinh, để đưa ra những quy trình kỹ thuật nuôi tôm phù hợp với từng điều kiện thả nuôi. Từ đó, người nông dân có thêm sự lựa chọn thay vì chỉ sử dụng kháng sinh, hoá chất như trước đây. Nhờ đứng kỹ thuật “mát tay”, những farm tôm giống quy mô lớn ở miền Tây như Dương Hùng, Trang Khanh đều tìm đến Công ty Khoa học Việt Đức để hợp tác và áp dụng quy trình kỹ thuật.

"Có lúc, tôi góp vốn đầu tư với các chủ trang trại ở Bạc Liêu, Kiên Giang nuôi tới 15ha tôm, chưa vụ nào thất bại. Nhưng, đó cũng chính là lúc tôi quyết định dừng lại để chuyên tâm kinh doanh thuốc, chế phẩm vi sinh nuôi trồng thuỷ sản", chị Hoa kể.

Chia sẻ về câu chuyện khởi nghiệp cùng Báo Nông nghiệp Việt Nam, CEO Bùi Thị Huỳnh Hoa bảo rằng: “Làm giàu cho mình thì rất dễ, nhưng tôi muốn mang kiến thức của mình để giúp nhiều nông dân làm giàu”.

Cơ duyên nào đưa chị đến với nghề nuôi tôm, vốn không dành cho phái yếu?

Ở quê tôi, nông dân đều làm lúa và trồng cây, nghèo lắm. Canh ba phải dậy nấu cơm cho bố mẹ ra ruộng, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Tôi nhìn sang những địa phương khác, thấy sao người ta phát triển quá.

Học hết lớp 12, tôi nộp hồ sơ thi vào ngành y nhưng đúng hôm đi thi bị tai nạn, đành phải nộp nguyện vọng vào khoa Nuôi trồng thuỷ sản, Đại học Tây Đô. Cuộc đời đôi khi có ngã rẽ bất ngờ như vậy đấy (cười).

Sau khi lấy tấm bằng kỹ sư, tôi xin làm sale ở rất nhiều công ty, nhưng họ không nhận nữ, chỉ nhận nam. Cũng phải có cơ duyên lắm mới gặp được một anh giám đốc công ty thuốc thuỷ sản thương mình. Anh nói: “Hoa cứ làm thử vì trước đó cũng có một bạn nữ vào nhưng không làm được. Anh nhận Hoa vào để phá lời nguyền xem sao. Nếu không được thì anh không bao giờ nhận nữ luôn”.

Mới nhận việc được ít ngày, anh giám đốc chở tôi xuống Sóc Trăng, thuê cho tôi một phòng trọ rồi đi về. Lúc đó, mình chẳng biết trời trăng mây đất là gì. Những ngày tháng đó chật vật vô cùng. Tôi đi xuống mấy vùng nuôi tôm, năn nỉ họ xuống ao để xem tôm nhưng người ta từ chối, chỉ có ngồi ngoài chòi canh cách đó cả trăm mét.

Thời ấy, người ta không cho nữ vào ao tôm, vì như vậy xui lắm. Kể cả mấy ông nuôi tôm cũng không bao giờ cho vợ bén mảng đến. Tới chừng 2 tháng tôi bám trụ ở đấy, ông anh thấy tội nghiệp quá nên bảo “thôi bây giờ anh ra dỡ tôm cho em coi, nhưng em không được bước qua cái gào (cao chừng 50cm) này nha”.

Rồi anh ra cầu nhá xa khoảng 10m, anh dỡ tôm lên, xa quá, chỉ thấy con tôm nảy tanh tách thôi, chứ không biết được gì. Rồi cứ từ từ, người ta nhận mình vào phụ trách kỹ thuật không công cho họ.

Từ giảng đường bước xuống ao tôm, chị học hỏi được điều gì ở “ngôi trường” thực tiễn?

Ngày trước, nghe người nói gan, ruột con tôm thế này là tốt, người khác lại bảo như vậy là xấu. Mình không biết thế nào là tôm khoẻ, thế nào là tôm yếu, điều kiện môi trường như thế nào là phù hợp. Thế nên, khi đi làm, mình quyết định phải nhảy vào để quan sát.

Hai năm đầu, mình ở trầm dưới ao, ngủ ngoài ao, ăn ngoài ao, ban đêm cũng phải lội xuống ao xem thời tiết mùa xuân dưới ao thế nào, mùa đông dưới ao thế nào, rồi kiểm tra xem chỗ nào tôm ở nhiều, chỗ nào tôm ở ít. Mình phải nắm được tập tính của con tôm ăn nhiều vào buổi sáng, buổi trưa hay buổi tối. Trong quá trình đó, tôi may mắn gặp được một người thầy đầu tư farm tôm. Người thầy đó chỉ cho mình xem gan như thế nào, ruột tôm như thế nào là tốt, màu nước như thế nào là tốt.

Chỉ cần nâng nhá (vó bắt tôm - PV) lên, mình nhìn là biết ngay con tôm đó có đủ ô xy hay không, đủ khoáng chất hay không, gan, đường ruột có khoẻ hay không. Từ đó, mình biết được diễn biến sức khoẻ của tôm 3-7 ngày tới như thế nào.

Người ta bảo, nghề nuôi tôm là “sân chơi” của các đại gia, vì đầu tư vừa tốn kém, vừa dễ gặp rủi ro. Một cô gái thôn quê nghèo khó còn quá trẻ như chị đã khởi nghiệp như thế nào?

Thành công của một con người, đôi khi bắt nguồn từ cái duyên và sự may mắn. May mắn nhất của mình là ngay từ ban đầu gặp được một công ty thuốc tốt. Mình bán cho nông dân sử dụng và họ trúng tôm rất lớn, nên doanh số của mình rất cao. Thứ hai là may mắn gặp được một người thầy tốt, chỉ cho mình về mọi thứ về kỹ thuật nuôi tôm. Mình đứng kỹ thuật cho ao nào cũng lời lớn nên người ta rủ hùn “vốn”.

Đặc biệt, năm 2014, mình may mắn gặp được một người chú tốt, bán nợ cho mình tôm giống, rồi giới thiệu cho đứa cháu có ao rộng 700m2 hùn vốn với mình. Thức ăn cho tôm cũng có người bạn cho nợ. Mình chẳng có gì ngoài kỹ thuật.

Đúng năm đó, dịch đốm trắng do virus hoành hành. Chỉ cần một ao bị nhiễm, nếu không phát hiện và xử lý triệt để thì virus sẽ ký sinh vào các loài giáp xác, nước thải chảy ra tới đâu, tôm đang khoẻ lật chết ngay. Lúc ấy, tôm chết nhiều đến nỗi cả một vùng xung quanh thương lái không còn tôm để mua.

May mắn là ao của mình không có nước để cấp vì sông đang cạn, nước giếng khoan bơm lên ri rỉ. Mình chỉ dùng vi sinh và thảo dược. Đợt đó thu được gần 2 tấn tôm, size khoảng 40 con/kg, thương lái mua được 160.000 đồng, mình được chia lợi nhuận 1 nửa. Nhờ đó mình mới biết được là không phải cứ thay nước nhiều mới nuôi được tôm, mình phát hiện vi sinh nó tốt cỡ nào, nên mình chỉ tập trung đi sâu vào vi sinh và thảo dược.

Chị có thể chia sẻ một số bài thuốc thảo dược hữu ích dùng để nuôi tôm?

Ngày đó chưa có nhiều loại thuốc thảo dược như bây giờ. Mình phải đi hái cây chó đẻ, cây thù lù (trái có hình dạng như lồng đèn), vỏ trái măng cụt, cái cau ăn trầu và một số cây nữa bỏ vô nồi to sắc và trộn vào thức ăn cho tôm ăn ngày hai cữ. Hạt Bình Bát có thể trị nhiễm ký sinh trùng đường ruột. Nếu tôm bị phân trắng, mình lấy cỏ sữa và một số loại thảo dược chế thành thuốc cho tôm ăn thì vẫn chữa được bệnh bình thường. Những bài thuốc dân gian đó từ thời các cụ truyền lại, nhưng không biết tại sao sau này bà con lại quên mất.

Sau này, nhiều bà con ở Kiên Giang rủ mình hùn vốn nuôi tôm, có lúc diện tích nuôi tôm lên tới 15ha, lời rất đậm. Mình thấy rằng sai lầm lớn nhất của người nuôi tôm là sử dụng quá nhiều hoá chất, kháng sinh để phòng bệnh mà không nghĩ đến những di chứng về sau. Ví dụ, con tôm lớn nhờ lột xác. Đó cũng là lúc cơ thể tôm yếu nhất, vì gan nằm ở phần đầu, khi mất lớp giáp bảo vệ, gan rất dễ bị tổn thương. Lúc đó chỉ xài thảo dược để tăng sức đề kháng cho tôm.

Tuy nhiên, khi thấy gan tôm có màu vàng hoặc lác đác vài con bị chết, bà con nghĩ rằng vi khuẩn làm tôm yếu nên lập tức dùng hoá chất để dập. Nhưng, đó là hành động “đổ thêm dầu vào lửa”. Bởi tôm là loài rất nhạy cảm với môi trường, khi có hoá chất hoặc nguồn nước thay đổi đột ngột thì tôm càng lột xác nhanh hơn và lớp vỏ sẽ lâu cứng. Tôm không hấp thụ được khoáng chất và chết.

Đúng ra, bà con có 3 ngày để điều trị bệnh gan, nhưng khi xài một loại kháng sinh, phải chờ hai ngày mới biết là thuốc hiệu quả hay không. Nếu chọn sai thuốc, thì đến ngày thứ 3, họ có xài loại thuốc khác cũng không kịp nữa rồi. Nhất là khi đã xài kháng sinh thì không thể xài thảo dược.

Khi đầu tư nuôi tôm và có lợi nhuận cao, chị quyết định dừng lại và lập Công ty chuyên kinh doanh thuốc thuỷ sản, vì sao vậy?

Ngày xưa tôi nuôi khoảng 15ha tôm ở Kiên Giang và đứng kỹ thuật cho các công ty nuôi tôm có tiếng như Dương Dùng (trại tôm giống đứng thứ 3 cả nước), Công ty Trang Khanh (ở Bạc Liêu) và nhiều farm tôm ở Cà Mau… Họ đều sử dụng quy trình kỹ thuật của mình.

Nhưng đến một lúc, tôi nghĩ nếu chỉ làm giàu cho mình thì rất dễ, nhưng nếu chỉ tập trung vào trang trại của mình thì không thể phổ biến những kiến thức mà mình biết, những công thức mình có cho bà con nông dân.

Trên mạng xã hội cho mình những kiến thức, nhưng không cho mình công thức. Bởi vậy, không ai giúp được người dân những vấn đề cụ thể. Mình quyết định thu nhỏ vùng nuôi của mình lại và thành lập công ty để mang những công thức, những sản phẩm tốt của các nhà khoa học trong và ngoài nước đến với người dân.

Thế là, tháng 3/2016, Công ty TNHH Khoa học Việt Đức chính thức ra đời, với sự đồng hành, ủng hộ của GS. TS Nguyễn Văn Ty - Chủ tịch HĐQT, Sáng lập viên Công ty Cổ phần Vi sinh Ứng dụng, thầy Nguyễn Lân Hùng và một số nhà khoa học chuyển nghiên cứu sản phẩm phục vụ nuôi trồng thuỷ sản.

Với chị, cái tên “Khoa học Đạo Đức” mang hàm nghĩa gì trong triết lý kinh doanh thuốc thuỷ sản của chị?

Thuỷ sản là một ngành kinh tế kỹ thuật, bởi vậy khoa học là yếu tố then chốt quyết định thành công. Còn “đức” trong từ đạo đức. Tong Phật giáo, đức là phần nổi, đạo là phần chìm. Chỉ cần nói đức là người ta biết là đạo đức. Còn Việt là con người Việt Nam, là đức tính của người Việt chúng ta.

Đối với ngành tôm, người ta có câu “nhất giống, nhì môi, tam mồi, tứ kỹ”. Tức là phải có con giống sạch bệnh, có môi trường tốt, có vi sinh tốt, khoáng chất và vitamin tốt, thức ăn phải tốt, kỹ thuật tốt. Người đứng kỹ thuật vô cùng quan trọng, họ tính toán chi tiết nên dùng vi sinh giờ nào, trộn thuốc liều như thế nào, trộn sản phẩm nào làm thức ăn bổ sung, chọn con giống nào.

Cuộc sống luôn có hai dòng chảy, một dòng chảy tái sinh và một dòng chảy huỷ hoại. Trong môi trường nước cũng vậy, luôn có lợi khuẩn và hại khuẩn. Khi nguồn nước bị ô nhiễm, nếu lạm dụng kháng sinh liều cao để diệt khuẩn có hại, khuẩn lợi cũng tận đường sống. Đó chính là dòng chảy huỷ diệt. Còn nếu chúng ta bổ sung vào nguồn nước bị ô nhiễm thật nhiều vi khuẩn có lợi để ức chế, tiêu diệt vi khuẩn có hại, thì đó chính là dòng chảy tái sinh.

Mình muốn làm sao để cho mọi người nhận biết đâu là dòng chảy huỷ hoại và đâu là dòng chảy tái sinh, để cho họ chọn lựa một phương thức nuôi tôm bền vững nhất. Hiện nay, không chỉ riêng Khoa học Việt Đức, có rất nhiều công ty thuốc cung ứng sản phẩm chất lượng và uy tín. Tuy nhiên, không phải người nông dân nào cũng đủ thông tin để lựa chọn đúng sản phẩm.

Đó chính là lý do tôi thành lập một công ty truyền thông, để thay đổi hành vi của người sử dụng thuốc trong nuôi trồng thuỷ sản, chuyển từ sử dụng những thứ không tốt sang một cái gì đó hữu ích hơn, lâu dài và bền vững hơn.

Mình không nói kháng sinh tốt hay không tốt. Bởi nếu chúng ta dùng đúng liều lượng, đúng quy định thì nó tốt, không có kháng sinh thì ngành thuỷ sản không thể tồn tại. Nhưng nếu mình dùng thừa, dùng vô tội vạ thì nó sẽ vô tình trở thành “vacxin” cho vi sinh vật hại kháng kháng sinh, nó biến đổi, nó đột biến, nó khoẻ hơn mỗi ngày. Bên cạnh đó, khi tồn dư kháng sinh trong nước, tôm cũng sẽ chậm lớn hơn, người nuôi vừa tốn thêm thời gian, chi phí thức ăn, xử lý môi trường…

Là một trong những đơn vị “khơi dòng chảy tái sinh” ngành thuỷ sản, điều gì khiến chị cảm thấy hạnh phúc nhất?

Hạnh phúc thì có rất nhiều. Thứ nhất, đến nay, Công ty Khoa học Việt Đức đã thử nghiệm và cung ứng hàng chục bộ sản phẩm thuốc thảo dược đặc hiệu trong phòng, điều trị bệnh cho thuỷ sản và các loại chế phẩm xử lý môi trường, phù hợp với điều kiện đặc thù từng loại ao nuôi.

Đặc biệt, Công ty có các dòng thảo dược như Gastro-VĐ 02 để cắt đứt bệnh phân trắng và bệnh lỏng ruột. Bệnh về gan có dòng thảo dược VĐ-LIVER đã chứng minh cho người nuôi tôm các tỉnh thành trước việc gan tôm không đều màu, màu gan nhợt nhạt, vàng gan, sưng gan,… mà không cần sử dụng đến các loại hoá chất và kháng sinh.

Thứ hai, chỉ trong 6 năm, đã có hơn chục nghìn hộ nông dân áp dụng kỹ thuật nuôi tôm của chúng tôi. Tôi không quan tâm nhiều đến lợi nhuận mỗi năm bao nhiêu. Hạnh phúc của tôi là khi bán cho nông dân một vụ tôm khoảng 33 triệu tiền thuốc, thì họ phải thu về được trên dưới 10 tấn tôm/vụ (với diện tích nuôi từ 1.000 – 1.300m2, mật độ nuôi 300 con/m2).

Nhưng, hạnh phúc lớn nhất của tôi, là giúp những người nuôi tôm quản trị rủi ro trong quá trình đầu tư. Bởi mình nhận tiền của người ta, mình làm không tới, người ta mất tôm, “gãy” tôm thì ảnh hưởng đến tài chính của cả gia đình, thậm chí là cả thế hệ con cháu sau này. Những farm tôm lớn người ta đầu tư cả chục, cả trăm, thậm chí nghìn tỷ chứ không ít.

Những câu chuyện nào khiến chị cảm thấy ấn tượng nhất trong quá trình quản trị rủi ro cho người nuôi tôm?

Trong quá trình tư vấn cứu tôm, có nhiều chuyện đến già mình vẫn không quên. Có lần, 2h30 chú Bảy ở trong đường Năm Căn (Sóc Trăng), giọng đầu dây bên kia khẩn thiết: “Tôm chú nổi đầu rồi, biết làm sao giờ? Giúp chú với?”. Thế là, tôi một mình chạy xe máy lọc cà lọc cọc từ Bạc Liêu đi 30km trên con đường đất vừa vắng, vừa xóc, vừa nhỏ, hai bên chỉ trồng toàn chuối để đưa cho người ta 3 chai Yucca (là thảo dược dùng để cấp cứu tôm nổi đầu vì nước thiếu oxi). Chú Bảy dính một phen hú vía, vì nếu thuốc về chậm vài tiếng, đàn tôm sẽ chết la liệt.

Ở Quảng Ninh, vợ anh Phan Văn Mai (người nuôi tôm ở huyện Đầm Hà) nói với tôi rằng: “Nếu không nhờ Hoa qua thì đợt đó nhà cũng không còn để giữ, vì thua 6 vụ liên tiếp”.

Trước đó, anh Mai có giao cho một công ty khác phụ trách kỹ thuật nhưng xử lý môi trường không tới, gan tôm không giải độc được nên không hấp thu được dinh dưỡng và không lớn. Lúc đó, chủ ao mới thu tỉa một nửa (size 130 con/kg), còn một nửa nhờ mình cứu. Lúc đó, mình đưa thuốc xuống cứu, kết quả là những con tôm còn lại đạt size hơn 20 con/ao. 6 vụ nuôi gần đây của gia đình anh Phan Văn Mai luôn cho năng suất khoảng 6-7 tấn/ao diện tích 1.000m2, lợi nhuận từ 500-700 triệu đồng/ao tuỳ theo thời giá.

Tại Cà Mau, anh Trần Minh Triều tại Hoà Tân, Cà Mau thu lợi nhuận khoảng 1,5 tỷ đồng/vụ nhờ năng suất tôm đạt 22 tấn/vụ. Tại huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu, khu nuôi tôm công nghệ cao của chị Nguyễn Hồng Diệu luôn thành công với size tôm 15 – 25 con/kg.

Còn tại tỉnh Trà Vinh, điển hình là khu nuôi công nghệ cao của anh Thanh Trà, không chỉ nuôi tôm làm giàu cho mình mà mọi người còn truyền tai nhau chia sẻ kỹ thuật, quy trình nuôi của mình cho mọi người trong khu vực.

Vừa rồi là những câu chuyện thành công. Vậy, có bao giờ chị gặp “tai nạn nghề nghiệp”, tư vấn sai, khiến người nuôi tôm thiệt hại?

Trộm vía, không phải lúc nào công việc cũng suôn sẻ hết. Cũng có những lúc mình thất bại. Vì có những vùng nước đặc biệt, độ pH rất thấp, nâng kiềm đủ kiểu nhưng không cách nào tăng lên được, vì vùng đó có chân phèn từ lâu năm, tôm chậm lớn. Trăn trở nhất của tôi là những ao đất vùng Cù Lao Dung tại Sóc Trăng, bà con chỉ nuôi tôm đến size 50 con/kg là phải thu, vì nuôi nữa cũng không lớn.

Cũng có trường hợp bà con sử dụng lượng chế phẩm vi sinh của mình quá nhiều, khi test chất lượng nước thì lên khuẩn lạc màu vàng nhẹ, kỹ thuật phòng LAP của các đại lý tưởng tôm bị bệnh phân trắng (nhưng thực tế đó là chủng vi khuẩn Basiluss – có tác dụng sử lý môi trường nuôi trồng thuỷ sản rất hiệu quả). Họ tư vấn cho khách về diệt khuẩn, mà diệt khuẩn thì tôm chết luôn.

Sau này, tôi rút kinh nghiệm và mỗi tỉnh đều có phần mềm quản lý đến tận ao tôm. Không có nhân viên nào được quyền cầm một gói, một chai nào đi bán lẻ cả, tất cả đều trong hệ thống hết.

Ví dụ, khi khách đặt hàng thì nhân viên thị trường phải báo về kho, kế toán làm phiếu xuất kho. Bộ phận giao hàng sẽ vận chuyển đến các trang trại và có bạn kỹ thuật đi cùng để hướng dẫn cách sử dụng, nhưng không có nghĩa là làm phiền khác. Tôi đặc biệt không cho nhân viên làm phiền khách, cũng cấm nhân viên gọi điện thoại kèo nài bán hàng. Việc của nhân viên thị trường, nhân viên kỹ thuật là khi nào khách cần thì hỗ trợ.

Chị có kế hoạch gì cho thời gian tới?

Tôi có một mong ước là mở một nhà máy thật lớn để sản xuất các chế phẩm vi sinh phục vụ không chỉ nuôi trồng thuỷ sản, mà phục vụ cả trồng trọt và chăn nuôi để thay thế cho các loại kháng sinh, hoá chất độc hại trong phòng, điều trị bệnh cũng như xử lý môi trường.

Bên cạnh đó, Công ty Khoa học Việt Đức sẽ truyền thông đúng sự thật, truyền thông đúng với giá trị của những sản phẩm thuốc thảo dược, chế phẩm sinh học để người dân biết được. Từ đó, họ có thêm sự chọn lựa, thay vì trước đây chỉ có một sự chọn lựa - đó là kháng sinh và hoá chất diệt khuẩn thôi.

Khoa học Việt Đức chưa phải là doanh nghiệp lớn, nhưng tôi tin chắc chắn một điều rằng, mình đang đi đúng hướng. Đó là xu hướng tất yếu của tương lai, và đó cũng chính là lý do doanh thu của chúng tôi liên tục tăng trưởng mạnh mẽ, bất chấp những khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 lây lan khắp cả nước./.

Xin cảm ơn những chia sẻ của chị!

Minh Phúc
Khánh Thiện
Tùng Đinh - Việt Đức