| Hotline: 0983.970.780

Bóng lồng non nước cũ

Thứ Hai 26/08/2019 , 13:57 (GMT+7)

Vào Huế, tôi nhờ nhà báo Lê Vũ Trường Giang (Tạp chí Sông Hương) đưa lên đồi thông Từ Hiếu để viếng thăm bà Phương Chi đã yên nghỉ bên cạnh thi nhân Vĩnh Mai. 

Nơi ấy, bà và ông đoàn tụ, không còn cảnh vầng trăng xẻ nửa. Và nơi ấy, bà lại được cùng ông họa “Những trang thơ vượt quá chuyện đời”…

10-38-03_phuong_chi_-_vinh_mi
Vợ chồng thi nhân Vĩnh Mai - Phương Chi.

Tôi nhớ lại những cuộc gỡ với bà, được nghe bà kể về câu chuyện tình yêu của cô gái xứ Thanh với nhà thơ tài hoa đất Quảng Trị...
 

Cầu hôn bằng trường ca 500 câu thơ

Đó là chiều mùa đông 12 năm trước. Bóng tối xuống nhanh và lan rộng. Tôi ra về trong gió lạnh, quay lại vẫn thấy nhà thơ Phương Chi sau khi tự lo tập hợp bản thảo, tự bỏ tiền ra để in sách, bà lại cặm cụi sửa những lỗi sai vẫn còn sót lại trước khi gửi tặng bạn bè và 64 chi hội văn nghệ toàn quốc.

Đúng như nhiều người đã nói, thật hiếm có người vợ nào như bà, trong từng hơi thở, miếng ăn, suy nghĩ đều nghĩ đến chồng. Bà nhớ từ kỷ niệm cùng bạn bè, hay thói quen uống café mỗi buổi sáng, đến nết ăn ở của chồng, thậm chí nhớ cả xuất xứ của từng câu thơ... Tất cả nỗi nhớ đã hóa thành bất tử trong tình yêu của Phương Chi dành cho Vĩnh Mai.

Nhà thơ Vĩnh Mai (1918-1981) tên khai sinh là Nguyễn Hoằng, sinh tại thôn An Tiêm, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Tốt nghiệp tú tài phần 1 tại trưởng chuyên khoa Khải Định (nay là Quốc học Huế) với vị trí thứ nhì, ông tham gia phong trào thanh niên dân chủ tại Huế... Cách mạng tháng Tám 1945, Vĩnh Mai tham gia khởi nghĩa tại Tuy Hòa (Phú Yên). Đang làm Chủ tịch huyện Tuy Hòa, Vĩnh Mai được cử làm Trưởng ty Thông tin Tuyên truyền tỉnh Phú Yên, Bí thư Thị ủy Huế, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị.

Giai đoạn này, Xứ ủy Trung Bộ bắt đầu tổ chức các lớp huấn luyện về chính trị, triết học, văn hóa cho cán bộ 6 tỉnh Bắc Trung Bộ. Tại lớp tập huấn chính trị khai mạc ở Huế do Nguyễn Chí Thanh, Hải Triều, Tố Hữu và Vĩnh Mai giảng dạy, lần đầu tiên gặp người giảng viên dong dỏng cao, bận complet màu trắng, cà vạt tím, nổi bật là đôi mắt rất sáng luôn nhìn thẳng... Không hiểu sao nét mặt ấy, đôi mắt sáng ấy, từ cái nhìn đầu tiên của thầy Vĩnh Mai đã cuốn hút ngay cô học trò Phương Chi - Chủ tịch Phụ nữ huyện Hậu Lộc (tỉnh Thanh Hóa). Cái nhìn ấy như định mệnh để tình yêu của họ được bồi đắp và nên vợ nên chồng dẫu cho sau này đã phải chịu đựng nhiều gian khổ, nhiều thua thiệt trên đời...

Đầu mùa thu năm 1949, Vĩnh Mai ra nhận công tác tại Chi hội Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác Liên khu IV và Chi hội văn nghệ Liên khu IV đã tìm Phương Chi ở Đại hội Phụ nữ tỉnh Thanh Hóa tổ chức tại huyện Yên Định. Sau đó, ông đề nghị bà đưa về thăm nhà và tháng 9 năm ấy ông có món quà cầu hôn bà bằng bài trường ca dài 500 câu “Chàng trai ấy” với những câu thơ lấp lánh: “Yêu áo hồng cười dưới nắng trời mai/ Và nón trắng nghiêng nghiêng niềm chờ đợi/... Khi đồng xanh, khi suối trắng, đồi cao/ Chàng cống hiến cuộc đời cho lý tưởng/ Một tối hai chân chàng bỗng vướng/ Lưới quân thù chờ đợi đã từ lâu/ Đời chiến sĩ cùm sâu trong cửa ngục/ Nặng căm thù đày ải gian lao”...
 

Nàng thơ của thi nhân Vĩnh Mai

Thuở thơ tình còn là thứ xa xỉ, nhiều người phê phán thơ tình yêu là tiểu tư sản, thậm chí là cấm kỵ những bài thơ tình Vĩnh Mai vẫn ra đời. Có thể nói, tất cả thơ tình Vĩnh Mai đều bắt nguồn từ một nàng thơ duy nhất, đó là Phương Chi: Suốt đời tôi, đôi mắt xanh/ Theo tôi như bóng đuổi theo hình. Phương Chi - người học trò, người yêu, người đồng chí, người vợ đời ông yêu thương quý mến. Tập thơ nào Vĩnh Mai cũng đưa vào vài bài về tình yêu của mình để tặng Phương Chi. Đó là tình yêu trải qua 30 năm cách mạng và kháng chiến, có bình yên và có gian nguy...

10-38-03_dsc03311
Bà Phương Chi (2009). Ảnh: KMS.

Sau ngày thi sĩ Vĩnh Mai mất, bà giữ các di cảo còn lại của ông. Bà kể, lúc đơn chiếc bà chỉ biết đem thơ của ông ra đọc. Những bài thơ, những truyện ngắn Vĩnh Mai ngủ quên đâu đó, nay cũng được bàn tay Phương Chi đánh thức dậy.

Tôi được xem những di cảo bà luôn mang theo bên mình trong chiếc túi vải đã cũ. Bản thảo của anh, mình giữ cẩn thận, trong chiến tranh, đi công tác hay đi sơ tán đều đem theo, bọc vào vải nilong đèo sau xe đạp ấy nên tất cả đều được nguyên vẹn.

Khi Vĩnh Mai ốm nặng nằm điều trị ở bệnh viện Việt - Xô, như ngọn đèn khi dầu đã cạn kiệt, cái bấc đèn - Vĩnh Mai - vụt lên trước khi tắt hẳn, ông dặn: Phương Chi về hãy đốt hết bản thảo của anh đi. Bà hỏi giọng xót xa: Sao anh lại nói thế? Em bảo vệ bản thảo như con. Hiểu được nỗi lòng của ông, bà dịu dàng: Thôi, để lại cho quê hương anh ạ.

Bà lặng đi, khẽ đọc cho tôi nghe bài thơ Hương đá bà viết để gửi thi sĩ Vĩnh Mai ở bên kia cầu Nại Hà nhân ngày cải táng nơi ông yên nghỉ: Em hiểu anh, anh vẫn lặng thầm/ Muốn đốt hết bản thảo đi/ Vì đời còn lắm chông gai/ Khi có những nhà thơ mê quyền lực/ Năm tháng qua đi/ Em tìm về cõi thực/ Những trang thơ vượt quá chuyện đời/ Và hôm nay lấp lánh anh ơi.
 

Sống để viết về Vĩnh Mai

Nghe nhà thơ Phương Chi kể chuyện về thi sĩ Vĩnh Mai tôi nhận ra một điều: Cái chết chỉ chia lìa Vĩnh Mai - Phương Chi trên cõi tạm, họ xa cách nhau trong hiện hữu nhưng Vĩnh Mai lúc nào cũng như đang có mặt ở trên đời cùng cuộc sống hôm nay. Dường như máu của Vĩnh Mai đang chảy trong con người Phương Chi. Dòng máu của một Vĩnh Mai chứa chan tình yêu văn học và tình yêu con người.

Sau trận ốm nặng thập tử nhất sinh, bà tưởng chết, đang nằm trên giường bệnh, bà nghĩ: tiền bạc cũng chẳng để làm gì, chết là hết cũng không mang đi được. Bà phải sống để tiếp tục viết về thi sĩ Vĩnh Mai. Ông bà không có con  bằng xương bằng thịt nhưng đã có những người con tinh thần để lại cho quê hương, cho bạn bè, cho cuộc đời.

10-38-03_dsc03316
Bà Phương Chi cùng bạn hữu tại Lễ kỷ niệm 90 năm sinh nhà thơ Vĩnh Mai (2009). Ảnh: KMS.

Cặm cụi lo tổ chức bản thảo, liên hệ nhà xuất bản, tự đọc bông những tác phẩm của chồng. Bà còn cố gắng để chung tay cùng Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức lễ kỷ niệm 90 năm ngày sinh thi nhân Vĩnh Mai vào ngày 12 tháng 1 năm 2009. Thấy bà không được khỏe mà vẫn phải chạy đôn chạy đáo lo việc nọ việc kia, tôi cũng ái ngại thì bà bảo: “Tôi cố gắng để có một dịp những người bạn cũ, những người yêu thơ Vĩnh Mai đến với anh. Biết đâu đây cũng là lần cuối cùng tôi còn được gặp mặt đông đủ bạn hữu của anh Vĩnh Mai...”. Lời người ứng nghiệm, bà mất giữa năm 2009 ở tuổi 86.

Thương nhớ Vĩnh Mai, yêu thơ văn Vĩnh Mai nên bà Phương Chi làm việc suốt ngày đêm cần mẫn. Bà đã bỏ tiền hưu ra in: Tuyển tập thơ văn (Chàng trai ấy) 1992; Tuyển thơ 1997; Thơ tình Vĩnh Mai - Phương Chi 2001, Thơ văn và cuộc đời Vĩnh Mai - Phương Chi, và cuốn hồi ký Sống với nhà thơ Vĩnh Mai 2003...

 

(Kiến thức gia đình số 34)

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất