| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 15/08/2017 , 06:30 (GMT+7)

06:30 - 15/08/2017

BOT Cai Lậy - Niềm tin bị xói mòn, khó xua tan mối hoài nghi!

Trạm thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ Cai Lậy (BOT Cai Lậy - Tiền Giang) mới chính thức hoạt động từ ngày 1/8, nhưng lái xe và các doanh nghiệp vận tải phản đối dữ dội hàng ngày bằng nhiều hình thức.

Phía lái xe phản đối ở 2 điểm chính, vì cho rằng: trạm thu phí BOT Cai Lậy đặt trên QL 1A là đã đặt nhầm chỗ, gây nên tình trạng không đi vào đường tránh nhưng các xe vẫn phải nộp phí; và thu phí quá cao so với cao tốc Trung Lương - TP.HCM.

17-12-18_trm_thu_phi_bot_ci_ly_tien_ging
Trạm thu phí BOT Cai Lậy đặt trên QL 1A (Ảnh: Zing)

Ông Nguyễn Phú Hiệp - Giám đốc BOT Tiền Giang (Cty TNHH Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang) cho biết đơn vị không áp đặt, mà vị trí đặt trạm đã được UBND tỉnh Tiền Giang đồng ý và Bộ GTVT với Bộ Tài chính đồng thuận.

Ngày 11/8, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật thì lý giải: “Trạm BOT Cai Lậy, nhà đầu tư phải vay vốn từ ngân hàng để làm, rồi phải trả lãi suất ngân hàng chứ không sử dụng ngân sách nhà nước. Còn tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương đã làm từ lâu, lại sử dụng vốn vay ODA để đầu tư. Do đó, việc so sánh mức phí của 2 tuyến đường này là khập khiễng”. Thứ trưởng Bộ GTVT còn kiên quyết bảo lưu ý kiến và nhất định không giảm phí ở trạm BOT Cai Lậy dù lái xe và người dân có phản đối đi chăng nữa.

Sáng 14/8, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN (Bộ GTVT) Nguyễn Mạnh Thắng đã có buổi làm việc 20 phút với Sở GTVT Tiền Giang xung quanh các vấn đề trạm thu phí Cai Lậy, và hứa sẽ “báo cáo Bộ GTVT để có xử lý phù hợp với quy định chung”.

Có mấy điều phân vân trong sự việc trên.

Nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường (mới nghỉ hưu hôm 1/8) từng khẳng định: “Thông tư 90 quy định, làm mới đường tránh tại đâu thì phải đặt trạm thu tại đó". Vậy thì việc xây dựng mới 12km đường tránh thị trấn Cai Lậy với số vốn 1.000 tỷ đồng, rồi bỏ ra số vốn chưa đến một nửa so với đoạn 12km kể trên - là 400 tỷ đồng để sửa chữa 26km QL 1A, rồi đặt trạm thu phí tại đây (QL 1A) do được UBND tỉnh Tiền Giang đồng ý và Bộ GTVT với Bộ Tài chính đồng thuận - có vẻ như trái với nguyên tắc của Thông tư 90.

Sự hoài nghi đằng sau việc được đặt trạm thu phí ở QL 1A này còn là chuyện số thu “khủng”. Bởi lẽ, trung bình có 50.000 lượt xe qua trạm BOT Cai Lậy mỗi ngày đêm, với giá vé thấp nhất là 35 nghìn đồng/lượt, cao nhất là 180 nghìn đồng/lượt. Lấy giá vé bình quân là 70 nghìn/xe, thì mỗi ngày trạm BOT này thu về 3,5 tỷ đồng. Nghĩa là sau khi hết hợp đồng BOT 6 năm 5 tháng, tức 2.310 ngày, trạm BOT này sẽ thu 8.085 tỷ.

Như vậy, có dự án rồi vay ngân hàng 1.398 tỷ đồng (theo lời Thứ trưởng Nguyễn Nhật) xây dựng 12km đường tránh, bỏ ra thêm 400 tỷ “tăng cường mặt đường QL 1A”, để rồi 6 năm 5 tháng sau, trừ lãi suất chi phí, thu về “khoản lợi số học” là chừng hơn 6.000 tỷ đồng.

Sự việc đến giờ chưa ngã ngũ, nhưng có thể thấy hướng giải quyết sẽ phải làm sao cho hài hòa, thống nhất giữa các bên sao cho vừa đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư vừa đảm bảo tính hợp lý cho người sử dụng...

Và điều quan trọng nữa, là lý giải sao cho xua tan được hết các mối hoài nghi.

Bình luận mới nhất