| Hotline: 0983.970.780

Thảo luận dự án Luật phòng chống tham nhũng:

Bớt đặc quyền và nghiêm khắc sẽ không ai dám làm liều

Thứ Năm 14/06/2018 , 06:05 (GMT+7)

Ngày 13/6, Quốc hội dành cả ngày để thảo luận dự án Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi.

Với nhiều nội dung mới, dự án luật được kỳ vọng sẽ tạo bước tiến mới trong công cuộc chống “giặc nội xâm”, đặc biệt là với các quy định về kiểm soát tài sản của quan chức. Có ý kiến cho rằng, chỉ có trừng trị nghiêm khắc và bớt đặc quyền đặc lợi thì mới không dám làm liều.
 

Nộp thuế một vài triệu sao lại mua được nhà, xe?

Có hai vấn đề theo quan sát của chúng tôi tại nghị trường được nhiều ĐB đăng đàn. Một là về kiểm soát tài sản, thu nhập, đặc biệt là quy định đánh thuế thu nhập cá nhân 45% đối với tài sản kê khai không trung thực, tài sản tăng thêm mà không giải trình được nguồn gốc. Hai là về cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập.

18-07-59_db_nguyen_ln_hieu
ĐB Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) hỏi nộp thuế 1 – 2 triệu sao mua được nhà, ô tô?

Thành viên tổ biên tập dự thảo luật, TS Nguyễn Văn Kim cho rằng, việc Chính phủ đề xuất đánh thuế 45% đối với tài sản bất minh không phải để hợp thức hóa 55% tài sản tham nhũng như cách suy diễn của một số người. Thế nhưng tại Nghị trường, ĐBQH cho rằng, việc thu thuế hiện nay làm rất khoa học và chặt chẽ thì không thể nói không truy được tài sản của cá nhân, tổ chức. Vấn đề là trong luật cần phải thiết kế điều khoản để có hành lang pháp lý cho việc thực thi.

Có ĐB nói thẳng, việc kê khai tài sản lâu nay thực hiện chưa được nghiêm túc, thấu đáo và chưa minh bạch việc kê khai. Do đó giám sát của nhân dân rất khó khăn. Chính vì điều này mới đặt ra nghi vấn trong nhân dân rằng, thu nhập thấp thế sao vẫn có biệt phủ, nhà lầu, xe sang của công chức? Điều này đã có một số ĐB phát biểu và tranh luận.

Theo ĐB Bế Minh Đức (Cao Bằng), cán bộ, công chức ngoài lương thì có thể có những khoản thu nhập hợp pháp khác như thù lao giảng dạy, nhưng họ vì lý do nào đó muốn che giấu hoặc quên không kê khai.

Đồng ý phương án thu thuế thu nhập cá nhân, ĐB Mùa A Vảng (Điện Biên) nhận định nguồn gốc tài sản rất đa dạng, nhất là những trường hợp thừa kế không có giấy tờ chứng minh. “Trường hợp tài sản không giải trình được nguồn gốc thì có thể thu thuế. Còn chứng minh được tài sản đó do phạm tội mà có thì phải xử lý hình sự”, ông Vảng nói.

Sử dụng quyền tranh luận với các ĐB nói trên, ĐB Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) bày tỏ, như chúng ta biết, hầu hết thu nhập cá nhân hiện nay từ lương, thưởng, buôn bán, trúng vé số, cho, tặng, thừa kế những tài sản lớn đều phải kê khai thuế thu nhập cá nhân. Thuế thu nhập cá nhân hiện nay được quản lý bằng một hệ thống rất khoa học, chính xác, chặt chẽ. Vậy tại sao chúng ta không yêu cầu có thêm một điều kiện phải khai thuế thu nhập của những người ở vị trí có khả năng tham nhũng vào Điều 38 dự thảo luật?

“Nếu biết con số cụ thể này thì người dân cũng như các cơ quan chức năng có thể dễ dàng giám sát, theo dõi. Vì không có lý do gì mà thu nhập thuế cá nhân một năm chỉ đóng 1 đến 2 triệu mà người đấy vẫn có thể mua được nhà, xe”, ĐB đặt vấn đề.
 

Thêm mới cơ quan kiểm soát tài sản có khả thi?

Về cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập, trong phiên thảo luận tổ cũng đã có nhiều ĐB nêu ý kiến. Có ý kiến đồng thuận với các phương án của dự luật song cũng có ý kiến cho rằng, việc giao cho Thanh tra Chính phủ thực hiện thì sẽ không xuể do đối tượng kê khai quá nhiều.

Cũng về vấn đề này, tại hội trường, sáng qua, ĐB Cao Thị Xuân (Thanh Hóa), nêu quan điểm, Thanh tra Chính phủ không thể bao phủ hoạt động lên cả các cơ quan tư pháp, kiểm toán và các cơ quan của Quốc hội. “Trong điều kiện chúng ta không có một mô hình thể chế tương đương nào làm cơ sở để tham khảo thì việc quy định giao thẩm quyền kiểm soát tài sản thu nhập theo phương án thích hợp hay phân tán phải được đánh giá thận trọng”, bà Xuân nói.

Thế nhưng với đề xuất của ĐB Xuân lại khiến cho nhiều người và nhất là người dân sẽ không mấy đồng thuận đó là phát sinh biên chế. ĐB Xuân kiến nghị một phương án khác có thể xem xét là hình thành một cơ quan độc lập chuyên trách về vấn đề này.

Lập luận của bà Xuân là nó thỏa mãn được các yêu cầu về bảo đảm cho sự độc lập cần thiết, giảm thiểu sự can thiệp của các cơ quan, tổ chức nhất là những người có trách nhiệm tác động vào hoạt động này, từ đó hứa hẹn nhiều hơn về tính khách quan, minh bạch.

Để bảo vệ quan điểm của mình, ĐB Xuân nhấn mạnh, trong bối cảnh công tác phòng, chống tham nhũng đang còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp thì đây có thể coi là khoản đầu tư xứng đáng cho hoạt động phòng, chống tham nhũng trong giai đoạn hiện nay và tương lai.

Rõ ràng, lập luận của ĐB ở các khía cạnh đều có lý, song bằng thực tiễn, chúng tôi cho rằng, vấn đề không phải ở một cơ quan, bộ máy độc lập để thực thi việc này. Mấu chốt là chúng ta có thực tâm quyết làm thật mạnh để bộ máy nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức được trong sạch hay không?

Câu chuyện vẫn phải bắt đầu bằng thể chế và hành động vì đất nước. Còn nếu không vì cái chung thì dù có một bộ máy độc lập hay cả quân số hàng ngàn người thì tình trạng trên vẫn cho chúng ta những báo cáo năm này qua năm khác rằng, tham nhũng còn diễn biến nghiêm trọng, phức tạp.

Kê khai không hợp pháp thì sung vào công quỹ

Về xử lý tài sản, thu nhập kê khai, ĐB Phạm Hồng Phong (Hậu Giang) dẫn Điều 59 trong dự thảo luật PCTN để bày tỏ quan điểm không đồng tình với Ban soạn thảo. Ban soạn thảo xây dựng 2 phương án theo hướng là cơ quan có thẩm quyền phải chứng minh tài sản của người kê khai là không trung thực, hoặc thu nhập chênh lệch tăng thêm là không hợp pháp, và nếu không chứng minh được thì mới thu thuế thu nhập là 45%, ĐB Phong nói như thế là không hợp lý. Lúc này, nghĩa vụ chính là của người kê khai, còn nếu không kê khai, kê khai không hợp lý, không hợp pháp thì phải sung vào công quỹ.

Tại Điều 32 của Hiến pháp năm 2013 có quy định: "Mọi người sở hữu thu nhập hợp pháp, của cải để dành, tư liệu sản xuất" thì chúng ta phải hiểu rằng tài sản phải là hợp pháp thì pháp luật mới được bảo vệ, còn không thì phải tịch thu, trong phòng, chống tham nhũng thì phải như thế.

Trừng trị thật nghiêm khắc sẽ không dám làm liều

ĐB Lê Thanh Vân (ảnh) (Cà Mau) phát biểu, để "không thể, không muốn, không dám tham nhũng” thì phải bằng thể chế.

18-07-59_dbqh_le_thnh_vn

Ví dụ để chống chạy chức chạy quyền thì nhà nước phải có quy định thực tâm trí thành với trọng dụng nhân. Muốn vậy phải cắt bỏ các ưu đãi đặc quyền đặc lợi với quan chức, họ sẽ không muốn nữa.

Để không thể chạy chức chạy quyền phải đặt ra quy định với từng chức danh có định lượng cụ thể, có trách nhiệm và hình phạt thì những người bất tài vô hạnh nhìn thấy mà không với tới, không nhảy qua vì nhảy qua là rơi xuống bẫy pháp luật. Cái "không dám" là phải có hình phạt trừng trị nghiêm khắc đối với quy trình cán bộ từ tiến cử, đề cử, thẩm định, bổ nhiệm cán bộ. Nếu trừng trị thật nghiêm khắc sẽ "cả sợ, thất kinh" mà không dám làm liều.

 

Xem thêm
Đồng Tháp đặt mục tiêu thành tỉnh kiểu mẫu trong xây dựng nông nghiệp sinh thái

Mục tiêu là biến Đồng Tháp trở thành địa phương dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực nông nghiệp và trở thành trung tâm nông nghiệp, du lịch sinh thái của vùng ĐBSCL.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

149 dự án tham gia cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia học sinh trung học

Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp Quốc gia học sinh trung học năm học 2023-2024 có sự tham gia của 74 đơn vị, 149 dự án thuộc 21 lĩnh vực.

Rủ nhau đi hái lộc rừng

Quảng Bình Cứ vào tháng Ba hàng năm, nhiều người dân sống ở các xã Quảng Kim, Quảng Châu, Quảng Hợp (Quảng Trạch, Quảng Bình) rủ nhau lên rừng hái dâu và có nguồn thu đáng kể.