| Hotline: 0983.970.780

Bữa canh dưa mồng một Tết

Thứ Ba 12/02/2013 , 14:51 (GMT+7)

Con gái tôi mang biếu nửa cân cá cơm khô và nửa cân củ cải sấy khô. Nó biết tính tôi vốn thích những món ăn dân dã...

Con gái tôi mang biếu nửa cân cá cơm khô và nửa cân củ cải sấy khô. Nó biết tính tôi vốn thích những món ăn dân dã, ưa sự tuyềnh toành giản dị, nên thường đem biếu những món ăn như vậy.

Hơn nữa nó cũng học tôi và dạy con lối sống giản dị. Tôi thường kể cho nó nghe những kỷ niệm thời chống Pháp, và chỉ thèm được ăn lại một bát bánh đúc riêu cua cùng với rau chuối thải ghém cùng kinh giới tía tô dưới một giàn đỗ ván của một quán hàng chơ vơ trên đường đồi vắng, mồ hôi đầm đìa chiếc ba lô sau lưng… tóm lại ăn cả bằng cảm giác, bằng không gian, cảnh vật, ngoài vị thức ăn. Chính nó, đứa con gái ấy từ lúc còn học cấp hai, sáng mồng một Tết, thay cho lời chúc thường hỏi tôi: “Đầu năm, bố đã khai bút gì chưa?”. Còn hôm nay nó lại hỏi:

- Vừa rồi T.V có giới thiệu quán ăn thời bao cấp ở phố Sơn Tây, cũng gần, hôm nào mấy bố con mình đến thử ăn xem, đồng thời tìm lại những cảm giác, mùi vị, không khí thời tạm gọi là xa xưa ấy.

Tôi cười:

- Nhà mình thiếu gì những kỷ niệm về thời ấy, con có còn nhớ hai bữa canh dưa mồng một Tết không?

- Quên làm sao được. Nhưng con nhớ nhất là chuyện ba con gà sống. Bố mua hôm Tết ông Công mỗi con hai cân. Bố nhốt và cho ăn ngô xay thoải mái, hai tám Tết, năm ngày sau, mỗi con tăng nửa cân, mỗi ngày tăng một lạng. Có lẽ trước đó, nhà họ nuôi nhiều nên không được ăn đủ.

- Thời đó người còn không đủ, nói chi đến chó, gà.

Tôi không nhớ rõ năm đó là năm 78 hay 79, chỉ nhớ phiếu thịt của tôi vẫn năm lạng, còn của các con đã rút xuống một lạng một tháng, tóm lại ngày Tết thịt phiếu chỉ đủ để gói bánh chưng. Vì thế bà bác sĩ, vợ cũ của tôi (vợ cũ vì chúng tôi đã ly hôn mấy chục năm rồi) đã gạ được lò mổ của cửa hàng thực phẩm thị xã cho mua một bộ lòng lợn vào ngày hai chín Tết. Nghe nói vậy tôi nhớ ngay tới chuyện đầu hè năm 1965, chúng tôi còn đang sống ở Hà Nội, tôi và Phạm Toàn vô tình gặp nhau ở phố Hàng Giấy quãng gần rạp Bắc Đô, đúng lúc một đám đông toàn phụ nữ và trẻ con tới hơn chục người, tay xách cặp lồng, xoong nồi hớt hải đuổi theo một chiếc xe cải tiến trên có mấy chiếc thùng nhôm đang rầm rầm phi tới. Người đi đường ngơ ngác hỏi nhau: “Chuyện gì vậy?”. Ai đó trả lời: “Xếp hàng mua nước luộc lòng!”.

Phạm Toàn lúc đó mới hỏi tôi:

- Dạo này có viết lách gì không?

Tôi trả lời:

- Viết “Nước luộc lòng” nhé. Có được không?

Phạm Toàn nhún vai rồi chia tay nhau.

Thế đấy, mới rục rịch chiến tranh, mà nước luộc lòng thôi đã chạy theo như ma đuổi, còn bây giờ hết chiến tranh được mua không tem phiếu cả một bộ lòng, chứ không phải nước suýt, dù có phải bỏ tiền ra cũng là thuộc loại có vai vế xã hội rồi.

Và sáng hai chín Tết bà ta đạp xe mang về một bộ lòng với vẻ mặt hớn hở vì những mười hai cân, có lẽ của con lợn ít ra cũng phải trên một tạ. Thú thật, tôi hơi hoảng, vì tiền mua bằng tiền hai con gà tôi mua, đành buông một câu nửa đùa nửa thật:

- Thế này, phải ăn cả tháng Tết mới hết. Lòng ơi có thấu tình chăng/ Thằng ăn không hết, thằng lần không ra…

Đành bàn nhau: Phổi thì băm cho gà ăn tươi, lòng kép, cổ hũ, bồ dục, tim ăn trước còn bao nhiêu thái nhỏ cho vào nồi 60 (chiếc nồi trước vẫn nấu cám lợn), rán khô ngâm mỡ, ra Giêng xào xáo nấu canh dưa ăn dần, coi như được cải thiện mấy tuần liền.

Và cả nhà xúm vào xử lý mười hai cân lòng sống, trong đó mỡ lòng cũng phải chừng cân rưỡi, và tôi nói vui có thể làm cỗ đủ cho một đám cưới nghèo thời "Bước đường cùng" của cụ Nguyễn Công Hoan. Đứa con gái lớn không biết thật hay đùa bảo tôi: Hay để bộ gan làm nhân bánh chưng có khi lại ngon cũng nên, bị mẹ mắng cho một trận: “Bánh chưng còn để cúng sao làm bậy thế được”.

Phải tới trưa mới xong mọi khoản, và riêng tôi đau nhừ hết cả xương lưng.

Và bữa cơm sáng, bốn đĩa tây to đầy tú ụ tim, bồ dục, cổ hũ, lòng kép, toàn những thứ hảo hạng, ngày thường mơ cũng không thấy, nhất là món lòng kép, to hơn ngón tay cái, dày đặc, dòn rau ráu, thật là khoái khẩu. Ba con gà nuôi nhốt cũng đánh sạch ngoét cả buồng phổi, không sót một miếng nhỏ. Tóm lại cả người và gà đều phấn khởi.

Nhưng rồi buổi chiều, người bắt đầu thấy ngán, và gà cũng ngán không muốn ăn ngô.

Và hôm sau, ba mươi Tết, thì ngán thật sự. Để các con đỡ ngán, tôi đem truyện “Đào kép mới” vẫn của cụ Hoan, mấy đứa đều đã đọc và đã nghe tôi giảng ra đùa: Vở cũ “Đã có ta phò tá”, vở mới: “Đã có mỗ tá phù”, còn nhà mình hôm qua bồ dục, tim, cổ hũ lòng kép, hôm nay đổi mới; cổ hũ, lòng kép, bồ dục, tim”.

Cũng may trời rét đậm hơn, chứ không bị thiu, bỏ thì tiếc, cố đấm ăn xôi thì nguy cơ Tào Tháo đuổi không biết vở diễn cuối năm sẽ đi đến đâu.

Và sang ngày mồng một Tết, tôi quyết định phá lệ, không thịt gà nữa, cúng bánh chưng, hoa quả, mứt kẹo thôi cũng được, còn thức ăn thì nấu canh dưa với lòng rán, gan rán, ăn cho đỡ ngấy, cho hết cái ấm ách không tiêu của bụng dạ hai ngày hôm trước.

Mồng một Tết đang ăn cơm sáng thì thằng Tiến, con cô Hảo, y tá bệnh viện, học trên đứa con gái lớn của tôi một lớp xuống chúc Tết (Tiến bây giờ có lẽ đã đại tá) vì con gái tôi cũng đã thượng tá quân y). Nó trố mắt nhìn cả nhà ăn độc nhất món canh dưa.

Tất nhiên tôi phải giải thích cho nó hiểu. Nghe xong nó bật cười:

- Bác làm cháu nhớ tới bữa lòng trâu mấy tháng trước đây ở nhà cháu.

Và nó kể, mẹ nó mua được ít lòng trâu, mà lòng trâu theo mẹ nó cũng là chất đạm, cũng quý. Cơm xong, vẫn còn thừa bảy miếng, mẹ nó bắt mấy đứa ăn vã, chúng không ăn bảo đổ đi “Đổ đi là thế nào?”. Mẹ nó mắng và phân phối, mẹ nó ăn một miếng, còn ba đứa con trai, mỗi đứa hai miếng. Ăn ngay tại chỗ. Bố nó lúc đó là chính trị viên tiểu đoàn, nhà luôn luôn giữ kỷ luật sắt, không ăn không xong. Nó vừa cười vừa kết luận:

- Bác có biết không, cháu phải nhắm mắt, bịt mũi, nuốt chửng hai miếng cho vừa lòng mẹ cháu, hai đứa em cháu cũng bắt chước bịt mũi mới nuốt nổi.

Nghe chuyện, lũ trẻ nhà tôi cũng phần nào cảm thấy hả hê, dẫu sao đây cũng là lòng lợn, chứ không phải lòng trâu, lại là lòng kép, không đến nỗi phải bịt mũi, rồi ngày mai, mồng hai, sẽ thịt gà nấu nấm, lại bình thường như Tết mọi năm, sẽ không còn mùi lòng, mùi canh dưa nữa.

Hóa ra sự đời lại không đơn giản như thế, âu cũng là cái số của tôi, đùng một cái bỗng nhiên thay đổi cả.

Vâng, sáng mồng hai Tết, vì trời rét đậm tuy đã thức dậy, nhưng vẫn chùm chăn, nghĩ mấy tứ thơ, thì đứa con gái lớn của tôi hớt ha hớt hải chạy đến:

- Bố ơi, mất trộm hết gà rồi.

- Hả, cái gì, mất trộm hả?

Tôi vừa hỏi, vừa tung chăn vùng dậy, không kịp khoác thêm áo rét chạy thẳng ra chuồng gà. Cửa chuồng mở tung, chuồng gà trống hoác. Tôi nhìn hàng rào dứa dại, lối xuống chuồng gà bị dẫm bẹp xuống, có lẽ được phủ bằng bao tải, hẫng hụt lững thững bước vào nhà, trong lòng ấm ức thằng ăn trộm, rồi lại tự trách mình tại sao lại không thịt gà, lại nấu canh dưa, rồi lại lẩn thẩn thắc mắc, không biết sau khi được ăn tươi bữa phổi lũ gà có tăng thêm được lạng nào không, càng nghĩ càng thêm tiếc của.

Tôi không nhớ mấy ngày sau ăn gì, lũ trẻ có phải bịt mũi nuốt lòng rán, gan rán không. Hình như mồng bốn chợ mới họp và tôi mới đi mua về được một con ngan thay thế lũ gà bị mất trộm.

Từ đấy, hơn ba mươi năm nay, tôi không hề động tới miếng lòng nào nữa, các con tôi cũng vậy, hơn nữa, còn biết nội tạng nhiều cholesterone, ăn vào dễ bị xơ cứng động mạch.

Tết Quý Tỵ

Xem thêm
Thái Hòa: 'Tôi thích diễn nhân vật độc ác'

Thảm đỏ ra mắt bộ phim 'Cái giá của hạnh phúc' quy tụ dàn khách mời đình đám của showbiz Việt và nhận được sự quan tâm lớn từ khán giả, truyền thông.

Atalanta tái đấu Liverpool: Chờ một phép màu từ The Kop

Trận tứ kết lượt về giữa Atalanta vs Liverpool trong khuôn khổ Europa League 2023/2024 sẽ diễn ra vào lúc 2h00 ngày 19/4/2024 trên sân vận động Atleti Azzurri d'Italia. 

U23 Indonesia tạo địa chấn khi vượt qua U23 Úc

U23 Indonesia đã tạo nên cú sốc khi có chiến thắng 1-0 trước U23 Australia ở lượt trận thứ 2, qua đó rộng cửa vào tứ kết giải U23 châu Á 2024.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm