| Hotline: 0983.970.780

Bức tường Trường Tiểu học Trầm Lộng đổ, lộ ra điều gì?

Thứ Năm 05/04/2018 , 13:28 (GMT+7)

Ngày 30/3/2018 một bức tường của Trường Tiểu học Trầm Lộng (Ứng Hòa, Hà Nội) đã đổ xuống khiến cho 2 học sinh bị thương trong đó 1 bị thương nặng, gãy đùi, vỡ xương chậu, cơ quan sinh dục bị chấn thương... Không chỉ thế, bức tường đổ còn lộ ra nhiều thứ...

Gặp nạn trong lúc chơi nhảy dây

Theo vợ anh H.V.H phụ huynh của cháu H.H.L - nạn nhân nặng nhất thì bức tường đó cả gần chục năm nay đã bị nứt, nghiêng nhưng chẳng hề có một tấm biển cảnh báo cấm học sinh lại gần cho đến khi xảy ra sự việc đau lòng trên.

15-56-17_dsc_0998
Thầy Du thực nghiệm lại tư thế ngã của em L khi bị bức tường đè

“Khi nhận được cuộc điện thoại báo tin con bị ngã lúc đầu tôi tưởng chỉ bình thường nên mới bảo chồng về trước để mình làm việc nốt cho hết ca nhưng về đã thấy cháu nhập viện huyện rồi phải chuyển lên viện tuyến trên bởi quá nặng. Hiện cháu bị gãy xương đùi, vỡ xương chậu... tiền đình bị ảnh hưởng”.

Đến thăm cháu ở Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) thoạt đầu tôi chỉ thấy một tấm ga trắng toát lúc sau mới thấy một hình hài gầy gò ở bên trong. Mặt cháu L bầm tím, sưng vù còn tinh thần thì khá hoảng loạn mỗi khi nghe đến mấy cụm từ: “tường đổ” hay “phải mổ, phải tiêm”. Mỗi ngày cháu đều phải dùng thuốc giảm đau, phải truyền nước, truyền thuốc nhiều lần. Một chu trình chữa trị dài đằng đẵng đang chờ đợi ở phía trước dù L liên tục nói nhớ lớp, nhớ các bạn.

Về phía nhà trường, hiện cũng đã cắt cử đại diện đến thăm nom L và có những hỗ trợ bước đầu cho gia đình nhưng vẫn rất e dè trong việc sợ thông tin lộ ra ngoài. Khi tôi đến Trường Tiểu học Trầm Lộng bức tường đổ vẫn còn trắng xóa một màu vôi vữa mà hầu như không có một tí xi măng nào, bóp vào bở tơi như bột bánh khảo. Bức tường rất dài, rất cao mà cột trụ của nó không có một cái lõi sắt bên trong. Đoạn tường đổ có mấy cái dây được chăng tạm nhưng còn đoạn chưa đổ dài chừng hơn 20 m vẫn đứng chênh vênh chờ ngày đổ tiếp.

15-56-17_dsc_0987
 

Thầy Nguyễn Hữu Du - Tổng phụ trách đội kể bình thường vào giờ ra chơi anh vẫn có nhiệm vụ xuống sân giám sát hoạt động của các em đồng thời phòng tránh tai nạn. Thế nhưng buổi đó thầy nhận được kế hoạch về một cuộc thi an toàn giao thông, đang tổ chức cho mọi người bàn thảo thì xảy ra tai nạn.

Đứng ở hiện trường, thầy Du đã thực nghiệm cái tư thế của học sinh H.H.L bị lâm nạn khi đang chơi nhảy dây gần bức tường. Nhìn cái dáng nghiêng nghiêng ấy, tôi hình dung ra phần nào sự đau đớn cũng như sự hoảng loạn của cháu khi bị cả khối gạch vữa khổng lồ vùi lấp kín, đè lên đến nỗi mấy em học sinh khác phải bới một lúc mới kéo ra được.

Đành rằng, Trầm Lộng là xã vùng sâu, vùng xa của Hà Nội nên trường vẫn còn thiếu nhiều thứ như nhà hiệu bộ, nhà đa năng, phòng chức năng, phòng bộ môn… vẫn còn những lớp học với các bức tường bong tróc, nền gạch lồi lõm như những ổ gà, ổ trâu. Nhưng nào có khó gì việc đầu tư xây lại một bức tường bao đã xuống cấp nhiều năm để đến lúc xảy ra sự cố mới chăng dây, cắm biển cảnh báo? Phải chăng đó chỉ đơn thuần là sự đối phó?
 

Một huyện còn 36 trường chưa đạt chuẩn

Chung một dãy tường bao với Trường Tiểu học Trầm Lộng là Trường THCS Trầm Lộng. Thầy Vũ Văn Điệp - Hiệu phó cho hay lúc xảy ra tai nạn của cháu L vì sợ quá nên đơn vị đã tổ chức cho đẩy đổ thêm mấy mét đoạn tường yếu. Trước đó, giáo viên của trường cũng đã phải dùng gậy đẩy đẩy, chọc chọc vào trần của các lớp học để cho vôi vữa rụng xuống tránh rơi vào đầu các em.

Học sinh mẫu giáo Trầm Lộng học dưới trần lớp bị sụt cả mảng

Tương tự thực trạng của trường Tiểu học, nền các lớp của trường THCS Trầm Lộng chỗ lồi, chỗ lõm, trơ ra những viên gạch men sắc nhọn như những cái bẫy, sẵn sàng đốn ngã học sinh. Nhiều đoạn hành lang ở tầng hai nứt vỡ ra từng khúc, lộ rõ cả lõi thép lòng thòng như những dây thừng, dây chão bên trong, được vá víu lại một cách tạm bợ.

Thiếu trang thiết bị dạy học, thiếu nhà thể chất, nhà đa năng đã đành mà thầy Điệp còn cho hay nỗi khổ lớn nhất của học sinh trường mình là không có nhà vệ sinh. Bước sang thế kỷ 21 đã ngót 20 năm rồi mà các em vẫn phải đi vệ sinh như thời của tổ tiên, ông bà chúng, nghĩa là một dãy hố xí thùng với những tờ giấy cũ hay thậm chí là những cái que dùng để chùi.

Nhà vệ sinh rất mất vệ sinh

Thầy Điệp phải nhăn mặt, nhăn mũi khi đứng thị phạm cho tôi chụp ảnh ở một khu vệ sinh quá thối, quá khai như vậy, Cũng bởi vì bởi ám ảnh mùi, ám ảnh về sự bẩn thỉu mà học sinh thường chỉ chịu “đi nhẹ” ở đây còn “đi nặng” đa số nhịn về nhà hay lén lút “đi trộm” vào nhà vệ sinh của giáo viên. Cách hôm tôi đến chỉ một ngày một học sinh lớp 8 vì không dám vào nhà vệ sinh đã “đi” ra quần phải bỏ luôn buổi học. Chắc chắn là sự xấu hổ, sự đàm tiếu sẽ còn theo em nhiều năm sau nữa.

Trường Mầm non có 32 cán bộ nhưng khu hiệu bộ chỉ rộng chừng 20m2, thiếu nhà chức năng cho các hoạt động thể chất, âm nhạc, thiếu bếp ăn thiết kế 2 chiều, thiếu khu vệ sinh cho giáo viên nên người lớn phải “đi” nhờ vào những bệ xí bé con con như những đồ chơi, nhiều cái đã thủng thành, mất nắp đậy. Vì cơ sở vật chất thiếu thốn, xuống cấp như thế nên nhà trường chỉ dám nhận 250 cháu trong khi nhu cầu học của cả xã phải trên 300 cháu. Điều đó đồng nghĩa với khoảng 70-80 cháu trong độ tuổi không được đi học, với 50-60 gia đình có 1 người lớn bị “trói chân, trói tay” không thể làm việc gì ngoài ở nhà giữ trẻ.

15-56-17_dsc_0985
Cảnh Trường THCS Trầm Lộng

Hiện Ứng Hòa có 90 trường học thuộc diện huyện quản lý trong đó có tới 36 trường chưa đạt chuẩn và rất nhiều trường đã lỗi thời vì công nhận chuẩn cách đây rất lâu mà chưa được sửa chữa, bổ sung trang thiết bị. Với mức giá xây dựng một trường chuẩn hiện nay mất khoảng 30 tỉ nên tổng chi phí cho toàn bộ hệ thống này sẽ tốn khoảng trên dưới 1.000 tỉ. Trong khi đó năng lực của địa phương chỉ xây mới được 3-4 trường mỗi năm nên đồng nghĩa với hàng ngàn học sinh phải học trong những lớp học nguy hiểm, với mục tiêu xây dựng nông thôn mới của huyện ở một cột mốc vời xa.

Trường Mầm non Trầm Lộng nơi nuôi dưỡng những thế hệ măng non nhất còn ở trong điều kiện thảm hại hơn thế rất nhiều. Cô Hồ Thị Thúy Hoàn - Hiệu trưởng nhà trường chỉ cho tôi những mảng vữa trên trần vỡ hoang hoác, mảng nào cũng rộng bằng một vài cái chiếu ở lớp 24 tháng và lớp 3 tuổi. Cũng may là chúng đều rơi vào thứ bảy, chủ nhật khi học sinh đã nghỉ hết chứ nếu không sẽ tưởng tượng nổi hậu quả thảm khốc như thế nào. Vì quá lo sợ nên cô Hoàn đã cho người cạo sạch lớp vữa ấy đến tận lớp bê tông nhưng vẫn còn rất nhiều chỗ khác tuy không hề có dấu hiệu nứt nẻ nhưng có thể trút xuống đầu các cháu bất cứ lúc nào.

 

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất