| Hotline: 0983.970.780

"Bức tường xanh" ở Thái Thụy

Thứ Năm 18/10/2012 , 10:02 (GMT+7)

Có dịp về thăm khu rừng ngập mặn (RNM) rộng tới 4.000 ha ở xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy (Thái Bình) tôi mới hiểu tại sao RNM lại có hiệu quả đối với người dân như vậy.

Có dịp về thăm khu rừng ngập mặn (RNM) rộng tới 4.000 ha ở xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy (Thái Bình) tôi mới hiểu tại sao RNM lại có hiệu quả đối với người dân như vậy. Từ xa, RNM giống như một vành đai xanh mướt trước biển, kéo dài đến tận chân trời.

Cả khu rừng sừng sững hiên ngang chống bão lũ, triều cường, giúp người dân ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế. Thấy tôi phấn khích, ông Đào Đức Việt, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Thái Thụy cười tủm tỉm: Chắc nhà báo lần đầu tiên về đây hả? Đúng là RNM đã che chắn dân vùng biển này thật, bởi Thái Thụy như “rốn” bão lũ. Vào mùa mưa bão, chẳng ai dám đến du lịch. Còn bây giờ đã khác, chúng tôi đón nhận rất nhiều khách đến tham quan, kể cả mùa mưa. Lý do bởi đã có khu RNM bảo vệ rồi. Hiện nay, RNM được trồng tại 5 xã ven biển gồm Thái Đô, Thái Thượng, Thụy Xuân, Thụy Hải và Thụy Trường”.

Quả thật, cả một vùng ven biển kéo dài 27 km của huyện Thái Thụy đã có rừng phủ kín, với độ rộng 800 - 1.300 m. Đi đến đâu tôi cũng thấy RNM với nhiều loại cây bần chua, sú, vẹt, đước… mọc ken dày và có tầng tán cao đã có tác dụng to lớn trong việc giảm cường độ của sóng biển. Nhờ đó phù sa ven biển và đê biển đã được bảo vệ khi triều cường và nước biển dâng, nhất là những ngày giông bão. Nhờ có RNM đã hạn chế được sự xâm nhập mặn và bảo vệ nguồn nước, ngăn phèn hóa đất nông nghiệp.


Những người nông dân này cũng “thoát” khỏi cái đói từ chính RNM

Tiêu biểu cho phong trào trồng RNM ở xã Thụy Trường là anh Nguyễn Sỹ Toản (xóm 2, thôn Tư Chỉ Nam) tham gia trồng từ năm 1992. Tâm sự với chúng tôi, anh Toản cho biết: “Nhiều năm trước đây, vấn đề đắp đê phòng chống bão, lũ ở địa phương rất nan giải, nguy cơ vỡ đê luôn là mối lo hàng đầu của chúng tôi. Cùng với đó là tình trạng nhiễm mặn của đất nông nghiệp ảnh hưởng lớn tới việc SX và sinh hoạt của người dân. Để khắc phục tình trạng trên thì chính quyền hàng năm đều tu bổ hệ thống kè đê nhưng trước sóng dữ thì người dân vẫn không thể yên tâm được”, anh Toản nói.

Trước tình hình đó, khi có các dự án trồng RNM, anh Toản và nhiều người dân đã rất phấn khởi, nhiệt tình tham gia. Phần lớn họ đã nhận thức được ý nghĩa của việc trồng rừng ngập mặn, anh Toản chia sẻ: “Cứ bão cấp 6 - 7 là lại vỡ đê, tràn đê, nước ngập trắng đồng, muối, tôm, cá, hoa màu đều mất trắng, nhà cửa thì bị tốc mái, xiêu vẹo. Nhưng từ khi rừng được trồng dọc các bãi biển, thiên tai mưa bão hầu như không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống người dân nữa”.

Thoát nghèo nhờ RNM

Sau hơn 1 giờ trên xuồng, tham quan toàn bộ khu RNM, người dân đầu tiên mà tôi gặp là chị Đỗ Thị Mong (xóm 13, thôn Lỗ Trường, xã Thụy Trường) khi chị đang hì hụi cào ngao dưới sông. Vừa “tắm” cho những con ngao bớt đất, chị Mong vừa kể: “Từ khi xã Thụy Trường có cánh RNM này thì các loài tôm, cua, ốc, ngao sò trở nên nhiều hơn hẳn, cuộc sống “mò cua bắt ốc” của chị càng ổn định hơn.

Bất kể thời tiết nắng nóng hay buốt rét, ngày nào chị cũng “mò” được “tiền”. Ví như ngày nào “nhắm” đến con ngao, chỉ cần bán với giá 8.000 đ/kg cho lái buôn để bán sang Hải Phòng, chị cũng thu được ngót nghét 200.000 đ/ngày. Còn nếu bắt con còng con tôm thì sẽ nhiều hơn gấp 2 - 3 lần như thế. Điều này trước đây chị không thể kiếm được ổn định như vậy".

RNM không chỉ giúp có nhiều tôm, cua, ngao ốc, vì theo chị Mong, hiệu quả từ việc trồng cánh RNM này phải kể đến những cây lúa, lâu lắm rồi gia đình chị không phải còn chịu cảnh úng ngập do lũ lụt. Cứ 2 - 3 vụ lúa/năm, gia đình chị cứ thế mà thu hoạch đều đặn. “Nhờ vậy mà lâu lắm rồi gia đình tôi không biết đến cái đói”, chị Mong tâm sự.

Nói về tác dụng của RNM, GS.TSKH Phan Nguyên Hồng - Trường Đại học Thủy lợi cho biết: “RNM có tác dụng bảo vệ đê biển, làm giảm mạnh độ cao của sóng khi triều cường từ 1 m ở ngoài khơi xuống còn 0,5 m khi vào tới bờ, đầm cua và bờ đầm không bị xói  lở. RNM còn là nơi bảo vệ các động vật khi nước triều dâng và sóng lớn. Nhiều loài động vật đáy sống trong hang hoặc trên mặt bùn, khi thời tiết bất lợi, nước triều cao, sóng lớn đã trèo lên cây để tránh sóng như cá lác, còng, cáy, ốc. Khi lặng gió và triều xuống thấp chúng trở lại nơi cũ. Do đó tính đa dạng sinh học trong hệ sinh thái RNM tương đối ổn định...”.

Nhìn lại quãng thời gian Thái Thụy là vùng "rốn lũ", mỗi năm gánh chịu 3 - 4 cơn bão, hậu quả rất nặng nề, ông Việt cho biết thêm, nhận thức rõ điều đó, lãnh đạo huyện đã vận động người dân tích cực trồng rừng chắn sóng, bảo vệ đê biển. Bà con các vùng ven biển rất nhiệt tình tham gia trồng RNM. Trung bình mỗi năm huyện  trồng được 200 ha rừng chủ yếu là bần chua, sú...

“Từ khi có rừng ngập mặn, môi trường sinh thái vùng ven biển đã được cải thiện. Các loài thủy hải sản cũng phong phú hơn, toàn bộ diện tích từ bãi ngoài, bãi triều được người dân sử dụng để nuôi trồng thủy sản. Vì thế, đời sống của hơn 24.000 hộ dân của 5 xã ven biển trên đã có nhiều đổi thay. Hệ thống RNM còn được ví như "bức tường xanh" vững chắc bảo vệ cho toàn bộ tuyến đê biển. Huyện Thái Thụy đã đặt mục tiêu dến năm 2015 phải đạt được tối thiểu 5.000 ha RNM.

Dẫu biết rõ hiệu quả từ chính khu RNM, song đại diện huyện Thái Thụy không giấu được băn khoăn khi cả chính quyền và hàng ngàn hộ dân nơi đây cũng không biết kỹ thuật trồng thế nào cho hiệu quả bởi trong tổng số 200 ha RNM trồng được mỗi năm nhưng tỷ lệ sống của cây chỉ đạt 15%. Vì vậy, đại diện cho hàng ngàn người dân Thái Thụy chỉ có mong muốn duy nhất là có sự tham gia hỗ trợ giúp đỡ, hiến kế của các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành để làm thế nào tăng tỉ lệ sống cho RNM.

Xem thêm
Tôm hùm bông chết tại Vạn Ninh, Cục Thủy sản đề nghị tăng cường quản lý

Cục Thủy sản đề nghị Cục Thú y hỗ trợ, hướng dẫn địa phương tìm tác nhân để xác định nguyên nhân gây ra tình trạng tôm hùm chết ở Khánh Hòa.

Bộ đội Biên phòng vận động chủ tàu đánh số tạm thời với tàu cá '3 không'

Bà Rịa - Vũng Tàu Trong ngày 9 và 10/4, Đồn Biên phòng Bình Châu đã tổ chức tuyên truyền về phòng, chống khai thác IUU cho các ngư dân trên địa bàn.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất