| Hotline: 0983.970.780

Bức xúc giá thuốc, chất lượng khám, chữa bệnh

Thứ Ba 23/11/2010 , 08:04 (GMT+7)

Chiều qua, đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu khẳng định ông chưa từng hứa sẽ giải quyết được tình trạng bệnh viện quá tải, giường bệnh “kẹp đôi”...

* ĐB Trần Thị Kim Phương: Bộ trưởng đã hứa giải quyết quá tải, nhưng đến nay vẫn còn bệnh nhân nằm ghép?

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu: Tôi chưa bao giờ  hứa chấm dứt...

Chiều qua, đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu khẳng định ông chưa từng hứa sẽ giải quyết được tình trạng bệnh viện quá tải, giường bệnh “kẹp đôi”. ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Yên Bái) nêu câu hỏi: Hiện nay tình trạng các bệnh viện công quá tải người đến khám chữa bệnh, bác sĩ bố trí 1 giường nằm ghép từ 2-3 bệnh nhân, Bộ Y tế đã có biện pháp gì khắc phục? ĐB Trần Thị Kim Phương cũng hỏi thêm: "Bộ trưởng đã hứa giải quyết tình trạng quá tải, nhưng đến nay vẫn còn tình trạng nằm ghép....Trong khi sắp mãn khoá và hết nhiệm kỳ, giảm tải còn trầm trọng hơn. Vậy trách nhiệm của Bộ trưởng thế nào?".  

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu

Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu khẳng định ông chưa bao giờ nói ra lời hứa này và đó chỉ là “chuyện truyền miệng tầm phào”. "Hôm nay có truyền hình trực tiếp, tôi nói với toàn dân rằng Bộ Y tế rất quyết tâm, còn hứa 2, 3, 4, 5 năm thì chưa bao giờ"- ông Triệu nói chắc nịch. “Để giải quyết việc này, về lâu dài phải xây thêm bệnh viện. Hiện ngành Y tế đã được Chính phủ phê chuẩn nguồn đầu tư là trái phiếu để xây dựng, cải tạo bệnh viện cấp huyện, tỉnh; tăng số cán bộ y tế đào tạo ở trình độ đại học gấp 1,7 lần, sau đại học gấp 1,6 lần so với trước năm 2007. Ngành Y tế có thêm nhiều chỗ điều trị bao nhiêu thì dân tình đỡ khổ bấy nhiêu”-ông Triệu trần tình.

Cũng theo ông Triệu thì bình quân mỗi ngày 1 bác sĩ khám từ 80-90 bệnh nhân nên vấn đề cốt lõi là phải tăng thêm bác sĩ. Thế nhưng hiện Bộ GD-ĐT đào tạo sinh viên ngành y hơn 6 năm mới ra trường. Sau 3 năm làm việc mới trở thành bác sĩ chính thức. Vậy là 9 năm một bác sĩ mới trưởng thành là quá lâu. Cho nên thiếu thầy thiếu thợ là điều nan giải.

ĐB Nguyễn Văn Bình (Hải Phòng) hỏi tình trạng bệnh nhân ra nước ngoài điều trị đang có xu hướng gia tăng. Phải chăng do trình độ y, bác sỹ trong nước có mức độ, Bộ trưởng suy nghĩ thế nào? Theo Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu thì bệnh nhân ra nước ngoài điều trị là tâm lý sính ngoại, chứ không phải bác sỹ của chúng ta không giỏi. Thống kê mỗi năm có khoảng 300 tiễn sĩ y khoa nước ngoài sang bên ta tham quan, học tập trên một số lĩnh vực. Thậm chí có lãnh đạo cấp cao tiêu chuẩn điều trị ở nước ngoài, nhưng đã tin tưởng điều trị trong nước. Hiện thường xuyên có trên 300 bác sĩ nước ngoài đến VN.

ĐB Nguyễn Đình Liêu (Ninh Thuận) đặt câu hỏi: “Vì sao đến nay một số địa phương không thanh toán bảo hiểm y tế cho các trường hợp tai nạn giao thông?”. Bộ trưởng đáp: “Theo Luật BHYT thì người bị TNGT không vi phạm Luật Giao thông mới được thanh toán bảo hiểm. Về vấn đề này Liên 4 Bộ: Tài chính, Công an, Y tế, BHXH có ý kiến khác nhau nên chờ Thủ tướng kết luận”.

ĐB Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc): Bộ trưởng từng trả lời sẽ quản lý chặt chẽ giá thuốc, song thời gian qua giá thuốc cứ liên tục “nhảy múa” theo giá đô la, giá vàng.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu: 95% loại thuốc tuân theo quy luật thị trường hoàn hảo, còn 5% thuốc tuân theo thị trường không hoàn hảo. Nói giá thuốc tăng theo giá vàng, giá “đô” là không có cơ sở.

* Bộ trưởng nói làm cả hội trường bật cười: “Ngay ở hội trường này tôi nhìn thấy có 3-4 đại biểu vừa họp QH, vừa làm stent động mạch vành ở bệnh viện trong nước”.

Còn ĐB Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) nêu: Bộ trưởng từng trả lời sẽ kiên quyết quản lý chặt chẽ giá thuốc, song thời gian qua giá thuốc cứ liên tục “nhảy múa” theo giá đô la, giá vàng; gây khó khăn cho bệnh nhân; đặc biệt là người nghèo. Ông Triệu thừa nhận giá thuốc có tăng nhưng chỉ tăng 3,2%. Và “đây là con số “chuẩn” mà Cục Thống kê công bố”. Theo ông Triệu 95% loại thuốc tuân theo quy luật thị trường hoàn hảo, còn 5% thuốc còn lại tuân theo thị trường không hoàn hảo, sản xuất chưa đủ nhiều, vì là thuốc mới phát minh, có giá trị cao, được độc quyền sản xuất.

“Nói giá thuốc tăng theo giá vàng, giá “đô” là không có cơ sở. Thường thì mặt hàng thuốc do DN đấu thầu cả năm. DN này “đấu” không được thì DN khác vào, sau kinh doanh theo mặt bằng giá quy định của Cục Thuế, kiểm soát của Cục Quản lý Dược”-Bộ trưởng khẳng định.

Chất vấn người đứng đầu ngành Y tế, ĐB Đinh Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cho rằng: “Hiện phụ cấp làm thêm của cán bộ y tế quá thấp, 1 bác sỹ làm ca đêm chỉ được 45.000 đồng. Trong khi đó cũng làm “nghề dao kéo” như cắt tóc chẳng hạn, “ngồi gốc cây cạo đầu cũng được 25.000 đồng/lượt. Như thế Bộ trưởng thấy có nghịch lý không?”. Ông Triệu thừa nhận: “Ngành y đào tạo tốn nhiều thời gian nhưng khi ra làm bác sĩ thì lương cũng chỉ bằng hoặc tương đương ngành khác, cần phải được xem xét lại”. Trả lời ĐB Dương Thị Kim Anh (Trà Vinh) về hiện tượng “bác sĩ kê đơn ăn tiền hoa hồng”, ông Triệu khẳng khái là có nhưng "đã giảm”.

ĐB Nguyễn Lân Dũng (Đắk Lắk) cho rằng: “Việc di dời các bệnh viện trung tâm thành phố Hà Nội, TP HCM là không khả thi. Người dân ở đâu đông đúc thì ở đó có bệnh viện, nên chăng chỉ xây các Phân viện ở ngoại thành như Viện K cơ sở 2 tại Thanh Trì. Bộ trưởng có ủng hộ việc di dời?” Bộ trưởng Y tế cho biết các BV liên quan đến lây truyền, nhiễm bệnh như Viện Nhiệt đới Quốc gia, Viện Lao và bệnh phổi thì kiên quyết cho di dời, còn các BV khác như Việt Đức, Thanh Nhàn, Bạch Mai nên xây Phân viện để tránh quá tải.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.