| Hotline: 0983.970.780

Bùng nổ lúa J02

Thứ Năm 07/01/2016 , 06:51 (GMT+7)

Vụ xuân này thực sự là thời điểm bùng nổ của J02 khi có 25 tỉnh thành đăng ký cấy với diện tích lên đến trên 4.000 ha. Chỉ tính riêng ở Phú Thọ, địa phương đầu tiên đưa giống vào sản xuất rồi mê luôn đã đăng ký tới 3.000 ha.

Những ngày này, đại bản doanh của Cty CP Giống, vật tư nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam như đang có một chiến dịch.

Bà Nguyễn Thị Tâm, Giám đốc là tổng chỉ huy, tay năm, tay mười, điện thoại liên tục réo lên như phải bỏng. Thời vụ đã cận kề nên phải dàn quân ra các vùng miền để hướng dẫn ngâm ủ sao cho “nàng dâu” cưng J02 nẩy mầm thật tốt.

Lúc mới được nhập nội vào Việt Nam, giống lúa Nhật J02 không phải đã được đón nhận ngay bởi nhiều lý do. Thứ nhất là chưa có kỹ thuật thâm canh, chưa biết đất nào, khí hậu nào phù hợp. Đã thế thời gian ngâm ủ của nó lâu gấp ba lần lúa thông thường (khoảng 70 tiếng). Vẫn nhiệt độ kiểu “ba sôi hai lạnh” đấy nhưng phải tưới nước thế nào để hạt giống không bị “no” quá cũng không bị “đói” quá cũng là cả một nghệ thuật.

Thứ hai là khi ở trên đồng ruộng, nhìn giống lúa mới phô ra những bông ngắn chỉ 140 - 160 hạt, người mới làm ngao ngán, thở dài vì tưởng năng suất thấp (nhưng năng suất thực thu lại cao vì trọng lượng hạt to, xấu cũng phải cao ngang Khang dân 18, còn không trung bình hơn 10 - 20%). Thứ ba là giống lúa này có cuống hạt rất dai, khó tuốt. Điều cuối cùng là không biết chất lượng của nó ra sao.

Ngay từ những ngày đó, bà Nguyễn Thị Tâm đã nhận thấy lấp ló phẩm chất vàng ròng của một giống lúa quý. Lâu lắm rồi trên thị trường mới xuất hiện một giống lúa tốt như vậy, chất lượng có thể nói là đứng đầu trong bộ giống lúa Nhật nhập nội vào Việt Nam. Vậy là bà quyết tâm “rước dâu” mới về nhà, mặc dị nghị, dèm pha. Vừa kiên trì tổ chức mô hình vừa tổng kết đúc rúc để mong sao phát huy hết tiềm năng ẩn giấu.

“Thử trồng trên nhiều vùng đất, chúng tôi thấy ở miền Bắc và miền Trung vụ xuân dễ sản xuất nhất, chất lượng cao nhất. Vụ mùa chất lượng gạo cũng rất ngon nhưng phải tổ chức trên diện tích lớn, tập trung vì giống khá dài ngày, nếu làm kiểu da báo, giống khác gặt trước, sâu bệnh sẽ tấn công giống gặt sau là J02. Còn trong Nam không nên làm J02 ở vụ thứ ba vì đó là thời điểm mưa nhiều, dễ bị hiện tượng nảy mầm trên bông”, bà Tâm chia sẻ.

Bộ phận nghiên cứu của Cty đã kỳ công tổ chức nhiều thí nghiệm để hoàn chỉnh kỹ thuật từ khâu ngâm ủ, gieo cấy đến thu hoạch sao cho gần với truyền thống sản xuất lúa của người nông dân nhất, dễ hiểu, dễ áp dụng nhất.

Khâu ngâm ủ, như đã nói ở trên, phải cực kỳ nghiêm cẩn, thực hiện đúng 70 tiếng. Đến giai đoạn lúa đẻ được 8 - 12 dảnh phải rút nước đi vì đặc tính của J02 là đẻ rất khỏe, nếu để tự nhiên có nơi đẻ tới 20 dảnh/khóm. Đẻ nhiều thì lúa trỗ không đều, bông chín sớm, bông chín muộn. Tháo nước để hạn chế lúa đẻ là điều cần thiết phải phổ biến cho người sản xuất lúa Nhật.

Lúa Nhật khi thu hoạch, phơi phóng cũng khác lúa thường. Phơi một lèo một nắng rất dễ gãy. Phải phơi như lúa nếp, nghĩa là phơi một ngày rồi đắp đống để đấy hai ba ngày sau lại phơi tiếp, khi phơi lưu ý nhiệt độ không nên quá cao, lúc ngoài trời 38 - 40oC. Cách phơi 2 - 3 nắng này giúp cho “sóng gạo” óng ả đã đành mà còn giữ được mùi hương thơm lâu hơn.

Lúa Nhật có tính hàng hóa rất cao, nếu giống khác gạo gãy nát cũng không ai để ý vì chủ yếu dành cho nhu cầu ăn trong nhà, còn gạo Nhật mà nát sẽ rất khó bán. Ở những vùng lần đầu tiên sản xuất, nhiều người rất dễ gặp phải tình trạng trên nên nhìn nhà khác bán lúa thu cả chục, cả trăm triệu trong khi lúa nhà mình chất ứ trong bồ, thèm thuồng cũng đành bất lực.

Những điểm yếu như cuống hạt dai tưởng gây khó cho việc tuốt nhưng lại giúp J02 không bị rơi rụng khi mưa bão. Vỏ trấu dày khó cho việc ngâm ủ nhưng lại tốt cho bảo quản, để 6 tháng trong kho đem ra xay xát mà cơm vẫn dẻo, ngon, đậm đà, no hương vị. Bởi chất lượng thực sự khác biệt nên J02 có đặc tính… gây nghiện mạnh. Hầu như ai đã từng ăn một lần là nhớ mãi, là muốn tìm mua. Lấy ngay ví dụ Bắc thơm 7, giống lúa thuần đặc sản vụ rồi thóc chỉ bán được khoảng 7.000 đ/kg, gạo chỉ bán được 11.000 - 13.000 đ/kg, thế mà J02 thóc 11.000 đ, gạo trên 20.000 đ/kg vẫn không đủ để cung cấp.

Theo bà Tâm, vụ xuân này thực sự là thời điểm bùng nổ của J02 khi có 25 tỉnh thành đăng ký cấy với diện tích lên đến trên 4.000 ha. Chỉ tính riêng ở Phú Thọ, địa phương đầu tiên đưa giống vào sản xuất rồi mê luôn đã đăng ký tới 3.000 ha.

Xem thêm
Nuôi dê chủ yếu bằng trái cây

ĐẮK NÔNG Thức ăn của đàn dê chủ yếu là những thứ có sẵn trong vườn như mít, chuối, cỏ ngọt nên thịt dê đạt chất lượng cao, thương lái 'tranh nhau mua'.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Hỗ trợ vật tư cho vùng măng tây lớn nhất Ninh Thuận

NINH THUẬN 08 hộ dân thực hiện mô hình trồng thâm canh cây măng tây xanh theo hướng hữu cơ tại xã An Hải (huyện Ninh Phước) được hỗ trợ giống, phân bón, thuốc BVTV...

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.