| Hotline: 0983.970.780

Bùng nổ nông nghiệp, từ nhập khẩu, lần đầu tiên Nga chuyển qua xuất khẩu thịt lợn

Thứ Hai 25/07/2016 , 14:30 (GMT+7)

Cả ngành nông nghiệp Nga như bừng tỉnh trước cơ hội hiếm có, khi hàng nông sản nhập khẩu biến mất. Nông dân được quan tâm, nhiều nhà đầu tư quyết định đổ tiền vào. Nga đang tìm lại được động lực phát triển và sẵn sàng hướng tới vị trí của một siêu cường nông nghiệp.

Kể từ khi Liên Xô sụp đổ, nông nghiệp nước Nga nhanh chóng suy kiệt. Nhưng với lệnh cấm vận lương thực, thực phẩm nhập khẩu phương Tây, hàng hóa nông nghiệp châu Âu, Mỹ đã biến mất khỏi các chợ Nga.

Đây là một cú hích quan trọng cho những nông dân sản xuất nhỏ bản địa. Nhiều dấu hiệu cho thấy nông nghiệp Nga đang tìm lại được động lực phát triển và sẵn sàng hướng tới vị trí của một siêu cường nông nghiệp.

Cả ngành nông nghiệp Nga như bừng tỉnh trước cơ hội hiếm có, khi hàng nông sản nhập khẩu biến mất. Nông dân được quan tâm, nhiều nhà đầu tư quyết định đổ tiền vào.

Câu đầu tiên mà Alexander Sayapin nói với phóng viên CS Monitor, một tờ báo của Mỹ, người đã đi bộ vòng quanh trang trại mới khởi dựng của anh, cách thủ đô Moscow gần 200km là “cám ơn các bạn vì lệnh cấm vận”.

Bùng nổ nông nghiệp

Những lệnh cấm vận mà Sayapin đề cập, là lệnh cấm gần như toàn bộ sản phẩm lương thực nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU) của điện Kremlin. Đây là đòn trả đũa các lệnh cấm vận từ phương Tây đối với Nga hai năm trước sau sự kiện Nga can thiệp vào cuộc khủng hoảng Ukraine và sáp nhập Crimea.

Ý tứ câu cám ơn của Alexander Sayapin là bởi sự biến mất bất thình lình của các mặt hàng bơ sữa từ EU khỏi thị trường Nga đã tạo ra một cơ hội.

Được hỗ trợ tài chính từ một hệ thống siêu thị lớn có trụ sở ở Moscow là Azbuka V'Kusa, Sayapin đã đầu tư xây dựng một cơ sở sản xuất bơ sữa nhỏ ở vùng nông thôn hẻo lánh này. Cơ sở chịu trách nhiệm chế biến sữa được sản xuất trong vùng thành nhiều loại sản phẩm, bán ra dưới nhãn mác của hệ thống siêu thị và nhán mác riêng có ghi “Nông dân Sayapin”.

Những nông dân sản xuất nhỏ như Sayapin, một thời gian dài bị người tiêu dùng và các nhà đầu tư Nga bỏ quên, nay mang lại hơi thở mới cho thị trường nông nghiệp Nga, tạo điều kiện giúp nước này tự nuôi sống người dân mà không cần trông chờ vào lương thực, thực phẩm nhập khẩu, thậm chí còn trở thành nhà xuất khẩu lớn của thế giới.

“Chúng tôi đã tăng sản lượng lên ba lần trong năm ngoái và chiếm lĩnh được thị phần riêng”, Sayapin nói với CS Monitor. “Ngay cả khi các lệnh cấm vận được dỡ bỏ ngày mai, chúng tôi đã ở đây rồi. Chúng tôi đã học được rất nhiều, đã giảm được nhiều chi phí và đã sẵn sàng cạnh tranh”.

Ở thời điểm hiện tại, nước Nga đang vật lộn với suy thoái và năm nay mọi thứ còn có vẻ khó khăn hơn. Nhưng nông nghiệp lại bùng nổ. Các quan chức cho rằng điều này không chỉ do các lệnh cấm vận hay việc mất giá của đồng rúp khiến hàng hóa trong nước cạnh tranh hơn so với hàng ngoại mà còn là kết quả của nhiều yếu tố mang tính cơ bản, dài hơi.

Từ nhập khẩu chuyển qua xuất khẩu

Hơn một thập kỷ hoang mang, hỗn loạn với câu hỏi làm thế nào chuyển đổi từ hệ thống hợp tác xã khổng lồ của thời Xô viết, ngành nông nghiệp Nga bị tàn phá và nước này phụ thuộc rất lớn vào nguồn nông sản thực phẩm nhập ngoại. Một luật mới về đất đai được ban hành năm 2001 tạo điều kiện cho dân Nga sở hữu và tổ chức các trang trại tư nhân theo kiểu phương Tây, nhưng sự phát triển diễn ra chậm chạp.

17-11-44_trng-tri-ng-1
Nông dân Fetisov, thành viên hợp tác xã trong thời Xô viết, nay là chủ một trang trại nuôi bò ở Plotskaya (Ảnh: SC Monitor)

 

Năm 2012, Chính phủ Nga giới thiệu một chương trình trợ giá toàn diện để thúc đẩy các trang trại tư nhân trong đó bao gồm các khoản vay lãi suất thấp, giá phân bón được kiểm soát, hỗ trợ các nhà sản xuất công cụ, máy móc phục vụ nông nghiệp. Nhà nước cũng ưu tiên các nguồn lực tài chính và nguồn lực khác cho phát triển nông nghiệp.

Những biện pháp này rõ ràng đã phát huy tác dụng. Ví dụ, cho đến gần đây, Nga vẫn còn là nhà nhập khẩu hàng đầu gà và thịt lợn từ Bắc Mỹ. Bây giờ nước này tự chủ nguồn thực phẩm từ gia cầm và năm 2015, lần đầu tiên trong lịch sử, trở thành nhà xuất khẩu thịt lợn của thế giới. Giá trị sản xuất nông nghiệp của Nga trong năm ngoái đạt 20 tỷ USD, vượt qua cả kim ngạch bán vũ khí của nước này và dự kiến nông nghiệp sẽ còn mang lại nhiều lợi nhuận hơn nữa trong năm nay.

Cuộc khủng hoảng hiện tại cũng đánh thức, thúc đẩy khôi phục các món ăn truyền thống của Nga. Các nhà sản xuất nguyên liệu truyền thống của món ăn Nga như củ cải đường, bắp cải, kiều mạch, tvorog (pho mát kiểu Nga) và kefir (một thứ đồ uống làm từ sữa chua) ngày càng ăn nên làm ra.

“Nông dân đang trong thời điểm rất thuận lợi. Họ có thể nhận trợ cấp, trợ giá, vốn vay ưu đãi từ chính quyền các cấp, từ liên bang đến địa phương, và tình hình kinh tế hiện tại đang làm lợi cho họ”, Alexander Tsigankov, một quan chức nông nghiệp thuộc chính quyền vùng Kaluga nói.

"Người từ thành phố đang quay lại bởi giờ đã có những công việc nông nghiệp được trả lương tốt và điều này giúp giảm căng thẳng thiếu nhân lực nông nghiệp thường trực ở Nga. Ở vùng chúng tôi, Kaluga, khu vực nông nghiệp tăng trưởng 17% trong vòng hai năm qua”.

Ông Tsigankov tỏ ra giễu cợt khả năng vốn được bàn luận nhiều trong thời gian qua là phương Tây có thể sớm gỡ bỏ các lệnh cấm vận đối với Nga và các loại hàng hóa của phần còn lại của châu Âu, vốn có ưu thế hơn nhiều so với nông sản nội địa, sẽ lại tràn ngập thị trường Nga.

“Vậy thì sao?”, ông nói. “Nếu những loại hàng hóa đó quay lại, sẽ có một cuộc chiến về giá cả. Và nông dân của chúng tôi, những người tính chi phí bằng đồng rúp, sẽ thắng trong hầu hết các cuộc chiến chống lại hàng hóa tính bằng đồng euro. Tất nhiên vẫn có thị trường thích hợp cho pho mát Pháp và thịt chế biến từ Ý. Nhưng chúng tôi đang trên con đường sản xuất gần như mọi thứ đáp ứng nhu cầu trong nước”.

Xem thêm
Cà phê có thể bị tiêu hủy nếu vi phạm quy định kiểm dịch của Mexico

Thông báo ngày 21/3 của Mexico sửa đổi các yêu cầu kiểm dịch thực vật hạt cà phê Arabica và Robusta nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Tiến Nông được bình chọn là thương hiệu mạnh ASEAN 2024

Với sự ghi nhận này, Tiến Nông tự tin vươn tầm khu vực, trở thành thương hiệu của nông dân ASEAN.