| Hotline: 0983.970.780

Bùng phát đạo ôn

Thứ Sáu 06/03/2015 , 06:11 (GMT+7)

Thời gian qua diễn biến thời tiết phức tạp, mưa nắng xen kẽ, ẩm độ không khí cao nên trên địa bàn các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đã xuất hiện bệnh đạo ôn gây hại trên lúa ĐX 2014-2015.

Tại Nghệ An, bệnh đang phát sinh gây hại trên một số diện tích lúa thời kỳ đẻ nhánh - đẻ nhánh rộ tại các huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Thanh Chương, Yên Thành, Anh Sơn, Diễn Châu, TP Vinh... Diện tích nhiễm bệnh chủ yếu tập trung trên các giống Xi23, BC15, AC5, NX30, GS9, NA2, Thụy Hương, KP1.

Tại huyện Diễn Châu, tính đến ngày 2/3/2015 bệnh đạo ôn đã phát sinh và lây lan trên một số vùng thuộc xóm 7, 8, 9 xã Diễn Thái, xóm 1, 2, 3, 5 xã Diễn Nguyên, các xã Diễn Liên, Diễn Minh, Diễn Trường, Diễn Mỹ.

Tính đến nay toàn huyện đã có 15,7 ha lúa nhiễm bệnh đạo ôn. UBND huyện Diễn Châu đã ra công điện “Về việc chỉ đạo phòng trừ bệnh đạo ôn hại lúa, bảo vệ cây trồng vụ xuân 2015”.

Tại huyện Yên Thành, đến ngày 3/3 một số giống lúa đã có biểu hiện nhiễm bệnh đạo ôn, các giống lúa lai tỷ lệ nhiễm chưa đáng kể.

 Theo nông dân Đặng Thị Hường, xóm Hồng Lĩnh, xã Nhân Thành: “Hiện nay các diện tích gieo cây giống BC15 của gia đình tôi đều đã nhiễm đạo ôn, một số nơi có biểu hiện lụi từng ô nhỏ. Tôi đã tiến hành phun phòng trừ theo thông báo của xóm bằng thuốc Filia”.

Tại các xã khác như Long Thành, Công Thành, Kim Thành, Văn Thành…cũng đều đã ghi nhận sự xuất hiện của bệnh đạo ôn, địa phương cũng đã thành lập các ban kiểm tra, chỉ đạo, hướng dẫn xã viên các biện pháp phòng trừ.

Tại tỉnh Hà Tĩnh, bệnh đạo ôn đã phát sinh gây hại tại các huyện Nghi Xuân, Thạch Hà, Hương Sơn, Lộc Hà, Đức Thọ… tỷ lệ trung bình 3 - 5%, nơi cao 7 - 10% cục bộ như ở Nghi Xuân, tỷ lệ 25 - 30% trên các giống Xi23, P6, NX30.

Tại huyện Đức Thọ, diện tích nhiễm hiện tại trên 50 ha, một số điểm đã xuất hiện cháy lụi cục bộ các ô nhỏ tại xã như Tùng Ảnh, Đức Hòa, Đức Đồng, Đức Tùng, Yên Hồ.

11-41-08_nh-2
Quy luật phát triển của bệnh đạo ôn

Hiện điều kiện thời tiết đang thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát triển, nắng ấm xen kẽ các đợt không khí lạnh tăng cường, độ ẩm không khí cao, sáng sớm có sương mù, mưa nhỏ, ánh sáng yếu, nhiệt độ từ 20 - 24 độ C, bà con nông dân lại vừa bón thúc đẻ nhánh xong, cây lúa xanh tốt, bộ lá non mềm.

Nông dân cần lưu ý khi pha chế thuốc. Có 2 dạng thuốc phòng trừ bệnh đạo ôn hiện nay là dạng bột và dạng lỏng. Với dạng bột bắt buộc phải hòa tan thuốc trước khi pha vào bình phun. Với dạng lỏng khi pha chế phải tráng bao gói nhiều lần để lấy hết thuốc bám dính trên bao gói.
Đặc biệt dạng đóng chai thường là các thuốc có tính bám dính cao như Filia 525SE, trước lúc mở nắp cần lắc kỹ, sau khi mở cho thuốc vào bình phun cần phải tráng vỏ chai nhiều lần để lấy hết thuốc.

Đặc biệt trên các chân đất sâu trũng, cát pha, thịt nhẹ, vùng tiểu khí hậu, các diện tích bón thừa đạm, diện tích gieo cấy các giống nhiễm, bệnh có thể gây hại nặng và gây cháy trên diện rộng nếu không được phát hiện, phòng trừ kịp thời đúng kỹ thuật.

Để kịp có những biện pháp ngăn chặn bệnh đạo ôn bùng phát, bà con cần lưu ý một số công tác sau: Thường xuyên kiểm tra thăm đồng, để kịp thời phát hiện bệnh; dừng ngay việc bón thúc đạm và phun phân bón lá trong điều kiện thời tiết bất lợi như hiện nay tại Nghệ An và Hà Tĩnh; thực hiện các chỉ đạo hướng dẫn của cơ quan chức năng về các biện pháp phòng trừ hiệu quả.

Trong thực tế, người nông dân kiến thức BVTV còn hạn chế, thường phải phun thuốc phòng trừ bệnh đạo ôn nhiều lần trong một vụ, dù đã chọn đúng thuốc tốt, đã pha chế và phun đúng yêu cầu kỹ thuật.

Nguyên nhân chính của việc này là do phun thuốc khi vết bệnh đã phát sinh bào tử.

Hiện nay chưa có loại thuốc nào công bố tiêu diệt được bào tử nấm bệnh đạo ôn. Ngay cả các chất chuyên trừ bệnh đạo ôn hiệu quả nhất hiện nay như Tricyclazole (Filia 525SE…), Azoxystrobin (Amistar Top 325SC, Amistar 250SC...), cũng chỉ dừng lại ở cơ chế ngăn chặn sự nảy mầm của bào tử mà thuốc tiếp xúc khi phun hoặc các bào tử nảy mầm trong thời gian hiệu lực của thuốc.

Tuy nhiên tỷ lệ bào tử mà thuốc có thể tiếp xúc quá nhỏ so với số bào tử trong không khí, mỗi vết bệnh mãn tính có thể phóng thích từ 2.000 - 6.000 bào tử trong 1 ngày đêm và kéo dài 15 ngày.

Vì vậy nếu vết bệnh đã mãn tính, thì tiến hành phun lại sau 5 - 7.

Đối với bệnh đạo ôn, tốt nhất là xử lý ngay giai đoạn vết bệnh cấp tính vì lúc này nấm bệnh chưa phát sinh bào tử. Vết bệnh xuất hiện đơn lẻ, có hình chấm kim hoặc to hơn nhưng tròn hoặc hơi tròn, sũng nước, chưa hình thành vết bệnh hình mắt én (hay còn gọi hình thoi) và chưa liên kết thành các vết bệnh lớn.

Vì các vết hình thoi, hay các vết liên kết thành vết bệnh lớn không định hình là các vết bệnh đã phát sinh bào tử.

11-41-08_nh-3
Kiểm tra bào tử nấm bệnh đạo ôn

Để phòng trừ hiệu quả bệnh đạo ôn có thể sử dụng các thuốc Filia 525SE, Amistar Top 321SC… pha 0,4 - 0,5 lít thuốc với 400 - 500 lít nước phun cho 1 ha, tương đương khoảng 20 - 25 ml thuốc cho 1 sào Trung Bộ (500 m2), hoặc 15 - 20 ml thuốc cho 1 sào Bắc Bộ (360 m2).

Xem thêm
Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đào Bắc Hà mất mùa, giá cao

LÀO CAI Hiện đào Pháp ở Bắc Hà đã vào chính vụ thu hoạch. Năm nay cây đào không được mùa nên giá cao hơn mọi năm.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.