| Hotline: 0983.970.780

Bùng phát dịch bệnh trên cây hồ tiêu: Phải "chặt đứt" đường truyền bệnh

Thứ Hai 06/10/2014 , 09:33 (GMT+7)

Cuối tuần qua, tại TP.Pleiku, Bộ NN-PTNT cùng UBND tỉnh Gia Lai đã tổ chức Hội nghị về công tác bảo vệ thực vật trong sản xuất hồ tiêu bền vững. 

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát dự và chỉ đạo Hội nghị.

Tự phát mở rộng diện tích

Gia Lai là tỉnh có diện tích, năng suất và sản lượng hồ tiêu lớn của cả nước. Ngày 7/10/2010, tỉnh có Quyết định 681/QĐ-UBND, về việc quy hoạch trồng trọt gắn với công nghiệp chế biến trên địa bàn Gia Lai đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020.

Theo đó, diện tích cây hồ tiêu được quy hoạch đến năm 2015 là 6.000 ha, tầm nhìn đến năm 2020 vẫn giữ ổn định ở quy mô 6.000 ha. Tuy nhiên đến năm 2014, diện tích hồ tiêu của Gia Lai đã lên đến gần 12.000 ha (7.530 ha kinh doanh, 3.715 ha kiến thiết cơ bản, 489,9 ha trồng mới năm 2014). Như vậy, diện tích hồ tiêu vượt so với quy hoạch là trên 5.700 ha.

Cùng với việc mở rộng diện tích sản xuất, nông dân ở đây còn chú trọng đầu tư thâm canh nhằm khai thác tối đa về năng suất.

Theo đó, hiện năng suất hồ tiêu ở Gia Lai thuộc diện cao nhất nước, bình quân đạt 43-45 tạ/ha, cá biệt có nơi (như vựa hồ tiêu Chư Sê, Chư Pưh), có vườn hồ tiêu năng suất đạt trên 70 tạ/ha. Năm 2013, sản lượng hồ tiêu toàn tỉnh đạt 32.497 tấn.

Nguyên nhân về diện tích hồ tiêu tăng nhanh trong những năm qua, đó là do những năm gần đây, một số quốc gia xuất khẩu hồ tiêu bị mất mùa, thêm vào đó là tình trạng đầu cơ tích trữ, đã đẩy giá tiêu hạt trong nước tăng nhanh và duy trì ở mức cao trong suốt một thời gian dài (từ 95.000 đồng/kg lên 220.000 đồng/kg).

Theo đó, lợi ích mang lại cho người trồng tiêu ở đây cũng được nâng lên rõ rệt. Vì vậy, nông dân phát triển diện tích vườn tiêu một cách ồ ạt, nằm ngoài sự kiểm soát của cơ quan chức năng.

Sự phát triển hồ tiêu mang tính tự phát như trên đã mang lại nhiều hệ lụy tất yếu. Trước tiên phá vỡ quy hoạch về cơ cấu cây trồng trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, quy trình chọn giống, chọn đất, trồng và chăm sóc không hợp lý đã nảy sinh nhiều vấn đề mâu thuẫn trong quá trình sản xuất.

Trên thực tế, do ảnh hưởng của bão số 9 và số 10 hồi cuối năm 2009 đã làm trên 300.000 trụ tiêu ở Gia Lai bị ngập úng, ngã đổ, dập nát; sâu bệnh gây thiệt hại và làm mất trắng trên 150 ha ở các địa phương như Chư Sê, Chư Pưh, Đăk Đoa, Mang Yang và TP.Pleiku.

Dịch bệnh là tất yếu

Hệ lụy lớn nhất mà nông dân trồng tiêu ở Gia Lai đang phải gánh chịu, đó là dịch bệnh diễn ra trên hầu khắp các vườn tiêu của tỉnh. Với vườn hồ tiêu 4 sào (800 trụ) của nông dân Rơ Lan Ke (dân tộc J’rai ở thôn Be Tel, xã Ia Roòng, huyện Chư Pưh), đã có trên 150 trụ tiêu bị nhiễm bệnh.

10-11-44_img_8724
Bộ trưởng chỉ đạo Hội nghị

Ông cho biết: Khi mới phát hiện, ông báo lên xã, xã báo lên huyện, huyện cử đoàn kiểm tra xuống vườn nhà ông và nhiều vườn khác, nguyên nhân được xác định do nhiễm bệnh chết nhanh chết chậm và bệnh tuyến trùng rễ.

Đứng trước vườn tiêu đang thu hoạch ở năm thứ ba đang dần xơ xác, ông Rơ Lan Ke bùi ngùi: “Gia đình tôi bỏ ra bao nhiêu công sức, tiền của từ hơn mười năm nay, mới chỉ thu hoạch được ba năm mà vườn tiêu đã bị chết, xót quá!”.

Không riêng gì vườn hồ tiêu của ông Rơ Lan Ke, mà rất nhiều vườn khác ở trong vùng đều có hiện tượng tương tự: Vàng lá, thối rễ, khô thân và chết hẳn. Mới hôm nào còn là niềm hy vọng lớn của mỗi nông dân trồng tiêu nơi đây, bây giờ vườn tiêu chỉ còn trơ lại trụ khô, trên đó là dây tiêu gầy guộc, héo úa hoặc đã chết hẳn…

Một hệ lụy khác cũng không kém phần nguy hiểm, được ông Đinh Xuân Thu - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Hồ tiêu Đăk Song (tỉnh Đăk Nông), cho biết năm 2014, diện tích hồ tiêu trồng mới toàn huyện là 1.200 ha, nâng tổng diện tích hồ tiêu của huyện lên gần 15.000 ha (lớn hơn diện tích hồ tiêu toàn tỉnh Gia Lai), vượt kế hoạch trên 20%.

Lấy đâu ra quỹ đất để trồng? Ông Thu khẳng định: Phá rừng!

Trước tình trạng dịch bệnh đang lây lan mạnh trên các vườn tiêu, không ít nông dân lo lắng, nóng vội mua thuốc bảo vệ thực vật trôi nổi, không nhãn mác nhằm cứu vườn cây, tuy nhiên kết quả là “tiền mất - tật mang”.

Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai - ông Hà Ngọc Uyển, cho biết: Các giống tiêu được trồng không có nguồn gốc rõ ràng. Hiện tại trên địa bàn chưa có đơn vị nào sản xuất giống để đáp ứng nhu cầu cho nông dân. Nguồn giống phục vụ cho trồng mới chủ yếu là do nông dân tự trao đổi với nhau hoặc do các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ cung ứng. Do vậy việc quản lý chất lượng giống gặp rất nhiều khó khăn, theo đó khó có thể kiểm soát được nguồn bệnh…

Ông Hoàng Phước Bính - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê, cho biết: Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải tuân thủ “4 đúng”: Đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng cách. “Tuy nhiên phần đông nông dân mới chỉ áp dụng từ 2-3 đúng. Đây là mối nguy hại lớn cho vườn cây” - ông Bính nói.

“Không được lấy nông dân ra làm thí nghiệm”

Trước diễn biến dịch bệnh phức tạp trên cây hồ tiêu ở Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã có những chỉ đạo kịp thời và cụ thể.

Bộ trưởng yêu cầu: Với dịch bệnh trên cây hồ tiêu, lấy phương châm phòng là chính. Phòng phải từ khâu chọn giống, chọn đất, chọn thuốc (ưu tiên chế phẩm sinh học). Với diện tích đã bị bệnh, bằng mọi cách không để lây lan sang vườn khác, phải mạnh dạn chặt đứt đường truyền bệnh.

Bên cạnh đó, cần chuyển tải kiến thức trồng - chăm sóc cây hồ tiêu đến từng hộ nông dân, muốn vậy thì vai trò quản lý Nhà nước phải được đồng bộ…

Với các Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ, Bộ trưởng đã đưa ra những giải pháp cụ thể, giao nhiệm vụ trực tiếp cho từng đơn vị với mục đích cuối cùng trên tinh thần vì lợi ích của người nông dân: Hạn chế đến mức thấp nhất dịch bệnh diễn ra trên cây hồ tiêu. Khi có dịch phải tổ chức chống dịch khoa học và hiệu quả…

Với địa phương, Bộ trưởng đề nghị một số ý: Cần rà soát lại quy hoạch cho cây hồ tiêu của từng địa phương để có hướng dẫn kịp thời, có sự kiềm chế hiệu quả với nông dân, lựa chọn những vùng đất thật sự thích hợp để trồng.

Địa phương cần tổ chức thực hiện nghiêm việc quản lý phân bón, giống cây trồng và thuốc bảo vệ thực vật, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm; tất cả những sản phẩm nông nghiệp - phục vụ nông nghiệp, khi chưa được Hội đồng Khoa học của Bộ NN-PTNT kết luận và cho phép, tuyệt đối không được cung cấp cho nông dân.

Cấm tuyệt đối các doanh nghiệp lợi dụng dịch bệnh để bóc lột nông dân.

“Không được ai có quyền lấy nông dân ra làm thí nghiệm” - Bộ trưởng nhấn mạnh. Bên cạnh đó, địa phương cần chuyển tải các quy trình kỹ thuật đến từng hộ nông dân; thường xuyên cử cán bộ khuyến nông, cán bộ bảo vệ thực vật xuống tận thôn làng, kịp thời phát hiện và hướng dẫn nông dân xử lý dịch bệnh có hiệu quả.

Địa phương cũng cần chủ động bố trí tăng cường kinh phí khuyến nông, tập trung cho cây hồ tiêu…

Xem thêm
Tỷ lệ tiêm phòng vacxin tăng, nguy cơ bệnh dại sẽ giảm

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình đang tập trung, dồn lực tăng cường quân số về các địa phương hỗ trợ tiêm vacxin phòng, chống bệnh dại.

Giá ớt giảm mạnh, nông dân không buồn thu hoạch

QUẢNG NGÃI Dù mới bước vào đầu vụ nhưng giá ớt giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số diện tích sụt giảm năng suất khiến nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ, không buồn thu hoạch.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất