| Hotline: 0983.970.780

Bùng phát dịch sốt xuất huyết

Thứ Hai 28/09/2015 , 06:35 (GMT+7)

Dịch sốt xuất huyết (SXH) đang bùng phát mạnh! Đã có 36.000 ca mắc, 23 người tử vong, rải đều trên 51 tỉnh, thành cả nước. 

Riêng tại các tỉnh Đông Nam bộ, dịch SXH cũng đang diễn biến hết sức phức tạp với hàng chục ngàn ca mắc. Trong đó, các điểm nóng là Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM…

Báo động

Trên địa bàn tỉnh Bình Dương, dịch SXH đang gia tăng. Trong tháng 8/2015, SXH trên địa bàn tỉnh lên đến 631 ca, tăng 77% so với cùng kỳ 2014. Riêng hai tuần đầu tháng 9/2015 đã ghi nhận 499 ca bệnh mắc mới.

Tính đầu tháng 8 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 6 trường hợp trẻ em từ 2-12 tuổi tử vong do SXH. Tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương, số ca SXH nhập viện điều trị liên tục tăng trong những ngày qua.

Khu điều trị Nội I của bệnh viện này thường xuyên đặt trong tình trạng quá tải, 2-3 người bệnh nằm chung một giường mà chưa đủ, nhiều bệnh nhân khác phải nằm ghế bố, hành lang.

Khoa Nhi hiện mỗi ngày đang phải điều trị khoảng 250 bệnh nhi SXH, có ngày trên 300 bệnh nhi. Khoa Xét nghiệm cũng trong tình trạng quá tải vì chỉ riêng việc lấy máu xét nghiệm mỗi ngày cũng đã từ 50 đến 60 ca.

Trong số các “điểm nóng” về SXH trên địa bàn tỉnh Bình Dương, TP.Thủ Dầu Một giữ vị trí “quán quân” về các ca mắc. Địa phương này đã có vài ca tử vong vì SXH. Gia đình ông Lê Thành Nguyên, ở P.Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một, có đến 3 người mắc.

Khi được hỏi về bệnh tình của người thân trong gia đình, ông Nguyên nét mặt đầy âu lo, cho biết chỉ thấy con sốt nên nghĩ là bị mắc bệnh viêm hô hấp hay sốt siêu vi bình thường. Đến khi thấy da của con có những đốm đỏ xuất hiện mới đưa con đi xét nghiệm máu và phát hiện bệnh SXH.

Theo bác sĩ Quách Hoàng Mỹ, Trưởng phòng Dịch tễ, Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) Bình Dương, qua giám sát huyết thanh xét nghiệm máu bệnh nhân, hiện đang xuất hiện chùm virus Dengue 4. Đây là chùm virus nguy hiểm có nguy cơ gây biến chứng, tử vong cao.

Ghi nhận của Sở Y tế Đồng Nai tính đến ngày 24/9 cho thấy, SXH có mặt tại 9/11 địa phương với khoảng 5.000 ca, tăng gần 180% so với cùng kỳ năm 2014, đã có 4 ca tử vong vì SXH (2 trẻ em và 2 người lớn). Có đủ 4 loại virus Dengue gây bệnh SXH là D1, D2, D3, D4.

17-09-04_nh-3
Số ca bệnh mắc sốt xuất huyết tăng nhanh

Một số địa phương có số ca mắc SXH tăng từ 200-320% so với cùng kỳ năm 2014 ở Đồng Nai như: TP.Biên Hòa, TX.Long Khánh, Long Thành, Trảng Bom, Định Quán. Tại phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa, cả 5 khu phố của phường đều xuất hiện SXH. Nhiều nhà có từ 3 – 5 người mắc bệnh. Gia đình chị Văn Thị Ánh là một ví dụ, nhà có 2 bệnh nhân vừa được xuất viện vì mắc SXH.

Trước đó, chị Ánh bị SXH khá nặng gây viêm gan. Được biết, phường Trảng Dài có nhiều khu nhà trọ không đảm bảo điều kiện vệ sinh, nhiều khu đất trống xen kẽ nhà dân biến thành bãi rác tự phát. Tại đây, các lon bia, chai nhựa đầy nước mưa bị vứt tràn lan, sẽ là cơ hội để nuôi lăng quăng, sản sinh ra muỗi gây bệnh SXH. Vậy nhưng, đa số người dân nơi đây vẫn chủ quan với dịch SXH, ngủ không mùng, không mặc quần áo dài cho trẻ em thời điểm nhiều muỗi.

Ông Nguyễn Văn Danh, GĐ Bệnh viện Định Quán cho biết, trước 2014, 80% số ca SXH điều trị tại Bệnh viện Định Quán là trẻ em.

Nhưng đến năm 2015, bệnh diễn biến phức tạp, người lớn tuổi (trên 16 tuổi) mắc bệnh tăng cao. Hiện có 55 bệnh nhân SXH đang điều trị nội trú tại bệnh viện, trong số này có 35 ca là người lớn tuổi. Còn Bác sĩ Đồng Minh Hùng, Trưởng khoa Nhiễm - BVĐK tỉnh Đồng Nai cho hay, những năm trước, khoảng tháng 9, 10, SXH mới vào mùa, năm nay SXH bùng phát mạnh và sớm hơn 1,2 tháng.

Tại TP.HCM, số ca bệnh SXH chưa có dấu hiệu giảm. Báo cáo của TTYTDP TP.HCM, cho thấy, đến nay, toàn TP đã có gần 9.400 ca sốt xuất huyết, tăng 72% so với cùng kỳ năm 2014.

Ý thức người dân còn kém

Đó là nhận định chung của các bác sĩ chuyên khoa về nguyên nhân gia tăng số ca mắc bệnh SXH trên địa bàn tỉnh. Theo bác sĩ Quách Hoàng Mỹ, GĐ TTYTDP Bình Dương, hiện bà con chưa ý thức hết tầm quan trọng của việc đảm bảo vệ sinh môi trường sống, nhiều nơi còn ẩm thấp, phát sinh muỗi truyền nhiễm bệnh, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền.

17-09-04_nh-5
Tại các khu dân cư lao động, người dân chưa ý thức phòng tránh SXH, đây là một trong những nguyên nhân chính khiến bệnh SXH tăng cao (trong ảnh: phun thuốc tẩy trùng, ngăn ngừa dịch SXH gia tăng)

Nhận thức được tính nghiêm trọng của diễn biến bệnh SXH, TTYTDP Bình Dương vừa triển khai phun hóa chất diện rộng tại các nơi có bệnh nhân SXH. Tổng số ổ dịch SXH phát hiện được là gần 490; số ổ dịch đã xử lý là 453.

Cách xử lý của ngành y tế Bình Dương là diệt lăng quăng và phun hóa chất dập dịch diện rộng tại TP.Thủ Dầu Một, TX.Dĩ An và các huyện Phú Giáo, Bàu Bàng…, đồng thời mở chiến dịch tuyên truyền sâu rộng tại các xã, phường, thị trấn trong tỉnh.

Còn tại Đồng Nai, từ đầu tháng 9, Sở Y tế đã gửi văn bản đến các đơn vị trực thuộc về tăng cường phòng, chống dịch bệnh SXH, trong đó nhấn mạnh không được để xảy ra tử vong do SXH. Sở chỉ đạo các Trung tâm Y tế, Phòng Y tế các địa phương phải tăng cường công tác giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh nhằm phát hiện sớm các ca mắc SXH, xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh bùng phát và lan rộng.

Đồng thời, phải tổ chức phun hóa chất diệt muỗi tại các khu vực có nguy cơ bùng phát thành dịch. Các cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh phải chuẩn bị đầy đủ thuốc men, dịch truyền, trang thiết bị cấp cứu...

Vừa qua, trong Hội nghị tăng cường công tác phòng, chống SXH tại các tỉnh phía Nam, do Bộ Y tế tổ chức tại TP.HCM, cho thấy, khu vực phía Nam đã có gần 23.000 trường hợp mắc SXH, tăng 54% so với cùng kỳ năm 2014; trong đó có 16 ca tử vong. Đứng đầu trong danh sách các địa phương có người mắc SXH nhiều là các địa phương: Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM, với hơn 50% tổng số ca mắc SXH của khu vực Nam bộ.

Xem thêm
Di căn gan chiếm 25% trường hợp ung thư đại trực tràng

TP.HCM Di căn gan là di căn xa thường gặp nhất, chiếm 25% các trường hợp ung thư đại trực tràng. Mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 16.000 ca ung thư đại trực tràng mới.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Kháu Vài Lèng bị giả mạo, Lương y Mạc Văn Minh kêu cứu

Kháu Vài Lèng, bài thuốc điều trị sinh lý nam giới của Lương y Mạc Văn Minh đang bị các đối tượng xấu làm giả, bán trục lợi, ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm