| Hotline: 0983.970.780

Chủ Nhật 15/09/2019 , 07:05 (GMT+7)

07:05 - 15/09/2019

Bước đến nhau

Tháng 5 năm 2007, tôi đi Mỹ, đoàn 10 người do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ mời đích danh. Vì sao họ mời đích danh? Là vì ngân sách Mỹ, cung cách Mỹ, không mời mọc chung chung.

Chủ trương của họ là tham quan để xích lại gần nhau, đoàn nhỏ, cùng tông cùng cỡ. Hình như mỗi năm họ đều mời vài ba đoàn, nhà báo - nhà văn và cả những đoàn quan chức (số người này được mời đích danh hay không tôi không rõ).

Cùng với tôi (báo Văn Nghệ - Hội nhà văn VN) tháng 5/2007 ấy, có Đỗ Trung Quân, Lê Minh Quốc (báo Phụ Nữ TP HCM), Thúy Nga (báo Tuổi Trẻ), Thu Nga (báo Thanh Niên), Nguyễn Thành Phong (báo Vì Trẻ Thơ)… Các bạn ở Sài Gòn bay riêng, Nguyễn Thành Phong và tôi từ Hà Nội transit qua Bắc Kinh rồi ngồi xuyên đêm trên chuyến bay của American Arline đến thẳng Washington D.C.

Nhìn cách chọn tiếp viên đứng tuổi và cách ê kíp ấy làm việc đã có thể kết luận sơ sơ: tính chuyên nghiệp rất cao của người Mỹ là sản phẩm của xã hội đề cao kỹ năng con người tự chủ và rất chặt chẽ khuôn khổ.

Người đón hai chúng tôi cho biết anh là một trong ba phiên dịch cho đoàn. Wow, 10 người mà có tới những ba phiên dịch sao anh Công? Anh ấy bảo đó là qui định, chúng tôi là “thượng khách”. Bình dị, như một người bà con của chúng tôi ở trong nước, càng không có vẻ gì là người từng đi học tập cải tạo, từng ra đi trong phập phồng và từng…

Mới về đến khách sạn, va ly của “thượng khách” đã gãy cần kéo, anh ấy đã tìm cách chữa cho tôi bằng cái dao nhỏ của khách sạn. Hàng Thượng Hải đó anh Công ơi, nhìn anh không khác gì anh trai của em anh Công ơi. Chúng tôi đã bước nhanh đến với nhau như vậy.

Một người phiên dịch nữa là anh Thanh (mạn phép không viết họ ra đây), chúng ta có lẽ đã từng thấy anh ấy bên cạnh Tổng thống Bill Clinton khi tiếp nguyên thủ Việt Nam ở Mỹ, hoặc khi tổng thống đến Hà Nôi - có thể vì anh Thanh là phiên dịch trẻ. Một người nữa, chị Quý, du học sinh ở Mỹ trước năm 1975, về nước cùng mẹ lo việc kinh doanh hai Hotel ở trung tâm quận 1. Các bạn đã có thể hình dung, cả gia đình chị Quý phải bỏ của chạy lấy người. Quý cũng “giản dị hết biết”.

Chuyến công du của Tổng thống Barack Obama tháng 5/2016, Quý là phiên dịch thay nhau cùng bạn Tuấn người Hà Nội. Khi đoàn của tổng thống về Mỹ, Quý đã xách valy đến thư giãn với tôi. Chúng tôi ngao du mấy ngày cùng nhau (Quý nhớ những món ăn Sài Gòn và nhớ nhất là không khí ca nhạc Phòng trà). Vài lần đi công tác sau này, Quý đều ở chỗ tôi, để ăn và để nói đủ thứ với nhau, không chừa một vấn đề nào.

Ngày cuối cùng của chuyến Washington D.C - Kansas City và Missouri - California ấy, anh Công đã dành cả ngày để đánh xe chở chúng tôi đi mua sắm.

Người miền Nam chúng ta đã bước đến với nhau ngay từ dạo đó. Gia tộc nào cũng có người bên này bên kia. Gặp nhau ở giỗ chạp Tết nhất, lại là hàng xóm ngày trước với nhau. Chia lại cho nhau từng thẻo ruộng, từng liếp vườn, từng mớ cây để dựng nhà, chia sẻ kinh nghiệm làm nông, kiếm cá, kiếm cơm.

Với những gia tộc hai bên đều có người lừng lẫy, xem chừng sự gặp nhau nhiều ngập ngừng hơn, thực sự ít giúp được nhau khi người của phe thua đi tù, hoặc đi vượt biên và lại bị tù. Nhưng khi dòng bi kịch của lịch sử đã chia rẽ thành người của hai bờ Thái bình dương thì sự nhớ về nhau lại mênh mông và không ít người khó khăn bên này đã nhận được sự giúp đỡ tận tình của người ở bên kia.

Tôi có một người bạn ngoài mọi định nghĩa. Chúng tôi cùng tuổi, cùng xóm, hai gia đình rất thân nhau. Ba tôi chết ở trong tù còn ba của người ấy bị bên trong cho là gián điệp đưa đi thủ tiêu mất xác. Người ấy đi dân vệ, bị phục kích, bị thương ở cột sống. Kết thúc chiến tranh, anh lấy vợ là cô giáo, cả xã khóc mừng cho anh. Và hai gia đình chúng tôi đã thương nhau hơn bởi vì ba của anh không mồ mả trong khi ba của tôi dù sao cũng có một nấm mộ ở Côn Đảo!

Thế là dân chúng đã dắt díu nhau, đã níu tay nhau vượt qua. “Sự oán giận giống như tự mình uống thuốc độc mà hy vọng kẻ thù của mình chết vậy”. Ai, ai đã nói một câu chân lý rợn người ấy? Nelson Mandela đó các bạn, vâng, Nelson Mandela - một con người vĩ đại viết hoa.