| Hotline: 0983.970.780

Bước đột phá Cty Lâm nghiệp Tiền Phong

Thứ Ba 21/04/2015 , 09:33 (GMT+7)

Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Tiền Phong (Thừa Thiên - Huế) đã nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào tạo cây giống tốt phục vụ trồng rừng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. 

Mô hình điểm giống cây nuôi cấy mô

Trong 2 năm (2014 - 2015), mỗi lần Bộ NN-PTNT tổ chức hội nghị, hội thảo tại miền Trung liên quan đến vấn đề trồng rừng và giống cây trồng rừng thì Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Tiền Phong đều có báo cáo điển hình về giống trồng rừng SX giá trị cao, tạo được sự chú ý với các đại biểu cũng như các nhà quản lý lâm nghiệp của các địa phương.

Mới đây, nhân hội nghị trồng rừng ứng phó biến đổi khí hậu của Bộ NN-PTNT tổ chức tại TT - Huế, một lần nữa mô hình trồng rừng keo lai nuôi cấy mô của Cty Lâm nghiệp Tiền Phong lại được các đại biểu tham quan, học tập kinh nghiệm.

Ông Tôn Thất Ái Tín, GĐ Cty Lâm nghiệp Tiền Phong cho biết, trồng rừng từ cây keo lai nuôi cấy mô phục vụ phát triển rừng SX, kinh tế là một yêu cầu phù hợp với xu thế phát triển và hội nhập để không ngừng đưa năng suất rừng trồng của Việt Nam sánh ngang với các nước trong khu vực.

Năm 2008, được dự án Nord-Pas de Calais của Pháp tài trợ cùng vốn tự có, Cty Lâm nghiệp Tiền Phong đã bắt tay thực hiện mô hình nghiên cứu SX keo giống nuôi cấy mô phục vụ trồng rừng.

Ông Tôn Thất Ái Tín chia sẻ khát vọng, ở các nước phát triển, giống từ nuôi cấy mô đã sớm đưa vào nuôi trồng nông lâm nghiệp và đã trở thành ưu tiên số một cho nền nông lâm nghiệp hiện đại.

Để SX giống keo nuôi cấy mô phải có đầu tư về công nghệ, con người, cần thời gian dài hơn, nên chi phí đầu vào về cây giống thường cao hơn. Nhưng ngược lại, keo lai từ nuôi cấy mô lại cho ra giống đồng loạt, số lượng lớn, tỷ lệ sống cao, phát triển tốt, đầu ra tăng cao gấp nhiều lần, giá trị kinh tế cao hơn.

Ở nước ta, mô hình nuôi cấy mô đã có hơn 10 năm nay. Một số địa phương đã sớm áp dụng mô hình này và đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhận thức được giá trị của việc trồng rừng từ giống nuôi cấy mô, Cty đã không quản khó khăn, vất vả, chú trọng nghiên cứu khoa học thực nghiệm với mong muốn có nhiều giống tốt phục vụ trồng rừng.

Đã trồng gần 800 ha

Hiện tại, tổng diện tích rừng và đất rừng tự nhiên của Cty Lâm nghiệp Tiền Phong gần 5.500 ha, trong đó rừng SX, chủ yếu rừng trồng hơn 4.100 ha, còn lại là rừng phòng hộ, đặc dụng.

Từ năm 2012 - 2014, Cty đã trồng hơn 750 ha rừng từ giống nuôi cấy cấy mô. Theo kế hoạch, từ năm 2015 - 2019 sẽ trồng mới và trồng thay thế rừng cây keo lai hom bằng cây keo lai nuôi cấy mô trên diện tích từ 1.250 - 1.450 ha.

Phân tích ưu điểm của việc trồng rừng bằng giống nuôi cấy mô cho thấy vượt trội hơn so với rừng trồng từ cây keo lai hom về cả đường kính lẫn chiều cao cây là 1,5 lần. Cây trồng từ giống nuôi cấy mô chậm ra hoa hơn so với rừng trồng từ cây keo lai hom.

Cây hom từ 1,5 - 2 năm tuổi đã ra hoa, cây cấy mô 3 năm tuổi chưa có hiện tượng ra hoa. Điều ấy cho thấy cây cấy mô sẽ sinh trưởng tốt hơn cây hom trong giai đoạn tiếp theo.

Khi phát triển lên cao chống chịu gió mạnh tốt hơn, chống chịu các bệnh hại tốt hơn vì cây nuôi cấy mô đã sạch bệnh.

Như vậy, khả năng rủi ro của rừng trồng từ giống cây nuôi cấy mô sẽ ít hơn. Tỷ lệ cây bị thiệt hại khi trồng rất ít, giảm chi phí đầu tư trồng khắc phục.

Chị Lê Thị Thúy Nga, đội trưởng Đội Thiên An của Cty cho biết, cây nuôi cấy mô có những ưu điểm vượt trội như sạch bệnh, nhân hàng loạt với mức độ đồng đều và được trẻ hóa. Cây keo nuôi cấy mô có thân thường lên thẳng, ít phân cành, có rễ cọc chắc chắn, chịu được gió mạnh.

Do đó, giống cấy mô chỉ cần trồng thưa, lợi về nhiều mặt. Mặt khác, giống keo nuôi cấy mô có thể trồng thành cây lâu năm lấy gỗ với thời gian chừng 10 năm, mang lại giá trị kinh tế cao hơn rất nhiều.

Do có nguồn gốc, thể chất tốt nên chất lượng cây rừng tốt, sinh trưởng, phát triển nhanh. Sau khi trồng chỉ chăm sóc 2 năm, năm thứ nhất phát thực bì, xăm xới vun gốc, bón phân 0,2 kg/cây, năm thứ 2 phát thực bì, cây đã khép tán, giảm chi phí đầu tư.

Theo ông Tôn Thất Ái Tín, tuy rừng mới trồng từ năm 2012, nhưng trên cơ sở đánh giá tình hình sinh trưởng, phát triển ban đầu có thể khẳng định năng suất rừng sẽ đạt từ 200 - 250 m3/ha/chu kỳ 10 năm.

10-07-27_tien-phong-1
Rừng trồng từ giống nuôi cấy mô của Cty Lâm nghiệp Tiền Phong

Trong khi đó, năng suất rừng trồng cây lai hom hiện tại của Cty đạt từ 130 - 150 m3/ha/chu kỳ 7 năm.

Ông Đính khuyến khích Cty mạnh dạn hơn nữa trong việc áp dụng khoa học công nghệ vào phát triển lâm nghiệp bền vững. Chú trọng SX cây giống số lượng lớn phục vụ nhu cầu trồng rừng của Cty và cung cấp cho các đơn vị, cá nhân khác trong và ngoài tỉnh để nhân rộng mô hình.
Ngoài bộ giống keo lai cần có thêm bộ giống keo lá tràm đưa ra thị trường. Đẩy mạnh phát triển thị trường tiêu thụ gỗ xẻ để khuyến khích trồng rừng lâu năm kinh doanh gỗ xẻ, nâng cao hơn hiệu quả của trồng rừng, bảo vệ đất và môi trường bền vững.
Về cơ chế, nên có chính sách hỗ trợ phát triển mạnh mẽ việc SX cũng như sử dụng giống cây từ nuôi cấy mô để trồng các loại rừng.

Với chi phí đầu tư trồng, chăm sóc, bảo vệ trong 10 năm hết từ 25 - 30 triệu đồng/ha thì hiệu quả kinh tế của trồng rừng từ giống keo lai cấy mô là rất lớn.

Cần nhân rộng

Ông Tôn Thất Ái Tín chia sẻ, ngoài việc tự chủ được nguồn vốn đầu tư, nếu có quy mô diện tích đất đủ lớn để thực hiện kế hoạch trồng rừng lâu năm kinh doanh gỗ xẻ, nên sử dụng giống từ nuôi cấy mô.

Có cơ sở SX cây nuôi cấy mô để SX ra cây có chất lượng phục vụ trồng rừng, đây là đầu vào của chuỗi giá trị rừng trồng, phân khúc kỹ thuật rất quan trọng.

Mỗi năm, Cty Lâm nghiệp Tiền Phong SX từ 2 - 2,5 triệu cây giống keo lai hom chất lượng và khoảng 2 triệu cây cấy mô. Trừ số lượng 35 - 40 vạn cây mô phục vụ trồng rừng hằng năm của Cty, số còn lại được bán ra thị trường các tỉnh miền Trung.

Thực tế cho thấy, từ khi vào mẫu ban đầu đến khi ra vườn ươm, cây mô mất thời gian từ 7 - 8 tháng. Giai đoạn từ vườn ươm để đưa vào trồng rừng mất thêm 4 - 5 tháng.

Nếu so về mặt thời gian thì tạo giống theo phương pháp giâm hom ngắn hơn cây mô, về mặt kỹ thuật cũng đỡ vất vả hơn và giá thành thấp hơn.

Tuy nhiên, về chiến lược phát triển bền vững và giá trị kinh tế thì trồng rừng từ giống nuôi cấy mô đem lại hiệu quả kinh tế rất cao, chống thoái hóa giống, độ đồng đều cây trồng cao và tạo ra sản phẩm hàng loạt, từ đó có thể hạ giá thành sản phẩm cây mô.

Nếu đưa giống cây mô vào trồng rừng đại trà thì đây sẽ là một cuộc đại cách mạng về năng suất của ngành lâm nghiệp. Tuy nhiên, do việc nhìn nhận chưa đúng mức, nên đến nay giống cây mô vẫn chưa được các chủ rừng, đơn vị , cá nhân sử dụng nhiều.

Mặc dù giá giống cây cấy mô là 2.700 đồng/cây, hơn giống cây giâm hom khoảng 1.200 đồng/cây, tức 1 ha rừng trồng từ giống cấy mô chỉ tăng thêm khoảng 2 - 3 triệu đồng tiền giống, song khi thu hoạch thành phẩm thì rừng trồng từ giống nuôi cấy mô tăng gần cả 100 triệu đồng/ha.

Ông Đinh Khắc Đính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh TT - Huế đã về kiểm tra mô hình vườn ươm cấy mô và rừng trồng của Cty Lâm nghiệp Tiền Phong và đánh giá cao về sự sáng tạo, tìm tòi hướng đi mới của Cty, góp phần cùng địa phương thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Tháp cao tầng là biểu tượng của các thành phố lớn trên thế giới

Cùng chiêm ngưỡng những tòa cao ốc đã và đang góp phần quảng bá hình ảnh của các thành phố và quốc gia lớn trên thế giới.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất