| Hotline: 0983.970.780

Bước tiến trong sản xuất vacxin dịch tả lợn Châu Phi tại Việt Nam

Thứ Năm 28/03/2019 , 09:35 (GMT+7)

Chiều qua (27/3), đại diện các Tập đoàn, doanh nghiệp chăn nuôi lớn đã đóng góp nhiều ý kiến trách nhiệm, tâm huyết đối với Bộ NN-PTNT nhằm khống chế dịch tả lợn Châu Phi.

Doanh nghiệp chăn nuôi lớn cũng kêu khó

Bộ NN-PTNT họp bàn với các Tập đoàn, doanh nghiệp chăn nuôi lớn ở Việt Nam trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi lây lan.

Ông Đào Mạnh Lương - TGĐ Tập đoàn Mavin chia sẻ: Thời gian qua, tôi có cảm giác chúng ta đang tìm mọi biện pháp để dập dịch tả lợn Châu Phi, chứ không phải là kiểm soát nó (giống như các nước Ba Lan, Tây Ban Nha... đã làm và thành công). Ở hệ thống trang trại của Mavin, ngay từ tháng 8/2018, chúng tôi đã đưa ra kịch bản dịch tả lợn Châu Phi sẽ tràn vào Việt Nam. Bởi vậy, toàn bộ nhân viên trong chuồng đã được yêu cầu phải làm việc 26 ngày/tháng không được ra ngoài, mọi phương tiện, thiết bị cũng được sát trùng kỹ lưỡng để đảm bảo virus ASF không xâm nhập vào khu chăn nuôi.

“Hiện nay, thế giới chưa có vacxin ASF. Theo tôi, nguyên nhân là vì trước đây nhu cầu sử dụng loại vacxin này chưa cao, các doanh nghiệp không mặn mà nghiên cứu sản xuất để kinh doanh. Tôi tin rằng trong khoảng 12 tháng tới, chúng ta sẽ có vacxin ASF. Nếu thực sự trên thị trường có loại vacxin này, tôi mong Cục Thú y, Bộ NN-PTNT, các cơ quan liên quan sẽ giải quyết nhanh các thủ tục pháp lý, để người chăn nuôi, doanh nghiệp trong nước tiếp cận được”, ông Lương đề xuất.

Một ý kiến khác cũng rất tâm huyết của ông Đào Lê Vũ, Phó TGĐ điều hành khu vực Bắc Sông Hồng, Công ty GreenFeed. Đó là trong quá trình vận chuyển lợn giống, doanh nghiệp vấp phải quá nhiều trạm kiểm dịch và thủ tục hậu kiểm. Chúng tôi rất lo ngại về an toàn dịch bệnh ở khâu này, bởi đây là một trong những “điểm dừng chân” của virus gây bệnh”.

Trước tình hình hiện nay, Chủ tịch HĐQT Cty CP Tập đoàn Dabaco Nguyễn Như So đề nghị Bộ NN-PTNT cần có giải pháp để tháo gỡ khó khăn. Bởi không chỉ có dịch tả lợn Châu Phi mà trước đó, dịch lở mồm long móng đã khiến người chăn nuôi lao đao. Cả năm 2017 đến quý I/2018 giá thịt lợn rất thấp. Tất cả các nhà chăn nuôi đang chồng chất khó khăn. Hiện nay giá thịt lợn khoảng 32 - 33 ngàn đồng/kg, nhiều trại có lợn nhưng không thể bán do tâm lý người tiêu dùng e ngại không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trước tình hình trên, Bộ NN-PTNT cần phối hợp với Bộ Y tế, Bộ GĐ-ĐT để thông tin đến từng người dân rằng dịch tả lợn Châu Phi không lây sang người. Hiện nay, rất nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh không sử dụng thịt lợn trong bếp ăn học đường. Nếu không làm tốt vấn đề truyền thông thì sẽ gây thiệt hại rất lớn cho những người chăn nuôi lợn chưa nhiễm dịch bệnh.
 

Chỉ tiêu hủy chuồng lợn nhiễm bệnh

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Long - Trưởng phòng Dịch tễ (Cục Thú y), cho hay: “Hôm nay, có thông tin là Trung Quốc đã phân lập được virus ASF. Đây không phải là điều gì ghê gớm. Việt Nam cũng đã phân lập được virus dịch tả lợn Châu Phi tại các ổ dịch ở Hưng Yên và Thái Bình, dưới sự giúp đỡ của các chuyên gia nước ngoài”.

Hiện nay, các phòng thí nghiệm chuyên ngành của Việt Nam đang thực hiện bước nuôi cấy virus, nhân lên để phân loại virus, phục vụ nghiên cứu đánh giá độc lực… sản xuất vacxin.

Về vấn đề tiêu hủy lợn bệnh nhiễm AFS, ông Long cho biết: "Thực tế hiện nay, trong các xã có dịch thì chỉ có một số hộ có lợn nhiễm. Nhà nước cho phép người dân giết mổ, tiêu thụ tại cấp xã công bố dịch, nếu huyện công bố dịch thì cho phép tiêu thụ tại cấp huyện, tỉnh công bố dịch thì cho phép tiêu thụ tại cấp tỉnh. Chỉ có những chuồng có lợn nhiễm bệnh thì mới phải tiêu hủy, còn các chuồng khác có thể tiếp tục được nuôi tiếp và theo dõi lâm sàng".

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao những đóng góp rất xác đáng, trách nhiệm, trí tuệ và giá trị, sát với thực tiễn của các đại biểu. Bộ trưởng đề nghị Thứ trưởng Phùng Đức Tiến tập hợp đầy đủ để nghiên cứu các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người chăn nuôi lợn.

Theo Bộ trưởng, thịt lợn vẫn là thực phẩm chính của gần 100 triệu dân, nếu chúng ta tổ chức chăn nuôi lợn tốt thì cơ hội rất lớn. Do vậy, khó đến mấy cũng phải giữ được đàn lợn. Mặc dù bệnh nguy hiểm nhưng 53 nước xuất hiện dịch đã cơ bản khống chế được dịch bệnh. Chúng ta và các quốc gia trên thế giới cũng đã thực hiện các giải pháp để nghiên cứu vacxin.

“Qua hơn 2 tháng xảy ra dịch bệnh, chúng ta rút ra được kinh nghiệm là tất cả các cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học đều không bị nhiễm ASF. Bởi vậy tôi đề nghị các doanh nghiệp chăn nuôi lớn phải rà soát tổng thể các biện pháp an toàn sinh học của mình, đảm bảo cao nhất về cơ sở vật chất; quy trình kỹ thuật; tổ chức sản xuất, xử lý môi trường để nâng lên một bước, đảm bảo an toàn tuyệt đối”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị “Phải tăng cường các biện pháp giám sát tổng thể ở tất cả các khâu, bởi nếu lơ là hậu quả sẽ rất lớn, không có cơ hội để rút kinh nghiệm”.

Theo ông Nguyễn Thiều Nam, Phó TGĐ của Masan Group: Hiện tại, trung bình mỗi ngày nhà máy giết mổ, chế biến thịt lợn của chúng tôi xuất bán gần 300 con lợn/ngày (tăng gấp đôi so với tháng trước). Và chúng tôi cam kết với người tiêu dùng là Masan không tăng giá sản phẩm, không tranh thủ cảm giác lo sợ của bà con để trục lợi trong hoạt động kinh doanh.

Xem thêm
Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đào Bắc Hà mất mùa, giá cao

LÀO CAI Hiện đào Pháp ở Bắc Hà đã vào chính vụ thu hoạch. Năm nay cây đào không được mùa nên giá cao hơn mọi năm.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.