| Hotline: 0983.970.780

Bưởi đỏ, 'bưởi xanh' xứ Mường

Thứ Tư 15/04/2015 , 13:41 (GMT+7)

Nhờ trồng 2 giống bưởi quý mà mỗi năm, hàng trăm hộ gia đình ở xã Thanh Hối có thêm nguồn thu nhập ổn định.

13-34-12_buoi-d-xnh-ti-hoi-cho-trien-lm-nong-nghiep-h-noi
Bưởi da xanh tại hội chợ triển lãm ngành Nông nghiệp - PTNT

Sau khi một số hộ gia đình ở xã Thanh Hối trồng thử thành công giống bưởi đỏ và bưởi da xanh, nhiều bà con dân tộc Mường ở các xã khác của huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình như Tứ Nê, Đông Lai... cũng mạnh dạn cải tạo vườn tạp, mở rộng diện tích trồng bưởi.

Nhờ trồng 2 giống bưởi quý mà mỗi năm, hàng trăm hộ gia đình ở xã Thanh Hối có thêm nguồn thu nhập ổn định.

Theo đánh giá của Phòng NN-PTNT huyện Tân Lạc, đây là 2 giống bưởi thích hợp với điều kiện đất đai, khí hậu thời tiết ở Tân Lạc, một huyện miền núi có độ cao từ 150 - 400 m so với mực nước biển.

 Bưởi đỏ và bưởi da xanh có khả năng sinh trưởng, phát triển, chống chịu sâu bệnh tốt, cho năng suất, chất lượng cao, đặc biệt quả chín vào thời gian Tết Nguyên đán nên dễ tiêu thụ, bán được giá cao.

Cụ thể, trung bình mỗi cây bưởi đỏ khi bước vào thời kỳ kinh doanh có thể cho thu hoạch 100 - 150 quả thương phẩm, với giá thị trường hiện nay, giá trị sản phẩm đạt trên 300 triệu đ/ha/năm. Còn với cây bưởi da xanh, trung bình mỗi cây cho thu hoạch 50 - 80 quả, cho thu trên 400 triệu đ/ha/ năm.

Với giá trị kinh tế cao vượt trội, bưởi đỏ và bưởi da xanh đang được mệnh danh là “cây bạc triệu” giúp nhiều hộ nông dân huyện Tân Lạc tự tin đưa vào cơ cấu cây trồng trong vườn nhà để xóa đói, giảm nghèo và tiến tới làm giàu.

Theo thống kê sơ bộ của Phòng NN-PTNT huyện Tân Lạc, toàn huyện hiện có 216 ha bưởi đỏ và bưởi da xanh, trong đó diện tích kinh doanh là 1/3, hàng năm cho sản lượng hàng trăm tấn quả, đem lại nguồn thu nhập hàng tỷ đồng cho bà con nông dân và ngân sách địa phương.

Thực hiện Nghị quyết “Phát triển SX bưởi đỏ, bưởi da xanh giai đoạn 2013-2020 nhằm xây dựng vùng SX bưởi có năng suất, chất lượng cao, ổn định để nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững” của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Tân Lạc khóa 12, trong 2 năm 2013, 2014 Sở NN-PTNT, Sở KH-CN Hòa Bình phối hợp với Trung tâm Giống cây trồng Hòa Bình tiến hành bình tuyển, công nhận được 3 cây bưởi đỏ và 3 cây bưởi da xanh làm cây đầu dòng phục vụ việc nhân giống, có chế độ bảo quản, lưu giữ theo quy định.

1. Giống bưởi đỏ do ông Trần Văn Hùng ở xóm Tân Hương 1, xã Thanh Hối trồng lần đầu năm 2004 từ nguồn giống gốc của xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì, Hà Nội.

Quả hình tròn, vỏ màu vàng khi chín chuyển màu hồng. Khối lượng quả bình quân đạt từ 800 -1.000 gr, cùi màu hồng đỏ, tỷ lệ phần ăn được chiếm 55 - 60%, dễ tách múi. Thịt quả màu đỏ hồng, nhiều nước ăn ngọt và giòn, không the đắng.

Năng suất bình quân vào năm kinh doanh thứ 7 đạt 250 -300 quả/cây. Thời gian thu hoạch từ tháng 8 - 12 dương lịch. Giá bán dao động từ 18.000 - 20.000 đ/quả, cho thu nhập trên 800 triệu đ/ha/năm.

2. Bưởi da xanh được đưa về trồng lần đầu tiên tại huyện Tân Lạc năm 2006 từ nguồn giống lấy từ tỉnh Bình Dương. Quả hình tròn, vỏ nhẵn, màu xanh bóng, khối lượng quả bình quân đạt 1.500 - 2.000 gr.

Khi chín cùi có màu hồng nhạt, tỷ lệ phần ăn được chiếm 70 -75%, dễ tách múi. Thịt quả màu phớt hồng, nhiều nước, ăn ngọt, không the đắng.

Thu hoạch từ đầu tháng 11 - 12 dương lịch. Quả có thể bảo quản trong điều kiện bình thường được 2 - 3 tháng. Năng suất bình quân vào tuổi kinh doanh năm thứ 7 đạt 25 - 30 tấn/ha. Giá bán bình quân 35.000 - 40.000 đ/quả, cho thu nhập trên 700 triệu đ/ha/năm.

Một số khuyến cáo về kỹ thuật trồng và chăm sóc

Để trồng đạt hiệu quả cao 2 giống bưởi đỏ và da xanh, bà con cần chú ý thêm một số điểm quan trọng sau đây:

- Chọn đất tơi xốp, giàu mùn, dễ thoát nước, tốt nhất nên chọn các loại đất đỏ bazan, đất phù sa cổ, đất feralit có độ dày trên 1 m, cách mực nước ngầm trên 70 cm.

- Thời vụ trồng tốt nhất là tháng 2 - 3 (vụ xuân) và tháng 9 - 10 (vụ thu).

- Đào hố 80 x 80 x 80 cm hoặc 100 x 100 x 80 cm, bón lót 30 - 50 kg phân chuồng hoai mục + 1,5 kg supe lân, lấp hố trước khi trồng 15 -20 ngày.

- Cây giống: Trồng bằng cành chiết hoặc cây ghép được lấy từ những cây đầu dòng, đúng giống, sạch bệnh, khỏe mạnh.

- Mật độ trồng thích hợp từ 400 - 500 cây/ha (4 x 5 m).

- Chăm sóc theo quy trình kỹ thuật trồng bưởi đã ban hành. Chú ý cắt tỉa, tạo hình thường xuyên để khống chế chiều cao, tạo tán đẹp sẽ dễ chăm sóc và cây bưởi sẽ cho sai quả.

Xem thêm
Giải bài toán nguồn thức ăn cho ngành chăn nuôi

GIA LAI Thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi là chủ trương đang được tỉnh Gia Lai hướng đến.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Tạm thời không xuống giống lúa do xâm nhập mặn

BẠC LIÊU Do tình hình xâm nhập mặn, UBND huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu) có công văn gửi các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đề nghị tạm thời không xuống giống lúa vụ hè thu.

Cần trợ lực chính sách

Người dân còn e ngại khi lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm bởi chi phí đầu tư cao, trong khi việc bảo quản các trang thiết bị này gặp rất nhiều khó khăn.