| Hotline: 0983.970.780

Bưởi đường còn một chút này

Thứ Ba 04/03/2014 , 11:43 (GMT+7)

Do ảnh hưởng triều cường, nguồn nước ô nhiễm và đô thị hóa khiến diện tích trồng bưởi đường ngày càng thu hẹp.

Bưởi đường An Phú Đông ở quận 12 (TP.HCM) là loại trái đặc sản nổi tiếng không kém bưởi Tân Triều (Đồng Nai), bưởi Năm Roi (Vĩnh Long) hay bưởi da xanh (Bến Tre). Do ảnh hưởng triều cường, nguồn nước ô nhiễm và đô thị hóa khiến diện tích trồng bưởi đường ngày càng thu hẹp, thậm chí có nguy cơ "tuyệt chủng"...

TỰ HÀO

An Phú Đông không chỉ nổi tiếng với truyền thống yêu nước mà ngay trên vùng đất phù sa nước ngọt ven đô này, người dân còn ươm trồng được giống bưởi đường mà bất cứ ai thưởng thức cũng nhớ mãi không quên. Nơi đây chỉ còn lại là những mảnh vườn nhỏ nằm đan xen, lọt thỏm trong khu dân cư mới.

Ông Dương Văn Hùng, một trong ít hộ còn giữ được vườn bưởi đường tâm sự: “Từ khi đô thị phát triển, tình trạng ô nhiễm và triều cường cũng bắt đầu tăng, năm nào cũng bị bể bờ bao khiến nước tràn vào ngập lụt làm chết cây nên người dân rất nản. Cây bưởi đường có rễ chùm, rễ cám nên chỉ cần bị ngập nước trong vòng 24 tiếng đã khiến cây thối rễ. Do trồng mà không được hưởng khiến nhiều hộ nản, không muốn trồng nữa"

Từ năm 2008 đến nay, nhờ TP đầu tư làm tuyến đê bao ven sông Sài Gòn, giữ được ô nhiễm môi trường của sông Bến Cát, Tham Lương. Đồng thời lấy được nguồn nước từ sông Sài Gòn vào nên dần dần bà con phục hồi trồng bưởi, nhưng diện tích rất khiêm tốn, vì giống này không phải đất nào cũng trồng được.

Hơn nữa còn tùy theo điều kiện kinh tế của từng hộ và cây bưởi đường đâu phải là giống “mì ăn liền”, vì trồng sau 3 - 4 năm mới bắt đầu cho thu hoạch. Khi vườn bưởi đã phát triển thì sẽ cho ăn cả vài chục năm sau với điều kiện chăm sóc tốt.

Nhớ lại thời hoàng kim của cây bưởi đường An Phú Đông, ông Hùng kể: “Thời đó, người dân địa phương thường trồng bưởi giữa vườn và trồng lài xung quanh, khi thu hoạch lài có tiền lại tiếp tục đầu tư vào thâm canh bưởi. Đây là thời hoàng kim của cả cây lài và bưởi đường, vì sản phẩm hoa trái đều bán được giá cao, nhiều hộ có được nguồn thu “2 trong 1” đã phất lên vù vù".

Tính đến nay, gia đình ông Hùng đã bỏ hơn chục năm mới bắt đầu quyết định gây dựng lại vườn bưởi. Với kinh nghiệm trồng bưởi của ông, nếu để cây bưởi bị bệnh hay do già cỗi chết thì vườn đất sẽ bị "the" nên phải để đất nghỉ từ 5 - 10 năm mới trồng lại. Bưởi đường rất phù hợp trên vùng đất An Phú Đông, trồng cây chiết sẽ tốt hơn cây ghép.

Hiện khu vườn của ông Hùng có diện tích 4.000 m2 , bắt đầu trồng lại bưởi từ năm 2010 nhưng đến nay ráng lắm cũng chỉ giữ được khoảng 60 gốc bưởi đường. Trong dịp Tết Giáp Ngọ vừa qua vườn bưởi đã được 4 tuổi và cho bói trái, thu được 20 cặp trái. Ông vừa làm quà biếu những gia đình anh em họ hàng, còn lại ít trái khách quen đến năn nỉ bán với giá 200.000 đ/cặp.

BẢO TỒN

Để chứng minh chất lượng giống bưởi đường quý, ông Hùng chạy ra vườn chọn hái 2 trái vừa chín vào mời chúng tôi thưởng thức. Tôi hỏi giống này mua từ đâu, ông bảo do ông tự chiết lấy tại vườn nhà và mua thêm của các vườn xung quanh về trồng.

Chúng tôi ghé thăm thêm một vài nhà vườn còn trồng bưởi, gặp ai cũng ngợi ca về giống bưởi đường và lấy làm tiếc vì càng ngày càng ít người trồng bởi quỹ đất đang giảm dần. Chị Trương Thị Thu Hương ở tổ 4, khu phố 4, phường An Phú Đông tâm sự: “Ngày trước vườn nhà tôi trồng khá nhiều loại cây trái như ổi, xoài, tắc và nhất là bưởi đường. Do nguồn nước bị ô nhiễm khiến cây trái cứ chết dần chết mòn. Gia đình cũng ráng chăm sóc muốn giữ lại giống bưởi đường nhưng một thời gian sau cũng chỉ còn vài cây sống sót”.

Theo chị Hương, sau khi hết thời hoàng kim của cây bưởi đường, nhiều hộ dân địa phương chuyển sang trồng cây cảnh, mai kiểng. Còn gia đình chị cũng cải tạo đất vườn trồng lài, gừng, riềng. Tuy nhiên, thị trường cây kiểng bị bão hòa, bán quá ế, hơn nữa trồng rất hao đất vì cứ bứng lên bán lại mất cả bầu đất, dần dần sẽ mất hết đất mặt, đất phù sa. Có người bảo trồng mai bán tết như trồng cây bán đất chứ có phải bán kiểng đâu, vì tính ra lời lãi chẳng ăn thua gì.

Anh Huỳnh Thế Trọng, Phó Chủ tịch  Hội Nông dân phường An Phú Đông cho biết: “Hiện cả phường còn khoảng 20 hộ dân trồng bưởi đường nhưng số lượng cây rất ít, chỉ 400 cây; thậm chí có hộ chỉ còn vài cây nhằm bảo tồn giống và cũng như muốn giữ lại chút tiếng tăm.

Bưởi đường An Phú Đông nổi tiếng vùng chiến khu xưa, trước kia bà con thường trồng để làm quà biếu và chưng bày ngũ quả ngày tết. Chất lượng bưởi đường có tiếng lan ra tận miền Bắc. Bất cứ ai khi một lần thưởng thức cũng không thể nào quên được vị ngọt của nó. Đã có nông dân mang giống bưởi đường này đi dự đấu xảo trái cây ngon thành phố, đạt được giải cao".

+ Người dân nơi đây vẫn còn nhớ khu vườn của ông Huỳnh Văn Đặng (Ba Đặng, nguyên Chủ tịch xã An Phú Đông) trước kia trồng nhiều bưởi đường nhất. Nổi tiếng vì đến cả những đoàn khách trung ương cũng về đây rất thích thưởng thức đặc sản này. Tuy nhiên con cháu ông Đặng cũng dần bán hết đất vườn và xây cất nhà ở, không còn giữ được gốc bưởi nào nữa. Hay những vườn trồng bưởi đường nhiều và nổi tiếng ở địa phương như hộ ông Sáu Nhỏ, hộ bà Mai…

+ “Hội Nông dân phường đang tiến hành khảo sát đánh giá lại toàn bộ diện tích bưởi thường bị ngập, đề xuất và vận động các hộ tham gia củng cố các đoạn đê bao khép kín để bảo vệ các vườn cây trái còn lại. Đồng thời, khuyến nông địa phương cũng có kế hoạch phân loại, tổ chức chiết cây nhân giống, hỗ trợ phân bón, tổ chức phòng ngừa sâu bệnh trên số bưởi còn lại để góp sức khôi phục bưởi đường”, ông Mã Huy Tân, Phó Chủ tịch UBND phường An Phú Đông nói.

 

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Lúa đông xuân thắng lớn, giá tăng 2.000 đồng/kg so với năm trước

Lúa đông xuân năm nay tại Trà Vinh được mùa, hiện giá lúa cũng đang ở mức cao, tăng khoảng 2.000 đồng/kg so với vụ đông xuân năm trước.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất