| Hotline: 0983.970.780

Buôn bán vật tư nông nghiệp, chỉ mong đợi vào lương tâm các đại lý!

Thứ Tư 13/12/2017 , 09:20 (GMT+7)

Buôn bán vật tư nông nghiệp nếu xét ở khía cạnh nào đó cũng như buôn bán thuốc tây, các đại lý đóng vai trò quan trọng hệt như các dược sĩ. Ai có lương tâm thì giới thiệu hàng chuẩn, hàng tốt...

“Bán lạc kèm bia”

Buôn bán vật tư nông nghiệp nếu xét ở khía cạnh nào đó cũng như buôn bán thuốc tây, các đại lý đóng vai trò quan trọng hệt như các dược sĩ. Ai có lương tâm thì giới thiệu hàng chuẩn, hàng tốt, liều lượng sử dụng một cách khoa học, còn ai chỉ chạy theo kinh tế thì giới thiệu hàng kém để hưởng tỷ lệ chiết khấu cao. Có một thực tế rằng, bởi buôn bán đã lâu năm thậm chí là cha truyền con nối nên hầu hết các đại lý, chủ đầu tư nông nghiệp ở tỉnh Sơn La hơn ai hết đều hiểu rõ sự khác biệt giữa chất lượng của sản phẩm uy tín và “phân cỏ”. Tuy nhiên vì hoàn cảnh đưa đẩy mà họ chấp nhận phải bán “phân cỏ” kèm phân uy tín kiểu như bán lạc kèm bia.

17-41-03_dsc_0123
Cảnh bốc hàng ở một đại lý

Kho của đại lý Phiến Phường ở Chiềng Sinh, TP Sơn La, rộng mênh mông với sức chứa trên 5.000 tấn. Nếu thoạt nhìn thì tưởng trong đó đang chất đầy phân bón Lâm Thao vì hình dáng rất giống nhưng không phải bởi Lâm Thao thật thì có biểu tượng 3 nhành lá cọ còn ở đây là 5 nhành lá cọ. Đó chính là sản phẩm của Cty Sao Nông. Người của đại lý cho biết dù mới chỉ phân phối được khoảng 1 năm nhưng đã tiêu thụ được hơn 1.000 tấn hàng, vượt quá sự mong đợi những người đem sản phẩm lên đây tiếp thị ban đầu.

Những hàng có thương hiệu, nông dân đã quen dùng, đã thuộc giá làu làu nên khó mà bán đắt nên chỉ có những hàng mới, hàng ngách có thể nói giá tùy ý. Giá bán loại bón thúc của những hàng thương hiệu nhỏ tương đương với bán phân lót của Lâm Thao còn bán loại bón lót chỉ khoảng trên 3.000 đồng/kg.

Bởi vậy đại lý lãi được 500 - 700 đồng/kg thậm chí lúc giao thời có thể kiếm được xấp xỉ 1.000 đồng/kg nên tuy tiếng là bán thêm mà lại thành ra thu nhập chính. Bán 1 xe 50 tấn thu được 30 - 40 triệu đồng lãi là chuyện bình thường, gấp 5 - 7 lần lợi nhuận so với bán 1 xe của hàng có thương hiệu.

Đại lý Hoàn Khơi ở xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu, bắt đầu bán phân bón hóa học cách đây đã 20 năm, từ hồi mà dân bản Mông chỉ biết đốt nương, làm rẫy trồng trọt mà chưa hề biết bón phân. Gắn bó với Lâm Thao từ thủa còn hàn vi ấy nhưng đã từ vài ba vụ nay đại lý này bắt đầu bán các loại “phân cỏ” chỉ vì tỷ lệ lợi nhuận của chúng cao hơn nhiều: “Để khuyến khích việc bán trở lại các mặt hàng chất lượng nhà sản xuất cần phải phân vùng, giao địa bàn cho các đại lý để tránh hiện tượng chồng lấn, cạnh tranh phá giá lẫn nhau, bảo đảm được quyền lợi của nhau”. Đại lý này thẳng thắn đề nghị cách gỡ rối.

Nước chảy chỗ trũng, hàng kém chất lượng thường được tuồn về vùng sâu, vùng xa, dân trí thấp nơi mà đồng bào không hề biết đến công nghệ sản xuất phân bón của các công ty “cuốc xẻng”. Ông Phạm Đức Thành - Phó phòng Kinh doanh Cty CP Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cho hay, tiếng cùng là bón thúc nhưng hàm lượng bên trong của “phân cỏ” lại còn thấp hơn cả bón lót của các nhà máy lớn.

Không chỉ khác về chất lượng mà “phân cỏ” còn khác với phân bón của các công ty có uy tín là thường không có công đoạn sấy. Như phân bón NPK Lâm Thao vì có sấy nên độ ẩm chỉ còn khoảng 4% trong khi đó “phân cỏ” bởi không sấy nên độ ẩm bên trong lên tới 10 - 20%, tương đương 100kg có 10 - 20kg nước. Bởi thế mà nông dân mua phân chẳng khác gì mua thêm cả một lượng lớn nước ở bên trong mà không hề được biết.
 

Gây ngộ nhận giữa công thức và tên gọi

Nếu như trước đây các loại phân trung vi lượng (bản chất là đá vôi và cát) hoành hành khắp nơi được một thời gian thì lui vào thoái trào vì bà con đã nhận thức, rút kinh nghiệm từ những mất mát trên ruộng đồng. Giờ lại có phong trào mới đó là các công ty nhỏ sản xuất phân bón thúc có hàm lượng đạm cao nhưng lân và kali rất thấp, bán với giá thấp bằng phân bón lót. Khi bà con mua về bón cho cây trồng, cây vẫn xanh tốt vì thành phần đạm cao, nhưng sau đó hạt sẽ bị lép hoặc ít quả vì không có lân và kali.

Đáng lẽ những con số in đằng sau chữ NPK chính là công thức hóa học của chúng thì các nhà sản xuất này lại lập lờ khi chỉ coi đó đơn giản chỉ là một… cái tên. Xin phải nói thẳng là việc này không sai luật nhưng lại dễ gây nhầm lẫn cho người nông dân khi họ nghĩ đó chính là hàm lượng các chất dinh dưỡng bên trong.

Chỉ xin lấy một ví dụ điển hình là của loại “phân cỏ” Mg-NPK CP 16 16 8 có thành phần dinh dưỡng là đạm nguyên chất 9%, lân nguyên chất 0,6%, kali nguyên chất 0,4%, tổng dinh dưỡng NPK là 10%. Trong khi đó phân bón thúc NPK-S12.5.10-14 Lâm Thao có đạm nguyên chất 12%, lân nguyên chất 5%, kali nguyên chất 10% tổng dinh dưỡng NPK 27%. Với giá bán của phân bón thúc Lâm Thao là 6.200 đồng/kg còn “phân cỏ” có tổng dinh dưỡng NPK 10% là 4.000 đồng/kg, ngẫm ra không rẻ tí nào.

17-41-03_dsc_0099
Nhiều loại bao bì phân giống nhau khiến lúng túng trong chọn lựa

Để giúp cho bà con nông dân của tỉnh Sơn La phân biệt phân nhái, phân kém chất lượng trong những năm qua, Cty CP Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao đã có nhiều giải pháp như tổ chức các hội nghị tuyên truyền, hướng dẫn, mặt khác tiến hành thay đổi vỏ bao phân bón thúc NPK-S 12.5.10-14 từ vỏ bao PP tráng màng PE sang vỏ bao OPP. Đáng buồn là khi công ty mới thay đổi vỏ bao chưa được bao lâu thì trên thị trường đã xuất hiện loại phân có mẫu mã bao bì gần y hệt là phân bón thúc NPK 12.5.10+TE.

“Phân cỏ” xuất hiện bán chộp giật 1 - 2 vụ rồi rút sang vùng khác thì ai là người bảo vệ nông dân? Một điều nguy hại là các loại “phân cỏ” này thường được phối trộn một cách thủ công. Để có giá bán thấp tối đa hóa lợi nhuận họ hay dùng nguyên liệu đạm chủ yếu là Amon Clorua (NH4Cl) để sản xuất.

Xin được nói qua về Amon Clorua - loại phân có chứa đạm nguyên chất 24% được nhập khẩu từ Trung Quốc với giá rất rẻ. NPK được sản xuất từ nguyên liệu này khi bón cho các loại cây trồng nước như lúa thì tạm thời chưa thấy hậu quả vì môi trường nước có thể hòa tan chúng dần dần nhưng với cây trồng cạn như ngô, cây ăn quả, cây công nghiệp rất dễ bị xót rễ. Một số vùng trồng ngô, chè ở một số tỉnh miền núi khi bón loại NPK được sản xuất từ Amon Clorua đã xảy ra hiện tượng cây bị chết, nông dân bắt đền nhà sản xuất.

Phương pháp canh tác phản khoa học, sử dụng phân bón kém chất lượng cũng là một trong những nguyên nhân gây ra hiện tượng bạc màu, bóc hết dinh dưỡng trong đất. Theo khảo sát của Trung tâm Điều tra, Đánh giá Tài nguyên đất, Tổng cục Quản lý đất đai khi điều tra trên địa bàn tỉnh Sơn La năm 2016 có 1.173.422ha đất bị thoái hóa, chiếm 92% tổng diện tích điều tra. Trong đó, khoảng 60% bị thoái hóa nặng tập trung tại các huyện Sông Mã, Sốp Cộp, Mai Sơn, Yên Châu, Thuận Châu, Bắc Yên, 20% bị thoái hóa trung bình tập trung nhiều tại huyện Phù Yên, Mường La, Mộc Châu, hơn 10% bị thoái hóa nhẹ. Thực trạng đó đã gióng lên hồi chuông đáng cảnh báo.

Xem thêm
Cà phê có thể bị tiêu hủy nếu vi phạm quy định kiểm dịch của Mexico

Thông báo ngày 21/3 của Mexico sửa đổi các yêu cầu kiểm dịch thực vật hạt cà phê Arabica và Robusta nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Lợi nhuận quý I/2024 của DAP Vinachem tăng đột biến

Chi phí đầu vào một số nguyên liệu chính giảm, xuất khẩu thuận lợi giúp DAP Vinachem báo lãi đột biến quý I/2024.