| Hotline: 0983.970.780

Buôn chuột đồng mùa nước nổi

Thứ Sáu 21/11/2008 , 08:00 (GMT+7)

Chuột đồng mùa này vừa mập, vừa béo, thịt mềm rất thơm ngon nhưng chỉ có ở vùng lúa mùa nổi và rừng tràm...

Đang vào mùa nước nổi nên nguồn chuột đồng hạn chế, giá thịt chuột bán tại chợ TX Châu Đốc, Châu Thành, TP Long Xuyên xấp xỉ với thịt heo, dao động từ 45.000 – 50.000 đồng/kg

“Vua” buôn chuột Lê Duy Khánh (làng Phù Dật, ấp Bình Chánh, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú- An Giang) nói chuột đồng mùa này vừa mập, vừa béo, thịt mềm rất thơm ngon nhưng chỉ có ở vùng lúa mùa nổi và rừng tràm giáp giữa Tri Tôn (An Giang) và Kiên Lương (Kiên Giang). 

Mỗi năm ba mùa bắt chuột

Chuột đồng có hai loại ăn được là chuột cơm và chuột cống nhum. Thức ăn chủ yếu của chuột đồng là các loại nông sản và cỏ non, sống ở xa khu dân cư nên ít mầm bệnh. Chuột cơm loại to chừng 7 -10 con/kg và loại nhỏ (chuột lứa) từ 12 -15 con/kg, nhìn khác hẳn với chuột cống lan sống trong nhà hay dưới miệng cống. Chuột cống nhum to bằng bắp tay, con lớn to như con mèo và ở “sạch” như chuột cơm. Chuột cơm sinh sản rất nhanh nên họ hàng nhà chúng khá đông, thịt lại ngon được nhiều người chuộng ăn hơn.

Do mật độ đông đúc nên mùa nào người dân miệt đồng cũng có thể bắt được chuột cơm. Còn để tập hợp được số lượng lớn cho việc bán buôn thì đã có ba mùa săn bắt chuột đồng. “Vua” buôn chuột Lê Duy Khánh cho biết, sau khi lũ rút chuột vùng lúa mùa ở Bạc Liêu và Cà Mau bắt đầu sinh sôi nẩy nở, mùa đặt bẫy chuột kéo dài từ tháng Chạp đến tháng ba âm lịch. Còn từ tháng tư đến tháng tám, chủ yếu là chuột đồng đặt rập, đăng lưới đuổi, xuyệt điện ở những cánh đồng cỏ, bưng biền Campuchia.

Chuột mùa này ăn cỏ non nên vừa mập vừa béo mềm, thịt ngọt lừ. Từ tháng tám đến tháng Chạp, chuột đặt bẫy và xuyệt điện ở vùng lúa mùa nổi, rừng tràm và đồng cỏ năng giữa Tri Tôn (An Giang) và Kiên Lương (Kiên Giang). Mùa này chuột ngon không kém chuột đồng Campuchia nhưng số lượng ít hơn.

Còn tại vùng tứ giác Long Xuyên, do sản xuất ba vụ lúa/năm nên mùa đặt bẫy cũng ăn theo mùa lúa. Anh Nguyễn Văn Phúc ở làng Phù Dật cho biết, sau mỗi vụ thu hoạch lúa đặt 250 cái rập, mỗi đêm bẫy được từ 12-15kg chuột và kéo dài khoảng 25 ngày. Còn khi lúa gieo sạ đến trổ, mỗi đêm bẫy chừng 5-7kg, đặt bẫy ngay đường mòn chuột chạy nên không tốn mồi.

Vốn đầu tư mua 250 cái rập khoảng một triệu đồng, đặt một tuần đủ lấy lại vốn. Con kênh Phù Dật có khoảng 100 hộ vừa làm nghề đặt bẫy và buôn bán chuột. Đến mùa săn chuột, dân làng đi khắp các tỉnh ĐBSCL, sang cả nước bạn Campuchia bẫy chuột và thu gom hàng đem về làng, mổ thịt rồi phân phối đi các tỉnh miền Tây và miền ĐNB tiêu thụ.

Làng chuột lớn nhất miền Tây

Đang vào mùa nước nổi nên nguồn chuột đồng hạn chế, giá thịt chuột bán tại chợ TX Châu Đốc, Châu Thành, TP Long Xuyên xấp xỉ với thịt heo, dao động từ 45.000 – 50.000 đồng/kg. Còn vào các xã Thạnh Mỹ Tây, Ô Long Vĩ (huyện Châu Phú), Vĩnh Nhuận (huyện Châu Thành), Tây Phú (huyện Thoại Sơn), dân đặt rập bán chuột cho những người nuôi trăn giá 22.000 – 25.000 đồng/kg. Chuột vùng này đang vào mùa sinh sản nên không ngon bằng chuột mùa nước nổi ở vùng Tri Tôn và Kiên Lương. 

Hình ảnh thường thấy của lái "chuột"

Sáng sớm, con đường kênh Tám Ngàn, từ khu vực Lò Gạch tới cầu Vàm Rầy thuộc huyện Tri Tôn, dân buôn chuột khắp nơi đổ về mua bán chừng hai giờ đồng hồ rồi tan. Một số thương lái chuyển hàng về các chợ bán lẻ nhưng phần nhiều về Phù Dật. Lê Duy Khánh cho biết, thời điểm này mỗi ngày đại lý của anh mua chừng 200 – 300kg chuột sống nhưng giá rất cao, tính cả chi phí vận chuyển gần 35.000 đồng/kg, đem bỏ mối cho dân mổ thịt đem bán lẻ quanh các chợ trong tỉnh An Giang thì vọt lên 50- 60.000 đồng/kg.

Lê Duy Khánh quê ở tỉnh Bạc Liêu. 15 năm trước anh làm tài xế lái xe tải đường dài tuyến quốc lộ 1A (Bạc Liêu đi TPHCM). Khi xe chạy qua các tỉnh, anh thấy nhiều đại lý kinh doanh chuột rất nhộn nhịp. Về quê, thấy việc săn bắt, mua bán chuột quá hời nên anh chuyển nghề. Lúc đầu, đi thu gom hàng ở địa phương đem lên Cần Thơ bỏ mối. Dần dà mở rộng địa bàn thu mua xuống tận Cà Mau rồi chở lên làng Phù Dật bán. Cùng làm bạn hàng buôn chuột nên anh quen biết và trở thành vợ chồng với chị Phạm Thị Thu Giang – quê Phù Dật. Vợ chồng sáp vô mần ăn nên trở thành đại lý kinh doanh chuột lớn nhất khu vực ĐBSCL, và Phù Dật cũng trở thành làng chuột lớn nhất miền Tây.

Anh Khánh cho biết, mùa săn bắt chuột nhiều từ tháng Chạp đến tháng tám năm sau, mỗi ngày đại lý của anh mua chở hai xe tải 3-4 tấn, còn cả làng Phù Dật tiêu thụ từ 5- 6 tấn chuột. Chuột mổ thịt ướp lạnh bán ở các chợ trong tỉnh, chuột sống đựng vào lồng sắt vận chuyển đi Cần Thơ, Tiền Giang, Long An cung ứng cho TPHCM. Ước mỗi năm làng Phù Dập tiêu thụ từ 1.800 – 2.000 tấn chuột, góp phần làm giảm thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp cho cả ĐBSCL.

Món ngon từ chuột...

Phải là dân miền Tây “chánh cống” mới am hiểu cách chế biến các món thịt chuột. Chú Tám Liễm (quê xã Bình Thành, huyện Thoại Sơn) khẳng định như vậy. Ở quê chú, người ta có thế chế biến thịt chuột được hàng chục món ăn, từ các món dân dã thường ngày đến các món đãi tiệc và đãi khách, tùy món ngon mà cách làm cầu kỳ hay giản dị. Món ăn thường ngày như thịt chuột xào hành (hành lá), nấu canh chua, muối xả ớt chiên, nướng lèo thì ai cũng có thể làm được.

Tuy nhiên, với món canh chua phải lưu ý cách làm, chứ nấu như cá đồng, còn nguyên xi mùi chuột. Trước hết, chặt con chuột làm đôi, ướp gia vị (bột ngọt, muối, củ tỏi cho thơm) rồi bỏ vào chảo mỡ chiên sơ cốt để khử mùi. Khi nồi canh được nêm xong mới thả thịt chuột vào, nước canh sôi lại lần nữa thì ăn luôn mới ngon, đừng để nguội sẽ tanh. Còn món chuột nướng lèo phải là thịt tươi, không cần ướp gia vị, kẹp vào gấp tre nướng lửa than củi đước, mở tươm vàng ươm. Món nướng lèo thịt chuột rất ngọt, chỉ cần chấm với nước mắm nhĩ dầm ớt kèm rau sống là ăn sạch nồi cơm.

Đối với các món thịt chuột dành đãi tiệc hay đãi khách, như làm bánh xèo thịt chuột, món chuột dồi nướng, chuột úp trách, chuột hấp cơm…chọn mua chuột sống đem về nhà tự làm, khi lột da tránh làm mất lớp mở áo quanh thân, mổ ở phần cuối ổ bụng lấy sạch nội tạng, chọn 3 con chuột tơ, băm nhuyễn rồi ướp gia vị (củ hành, tiêu xay, ít muối và ngũ vị hương), dồn hết vào ổ bụng 10 con chuột lớn.

Sau đó ướp gia vị chừng 30 phút sau đem nướng lửa than. Để món chuột dồi độc đáo đem úp trách đất. Lót một lớp lá dứa vào cái dĩa sành to, xấp 10 con chuột dồi vào dĩa, lót tàu lá chuối dưới đất và để dĩa chuột lên, dùng cái nồi đất (trách) úp lại, phủ rơm đốt cho đến khi chín. Khi lửa rơm tàn dỡ trách đất ra, dĩa chuột vàng mươm và bốc mùi thơm lừng, làm cả xóm nức mũi.

Còn món chuột hấp cơm thì ướp gia vị (tiêu xay, củ hành, nước mắm, ngũ vị hương), khi nồi cơm cạn nước cho dĩa chuột vào đậy kín nắp nồi. Nấu cơm bằng gạo nếp thì không cần thêm lá dứa vào nồi cơm. Cả hai món thịt chuột úp trách và thịt chuột hấp cơm làm rất cầu kỳ thường dành đãi khách quý.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giá đất bồi thường thấp hơn giá thị trường ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng

THỪA THIÊN - HUẾ Giá bồi thường đất ở, đất trồng rừng sản xuất thấp hơn nhiều so với giá thị trường dẫn đến công tác giải phóng mặt gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm