| Hotline: 0983.970.780

Buôn lậu cá sấu giống Campuchia qua biên giới An Giang

Thứ Hai 26/07/2010 , 16:35 (GMT+7)

Phong trào nuôi cá sấu thương phẩm xuất khẩu đang phát triển rầm rộ ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, khiến phát sinh nạn buôn lậu cá sấu giống từ Campuchia qua khu vực biên giới tỉnh An Giang.

Phong trào nuôi cá sấu thương phẩm xuất khẩu đang phát triển rầm rộ ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, khiến phát sinh nạn buôn lậu cá sấu giống từ Campuchia qua khu vực biên giới tỉnh An Giang.

Trong tháng 6-2010, lực lượng Cảnh sát Điều tra tội phạm kinh tế đã bắt giữ hai vụ vận chuyển trái phép qua biên giới 5.500 con cá sấu con. Trung tá Trần Kim Phú, Đội trưởng Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và Chức vụ – Công an TX. Châu Đốc cho biết: Lúc 10 giờ ngày 7-6-2010, lực lượng chống buôn lậu đội này bắt chiếc xe chuyên dụng (67L-7232) vận chuyển 3.500 con cá sấu con (kích thước từ 25cm - 35cm) đựng trong 37 cái sọt nhựa, đi từ cửa khẩu quốc gia Khánh Bình theo đường tỉnh lộ 956 về TX. Châu Đốc. Tài xế lái xe 67L-7232 khai nhận chở thuê lô hàng cá sấu cho người đàn ông từ xã biên giới Khánh An, huyện An Phú về ngã ba lộ tẻ huyện Châu Thành, tiền công 500.000 đồng. Chủ hàng nói sẽ đón tại bến xe lộ tẻ Châu Thành. Tuy nhiên, khi xe chở hàng lậu bị bắt, chủ hàng tắt điện thoại nên tài xế chở thuê không thể liên lạc. Lô hàng 3.500 con cá sấu giống trị giá trên 700 triệu đồng.

Trước đó, Đội Phòng ngừa đấu tranh án buôn lậu, hàng giả và xâm phạm sở hữu trí tuệ (Đội 5) – Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và Chức vụ Công an tỉnh An Giang bắt giữ điểm tập kết 2.000 con cá sấu con (kích thước từ 30cm - 50cm) đựng trong 10 cái sọt nhựa, tập kết bên bờ sông Hậu, thuộc khu vực biên giới (ấp An Khánh, xã Khánh An, An Phú), lô hàng trị giá khoảng 600 triệu đồng. Đại úy Dương Thanh Trung, Đội trưởng Đội 5 cho biết: Cả hai lô hàng cá sấu nhập lậu Campuchia đã bàn giao Chi cục Kiểm lâm An Giang xử lý. Theo đại úy Trung, phong trào nuôi cá sấu thương phẩm xuất khẩu đang phát triển ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, làm phát sinh nạn buôn lậu cá sấu giống từ Campuchia qua khu vực biên giới xã Khánh An (An Phú). Do mức xử phạt năng nên khi bị bắt, đa số chủ hàng “bỏ của chạy lấy người”.

Buôn lậu động vật hoang dã siêu lợi nhuận nên giới đầu nậu tăng cường hoạt động, còn phía lực lượng chức năng cũng tăng cường bắt giữ. Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và Chức vụ - Công an huyện An Phú bắt giữ ba vụ buôn lậu động vật hoang dã tại khu vực xã Khánh Bình, gồm 400kg trăn, 1.100kg càn đước, một con gấu và 48 con cá sấu nước ngọt. Ngày 20-7-2010 vừa qua, Đội 5 đã bàn 50kg rắn hổ hèo nhập lậu cho Chi cục Kiểm lâm An Giang xử lý. Số hàng lậu này do đối tượng Nguyễn Văn Thống (sinh năm 1975, ngụ ấp 1, xã Vĩnh Hội Đông, An Phú) mua từ Campuchia và dùng xe mô tô (biển số 67H1-6862) vận chuyển theo đường tỉnh lộ 956 qua cù lao Vĩnh Trường để “né” chốt kiểm soát chống buôn lậu đóng tại cầu Cồn Tiên. Tuy nhiên, khi đến khu vực ấp Vĩnh Nghĩa, xã Vĩnh Trường (An Phú) thì bị bắt giữ lúc 8 giờ ngày 18-7-2010. Thống kê 6 tháng qua, Đội 5 đã bắt giữ tổng cộng 65kg rắn hổ hèo, 28kg kỳ đà, 20kg trăn, 10kg rắn ri voi và 2.000 con cá sấu con.

Một cán bộ chống buôn lậu cho rằng, lợi dụng giấy phép vận chuyển động vật hoang dã dài ngày, một số cơ sở nuôi cá sấu mua cá sấu con từ Campuchia đưa về nội địa tiêu thu. Ông Lê Tâm Quy, Phó Phòng Thanh tra pháp chế – Chi cục Kiểm lâm An Giang khẳng định: Việc cấp phép vận chuyển cá sấu chỉ đáp ứng theo nhu cầu thật sự của các cơ sở gây nuôi. Bởi, cá sấu thuộc loài động vật hoang dã nằm trong danh mục Nghị định 32 Chính phủ, cấm khai thác, đánh bắt trong môi trường thiên nhiên. Vận chuyển cá sấu phải có giấy phép đặc biệt do Chi cục Kiểm lâm cấp theo mẫu thống nhất toàn quốc. Người xin phép vận chuyển phải có hồ sơ chứng minh nguồn gốc cá sấu hợp pháp. Giấy phép vận chuyển có giá trị thời hạn tùy quản đường vận chuyển xa hay gần. Thông thường, giấy phép vận chuyển nội tỉnh (trong tỉnh An Giang) chỉ một ngày.

Cá sấu con không rõ nguồn gốc từ Campuchia nhập lậu trái phép qua An Giang, đưa đi các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tiêu thụ, làm phát sinh dịch bệnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ sở, hộ gây nuôi. Điển hình là vụ cá sấu chết hàng loạt xảy ra hồi tuần trước với hàng chục hộ dân ở huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu. Theo lãnh đạo địa phương, cả huyện có trên 1.000 hộ nuôi với hơn 200.000 con cá sấu nước ngọt.

Box: Ông Bành Thanh Hùng, Trưởng phòng Bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên – Chi cục Kiểm lâm An Giang: Tỉnh An Giang có 131 cơ sở nuôi động vật hoang dã. Trong đó, có 35 cơ sở nuôi cá sấu nước ngọt với khoảng 90.000 con. Điều kiện để được cấp phép gây nuôi động vật hoang dã là cơ sở phải có chuồng trại kiên cố và hệ thống xử lý nước thải. Cá sấu thuộc loài thú dữ, là động vật quý hiếm nằm trong danh mục cấm săn bắt trong môi trường thiên nhiên theo Nghị định 32 của Chính phủ.

Xem thêm
Tạm giữ 300 chiếc xe đạp không rõ nguồn gốc

THÁI NGUYÊN 300 chiếc xe đạp vi phạm có tổng trị giá 300 triệu đồng, trên vỏ hộp và hàng hoá không có thông tin về nơi sản xuất, xuất xứ.

Bắt tạm giam 3 nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo ở Quảng Nam

Các bị can đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thỏa thuận và nhận hối lộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong đấu thầu thiết bị giáo dục.