| Hotline: 0983.970.780

Vụ án gỗ trắc “khủng” ở Quảng Trị:

Buôn lậu hay không?

Thứ Hai 20/10/2014 , 09:35 (GMT+7)

Phiên sơ thẩm của TAND TP Đà Nẵng xử vụ án buôn lậu gỗ trắc, dự kiến khai mạc giữa tháng 10, đã phải tạm hoãn. 

Đây là vụ án với một doanh nghiệp, gây tranh cãi có tội hay không có tội kéo dài hơn 2 năm qua.

Dư luận quan tâm gọi “vụ án gỗ trắc khủng”, khởi tố ngày 6/4/2012. Kết luận điều tra bổ sung của Cơ quan CSĐT (C44) Bộ Công an ngày 10/3/2014. Cáo trạng của Viện KSNDTC ngày 7/5/2014. Ngày 3/10/2014, Cục Hải quan Quảng Trị vẫn có công văn cho rằng không có hành vi phạm tội.

VÒNG QUANH

Vụ án được phát hiện khá đơn giản. Ngày 17/12/2011, Cty TNHH MTV Ngọc Hưng (Cty Ngọc Hưng) nhập lô gỗ trắc từ Lào, qua cửa khẩu Lao Bảo. Hai ngày sau, nguyên lô gỗ được xuất sang Hồng Kông, qua cảng Cửa Việt.

Hàng chở xuống tàu, giữa đường bị Công an quận Ngũ Hành Sơn khám xét thấy một số loại gỗ khác với khai báo. Lập tức, lô hàng bị giữ và Cục Điều tra chống buôn lậu của Tổng cục Hải quan ra quyết định khởi tố vụ án hình sự.

Sau khi khởi tố, Cục Điều tra chống buôn lậu của Tổng cục Hải quan chuyển hồ sơ cho Cơ quan CSĐT (C46) của Bộ Công an. Hơn hai tháng điều tra, C46 có công văn kết luận: “Chưa đủ yếu tố cấu thành tội buôn lậu”.

Theo C46, Cty Ngọc Hưng khai báo chưa đúng số lượng và chủng loại gỗ nhưng “không trái với những quy định của nhà nước về công tác quản lý xuất, nhập khẩu những sản phẩm này”.

Hồ sơ vụ án được C46 trả về Tổng cục Hải quan, từ đó lại vòng sang C44 của Bộ Công an. C44 cho người sang Lào và Trung Quốc tìm hiểu, chỉ nắm được những nội dung không căn bản. Nhờ ủy thác tư pháp và điều tra xác minh với Tổng cục Cảnh sát của Bộ An ninh Lào và Văn phòng Hợp tác Quốc tế Hải quan Hồng Kông thì không nhận được kết quả.

Sau nhiều lần khởi tố bổ sung, điều tra bổ sung, C44 cũng ra được kết luận và Viện KSNDTC có cáo trạng. Trong đó, truy tố GĐ và PGĐ Cty Ngọc Hưng (cũng là vợ chồng) Trương Huy Liệu và Trần Thị Dung tội buôn lậu; truy tố 3 công chức hải quan tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Lập tức, Cty Ngọc Hưng có đơn khiếu nại gửi Viện KSNDTC cho rằng, họ không phạm tội buôn lậu. Cục Hải quan Quảng Trị gửi công văn cho TAND TP Đà Nẵng, phân tích không có hành vi phạm tội trong vụ án này.

TRANH CÃI

Từ lúc mới khởi tố, vụ án đã gây nhiều tranh cãi. Công văn giữa năm 2012 của C46 cho biết: “Quan điểm đánh giá và xử lý của các ngành có liên quan còn nhiều vấn đề chưa thống nhất (…), có nhiều quan điểm khác nhau”.

Cục Kiểm lâm là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành đã hai lần có công văn khẳng định: “Doanh nghiệp không vi phạm”. Bộ Công thương cũng có công văn nêu rõ: gỗ được tự do tạm nhập, tái xuất mà không phải xin phép.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam đã có Công hàm gửi Chủ tịch nước Việt Nam bày tỏ sự “hết sức quan tâm đến vụ việc này”.
Theo công hàm, doanh nghiệp ở Hồng Kông mua lô gỗ trắc đã trả hết tiền nên gửi đơn khiếu nại đến Đại sứ quán yêu cầu được bảo vệ quyền lợi. Trong lúc, lô gỗ trắc là tang vật vụ án đã được bán cho một doanh nghiệp ở Bắc Ninh giá 64 tỷ đồng, trong tháng 1/2014.
Theo đại diện Cty Ngọc Hưng, giá thị trường hiện thời lô gỗ hơn 500 tỷ đồng.

Yếu tố quyết định cấu thành tội buôn lậu là: xuất khẩu gỗ có nguồn gốc từ rừng tự nhiên trong nước. Lô gỗ trắc của Cty Ngọc Hưng, trong kết luận điều tra cũng như cáo trạng đều xác định: nhập khẩu chính ngạch từ Lào và đang chuẩn bị xuất chính ngạch đi Hồng Kông. Nên Cục Hải quan Quảng Trị khẳng định: đó không phải là hàng buôn lậu.

Lý do chính để cáo trạng tuy tố vợ chồng chủ Cty Ngọc Hưng tội buôn lậu là kê khai chưa đúng về chủng loại và khối lượng lô gỗ. Về chủng loại, lô gỗ trắc gồm rất nhiều loại, từ gỗ tròn đến gỗ xẻ và cành ngọn. Kê khai của Cty Ngọc Hưng không chính xác từng loại.

Tuy nhiên, theo các quy định hiện hành, hành vi này không cấu thành tội hình sự. Cục Hải quan Quảng Trị phân tích, tạm nhập tái xuất nên thuế nhập khẩu tạm nộp sẽ được hoàn lại cho Cty Ngọc Hưng khi xuất, còn tái xuất không phải nộp thuế. Cty Ngọc Hưng “xuất khẩu nguyên lô, được khai báo phù hợp với tờ khai nhập khẩu” nên không gây thiệt hại cho nhà nước.

Theo C46, việc kê khai không chính xác “có thể doanh nghiệp đã nộp thuế nhiều hơn thực tế phải nộp”. Và số thuế nhập khẩu đã nộp có thể “hơn thực tế phải nộp” (đã nộp hơn 3,2 tỷ đồng), sẽ được hoàn lại cho Cty Ngọc Hưng khi xuất khẩu nhưng do xảy ra vụ án nên đã được ngân sách địa phương sử dụng. Vì vậy, càng không gây thiệt hại cho nhà nước.

Về khối lượng lô gỗ, cho đến nay vẫn chưa thể khẳng định Cty Ngọc Hưng kê khai thiếu hay thừa. Cty Ngọc Hưng kê khai 535,8 m3. Cơ quan CSĐT trưng cầu giám định với Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, hai lần ra hai kết quả khác nhau: lần đầu 453,103 m3, lần sau 614,672 m3.

Cục Hải quan Quảng Trị băn khoăn: “Cơ quan được trưng cầu giám định có chức năng giám định tư pháp hay không?”. Và dù Cty Ngọc Hưng kê khai có sai thực tế thì theo Cục Hải quan Quảng Trị “cũng chỉ là hành vi khai sai”, tạm nhập tái xuất nguyên lô nên không gây thiệt hại gì cả. Và nếu Cty Ngọc Hưng không phạm tội buôn lậu thì các công chức hải quan cũng không phạm tội thiếu trách nhiệm.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Ký kết giao ước thi đua ngành nông nghiệp các tỉnh, thành vùng ĐBSCL

Hội nghị nhằm tiếp tục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đẩy mạnh phong trào thi đua vùng ĐBSCL năm 2024.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Sáng 29/3, giông lốc cuốn bay nhiều mái nhà, 1 người phải đi cấp cứu

LÀO CAI Giông lốc, mưa đá vào rạng sáng nay đã gây thiệt hại tài sản của người dân trên địa bàn huyện Bát Xát.

Bình luận mới nhất