| Hotline: 0983.970.780

Buồn lòng vì chuyện chị ruột

Thứ Năm 17/10/2013 , 08:42 (GMT+7)

Lá thư này không vì chuyện của tôi mà là chuyện của chị tôi. Mong chị lắng nghe và chia sẻ.

Chị kính mến!

Lá thư này không vì chuyện của tôi mà là chuyện của chị tôi. Mong chị lắng nghe và chia sẻ.

Là một giáo viên cấp II ở một vùng quê nghèo miền Trung, chị tôi cực nhọc hơn ba em gái dù chị có mức lương khá. Thời trẻ đã lam làm, lấy chồng cũng không biết sung sướng là gì, chị bảo chị đâu có thấy cực, chỉ cái tâm là khổ thôi. Nhưng tôi và mấy đứa em thì thấy cuộc sống của chị không khác nào người làm con ở trong nhà.

Thưa chị, anh rể tôi là một người gia trưởng có tiếng. Anh đối với bố mẹ chúng tôi, với bà con thì rất được khen nhưng riêng với vợ là anh “thù ghét”. Chị có biết không, chị tôi đi dạy về thì ngày trước, sau xe phải là bó củi hay bó cỏ cho bò cho dê thì anh mới không càu nhàu. Giờ nhà đã có bếp gas nhưng vẫn phải có bếp xổm để nấu rơm hay nấu bằng lá cho tiết kiệm!

Muốn mua một bóng điện trong nhà tắm cũng phải nghĩ, vì anh bảo, nhà tắm gần với giếng nước, tắm không cần đóng cửa, ánh sáng bên giếng hắt vào, đủ rồi. Bấy nhiêu ví dụ để chị thấy chị tôi sống không ăn bám, sống được học sinh thương yêu kính trọng mà về nhà lại khổ như đày tớ.

Đã có mấy lần chị tôi bỏ nhà về với em trai chúng tôi ở nhà đất hương hỏa cùng xã ấy. Nhưng nghĩ thương con, với lại là giáo viên, vợ chồng bỏ nhau thì người ta coi ra gì. Thế là lại trở về với ông chồng khắc nghiệt như một thứ nợ.

Không phải anh ấy tiếc tiền gì mà không muốn cho vợ sướng, anh ấy làm ăn lớn, buôn gỗ, buôn dê buôn bò, chỉ là cái tính người như thế mà thôi. Lại còn hay ghen bóng ghen gió khi chị tôi đi tập huấn, đi họp lớp, đi hội trường. Mấy lần anh ấy đã thượng cẳng chân hạ cẳng tay với vợ rồi đó chị.

Mấy tháng nay chị tôi vào Tây Nguyên với con gái để giúp nó sinh nở. Tôi và các em nhất trí khuyên chị ở luôn trong này. Về hưu rồi, tự giải phóng đi. Nhưng chị không chịu, nói vợ chồng già mỗi người một nơi con cháu nó buồn nó lo. Với lại nợ thì phải trả, nếu chị nợ anh hết đời thì phải trả hết đời chứ biết sao. Người đâu có người nghĩ yếm thế vậy không biết.

Thay mặt các em tôi muốn chị tâm sự với chúng tôi và lá thư này sẽ đến tay chị tôi (cả anh rể tôi nữa càng tốt). Rất mong chị lưu ý.

Xin chị giữ kín email của tôi.

Bạn thân mến!

Tôi cũng lấy làm lạ sao một giáo viên có tuổi mà để ông chồng nông dân bắt nạt đến như vậy. Tôi có biết những vùng quê còn lạc hậu ấy. Người ta nghèo thật và thói quen đun nấu bằng rơm rạ hay bằng lá cây khiến cho người phụ nữ ở đó khốn khó thêm nhiều. Như thời chị Dậu vậy. Tôi cũng có biết những ông chồng trong cảnh nhá nhem ấy, làm nhiều nhưng gia cảnh rất chậm được cải thiện và họ luôn nghĩ, đàn bà cũng là gia sản, họ toàn quyền xài phí kiểu gì mà chả được.

Ngay từ đầu, cán cân quyền lực trong gia đình đã nghiêng về một phía. Có lẽ vì chị của bạn chấp nhận nó quá dễ dàng. Một giáo viên đánh mất nữ quyền của mình thì sao có thể tự tin với các đồng nghiệp và đứng lớp nữa? Nhưng mà ở xã đó, vùng sâu vùng xa, đúng không, văn minh không tới, quyền phụ nữ mơ hồ, lại gặp chồng khắc nghiệt và vũ phu nữa, hẳn chị ấy sợ và rồi quen với nếp sợ. Ông bà mình hay tặc lưỡi cho qua bằng cách nói nợ này nợ nọ, thật ra là khuyến khích người ta cam phận, an bài, chịu đựng đó thôi.

Nếu là bạn và tôi thì hôn nhân đã tan rồi. Một bóng điện trong phòng tắm còn tiếc thì người chồng ấy tiếc tất cả với người cùng sinh ra những đứa con với anh ta. Đó là sự phi nhân, ít nhân tính, cho dù anh ta có là người giàu ở xứ đó. Sao giống như địa chủ thời tối tăm thế.

Nhưng chị của bạn thấy không tệ thì đành vậy. Không muốn thoát và không biết một chút tự do sung sướng thế nào thì ai có thể vào cái chuồng ấy mà tháo cho người phụ nữ bước ra? Cửa chuồng đã tháo rồi mà có khi không còn biết đến nữa là. Người ta nói những người ấy là có căn nô lệ, chính vì vậy mà ông chồng mới chà đạp thoải mái thế.

Hy vọng chị của bạn sẽ nghe các em khuyên, mỗi năm đôi ba tháng vào cao nguyên đổi gió. Hy vọng anh rể của bạn đọc được kỳ thư này để ít nhất cũng biết nhà vợ nghĩ về mình thế nào mà điều chỉnh. Để còn tuổi già, tuổi bệnh, khi ấy, biết đâu vợ không thèm ở bên để lo để giúp thì có cô quạnh quá đi. Tôi từng thấy nhiều phụ nữ vùng lên vào phút chót, họ làm cú chót đến mức cả gia tộc bó tay, không can thiệp nổi.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.