| Hotline: 0983.970.780

Buồn như đem đất nông nghiệp đi vay vốn

Thứ Sáu 08/11/2013 , 09:51 (GMT+7)

Có một thực tế buồn là dù đất nông nghiệp của người dân có vài nghìn m2 hay hàng hecta, đa phần chỉ được ngân hàng cho vay vài chục triệu đồng/hộ.

Với người dân nông thôn ở khu vực miền núi, để vay được vốn ngân hàng phát triển kinh tế, gần như 100% đều phải dựa vào “cây gậy” duy nhất là bìa đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) đất thổ cư, đất nông nghiệp. Nhưng, có một thực tế buồn là dù đất nông nghiệp của người dân có vài nghìn m2 hay hàng ha, đa phần chỉ được ngân hàng cho vay vài chục triệu đồng/hộ.

>> Bạc bẽo đất rừng
>> Kinh tế trang trại, tắc từ đồng vốn

CHÍNH SÁCH CỨNG NHẮC

Những năm gần đây, phong trào phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại bắt đầu phát triển mạnh ở huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Mặc dù là khu vực miền núi, song diện tích đất lúa ở Đại Từ không lớn, bình quân chỉ vài ba sào/hộ, còn lại chủ yếu đất rừng và đất trồng cây lâu năm.

Với địa hình, địa lí đặc thù như vậy, để phát triển kinh tế, người nông dân chủ yếu chọn hướng kinh tế rừng và chăn nuôi gia súc, gia cầm làm chủ đạo.

Tâm sự với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Lai, xóm Lò Gạch, xã Mỹ Yên, một hộ chăn nuôi đang mong muốn mở rộng quy mô nhưng bị vướng mắc về vốn chia sẻ, vừa rồi, nhận thấy vườn rừng của gia đình rộng rãi bỏ không lãng phí quá, ông quyết định đầu tư xây trang trại nuôi gà với quy mô 1.000 con/lứa.

Với diện tích đất vườn được cấp bìa đỏ 5.000 m2, tính theo khung giá đất do tỉnh Thái Nguyên ban hành, ông Lai nhẩm tính mảnh vườn của mình cũng đáng giá trên dưới 1 tỉ đồng. Tuy nhiên, khi làm thủ tục vay vốn tại Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT của huyện, ông chỉ được giải ngân có 50 triệu đồng. Trong khi đó, nguyên việc xây dựng chuồng trại của gia đình đã mất gần 100 triệu, tiền giống và TĂCN cho 1.000 con gà xấp xỉ 100 triệu nữa.

Không còn cách nào khác, ông Lai đành đi vay mượn thêm ở ngoài, riêng TĂCN chấp nhận mua chịu đại lí với mức lãi suất cao gần gấp đôi so với lãi suất ngân hàng.

Ông Lai ngậm ngùi nói, đa số các hộ chăn nuôi như gia đình ông ở xã Mỹ Yên chỉ vay được từ Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT khoản tín dụng là 50 triệu đồng, muốn vay hơn cũng không được vì cán bộ tín dụng cho biết chỉ vay tối đa được như vậy.


Gia đình ông Nguyễn Hữu Lai, xã Mỹ Yên muốn vay vài trăm triệu để chăn nuôi nhưng chỉ được ngân hàng cho vay tối đa 50 triệu đồng

Tương tự, hộ gia đình Nguyễn Đình Cung, Nguyễn Thị Thắm, xóm Bắc Hà 3, xã Mỹ Yên cho biết, để vay được ngân hàng 50 triệu gia đình phải cầm cố bìa đỏ đất thổ cư chứ bìa đỏ đất nông nghiệp gần như không có giá trị. Thời gian vay thường chỉ là ngắn hoặc trung hạn từ 1-2 năm nên nhiều khi chăn nuôi chưa kịp hoàn vốn đã phải lo đáo hạn nợ.

Sở hữu trang trại thuộc diện lớn nhất nhì huyện Đại Từ, song ông Lý Văn Thiệp ở xóm Bậu, xã Văn Yên đã lâu lắm rồi không đi vay vốn ngân hàng. Theo ông Thiệp, trang trại của ông rộng hàng chục ha, số tiền đầu tư lên tới hàng chục tỉ đồng. Nhiều khi cũng muốn đi vay ngân hàng để mở rộng quy mô SX, song cùng lắm chỉ vay được vài trăm triệu, không đủ mua vài chục lợn nái nên ông ngại làm thủ tục. Chính vì vậy, nhiều năm nay ông thực hiện phương châm “có tiền đến đâu làm đến đó”.

Vợ ông Thiệp tâm sự, nếu lãi suất ngân hàng thấp mà vay được trên dưới một tỉ gia đình sẵn sàng đầu tư thêm vài chục lợn nái nữa, chứ vay vài trăm triệu chắc là thôi vì không giải quyết được việc gì lớn.

VAY KIỂU GÌ CŨNG PHẢI CẦM BÌA ĐỎ

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, các hộ nông dân tại huyện Đại Từ khi tiến hành vay vốn tại Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện phần lớn nằm trong chương trình triển khai Nghị định 41 của Chính phủ cho vay ưu đãi lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn không cần thế chấp tài sản. Tuy nhiên, với người nông dân thì đó vẫn là khoản vay thế chấp vì nếu không có bìa đỏ đất thổ cư, đất nông nghiệp hoặc đất rừng cầm cố, ngân hàng sẽ không cho vay.


Là trang trại lớn nhất nhì huyện Đại Từ nhưng nếu đi vay ông Thiệp cũng chỉ vay được một vài trăm triệu là cùng

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Trung Kiên - Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh huyện Đại Từ giải thích, các khoản vay vài chục triệu đó thực chất là cho vay không thế chấp, ngân hàng yêu cầu người dân nộp bìa đỏ mục đích để tránh việc họ đem đi thế chấp tại nhiều ngân hàng khác nhau.

Theo ông Kiên, nếu là khoản vay thế chấp sau khi ngân hàng và khách hàng làm xong thủ tục vay vốn phải được UBND cấp sở tại chứng nhận hoặc phải qua cơ quan công chứng. Sau đó, bắt buộc phải đăng kí với cơ quan chuyên môn là Văn phòng Đăng ký Quyền sử dụng đất thuộc Phòng Tài nguyên- Môi trường huyện.

Trước thắc mắc của khách hàng tại sao ngân hàng phần lớn chỉ cho các hộ nông dân vay trong khoảng 50 triệu đồng, ông Kiên cho biết phía Agribank Chi nhánh Đại Từ luôn tạo điều kiện để người dân được vay mức tối đa chứ không có hạn mức hay quy định ngầm nào cả.

Hiện nay thủ tục để vay vốn có thế chấp khá gọn nhẹ và thuận lợi, chỉ cần điền đầy đủ thông tin trên một tờ giấy 2 mặt là xong, việc cấp sổ vay vốn được sử dụng trong nhiều năm và không phải đóng phí. Có lẽ do người dân ngại phải làm các thủ tục giấy tờ nên thường chỉ chọn mức vay 50 triệu đồng với thủ tục đơn giản là đem tờ bìa đỏ đến ngân hàng và điền mấy thông tin vào hợp đồng vay vốn là xong.

Cái lý của cán bộ ngân hàng là vậy, thực tế lại khác. Dường như đang có một quy định "bất thành văn" trong giới ngân hàng: đất nông nghiệp, đất rừng, nuôi trồng thủy sản... không có mấy giá trị trong thế chấp vay vốn, cho dù đó là trang trại trị giá nhiều tỷ đồng...

“Dù Agribank là ngân hàng ngoài mục đích kinh doanh còn làm nhiệm vụ chính trị, song xét cho cùng chúng tôi cũng là doanh nghiệp nên phải có lợi nhuận cũng như có độ an toàn nhất định.

Cái khó của chúng tôi hiện nay là diện tích đất nông nghiệp tại khu vực nông thôn, miền núi phần lớn đều chưa có bìa đỏ nên rất khó khi thẩm định cho vay vì thiếu căn cứ pháp lí.

Bên cạnh đó, mặc dù đất nông nghiệp, đất rừng rất rộng, tính sử dụng khá cao nhưng tính khả mại, tức khả năng để thanh khoản, để bán là rất thấp nên khó để vay được số tiền lớn trên tài sản thế chấp đó được”, ông Nguyễn Trung Kiên chia sẻ.

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Tháp cao tầng là biểu tượng của các thành phố lớn trên thế giới

Cùng chiêm ngưỡng những tòa cao ốc đã và đang góp phần quảng bá hình ảnh của các thành phố và quốc gia lớn trên thế giới.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất