| Hotline: 0983.970.780

Buồn, vui bữa ăn quê: Bệnh từ miệng vào

Thứ Tư 30/09/2015 , 14:10 (GMT+7)

Giờ kinh tế đi lên, thức ăn thừa mứa, người ta quên đi tất cả những quy luật cân bằng dinh dưỡng để ăn sao cho thật thỏa thích. Cổ nhân đã dạy “Bệnh từ miệng mà vào” quả chẳng có sai./ Rượu 'uống' người

Anh Nguyễn Hữu Bột, bệnh nhân tiểu đường mới nhất của làng Thiệu Tổ (xã Trung Nguyên, huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc) phát hiện bệnh một cách rất tình cờ.

Một buổi tối ở nhà hàng xóm về, lười vào toa -lét nên anh bậy ngay ở góc tường rào. Hôm sau ra vườn, thấy ruồi, kiến bu đen quanh vết bãi nước tiểu vẫn còn ám ở góc tường anh mới đi khám.

Nếm cả nước tiểu

Rất nhiều người dân trong làng Thiệu Tổ đã phát hiện bệnh tiểu đường một cách tình cờ như anh Bột. Thậm chí để cho chắc chắn, có người còn tự nếm thử nước tiểu của mình xem có vị ngọt không trước khi đi viện.

Chuyện khám bệnh định kỳ kể cả ở một vùng kinh tế rất phát triển như Thiệu Tổ này là một điều hết sức xa lạ.

Trái ngược với anh Bột, anh Nguyễn Văn Bốn, bệnh nhân tiểu đường đầu tiên của làng đã phải mất ba năm kể từ khi dính bệnh mới phát hiện ra.

Lúc đó, làng chưa hề có khái niệm tiểu đường nên anh chẳng để ý tới các triệu chứng như khát, môi se, người lúc nào cũng như có lò lửa bên trong ngún khói.

Thấy sức khỏe của chồng mỗi lúc một giảm sút, vợ anh rủ đi lễ đền Thích. Mặc cho vợ con ngồi khấn vái anh chỉ kè kè bên ấm nước, cứ thỉnh thoảng lại ngửa chiêu một chén.

Đến lúc đột quỵ đưa vào cấp cứu xét nghiệm ra thì chỉ số tiểu đường của anh đã ở mức 34. Anh ruột của anh Bốn là anh Nguyễn Văn Thọ cũng phát hiện mắc tiểu đường sau đó ít lâu.

Mươi năm trở lại đây, Thiệu Tổ bỗng dưng phất lên nhanh chóng nhờ nghề buôn tóc và buôn lốp ô tô cũ. 80% gia đình trong làng đã đập đi cái nhà ba gian một chái hay năm gian hai chái để dựng lên những ngôi nhà tầng, nhà biệt thự cao chót vót.

Cái ăn, cái uống trở thành chuyện nhỏ đối với người dân Thiệu Tổ. Tỉ như anh Bốn vốn làm nghề xây dựng, kinh tế dư giả hiện rõ qua hai ngôi nhà xây cho hai người con đều là kiểu tân kỳ.

Bữa sáng hầu như anh không bao giờ đụng đến cơm như thủa còn đi cày, đi bừa mà toàn ăn quán. Trứng vịt lộn một tuần anh trung bình làm mươi quả. Cháo lòng tiết canh bảy ngày đánh ba bốn bữa, lần nào cũng phải có thêm cả đĩa lòng nóng sốt vun có ngọn.

Đã thế, anh còn khoái khẩu món thịt chó. Ba bốn ngày lại đáo qua quán để hưởng cái thú: “Sống trên đời ăn miếng dồi chó/ Chết xuống âm phủ biết có hay không?”.


Anh Bột bên đống thuốc tiểu đường

Bữa chính, thịt ba chỉ luộc anh xơi như người ta ăn rau chưa bao giờ biết chán. Rượu thì ngày nào đều hai ba bận, mỗi lần ít cũng phải hàng cút.

“Nếu cho thời gian quay lại, không bao giờ tôi dám ăn uống nhiều và bừa bãi như thế”, anh Bốn rùng mình. Bữa ăn của anh giờ chỉ lấp ló vài miếng thịt nạc. Miếng thịt nạc trong miệng trệu trạo như rơm khô chứ không được ngọt ngào, mềm mại, béo và thơm như miếng thịt mỡ thủa nào.

Trở lại chuyện chế độ ăn của anh Nguyễn Hữu Bột. Vốn to cao và khỏe mạnh nên anh ăn rất ngon miệng, mỗi bữa chén trung bình ba bốn bát.

Được cái nhà có trang trại vừa nuôi lợn vừa thả cá nên thức ăn không hề thiếu. Lúc nào cũng có thịt lợn, thịt gà, thịt vịt bầy tú hụ trên mâm. Bia Hà Nội anh mua cả két để sẵn trong nhà, bữa nào cũng khai vị một chai.

Đường, sữa, bánh kẹo chị bày đầy trong tủ lạnh để lúc nào cũng có thể nhấm nháp. Thịt mỡ cũng là món khoái khẩu của anh Bột.

Anh cao 1m70 nặng lúc nào cũng trên 70 kg, thân thể cường tráng tưởng chừng như làm không hề biết thỏa cơ bắp. Thế mà bỗng một dạo sút cả yến thịt, đi tiểu thấy ruồi bâu, thử máu thì tiểu đường đã 13,6.

Giờ thì đậu rau anh ăn nhiều hơn cơm, thịt mỡ hầu như không còn dám động đũa. Tháng tháng một anh lại xuống Trung tâm Y tế huyện để xét nghiệm máu, nước tiểu. Vết lấy máu chi chít thâm quầng trên cơ thể như thể bọ chó cắn. Thuốc uống hằng ngày của anh kể ra đến nay phải lấy rổ, lấy thúng ra để đong.

“Tôi không bao giờ nghĩ mình có thể bị tiểu đường nên ăn uống đã mồm và không bao giờ biết đến tập thể dục. Giờ sợ lắm rồi!”, anh Bốn bảo. Làng giờ đã có hàng chục người đang mắc tiểu đường, hai người đã chết.

Ăn uống vô độ

Nông thôn xưa tuy nghèo khó nhưng chuyện ăn uống lại rất nề nếp chứ không phải bạ cái gì cũng ăn, vớ cái gì cũng bỏ vào miệng.

23-10-41_dsc_0643
Nướng chả chuẩn bị bán hàng

Chi phối tất cả là quy luật âm dương bù trừ khi kết hợp các món ăn với nhau. Tỉ như rau răm là nóng (dương) được ăn với trứng lộn là lạnh (âm) sẽ ngon miệng và tốt cho tiêu hóa; gừng là thứ gia vị có tính nóng (dương) nên được nấu kèm với các thực phẩm có tính lạnh như cá, canh rau cải.

Trước trong phòng khám tiểu đường của bệnh viện huyện Yên Lạc chỉ có 3-4 bệnh nhân giờ lúc nào cũng phải 20-30 người xếp hàng la liệt như cảnh hợp tác xã mua bán hồi trước.
Xưa tiểu đường chủ yếu là con trai còn nay nữ cũng không hiếm. Xưa tiểu đường chủ yếu người trung tuổi thì giờ người trẻ rất nhiều. Rồi là gút, là béo phì, là nhồi máu cơ tim, gan nhiễm mỡ…

Người dân quê còn sử dụng món ăn như là bài thuốc trị bệnh. Nhiều cuốn sách nam dược nằm lòng của các thầy lang hiện nay đều ghi bệnh tật phát sinh do mất cân bằng âm dương nên các vị thuốc sẽ căn chỉnh sự mất cân bằng đó.

Vì thế mà người ốm do quá âm thì cần ăn ngay thức ăn có tính dương (đau bụng do hàn giã nước gừng uống sẽ khỏi), ngược lại nếu người ốm do quá dương thì cần dùng ngay đồ ăn có tính âm để kéo lại (đau bụng do kiết lị bác trứng gà với lá mơ sẽ khỏi)…

Âm dương hài hòa còn là mối quan hệ khăng khít giữa con người với môi trường. Hè nóng thì ăn các thức ăn thanh nhiệt, có tính lạnh, vị chua, còn ngược lại đông lạnh cần ăn nhiều thức ăn có tính nóng, lắm dầu mỡ như xào, rán, kho…

Giờ kinh tế đi lên, thức ăn thừa mứa, người ta quên đi tất cả những quy luật cân bằng dinh dưỡng để ăn sao cho thật thỏa thích.

Cổ nhân đã dạy “Bệnh từ miệng mà vào” quả chẳng có sai khi những bệnh trên chủ yếu bởi lý do ăn uống bừa bãi và thiếu luyện tập. Rối loạn chuyển hóa đường gây tiểu đường. Rối loạn chuyển hóa axit uric gây bệnh gút. Rối loạn chuyển hóa lipid gây gan nhiễm mỡ, huyết áp cao…

Thị trấn Yên Lạc và vùng phụ cận có hàng trăm quán ăn đủ loại. Suốt từ sáng đến khuya khói từ lò nướng thịt lợn, thịt vịt, cánh đùi gà, từ lò phở, bánh cuốn ngùn ngụt bốc lên như sương mù.

Khách ăn túa ra đông vui như trẩy hội. Phần là dân sở tại, phần là dân các xã lân cận. Những đôi môi bóng như thoa mỡ, những cái miệng căng phồng như quai bị, những gương mặt đỏ au như gà chọi. Xương quăng rào rào trên bàn, dưới ghế. Giấy ăn ngập tràn lối đi. Giấy ăn bay phấp phơi ra đường trông như những đàn bướm khổng lồ. Cái đen vì chả nướng. Cái đỏ vì tiết canh. Cái xám nhờ nhờ vì phở bò, bún ốc.

Ăn uống “bạo tàn” như thế nên những bệnh tưởng chỉ có ở thành phố ngày một sẵn ở nông thôn. Năm 2014, huyện Yên Lạc có 5.825 lượt người đi khám bệnh tiểu đường. Số bị bệnh thực tế chắc phải nhiều hơn.

Người khám kìn kìn đông như kiến khiến cho bệnh viện không phân kỳ ra không làm sao đủ người gánh vác dù rằng bộ phận chuyên trách mới được tăng cường thêm một bác sĩ đa khoa.

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Quy tụ 66.000 chậu sen để tổ chức lễ hội sen Đồng Tháp 2024

Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ II năm 2024 thu hút 66.000 chậu sen, với 57 giống sen được sắp xếp, bố trí đẹp mắt sẽ tạo nên không gian trải nghiệm thú vị.

Bình luận mới nhất