| Hotline: 0983.970.780

Buồn, vui bữa ăn quê: Giàu nghèo đều sợ

Thứ Năm 01/10/2015 , 06:35 (GMT+7)

Người nông dân giờ đây nhìn các thứ thực phẩm mua ngoài chợ về với ánh mắt rụt rè, đa nghi và sợ hãi hệt như con chuột đứng trước miếng… bả. Sợ nhưng vẫn phải ăn. Mà đã ăn vào càng nghĩ lại càng thấy sợ./ Bệnh từ miệng vào

Đã có thời "miếng ăn là miếng nhục", nó tha hóa con người ta một cách ghê gớm. Khổng Tử từng đúc kết: “Quân tử chuộng danh. Tiểu nhân chuộng lợi”. Khi con người đầy đủ rồi mới nghĩ đến danh dự của bản thân, của gia đình, của dòng tộc còn khi đói thì chỉ nghe được tiếng dạ dày kêu réo.

Cận cảnh bữa ăn hộ giàu

Lão nông Phạm Công Lưu ở khu 3 Tự Cường (xã Tam Cường, huyện Tam Nông, Phú Thọ) còn nhớ rõ cách đây có vài năm thôi, đêm trước ngày nhà ông tổ chức giỗ thể nào cũng có nhiều người gõ cửa xin được nấu giúp.

Đúng là có giúp thật nhưng hoa quả thì giấu đống rơm, thịt thà gói giấu trên gác bếp, giấu ra đằng sau, chuyền tay nhau đưa qua bờ rào. Bởi thế, lượng thức ăn đáng được mươi mâm chỉ còn đủ bảy tám. Đến cái bát, cái đĩa mà không kịp đánh dấu có khi cũng vẫn mất như thường.

Gần đây làng không còn tình trạng mất cỗ nữa bởi vì người ta đã rút kinh nghiệm thay vì nhờ vả bằng thuê làm. Đi ăn cỗ giờ đây cũng không còn cảnh chỉ húp nước canh và ăn một vài món xào còn đùm nọ, bọc kia gói ghém về nhà. Thế nhưng lại có một ám ảnh hiển hiện với dân làng ngày nay là ăn cái gì cũng sợ.

Ông Lưu bảo: Chúng ta không có một chiến lược phát triển con người cũng như tài nguyên đất nước. Ô nhiễm hết thảy từ không khí, đất, nước đến các dòng sông. Bao thứ thuốc BVTV độc hại không quản lý được để phun vô tội vạ, để ngâm tẩm đến nỗi hoa quả quên trên bàn thờ cả nửa năm mà ngoài vẫn vàng óng, đẹp đẽ nhưng bên trong đã thối rữa có giòi. Để bao thứ bệnh tật trong nội tạng lợn, nội tạng bò người ta đẩy sang hết cho dân nước mình…".

Đấy nói đâu xa, nhà anh Nguyễn Văn Quảng trong làng tổ chức đám cưới đem ít vỏ dưa hấu thừa cho bò ăn khiến con vật sùi bọt mép ra mà chết tức tưởi. Đấy nói đâu xa, ngay chính bản thân vợ ông Lưu mua dưa chuột ngoài chợ về khiến cho cả ba người trong nhà phải đi cấp cứu trong tình trạng “miệng nôn, trôn tháo”.

Bởi thế mà giờ đây ông bà ăn uống rất cẩn thận, nhiều khi thái quá. Bữa cơm đãi tôi tối đó thức ăn có rất nhiều (toàn những thứ tăng gia được) nhưng đĩa rau chỉ ba lần gắp là hết. Những cây rau mùng tơi hái ở ngoài bờ rào.

Ông lý luận: “Dân Mông Cổ hay châu Âu có ăn rau mấy đâu? Toàn ăn thịt và uống sữa đấy chứ. Cây cỏ hút chất khoáng từ đất lên. Bò lợn ăn nên thịt, sữa của nó có đầy đủ chất khoáng rồi. Do đó, ta ăn thịt, uống sữa là đủ dinh dưỡng. Ăn rau xenlulô nhiều chỉ tổ có dài ruột ra mà thôi như con cá biển hay ăn thịt thì ruột ngắn còn con cá trắm cỏ thì ruột rất dài”.

Tôi không biết nên phản biện thế nào đối với ông chỉ biết con ông rất giàu, xây cái biệt thự to, mua bộ bàn ghế gỗ hương khổng lồ giá 600 triệu đồng, mua cái phản gỗ quý dài thượt giá ngót tỉ bạc cho bố mẹ nên những thực phẩm cao cấp cho ông bà không hề thiếu.

Ông Đinh Mạnh Thước đánh dấu một trang mới trong lịch sử làng khi là gia đình có “ô sin” đầu tiên. Con cái thành đạt xây cho ông một cái cơ ngơi năm gian nhà, hai gian bếp, một cái gara, một cái tháp năm tầng cao vút giữa vườn, một cái chòi nghỉ mát lộng gió giữa ao.

20-16-02_dsc_0675
Ngôi tháp và nhà nghỉ giữa hồ của ông Thước

“Mổ con gà tịt đẻ ra toàn là mỡ choán hết khoang bụng. Người béo cũng thế. Mỡ sẽ chèn ép, hạn chế hoạt động của các cơ quan nội tạng. Kém vận động sẽ yếu dần. Ăn lắm mà không thể giải phóng được năng lượng sẽ phát sinh bệnh”, lời nôm na của một lão nông.

Bữa ăn của ông toàn những thứ đặc sản cây nhà lá vườn như cá, như gà, như ngan vịt nuôi bằng thóc sạch. Gần như mùa nào thức ăn, người làm đổi món liên tục cho chủ nhân nhưng rau dưa lại rất ít. Món rau duy nhất tôi thấy hôm đó là mấy lát măng trong bát xáo ngan.

Khác với những dân tộc du mục, săn bắn hay ăn thịt, dân tộc Việt phát triển dựa trên văn minh lúa nước với cơ cấu bữa ăn là cơm, rau, cá thịt. “Người sống về gạo, cá bạo về nước”. “Cơm tẻ mẹ ruột”. “Ăn cơm không rau như nhà giàu chết không kèn trống”… Trong đó thịt cá chỉ là thứ yếu: “Thịt cá là hoa, tương cà là gia bản”. Cơ cấu bữa ăn ấy ở nông thôn ngày nay đang theo chiều hướng ngược lại.

Người nghèo cũng phải xúc thóc

Dù còn khá chật vật về kinh tế nhưng ước đến 30% dân xã Tam Cường mua máy sục ozone về sục thực phẩm hay mua máy lọc nước để loại bỏ chất độc đi. Đi khắp các miền quê đều có thể thấy cảnh bán các mặt hàng này giống như một trò ảo thuật.

Người bán cho miếng thịt lợn vào cái máy sục ozone một lúc rồi lấy đũa hớt hớt chất keo đen xì đang phôi ra mỗi lúc một nhiều, lềnh phềnh trên mặt nước: “Chất độc đấy, hóc môn tăng trưởng đấy!”. Anh nói rồi giơ cái bật lửa đốt. Hơ mãi cái khối đen xì rất khả nghi đó vẫn không cháy mà chỉ keo bết lại.

Người nông dân xúc năm tạ đến cả tấn thóc trong hòm, trong cót đi đổi những cái máy rất lờ mờ công dụng đó về với bộ mặt hớn hở.

20-16-02_dsc_7435
Bữa ăn của một nhà nghèo

Thế là từ đó ở Tam Cường hình thành nên một thói quen thịt lợn phải sục ozone. Nhiều nhà cẩn thận không chỉ sục mà phải luộc sơ qua thịt, đổ bỏ nước váng đi rồi mới đem vào chế biến. Người dân ở đây cũng hình thành nên thói quen mới là trước khi đun nước phải qua lọc, dù có là nước mưa rót từ trời xuống đi chăng nữa.

Nhà bà Nguyễn Thị Hà ở khu 3 Tự Cường mới mua một cái máy lọc nước như vậy còn máy sục ozone thì bà thích lắm nhưng chưa gom đủ thóc để mua. “Chúng tôi giờ đây cũng hạn chế ăn thịt lợn lắm mà chỉ chuộng những sản phẩm tự nhiên như tằm ăn lá săn, nhộng tằm mà thôi…”, bà nói.

Người nông dân giờ đây nhìn các thứ thực phẩm mua ngoài chợ về với ánh mắt rụt rè, đa nghi và sợ hãi hệt như con chuột đứng trước miếng… bả. Sợ nhưng vẫn phải ăn. Mà đã ăn vào càng nghĩ lại càng thấy sợ. Chẳng biết bao giờ bệnh tật kéo tới gõ cửa nhà mình?

Nông thôn bây giờ đang… được mùa ung thư. Làng nào cũng là làng ung thư. Xóm nào cũng là xóm ung thư. Dự mười đám ma bây giờ tôi thấy ít nhất có ba bốn mạng ra đi vì dính ung thư. Thuần nông, vùng sâu vùng xa như Tam Cường mà ung thư vẫn còn giơ bàn tay nháp nhúa quơ đi mỗi năm hàng chục mạng.

Chị Hoàng Thị Thảo người làng Phú Cường năm 2008 bỗng dưng nổi vài cái hạch ở cổ, đi khám bác sĩ phán: “Ung thư hạch, về chuẩn bị 52 triệu để xạ trị”. Số tiền nghe còn choáng váng hơn cả việc bản thân mình mắc ung thư. Cả gia tài lúc đó của chị không có gì lớn bằng con trâu mới mua đang chửa trị giá 4,1 triệu. Phải dắt nó đi lò mổ lòng chị đau như cắt.


Chị Thảo chỉ vết ung thư hạch

Bước chân trâu đã nặng, bước chân người còn nặng hơn. Kể lể hoàn cảnh mãi với anh ba toa người ta mới đồng ý mua con vật với giá 4 triệu. Nhưng để xạ trị được phải mất hơn mười con trâu. Thế là một cuộc họp chớp nhoáng giữa hai họ. Dốc cho khánh kiệt vốn cả đôi bên chị mới vay đủ tiền.

Năm 2014, chồng chị Thảo mắc chứng đau dạ dày. Tưởng chỉ thoáng qua nhưng bệnh ung thư giai đoạn cuối đã nhanh chóng đốn ngã một thợ xây có nghề như anh trong khi tóc trên đầu người vợ vẫn chưa mọc nổi sau những đợt xạ trị triền miên. Chỉ trong vòng bốn tháng, cái chết vì ung thư đã diễu qua, diễu lại tới bốn lần khu xóm nhà chị Thảo chứ chưa kể đến phạm vi làng, phạm vi xã.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dông lốc ở Lào Cai gây thiệt hại gần 3 tỷ đồng

Các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng gây thiệt hại lớn tài sản người dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm