| Hotline: 0983.970.780

Buồn, vui bữa ăn quê: Những bữa cơm chan bằng nước mắt

Thứ Hai 28/09/2015 , 09:50 (GMT+7)

Kinh tế đi lên, bữa cơm gia đình bị xem nhẹ, tệ ăn uống lan tràn khiến cho bệnh tật đua nhau phát sinh, gia đình truyền thống đứng trước nguy cơ tan rã…

Cổ nhân có câu: “Có thực mới vực được đạo”. Chuyện ăn từng quan trọng tới mức: “Trời đánh còn tránh bữa ăn”. Từng được ghép trong mọi hoạt động như ăn uống, ăn mặc, ăn học, ăn nói, ăn ở, ăn chơi, ăn nằm… 

Một bát, một nồi, một siêu nước trắng

Hôm nay bà lão Đinh Thị Viện (thôn Đồng Rồi, La Sơn, Bình Lục, Hà Nam) có bữa ăn tươm với món mặn là vài con cá rô phi nhỏ bằng hai đầu ngón tay kho nhừ. Run run tay bà gắp con cá vào bát, và một miếng cơm, nhón một miếng cá. Ai ngờ con cá chỉ bé bằng cái lỗ mũi bà đã cẩn thận quấn rơm quanh nồi om mãi mà vẫn chưa nục xương.


Bữa ăn của cụ Viện

Khỏe răng thì không sao nhưng với một người móm, cái xương con con cũng là một tai họa. Khom gập người lại vì hóc xương, miếng cá trong miệng cứ chực nhả ra lại cố nuốt. Chẳng gì cũng cả tuần nay bà mới biết đến mùi cá khi bỏ bốn ngàn bạc ra mua mớ cá chỉ dành cho mèo.

Chồng khuất núi đã gần chục năm, 83 tuổi bà từ lâu ở riêng, ăn riêng một nồi, một bát. Một mái nhà nhỏ bé, dột nát tựa cái chuồng trâu bám víu chông chênh trên mặt đất với cảnh cửa ra vào được vá víu bằng vô số mảnh nylon nhưng vẫn thủng thông thống mặc mưa gió lùa. Đồ đạc chẳng có gì đáng giá ngoài cái nồi cơm điện con con của Tàu.

Nhà có 3,5 sào ruộng nhưng tuổi già, sức yếu bà chẳng còn cấy được nên để cho người ta cấy lấy tổng cộng 70kg thóc mỗi vụ. Thủa đầu thóc gạo có giá người cấy còn mặn mà, giờ đây lương thực rẻ mạt, cân lúa chưa nổi 6.000đ nài nỉ mãi mới không phải bỏ ruộng hoang...

Bà có một đàn con sáu đứa. Năm đứa con gái lấy chồng xa đều túng thiếu, đến giỗ bố hàng năm cũng chẳng mấy khi về mà chỉ gửi một hai trăm ngàn gọi là góp cỗ. Đứa con trai ở sát vách cũng có nhà cửa đàng hoàng nhưng rượu chè liên miên chẳng giúp đỡ được gì mấy.

Tóm lại kinh tế của bà phụ thuộc hoàn toàn vào 180.000đ/tháng tiền trợ cấp người già trên 80 tuổi từ ba năm nay. Chỉ vì 180.000đ/tháng này mà bà không được quyền nằm trong danh sách hộ nghèo nữa. Chị con dâu bà đôi lần con cón ra xã thắc mắc thì được cán bộ phụ trách bảo cứ ai được trợ cấp 180.000đ là cắt hộ nghèo. Đồng Rồi có 185 hộ dân năm rồi thôn bình xét lên một danh sách 33 hộ nghèo đến xã gạch đi gần hết chỉ còn vỏn vẹn 11 hộ (chủ yếu là đối tượng tàn tật).

Chính vì chuyện này mà trưởng thôn Nguyễn Văn Chiên suốt cả tháng sau đó liên tục nghe… chửi. Họ cứ nhè vào lúc buổi tối, khi cả nhà anh đang quây quần bên mâm cơm đầm ấm mà chửi. Chửi ra rả. Chửi liên hoàn.

Chửi bạt ngàn cho sướng mồm rằng: “Mày thù tao nên mới gạt ra khỏi danh sách”. “Mày ăn ở không công bằng nên mới loại tao ra khỏi diện nghèo”. Nhiều bữa “ăn” chửi no, bát cơm bưng lên miệng rồi lại đặt xuống. Anh Chiên bảo vợ chồng mình nuôi ba đứa con ăn học cũng tướt bượt cả mồ hôi nữa là chứ đâu dám xa rời quần chúng.

Lúc trước khi chưa quàng vào thân cái chức vác tù và hàng tổng anh còn làm thêm thợ nề, thợ vữa kiếm đồng ra, đồng vào còn nay như bị bó tay bó chân, cả nhà chỉ trông vào mấy sào ruộng và phụ cấp trưởng thôn mỗi tháng được 920.000đ. Thu nhập nhà anh còn thấp hơn cả hộ nghèo nhưng chẳng lẽ trưởng thôn lại nghèo thì còn bảo ban được ai nữa?

Với 180.000đ bà Viện chi tiêu được những gì? Tiền điện mất 30.000đ còn lại là tiền thuốc, tiền thức ăn. Tôi hỏi bà ăn thế nào thì bà bảo: “Thịt có khi cả tháng một lần, đậu, trứng thì dăm mười ngày có một bữa. Lúc con cho, lúc tôi tự mua”. Nghe đến đoạn đó, người con dâu đang ở ngoài sân nói sấn sổ: “Bà thì có bao giờ mua thức ăn?”.

14-31-22_dsc_0627
Gia cảnh của cụ Viện

Đầu bà lão cúi thấp xuống, giọng lí nhí hơn: “Tôi chẳng mới mua mớ cá là gì?”. Bữa ăn hàng ngày của bà chủ yếu là cơm và rau. Sáng quấy quá ít cơm nguội hoặc gói mì, trưa nấu dôi một tí để dành đến bữa tối. Cỗ trong làng, ngoài xóm đám con cháu đến tận nhà mời bà đều lấy cớ tuổi già, sức yếu hay bị nghẹn nhưng thực ra là không có tiền mừng.

Ông Nguyễn Ánh Kính, 75 tuổi, ở riêng trong một căn lều rộng chừng 7-8 m2 tự xây cạnh hai cái nhà của hai người con trai. Bầu bạn với ông là cái đài nhỏ cứ ra rả suốt ngày. Lắm lúc ông cũng chẳng để ý nó đang phát ra tin tức gì mà chỉ để nhà cho có chút tiếng người, dù là người máy.

Ông Kính có ba người con nhưng chẳng ở được với đứa nào còn ruộng đất có 1,7 sào cho người khác cấy lấy chút thóc dưỡng già. Bữa ăn của ông gồm một cái bát con cơm, một cái đĩa nhỏ đựng mướp xào. Chưa đến 80 tuổi nên ông chưa nhận được 180.000đ/tháng hỗ trợ như bà Viện, kinh tế có phần xem ra còn hạn hẹp hơn.

“Trước phải ăn độn, một hạt cơm cõng mấy hạt ngô, mấy lát khoai lát sắn rất khổ giờ đến con chó cơm trắng không có thịt cá là nó không ăn”. Lời một người giàu trong làng.

Ông bảo: Không phải tôi không thích ăn thịt nhưng vì không có tiền nên có khi cả tháng mới được một lần còn các loại thức ăn mặn khác khoảng mươi, mười lăm ngày một bữa. Hàng ngày cứ rau, canh, muối vừng, mắm tép thế thôi! Năm ngoái ông Kính còn thuộc diện hộ nghèo, được cấp cái thẻ bảo hiểm y tế, cuối năm được cho mấy cân gạo với lại 100.000đ tiền ăn Tết nhưng năm nay thì không.

Tôi hỏi sao ông không kiến nghị chuyện vô lý đó thì ông cười hiền: Thằng Chiên trưởng thôn là bậc cháu, mình già rồi chẳng nhẽ lại còn chấp nhặt đến nhà nó mà chửi nữa hay sao?

Khoảng 50% người già thiếu dinh dưỡng

Tuy còn nghèo nhưng trẻ con ở nông thôn giờ đây được chăm sóc tốt hơn xưa nhiều, chỉ 14,2% trẻ La Sơn bị suy dinh dưỡng. Người già thì ngược lại, chăm sóc kém, cô đơn, bệnh tật bủa vây. Ông Nguyễn Ngọc Thạch - Chủ tịch Hội người cao tuổi xã La Sơn khẳng định trong 993 người cao tuổi của địa phương mình chỉ có chừng vài chục người còn sống cảnh tam tứ đại đồng đường còn đa số ăn riêng, ở riêng.

Ông phân tích: Tình cảm phải xuất phát từ hai phía. Nhiều con cháu vi phạm Luật người cao tuổi khi lơ là chăm sóc bố mẹ đã đành còn phía các cụ cũng có nhiều người khó tính. Một già một trẻ bằng nhau là gì? Hiện nay trong xã tôi ước khoảng 50% các cụ bị thiếu dinh dưỡng (phần vì bệnh tật không ăn được, phần vì không có đầy đủ để mà ăn).

Trước làm nông ông bà cơm nước, trông cháu, giữ nhà. Giờ trẻ lên ba đã đi mẫu giáo, người lớn còn trong độ tuổi thì đi làm biền biệt, cánh già bỗng thành thừa thãi. Thức ăn nguội. Nồi cơm nguội. Tình cảm cũng nguội lạnh theo. Nhiều người nấu một bữa ăn hai ba bữa, có khi rau hấp bên trên nồi cơm để đỡ phải nấu thành hai nồi.

Những tấm thân còng lủi thủi vào ra trong những xó nhà xiêu vẹo bữa no, bữa đói. Cái đói không chỉ vật chất từ dạ dày mà từ cả trái tim, đói tinh thần. Nếu mà người bạn đời của họ mất đi nữa thì phần đa còn bị khủng hoảng tư tưởng.

Tối đó, tôi ngủ ở Đồng Rồi. Nửa đêm bất chợt gặp một cơn mưa dai dẳng. Tiếng mưa gõ trên mái tôn nghe lộp bộp, tiếng mưa gõ trên mái ngói nghe loong coong, tiếng mưa trượt dài trên tàu cau, tài chuối nghe rỉ rách.

Cố dỗ dành giấc ngủ thì tang tảng sáng tiếng khóc cha “Ơi hỡi, ơi hời” từ làng bên, khác huyện vọng lại. Tiếng khóc lên bổng, xuống trầm. Tiếng khóc có vần, có điệu. Tiếng khóc phát ra từ máy móc chứ không phải tiếng con người. Ngoài trời vẫn mưa triền miên, bất tận một vùng mịt mù sương khói.

Xem thêm
Long trọng kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày 17/4, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Bộ NN-PTNT đứng đầu về chỉ số cải cách công vụ

Với số điểm đạt 94,4%, Bộ NN-PTNT đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ về chỉ số cải cách chế độ công vụ trong bảng xếp hạng PAR Index 2023.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, tỉnh Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động nhằm giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn và tăng cường tình đoàn kết.