| Hotline: 0983.970.780

Buồn, vui bữa ăn quê: Rượu 'uống' người

Thứ Ba 29/09/2015 , 07:35 (GMT+7)

Một thanh niên đầu bù, tóc rối đạp xe chệch choạc trên con đường làng. Hai bánh xe đảo như người lên đồng, hết xiên mép đường bên trái rồi xẹo mép đường bên phải./ Những bữa cơm chan bằng nước mắt

Thây kệ, một tay anh bám hờ vào ghi đông, một tay cầm cái túi nylon rượu mới mua. Cứ thế, anh cắn thủng một góc túi, dốc ngược lên cổ mà mút.

Ngập trong rượu

Người say đó chính là Bí thư Chi đoàn thôn Đồng Rồi (xã La Sơn, huyện Bình Lục, Hà Nam). Ruộng đồng bỏ bê, vợ con phó mặc, suốt ngày anh đánh bạn với chai, với hũ. Xểnh cái là có thể ngửa cổ cả nửa lít rượu.

Đến ngay cả những dịp trung thu đi vận động quà bánh cho các cháu thiếu nhi trong làng mà nhiều lúc anh còn nồng nặc mùi rượu, còn xiêu vẹo cả chân tay.

Những khi lên cơn thèm đến cả cái xe đạp rách, chứng minh thư hay chiếc điện thoại di động Bí thư Chi đoàn, anh cũng gá nốt cho bà chủ quán để mà lại lật khật mút túi nylon rượu như người uống đồ giải khát.

“Bình Lục đồng trắng nước trong/ Thóc gạo thì ít rêu rong thì nhiều”. Thôn Đồng Rồi là điển hình cho cái chốn vùng đồng chiêm trũng, nghèo khó ấy.

Làng nhỏ nhưng cũng có tới 3 lò nấu rượu cùng với 4 quán bán rượu. Những thanh niên có chí hướng một chút đã ra đi đến rỗng cả làng.

Cán bộ giờ không biết uống rượu có khi bị cho là kém cái khoản quan hệ, còn dân chúng thì cứ “cán bộ đi trước, làng nước theo sau”.

Hễ có cỗ bàn là họ uống từ sáng đến trưa, từ trưa đến tối mà không có dịp trọng đại nào cũng cứ uống như một thói quen.

Ông Nguyễn Văn Tùng, cựu Trưởng thôn Đồng Rồi, ước tính tỷ lệ đàn ông trong làng biết uống rượu phải cỡ 50-60%, trong đó nghiện, sống không thể thiếu rượu chừng 20-30%.

Trước các cụ “Cơm có bữa, rượu có phiên” nhưng nay khắp các vùng quê đâu đâu cũng thấy cảnh bạ chỗ nào cũng rượu, thời điểm nào cũng rượu.

11-10-31_dsc_4013
Đống vỏ lon sau những trận uống tơi bời

Không phải là những cái chén hạt mít uống để thưởng thức, uống để nâng hương vị cho món ăn nữa mà là ca, là cốc. Nhiều khi chẳng cần phải chai, phải be làm gì cho giảm tốc độ mà cứ dốc ồng ộc ra từ bình, từ ca thậm chí đổ ra chậu thau mà vục bát, vục cốc vào để múc cho tiện.

Đã thế rượu bây giờ nhiều thứ men lung tung, men vi sinh, ủ ngấu rất nhanh, nấu rất được nước nhưng uống vào là đau đầu như búa bổ vì toàn chất độc tồn dư.

Người nghiện ở làng này đến quán ở xóm khác mua, còn người nghiện xóm khác lại đến làng mình để uống. Sở dĩ có nghịch lý này vì nhiều chủ quán không dám bán rượu cho người làng bởi sợ bố mẹ, vợ con họ đến chửi cho váng nhà, còn cánh rượu chè bê tha cũng không muốn cả làng biết mình suốt ngày lê la quán sá.

Xích chân tay vẫn không chừa

Lúc đầu là người uống rượu, còn sau đó là rượu uống người. Nguyễn Văn Mờ (đã đổi tên) ở Đồng Rồi là một người như vậy. Anh có biệt tài uống rượu còn nhanh hơn người khác ngửa cổ dốc nước lã.

Hồi mới đi miền Nam về, Mờ nổi tiếng là một anh trai làng cao to vạm vỡ, sức khỏe có thừa. Thế rồi người vợ trẻ cùng bầy con thơ cũng không thể níu kéo Mờ ra khỏi cơn cuồng cồn, mê rượu.

Người nhà phải liên tục theo dõi anh dạng một kèm một như đội hình bóng đá chỉ trừ mỗi lúc đi vệ sinh tắm rửa. Đến bữa họ mới rót cho anh tiêu chuẩn hai ba chén. Kiểm soát chặt thế nhưng chỉ sểnh ra đình đám, quán sá cái là say khướt.

Anh trai của Mờ bảo với tôi rằng vào những lúc hiếm hoi còn tỉnh, Mờ kể chuyện còn hay hơn đài tiếng nói, trên thông thiên văn, dưới tường địa lý.

Tỉ như đất nước nào có bao như triệu dân, diện tích bao km2, nằm ở châu lục nào là anh vanh vách nằm lòng. Tỉ như nhân hai con số là anh nhẩm ra ngay tắp lự. Mọi thứ hệt như có cái máy tính đặt sẵn ở trong đầu vậy.

Đáng dùng trí thông minh, khả năng ghi nhớ hơn người ấy cùng một sức khỏe hiếm có vào lao động sản xuất giúp vợ, hộ con đằng này Mờ lại phung phí vào nói phét hoặc tính toán xem ngày nào, nhà nào trong làng có giỗ đặc biệt là thành phần bà góa hoặc con côi.

Đã cúng thì phải có chai rượu mà không biết uống thì để không cũng phí. Mờ lý luận. Thế là ma men này lò dò đến từng nhà để đến gạ: “Có rượu cho cháu một chén!”. Mồm nói tay Mờ nhanh nhẹn vớ luôn chai rượu ngửa cổ mà dốc nhanh như thể sợ người khác giật lại.

11-10-31_dsc_8035
Thanh niên nông thôn chí thú làm ăn giờ thành của hiếm

Những hôm làng không có giỗ chạp gì, Mờ lang thang đến các quán. Người không biết thấy anh sà vào cũng mời chơi một tiếng: “Bác xơi với em chén rượu”. “Ừ, thì uống!”. Anh nói như thể phải chiếu cố lắm.

Nuốt tọt chén rượu nhanh như chảo chớp, Mờ lấy tay áo chùi mồm rồi lại ra chỗ khác chờ những lời mời rơi, mời vãi.

Cứ lơ mơ vào là anh thành người cuồng rượu. Càng say lại càng lần mò tìm chất cồn. Hễ lên cơn nghiện dù là có nửa đêm gà gáy đi chăng nữa Mờ vẫn lần vào từng xó, tủ buồng, gầm giường của hàng xóm để tìm rượu.

Có những lần anh còn uống vụng nhầm cả vào chai dấm, mửa ra cả nhà hàng xóm đều ngửi thấy mùi chua.

Lần nào thấy ông em say quá là ông anh cả lại sang với một cái xích trên tay xích Mờ vào cánh cửa rồi đưa cho một cái bô để vệ sinh tại chỗ, một cái ca để không bị chết khát và một cái điếu cày để kìm lại hơi men.

Có những lần Mờ say triền miên cả tuần liền. Đã rượu vào thường nôn nao, ngửi thấy mùi thức ăn chỉ chực muốn nôn ọe nên không thể ăn được thứ gì người nhà đành phải gọi y sĩ đến tiếp nước, tiêm trợ lực, trợ tim.

Họ nịnh người đàn ông trên 50 tuổi thế này: “Ăn một bát cơm thì cho nửa chén rượu, ăn hai bát cơm rót hẳn cho một chén rượu đầy”.

Vậy là trệu trạo nhai lưng bát cơm trộn với nước sôi để nguội. Vậy là hồi tỉnh dần dần. Vì quyết tâm đến thế của gia đình nên Mờ vẫn còn sống được cho đến ngày hôm nay sau bao phen tưởng như mười mươi kề cửa mả.

Nguyễn Văn Nam (đã đổi tên), một tay nghiện rượu làng Đồng Rồi, ốm sắp chết. Đôi mắt anh đã mờ đục như cùi nhãn. Đôi tay anh đã run lên trong cơn mê man bất tỉnh của tinh thần.

Cái chết lạnh lẽo cứ thế bò dần, lan dần từ đầu ngón chân lên bàn chân, bụng chân rồi đùi. Phần thân dưới của anh cứng quèo như một khúc củi khiến người nhà phải dùng khăn tẩm rượu để bóp cho mềm trở lại.

Thốt nhiên mắt anh bỗng le lói chút ánh sáng. Hai cánh mũi thoáng một chút phập phồng. Anh đã tỉnh lại trong chốc lát rồi mới chịu “đi” hẳn khi ngửi thấy mùi cồn quen thuộc của vài chục năm ngắn ngủi làm người trên dương thế.

 

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cầu Trần Hoàng Na phục vụ lưu thông từ ngày 26/4

Từ ngày 26/4, cầu Trần Hoàng Na, bắc qua sông Cần Thơ chính thức đưa vào khai thác sử dụng, phục vụ nhu cầu lưu thông cho người dân.

Bình luận mới nhất