| Hotline: 0983.970.780

Buồn vui đám cưới quê: Đám cưới... 870 ngàn đồng

Thứ Sáu 06/11/2015 , 07:00 (GMT+7)

Bên cạnh những đám cưới rềnh rang, lãng phí, nhiều hủ tục... thì ở nhiều địa phương đã xuất hiện những đám cưới văn minh. Câu chuyện ở xã biển Ngư Lộc (huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) là một ví dụ./ Một đám cưới ngốn cả tấn thịt

Ban tổ chức đám cưới chỉ có bốn đến năm người, được giao cho đoàn viên Đoàn Thanh niên xã phụ trách. Trăm thứ việc từ trang trí hội trường, đón khách, MC, trà nước, bảo đảm an ninh trật tự… đều đến tay nhưng người nào người nấy rạng ngời niềm vinh dự và hạnh phúc khi được làm công việc mà họ thấy ý nghĩa - đó là làm “ông Tơ, bà Nguyệt”.

Tiết kiệm nhưng vẫn đầy đủ

Trước những năm 1990 - 1991, việc tổ chức hôn lễ cho các cặp đôi ở xã Ngư Lộc trở nên “nóng” hôi hổi. Gia đình nào muốn làm đầy đủ thủ tục thì phải có đất rộng, nhiều tiền mới có thể tổ chức được, trong khi đời sống người dân nơi đây 100% dựa vào biển xanh, cát trắng.

Anh Phạm Văn Cường, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Ngư Lộc, bảo rằng, đám cưới truyền thống không chỉ rườm rà mà còn rất tốn kém và khó kiểm soát an ninh trật tự.

Theo đó, lễ cưới muốn hoàn chỉnh phải mất 4 - 5 ngày, gồm ngày thứ nhất dựng rạp, nạp tài; ngày thứ hai tổ chức ăn uống hai bên gia đình; ngày thứ ba rước dâu và ngày cuối dỡ rạp. Tính sơ sơ gia chủ phải tổ chức 6 bận ăn chính và 3 bận ăn phụ, cộng thêm chi phí trang trí, loa máy, đàn sáo, MC... cũng hết tầm 30 -40 triệu đồng, còn tại thời điểm hiện nay số tiền đó phải ngốn 60-70 triệu đồng.

“Phòng cưới văn hóa thanh niên - tên gọi của đám cưới siêu tiết kiệm, khai sinh nhằm mục đích giảm áp lực cho các bạn trẻ sau khi lập gia đình. Các thủ tục cưới hỏi được rút gọn, loại bỏ những thủ tục rườm rà, tốn kém mà vẫn phù hợp với truyền thống của làng xã”, anh Cường nói.

Để được duyệt vào danh sách tổ chức cưới tiết kiệm, sau khi cô dâu, chú rể hoàn tất thủ tục đăng ký kết hôn, cán bộ tư pháp xã sẽ viết một giấy giới thiệu gửi cho Đoàn Thanh niên xã. Sau khi Đoàn Thanh niên xã tiếp nhận đăng ký thì yêu cầu hai bên gia đình ký vào biên bản cam kết thông qua nội dung phòng cưới, gồm: thời gian tổ chức; hình thức tổ chức; quy định công tác đón dâu; đảm bảo ANTT...

“Hơn 25 năm nay chúng tôi đã tổ chức tiệc cưới cho hàng nghìn đôi uyên ương. Bình quân mỗi năm từ 70-80 cặp, cá biệt như năm 2012 con số này lên đến 108 cặp. Nhiều hôm “tốt ngày” có tới 10 đám cưới, cả xã vui như hội nhưng Ban tổ chức thì quay như chong chóng, anh em mồ hôi nhễ nhại”, anh Trần Văn Công, Phó Bí thư đoàn xã kể lại trong niềm phấn khởi.

Xã Ngư Lộc hiện là xã có tỉ lệ dân số đông nhất Việt Nam. Toàn xã có 0,46 km2 nhưng có tới hơn 18 nghìn dân sinh sống, tương đương 50 nghìn người/km2, gấp 150 lần so với mức trung bình ở Việt Nam. Năm 2014 và 9 tháng đầu năm 2015 Đoàn Thanh niên xã đã tổ chức làm đám cưới cho 118 cặp (trong đó, năm 2014 có 86 đôi).

Mỗi đám cưới gói gọn trong 870 nghìn đồng nhưng hội trường vẫn đầy đủ thủ tục với phông màn, loa máy, đàn sáo, MC, rượu xâm panh, bánh gato, kẹo, nước...

Còn các tiết mục ca vũ thì do anh em, bạn bè cô dâu, chú rể phối hợp Ban tổ chức chuẩn bị theo kiểu “cây nhà lá vườn”. Sau khi rước dâu từ nhà gái, cô dâu, chú rể cùng hai bên gia đình đến tại phòng cưới, hôn lễ được tổ chức nhanh chóng trong vòng một tiếng đồng hồ và kết thúc tiệc thân mật giữa hai họ tại nhà trai.

Chia sẻ về những khó khăn khi áp dụng mô hình đám cưới tiết kiệm, anh Phạm Văn Cường cho hay, những năm đầu triển khai do chưa có kinh nghiệm nên một số người dẫn chương trình đám cưới như tổ chức đại hội đoàn. Phát biểu kiểu đồng chí khiến những người ngồi dưới cười ồ nhưng ai ai cũng thông cảm, động viên, chia sẻ.

“Tuy nhiên khó khăn lớn nhất phải kể đến là thay đổi tư duy, suy nghĩ của các bạn trẻ. Phần lớn người dân vẫn quan niệm, hôn nhân là việc hệ trọng cả đời người nên gia đình nào cũng muốn tổ chức thật to, thật hoành tráng. Có người thì bảo cưới xin là việc gia đình, sao có thể giao cho chính quyền tổ chức mà lại làm kiểu tiết kiệm nữa.

 Vì thế cán bộ đoàn phải đi tiên phong. Gia đình cán bộ xã, hay những hộ có vai vế nếu có ai sắp làm đám cưới đều được vận động ra phòng cưới văn hóa xã làm mẫu. Dần dần, khi thấy đám cưới tổ chức tại phòng cưới văn hóa gọn nhẹ, vui tươi, đầm ấm, lại tiết kiệm chi phí nên nhà nhà noi gương thực hiện”, anh Cường nhấn mạnh.

Hạnh phúc

Kết hôn với nhau đã 14 năm nhưng vợ chồng anh Đặng Văn Hải (SN 1976), chị Nguyễn Thị Thông (SN 1980), ở thôn Nam Vương “cơm vẫn lành, canh vẫn ngọt” như những ngày đầu mới cưới.

13-37-45_2
14 năm nay vợ chồng anh Hải, chị Thông sống hạnh phúc bên hai đứa con

Anh Lê Văn Trung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn Thanh Hóa, cho biết: Từ các chỉ thị, thông tư, quy định của Trung ương, tỉnh Thanh Hóa, năm 2005 Tỉnh đoàn phát động cuộc vận động cưới theo nếp sống mới trong thanh niên theo hình thức tiết kiệm, không kéo dài.
Kết quả sau hơn 10 năm triển khai, đến nay nhiều cơ sở đoàn thực hiện rất tốt cuộc vận động này, trong đó đi đầu là huyện đoàn Hậu Lộc; Quảng Xương, Như Thanh, Thiệu Hóa…

Ngày vợ chồng anh Hải tổ chức hôn lễ (22/12/2011 âm lịch), Ban tổ chức đoàn xã còn làm chủ hôn cho 9 cặp đôi nữa. “Năm đó nhà tôi nghèo lắm, nếu tổ chức theo phong tục truyền thống chắc bây giờ chưa trả được hết nợ.

Cũng may có “dịch vụ” phòng cưới nên tôi chỉ phải đóng 320 nghìn đồng là hoàn tất hôn lễ. Nghĩ cho cùng cũng thương vợ nhưng cố ấy bảo hạnh phúc không phải tổ chức một tiệc cưới hoành tráng mà phải tiết kiệm để lo cho cuộc sống về sau nên tôi cũng đỡ áy náy”, anh Hải nhớ lại.

Ngồi bên cạnh chồng, chị Thông tiếp lời: “Đám cưới chỉ mấy trăm nghìn bạc nhưng ấm cúng vô cùng. Tôi nghĩ những thứ xa xỉ không làm nên miếng cơm manh áo nên tổ chức cưới càng tiết kiệm càng tốt tránh để xảy ra tình trạng vợ chồng cưới xong lại kéo cày trả nợ”. Sau lễ cưới vợ chồng anh Hải tiết kiệm được hơn 6 triệu đồng, hỗ trợ bố mẹ nuôi em gái học đại học.

Cách thôn Nam Vương không xa, cặp đôi Nguyễn Văn Tuyên và Trịnh Thị Thùy đều là con của những gia đình khá giả trong xã, hoàn toàn có điều kiện để tổ chức một tiệc cưới linh đình. Tuy nhiên, phát huy nếp sống văn hóa trong việc cưới của xã nên chú rể, cô dâu cũng đăng ký tổ chức tại phòng cưới thanh niên vào ngày 10/9/2014.

Ngoài các đối tượng là nam thanh nữ tú trong xã, phòng cưới của Đoàn Thanh niên Ngư Lộc còn tổ chức cho cả những cặp đôi ở các địa phương khác nếu có nhu cầu. Anh Nguyễn Văn Đức, xã Hưng Lộc và chị Lê Thị Tuyết Mai, ở Hà Nội đều đi làm ăn xa. Tình cảm nảy sinh, hai người quyết định tiến đến hôn nhân nhưng việc tổ chức như thế nào lại là một vấn đề nan giải. Sau anh Đức nhớ lại một lần đi dự đám cưới siêu tiết kiệm ở xã Ngư Lộc vừa thoải mái vừa hợp lý nên đăng ký với Đoàn Thanh niên tổ chức vào ngày 21/6/2015.

“Nói thật, nếu phải đi đón dâu ở Hà Nội rồi về làm lễ, tiệc tùng ăn uống trong ngày luôn chắc vợ chồng tôi không gượng nổi. May có phòng cưới của Đoàn Thanh niên mọi việc mới hoàn tất suôn sẻ, tiết kiệm như vậy”, anh Đức cảm động nhớ lại.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Ký kết giao ước thi đua ngành nông nghiệp các tỉnh, thành vùng ĐBSCL

Hội nghị nhằm tiếp tục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đẩy mạnh phong trào thi đua vùng ĐBSCL năm 2024.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Sáng 29/3, giông lốc cuốn bay nhiều mái nhà, 1 người phải đi cấp cứu

LÀO CAI Giông lốc, mưa đá vào rạng sáng nay đã gây thiệt hại tài sản của người dân trên địa bàn huyện Bát Xát.

Bình luận mới nhất