| Hotline: 0983.970.780

Buồn vui đám cưới quê: Nợ miệng, hỗn chiến

Thứ Tư 04/11/2015 , 07:35 (GMT+7)

Khác hẳn ngày xưa, đám cưới bây giờ chính là sĩ diện của gia đình, không có tiền thì bán lúa, bán bò, không nữa thì vay mượn để đám cưới được rình rang.../ Nặng nề thách cưới

Cách đây vài chục năm, đám cưới ở quê tôi (Bình Định) nhẹ nhàng lắm. Cưới vợ cho con, gả con gái có chồng, khả năng của gia đình có bao nhiêu làm bấy nhiêu.

Có đám chỉ dọn vài bàn tiếp hai họ, mục tiêu là đôi bạn trẻ nên vợ nên chồng. Bây giờ thì khác quá rồi, đám cưới chính là sĩ diện của gia đình, không có tiền thì bán lúa, bán bò, không nữa thì vay mượn để đám cưới được rình rang...

Trả nợ miệng

Chẳng nói đâu xa, bạn tôi, anh Nguyễn Thiệt (SN 1959) ở phường Bình Định, TX An Nhơn (Bình Định) vừa gả con gái thứ có chồng.

Thiệt sống rất lạc quan, việc gì khó mấy cũng không ngại, khi làm không một lời than thở. Thế nhưng trước đám cưới con gái khoảng 1 tháng, tôi thấy Thiệt phờ phạc hẳn ra.

Tôi hỏi chuyện, Thiệt lắc đầu: “Khổ trăm bề ông ơi. Đám cưới trăm thứ chuyện, chuyện nhỏ cũng tốn tiền, chuyện lớn càng tốn tiền.

Bà xã tôi bảo làm tiết kiệm lại, nhưng tiết kiệm làm sao được, mấy năm nay đi ăn cưới nhà người ta, đám nào cũng rình rang, giờ mình làm úi xùi thì xấu mặt quá. Với lại, làm úi xùi con gái mình mất mặt với bạn bè. Thôi đành không có thì vay mượn!”.

Thiệt làm bảo vệ cho doanh nghiệp tư nhân, lương tháng vài ba triệu đồng. Vợ làm nghề bánh tráng, kiếm thêm ngày 5-7 chục ngàn, không đủ chữa trị căn bệnh gai cột sống kinh niên. Mấy sào ruộng thì kiếm đủ lúa ăn, chẳng dư dả gì.

“Làm ăn đắp đổi qua ngày, vừa tổ chức đám cưới cho con gái lớn cách đây 2 năm nợ nần chưa trả hết, giờ gả tiếp con em, thiệt tình tôi xây xẩm”, Thiệt bày tỏ.

Đám cưới qua, nghe Thiệt liệt kê những khoản chi, tôi nghe cũng xây xẩm theo. Ở quê bây giờ mọi nhu cầu đều đã có dịch vụ, mình không phải đụng tay đụng chân, nhưng tốn tiền.

Dựng rạp thì khoán theo ngăn, mỗi ngăn 300.000đ. Mỗi ngăn xếp được 6 bàn, tiếp 72 khách (12 khách/bàn). Đám cưới con gái Thiệt làm 5 ngăn rạp, mất 1,5 triệu.

Dịch vụ này kiêm luôn việc nấu tiệc, giá cả tùy khả năng gia chủ, thấp nhất là 150.000đ/suất ăn. Bia bọt gia chủ lo riêng. Nếu đám cưới đặt trên 20 bàn tiệc sẽ được khuyến mãi dàn nhạc.

“Đám cưới con gái nhờ tôi đặt trên 20 bàn tiệc nên được dịch vụ phục vụ miễn phí dàn nhạc. Nếu không phải mất thêm 2 triệu đồng nữa cho chuyện ca nhạc”, Thiệt nói.

Tuy nhiên, theo Thiệt, tốn kém nhất trong đám cưới là chuyện chụp hình ngoại cảnh cô dâu chú rể.

“Chị em trong xưởng may nó làm, khi làm đám cưới ai cũng chụp hình ngoại cảnh. Nó về xin tôi cho chụp hình giống vậy, tôi muốn lắc đầu nhưng lòng không đành. Khi nó xin tiền để trả tôi mới thấy tá hỏa”.

Ngọc Đăng, một người chuyên chụp hình ngoại cảnh cho đám cưới ở thị trấn Bồng Sơn (huyện Hoài Nhơn, Bình Định), cho biết: “Chúng tôi bao trọn gói, từ trang phục, trang điểm đến phương tiện vận chuyển và chụp ảnh. Cô dâu chú rể chọn địa điểm, hoặc do chúng tôi tư vấn, xe đưa đến nơi cả ê kíp của chúng tôi vào việc.

Một bộ ảnh cưới thường phải thực hiện trong 1 ngày. Bộ ảnh cưới lên album rẻ nhất cũng 7 triệu đồng, tùy điều kiện tài chính của cô dâu chú rể, có bộ ảnh cưới lên đến vài chục triệu đồng”.

Ở quê, làm tiệc cưới không chỉ để đãi khách, mà còn là dịp con cháu hai họ nội ngoại tập trung về vui vầy. Do vậy, sau khi tính toán đặt bàn đủ với lượng khách mời rồi, gia chủ còn phải đặt bàn dôi ra để tiếp những vị khách không mời này.

Thường những vị khách này đến trước đám cưới 1 ngày để giúp đỡ gia đình bày biện, về sau đám cưới 1 ngày để phụ dọn dẹp.

Do vậy, ngoài chi phí cho tiệc chính, gia chủ còn tốn không ít tiền cho những khoản chi ngoài lề như đã kể trên. Thiệt tổ chức đám cưới cho con gái xong, tính toán lại bị “âm” mất hơn 50 triệu đồng. Lại phải trả nợ!

Gia chủ làm đám cưới lo lắng về chi phí tiền bạc là tất yếu, mỗi khi trong địa phương có đám cưới là người làng lo cũng không kém.

Thà như trước đây, đến tiệc cưới uống dăm ba ly rượu, tiền mừng cưới có ít một chút cũng không ngại. Bây giờ toàn đãi bia, đi một trăm, trăm rưởi thì áy náy, đi hai ba trăm ngàn thì đứt mất gần 2 ngày công.

Tình làng nghĩa xóm không đi không được. Suy tính thể nào rồi ai cũng chọn phương án để mình khỏi mất thể diện.

Một tháng được mời vài đám cưới đã “toát mồ hôi” rồi, có tháng nhận đến 7-8 thiệp cưới, người được mời choáng váng luôn.

“Tháng 8 âm lịch vừa rồi, qua tháng “cô hồn” (tháng 7 âm lịch) là cưới nhau rầm rộ. Tháng ấy gia đình tôi được mời đến 7 cái đám cưới, có hôm trùng 2-3 đám.

Lo cho có tiền đi đám cưới đã khổ, nhiều khi phải vay mượn họ hàng. Có ngày vợ chồng tôi phải bỏ công bỏ việc thay nhau đi ăn cưới, không đi thì họ trách”, anh Nguyễn Văn Thành ở phường Bình Định (TX An Nhơn), trần tình.

Đám cưới không chỉ có vui

Đám cưới là hỷ sự, ắt phải vui. Nhưng không hẳn vậy, có những tiệc cưới là căn nguyên của những bi kịch.

Bạn tôi, nhạc sĩ Nguyễn Anh Hùng, trước khi về Sài Gòn chơi nhạc cho những sân khấu lớn, anh làm ở Trung tâm Văn hóa huyện.

Làm lính văn hóa lương ba cọc ba đồng, anh chọn chơi nhạc đám cưới làm nghề phụ để kiếm thêm thu nhập. Sau 1 thời gian làm trưởng 1 đội nhạc cưới ở quê, anh mới biết mình chọn nhầm việc.

Dù chơi nhạc cưới nhưng Hùng luôn nghiêm cẩn với âm nhạc, đó là cái mối dẫn dắt tai họa đến với anh. Số là hôm ấy, sau khi đã ngà ngà bia, 1 thanh niên đi dự tiệc cưới đăng ký lên hát. Âm nhạc một đằng, anh ta hát một nẻo.

Hùng cũng có thể chơi nhạc “lượn” theo người hát cho qua chuyện, nhưng không, anh cứ chơi đúng nhạc. Thế là anh “ca sĩ” kia đổ lỗi cho ban nhạc không biết chơi nhạc, liền quậy tung, tạt bia vào cả những thiết bị điện tử khiến chuyến ấy Hùng lỗ chỏng gọng vì âm ly, loa, đàn organ hỏng hết.

Chuyện khác, bạn đồng nghiệp của tôi trước khi sang làm cho tờ báo Trung ương, anh là phóng viên báo tỉnh. Để kiếm thêm thu nhập anh mua cái camera giá 2 cây vàng để quay phim đám cưới.

Một lần làm cho 1 đám cưới ở Quy Nhơn, đang say sưa quay phim, anh phải đóng máy vác chạy không kịp vì người của hai họ xảy ra hỗn chiến.

Anh kể, họ nhà gái ở Phú Yên, hôm họ nhà trai vào rước dâu, họ nhà gái đãi bia Sài Gòn chai. Đến hôm họ nhà gái đưa dâu ra Quy Nhơn, họ nhà trai đãi bia Tiger lon.

Trong lúc tiệc tùng, ông cậu của chú rể bước qua bàn cụng ly với ông chú của cô dâu và nói rằng: “Lên đi, bia Tiger lon uống ngọt lắm chứ không đắng như bia Sài Gòn chai đâu”.

Cảm thấy bị xúc phạm, lại thêm men bia xúi giục, chú cô dâu buông lời đốp chát ngay: “Bia Tiger lon uống khai như nước đái bò chứ ngon lành gì”.

Quên mất mình đang dự họ đám cưới của cháu, ông cậu chú rể liền thượng cẳng chân hạ cẳng tay với ông chú của cô dâu. Bênh nhau, cả 2 họ cùng lao vào hỗn chiến. Bữa tiệc cưới lập tức tan hoang. Cô dâu chú rể chỉ biết đứng khóc ròng rã.

Chuyện mâu thuẫn xảy ra trong những đám cưới thì nhiều, nhưng có lẽ không bi kịch nào đáng tiếc hơn vụ án mạng xảy ra bắt nguồn từ 1 đám cưới diễn ra tại Quy Nhơn (Bình Định).

Trong đám cưới, thanh niên Đặng Trần Minh Tuyền (quê xã Nhơn Hội, Quy Nhơn) ngồi choán chỗ, anh Võ Thái Trong (SN 1992) ở xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước, Bình Định) cũng đi dự đám cưới bước qua không được, nảy sinh mâu thuẫn.

Sau đám cưới, Võ Thái Trong cùng bạn là Trần Văn Thọ đuổi đánh Tuyền. Sẵn hung khí, Tuyền rút dao đâm liên tiếp làm Trong mất mạng tại chỗ, Thọ bị thương nặng phải đưa đi cấp cứu tại bệnh viện tỉnh.

Cha mẹ của Trong không thể ngờ gia đình mình bị mất đứa con trai sau bữa tiệc vui. Nỗi đau này còn ám ảnh những người thân của nạn nhân Võ Thái Trong mãi đến tận giờ.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Bộ NN-PTNT đứng đầu về chỉ số cải cách công vụ

Với số điểm đạt 94,4%, Bộ NN-PTNT đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ về chỉ số cải cách chế độ công vụ trong bảng xếp hạng PAR Index 2023.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hậu Giang được phân bổ 200 tỷ đồng xử lý sạt lở bờ sông

Tỉnh Hậu Giang đang tập trung đẩy nhanh tiến độ hai dự án xử lý sạt lở đất, làm kè chống sạt lở bờ sông với tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng.