| Hotline: 0983.970.780

Buông lỏng phân DAP

Thứ Hai 22/07/2013 , 10:22 (GMT+7)

Từ đầu năm 2013 đến nay, tỉnh Long An đã “trảm” một vài DN SX-KD phân bón kém chất lượng. Trong đó, ít ai biết có “ông lớn” Vinacam bán phân DAP 18-46 kém chất lượng ở 2 huyện Mộc Hóa và Tân Thạnh. Điều đáng nói, phân DAP nhập khẩu không phải vài chục tấn mà là hàng trăm, hàng nghìn tấn...

* "Đại gia" Vinacam cũng bán phân kém chất lượng

Từ đầu năm 2013 đến nay, tỉnh Long An đã “trảm” một vài DN SX-KD phân bón kém chất lượng. Trong đó, ít ai biết có “ông lớn” Vinacam bán phân DAP 18-46 kém chất lượng ở 2 huyện Mộc Hóa và Tân Thạnh. Điều đáng nói, phân DAP nhập khẩu không phải vài chục tấn mà là hàng trăm, hàng nghìn tấn...

Hiện nay, trên thị trường loại phân bón DAP 18-46 hoàn toàn nhập khẩu có xuất xứ chủ yếu từ Hàn Quốc, Philippines, Nga và Trung Quốc. Giá bán trên thị trường đứng cao nhất là DAP của Hàn Quốc khoảng 17 nghìn/kg (850 nghìn/bao 50kg); sau đó Philippines 16 nghìn/kg (800 nghìn/bao), Nga 14 nghìn/kg (700 nghìn/bao) và Trung Quốc 13 nghìn/kg (650 nghìn/bao).

Khác biệt với các loại phân đơn khác, DAP không chỉ có nông dân ưa chuộng mà cả các DN SX-KD phân bón vừa và nhỏ cũng có nhu cầu sử dụng làm nguyên liệu để SX phân NPK 20-20-15 và 16-16-8. Vì vậy, nếu phân DAP kém chất lượng, không chỉ nông dân bị thiệt hại mà vô hình chung các DN mua loại phân này về SX cũng “chết oan” theo.

Nhưng điều đáng nói, từ trước đến nay, trong khi các loại phân bón như hữu cơ vi sinh, bón lá, phân NPK thường xuyên bị ngành chức năng kiểm tra vì nghi ngờ “phân đểu” thì loại phân DAP nhập khẩu gần như “vô can”, hiếm khi thấy các cơ quan chức năng để mắt tới.

Thế nên, mới có chuyện bất ngờ mà ít người biết, đó là vào cuối năm 2012, khi Đội 2 QLTT (xã Bình Hiệp, huyện Mộc Hóa) kiểm tra đại lý Văn Hùng ở ấp Ông Nhan Tây, xã Bình Hiệp lấy 3 mẫu DAP 18-46 của Hàn Quốc (Korea) lô hàng SX ngày 7/9/2012, hết hạn ngày 7/9/2015 do Cty CP Vinacam (28 Mạc Đĩnh Chi, quận 1, TPHCM) nhập khẩu, đóng gói bao bì đi phân tích mẫu tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón vùng Nam bộ (12 Nguyễn Chí Thanh, quận 10, TPHCM) thì phát hiện kém chất lượng.


Đại lý Văn Hùng (xã Bình Hiệp, huyện Mộc Hóa, Long An) - nơi phát hiện bán phân DAP 18-46 của Korea kém chất lượng do Cty CP Vinacam nhập khẩu và phân phối

Tuy nhiên, không chỉ đại lý Văn Hùng mà có cả đại lý Hoàn Hảo ở xã Tân Ninh (huyện Tân Thạnh) bị QLTT lấy mẫu DAP đi phân tích cũng có kết quả tương tự. Cụ thể là tỷ lệ đạm nguyên chất thiếu bình quân 1,5%..

“Ban đầu có kết quả, chúng tôi thông báo cho đại lý nhưng sau đó chỉ thấy đại diện của Cty Vinacam đến làm việc và họ đề nghị phúc tra lại. Sau đó, theo yêu cầu của DN, chúng tôi tiếp tục gửi mẫu đi phân tích tại Trung tâm 3 (Quatest 3 - quận 1, TPHCM) thì kết quả giống như ban đầu.

Cuối cùng, chúng tôi đề nghị UBND tỉnh ra quyết định xử phạt 2 đại lý tổng cộng 80 triệu đồng về hành vi kinh doanh phân bón kém chất lượng đồng thời buộc thu hồi tái chế lại toàn bộ số lượng DAP có trong kho đại lý” - ông Trần Văn Thành, phó Đội 2 QLTT Long An cho biết.

Được biết, tại thời điểm kiểm tra, cả hai đại lý có tổng cộng 200 bao DAP tương đương 10 tấn. Nên nhớ, thông thường một lô hàng phân bón nhập khẩu thường là hàng xá (hàng rời), sau khi nhập về VN thì đơn vị phân phối đóng gói bao bì. Trong trường hợp này, chắc chắn lô hàng phân DAP 18-46 của Cty Vinacam không chỉ bán ở hai đại lý nói trên mà còn nhiều đại lý khác trên toàn vùng ĐBSCL và các tỉnh phía Nam.


Một dây chuyền SX phân bón NPK lúc nào cũng cần có nguyên liệu là phân DAP 18-46

 Như thế, không chỉ có 10 tấn buộc “thu hồi tái chế” mà có thể còn hàng trăm tấn khác đã không bị phát hiện “chạy” ra thị trường bán thoải mái cho nông dân bón ruộng và các DN để SX phân NPK mà không ai biết kiểm tra. Bởi vậy, thiệt hại từ việc phân DAP kém chất lượng là rất lớn.

Vậy nên, câu hỏi đặt ra ở đây là, không lẽ Vinacam chỉ đóng phạt 80 triệu vào Kho bạc Nhà nước tỉnh Long An là phủi xong trách nhiệm? Hơn nữa là một DN lớn, từng tự hào là một nhà nhập khẩu phân bón hàng đầu VN, lẽ ra khi sự việc xảy ra, nếu Vinacam có trách nhiệm với nông dân thì cần “dũng cảm” ban hành một thông báo rộng rãi đề nghị nông dân và các khách hàng không sử dụng lô hàng DAP sản xuất ngày 7/9/2012.

Thế nhưng, trong thực tế thông tin về Vinacam bán phân DAP kém chất lượng hoàn toàn được giấu kín như bưng. Bởi khi chúng tôi hỏi vì sao không xử phạt DN mà lại xử phạt đại lý, ông Thành nói: “Giữa Cty Vinacam và đại lý có hợp đồng cam kết bán hàng đạt chất lượng. Vì vậy, nếu hàng không đạt chất lượng thì căn cứ theo Luật là xử phạt đại lý, còn số tiền nộp là do DN đóng phạt”.

 Chúng tôi hỏi thêm: “Vậy khi biết hàng DAP kém chất lượng qua 2 lần phân tích, QLTT có thông báo cho chính quyền biết nhằm giám sát không?”, ông Thành trả lời: “Chi cục QLTT có gửi email thông báo cho huyện, xã biết để giám sát, nhưng việc chính quyền có thông báo lại cho người dân địa phương để không mua loại phân nói trên thì không thể biết được”.

Xin nói thêm, cùng đợt phúc kiểm với Vinacam còn có các công ty như Cty CP M.K (Hóc Môn, TPHCM), Cty CP phân bón M.X (Bình Chánh, TPHCM) về các loại phân như Mêkông 46 A+, NPCao 16-16-8Cao+TE nhưng đều đạt chất lượng.


Nông dân chở phân DAP nhập khẩu đi bón ruộng

Theo ông Trần Văn Kiệu, một nông dân xã Kiến Bình, huyện Tân Thạnh đang trồng 4 ha lúa, ở vùng ruộng lúa nhiều phèn như tỉnh Đồng Tháp, Long An thì phân DAP là đối tượng được sử dụng thường xuyên nhằm “xử lý” phèn. Mỗi vụ, 1 ha lúa sử dụng ít nhất là 3 bao DAP (150 kg) của Korea hoặc Philippines vì chất lượng tốt, tuy giá có cao hơn mặt hàng DAP của Nga, Trung Quốc...

“Vùng ruộng chúng tôi đều nhiễm phèn, nên bón phân DAP có tác dụng lân tan nhanh, hạ phèn, so với phân lân Văn Điển có chậm hơn. Vì vậy mà không thể không dùng. Tuy nhiên, có những lúc bón DAP thấy cây lúa không phát triển, chúng tôi chỉ nghĩ nguyên nhân chính là do phèn, gây ngộ độc hữu cơ chứ không hề nghĩ là gặp phân DAP kém chất lượng!” - ông Kiệu nói bức xúc.

Một chuyên gia trong ngành phân bón phân tích, trong DAP 18-46 đúng 100% công thức (tức đạm là 18%, lân 46%), nếu chỉ cần thiếu 1,5% đạm nguyên chất thì 1 tấn DAP kém chất lượng sẽ gây thiệt hại cho người dân 310.000 đ/tấn. Còn nếu đem 1 tấn phân DAP dùng nguyên liệu để SX phân NPK 20-20-15 thì sẽ gây thiệt hại là 135.000 đ/tấn. Với các con số thiệt hại về kinh tế cụ thể nêu trên, liệu Cty CP Vinacam có suy nghĩ gì?

Xem thêm
Thủ tướng bổ nhiệm ông Phạm Thanh Bình giữ chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định 303/QĐ-TTg ngày 12/4/2024 bổ nhiệm ông Phạm Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Đông Bắc Á (Bộ Ngoại giao) giữ chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao.

Sản lượng lúa vụ đông xuân 2023 - 2024 ở ĐBSCL đạt hơn 10,8 triệu tấn

Theo kết quả tổng hợp sơ bộ, tổng sản lượng lúa vụ đông xuân 2023 - 2024 ở ĐBSCL ước đạt hơn 10,8 triệu tấn, năng suất đạt trên 7,24 tấn/ha.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Yên Bái xử phạt doanh nghiệp 540 triệu đồng do xả nước thải vượt quy chuẩn

UBND tỉnh Yên Bái vừa ban hành Quyết định số 676 ngày 12/4/2024 về xử phạt vi phạm xả nước thải vượt quy chuẩn với doanh nghiệp chế biến tinh bột sắn xuất khẩu.