| Hotline: 0983.970.780

Cá bổi đất cuối trời

Thứ Bảy 14/02/2015 , 06:12 (GMT+7)

Còn nhỏ theo ba má đi ruộng thấy nguồn cá đồng phong phú, ông rất tự hào. Sau này, khi đã qua gần nửa đời người, ông nhìn nguồn lợi trời cho ngày càng kiệt quệ mà xót xa lòng...

Từ lý do đó, cùng ý nghĩ phát triển kinh tế gia đình và phải làm được gì đó cho địa phương, chú Ba Đức (Lê Minh Đức, ngụ khóm 7, thị trấn Trần Văn Thời, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) đã trở thành người đầu tiên nuôi thành công cá bổi (cá sặc rằn) trên đất Mũi.

Sáng buổi sớm đầu xuân, thời tiết se lạnh, đây là dấu hiệu dễ nhận biết nhất, báo hiệu Tết đã gần đến ở miền đất cuối trời Nam. Chính điều đó nhắc tôi không quên kế hoạch của mình là về huyện Trần Văn Thời tìm hiểu mô hình nuôi cá bổi của chú Ba Đức.

Nghiệp nuôi cá bổi

Khăn gói lên đường, phượt xe 25 km từ TP Cà Mau về huyện Trần Văn Thời, ghé Phòng NN-PTNT huyện xin một vài thông tin tổng quát về tình hình nuôi cá bổi ở địa phương.

Sau những chia sẻ của ông Duy Quốc Tuấn, Trưởng phòng NN-PTNT về tình hình nuôi thủy sản hiện nay và nói về thành công của người khai sáng con đường nuôi cá bổi công nghiệp, tôi thầm mừng trong dạ vì biết rằng, chắc chắn mình sẽ có một chuyến đi như ý.

Theo chân anh cán bộ Phòng NN-PTNT huyện, đến nhà chú Ba Đức trên đường đi tôi kịp hỏi anh thêm vài điều về chú. Điều tôi ấn tượng nhất đến bây giờ vẫn là con người dám nghĩ dám làm, làm từ những điều mình chưa biết. Mặc dù tôi vẫn chưa gặp được chú Ba, mà chỉ nghe các anh đồng nghiệp và vài người khác kể thôi, cũng đã bị cuốn theo bước đường thành công của lão nông này.

Xe dừng lại trước tấm biển lớn “Cơ sở khô bổi Ba Đức”, một người đàn ông trạc ngoài ngũ tuần với gương mặt phúc hậu và nụ cười thân thiện tiến ra hỏi chúng tôi một câu rất chân quê và nghĩa tình: “Bay đi đâu đây?”

Anh Phú dẫn đường cho tôi trả lời: "Dạ! Chú Ba làm mô hình hay quá, hôm nay có phóng viên đến xin chia sẻ kinh nghiệm để viết bài". “Nữa hả! Rùi vào đây, ngồi nhâm nhi ly trà nóng nói chuyện”, chú Ba tiếp lời.

Nhấp ly trà, sau vài câu chào hỏi, tôi nhận ra chú Ba nói chuyện thẳng thắn, chân tình đậm chất miền Tây. Gần gũi, thân mật là cách chú tiếp đón chúng tôi, điều đó tạo ra không gian nói chuyện thoải mái. Đưa mắt nhìn quanh nhà, ra sân đâu đâu cũng là bổi khô đang được đóng thùng chuẩn bị gửi đi tiêu thụ.

Máu nghề nghiệp nổi lên, tôi nhanh chóng vào đề và được chú Ba chia sẻ:“Tui nuôi cá bổi đã được hơn 6 năm, trước khi nuôi cá bổi tui nuôi cá rô đồng. Nhưng con cá rô đồng mất giá và thất thế nên mới nảy ra ý định nuôi cá bổi. Hiện tại thì nuôi đơn giản rùi, nhưng trước đây khi một mình làm khó khăn dữ lắm”.

Theo chú, khi tự phát bắt tay làm một điều gì đó mới mẻ luôn khó khăn, vì mình phải khởi đầu từ nhiều cái không. Không hiểu con cá bổi sống thế nào, không biết ép giống ra sao, không biết thức ăn nào phù hợp, không cách chăm sóc...

Thậm chí lão nông lớn gan này còn cho biết, bạn bè thân thiết thì cản nói đừng làm, con cá bổi sao nuôi công nghiệp được? Nhiều người độc miệng còn mỉa, chắc ổng (ông) bị điên.

Ngồi trầm tư suy nghĩ, hồi tưởng lại cái thời khai sinh, chú Ba kể: "Hồi đó chỉ vô tình thấy vài con cá bổi lẫn vào ao nuôi cá rô, thấy chúng sống được nên tui nảy sinh ý định nuôi. Chính vì nhiều cái không biết ở trên mà tôi nếm “trái đắng” không ít, xíu nữa nản lòng bỏ ngang là mang tiếng điên thiệt (thật)".

Thời gian đầu, chú Ba mua thức ăn công nghiệp cho cá tra về nuôi cá bổi. Cá lớn nhanh hơn nhưng tỷ lệ sống thấp. Cũng may, chỉ lỗ công, không lỗ của. Đến năm 2009, rút ra những thất bại từ những vụ nuôi trước, chú Ba đầu tư nuôi cá bổi với diện tích 1 ha mặt nước.

Năm đó, đánh dấu sự thành công của chú. Và tiếp nối thành công cho đến ngày hôm nay.

Nhân rộng

Chú Ba tâm sự: “Năm đó, cơ bản về kỹ thuật đã vững hết, tui cũng đã chuyển qua dùng thức ăn công nghiệp của cá rô để nuôi cá. Cá lớn nhanh, đạt đầu con, cuối năm lãi được 150 triệu đồng, người dân quanh đây ai cũng ngỡ ngàng. May mắn là cuối cùng cũng đã thành công, chứ hổng được thì tui biết mần sao (làm sao) gột rửa được tiếng khùng điên”.

Ngồi cạnh bên, thím Ba (bà Võ Thị Tiến) tiếp lời ông xã, nói với chúng tôi: "150 triệu hồi đó lớn dữ lắm tụi con ơi, tương đương khoảng 30 cây vàng, lợi nhuận tính ra gấp gần 30 lần làm lúa 1 năm trời đó.

Năm sau còn được nhiều hơn nữa, thu được hơn 1 tỷ, lãi khoảng 700 triệu đồng. Số tiền đó mơ cũng không tới, mà ổng làm được. Năm đó ổng làm ăn thành công nhất".

Kinh tế gia đình chú Ba phất hẳn lên. Chú Ba đầu tư tiền mua thêm 1,3 ha đất ruộng đối diện nhà mình, đưa cơ giới vào cuốc hết lên nuôi cá bổi. Bằng những kinh nghiệm “máu xương”, chú có thành công nối tiếp.

Ông Trần Văn Tuấn, hàng xóm của chú Ba nói về người bạn đã giúp mình rất nhiều trên đường phát triển nuôi cá bổi: "Phẩm chất tốt nhất của Ba Đức là giàu sang không quên bạn bè. Đối với xóm giềng luôn hòa đồng, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệp, giúp đỡ mọi người. Tui phải khâm phục Ba Đức ở việc chịu khó tìm tòi học hỏi, nỗ lực quyết tâm làm, không ngại khó khăn để có ngày hôm nay".

1-c-boi-kho-duoc-nguoi-lm-gi-dinh-chu-b-duc-dong-goi-du-di-si-gon-tieu-thu-3093831811
Cá bổi khô được đóng gói đưa đi TP.HCM tiêu thụ

Theo lời kể của hai vợ chồng người khai sáng đường đi của con cá bổi đất cuối trời, bình quân 3 năm trở lại đây mỗi năm gia đình thu lời hơn tỷ đồng từ mô hình nuôi cá bổi công nghiệp. Trên hơn 2 ha mặt nước, năm nay sản lượng cá ước đạt 30 tấn, gia đình chú Ba đã thu hoạch được 6 tấn cá tươi và đợi cận Tết sẽ tiến hành thu hoạch hết làm khô tiêu thụ.

Bằng quan niệm sống “chớ nản lòng”, chú Ba đã vượt qua tất cả, tiến bước tới thành công. Lão nông cần cù chịu khó đã minh chứng cho mọi người rằng ông không "điên" mà đã đúng, đúng chính từ nhiều cái không biết mà làm được. Thành quả ngày hôm nay ông nhận được là xứng đáng với từng giọt mồ hôi đã đổ ra.

Năm nay giá do cá rớt mạnh, tuy không lời nhiều như mọi năm nhưng theo tính toán của chú thì 1 kg cá lời khoảng 15 ngàn đồng. Cộng với việc gia đình tận dụng nguồn để làm khô tiêu thụ thì lợi nhuận từ con cá bổi của gia đình sẽ không thấp hơn các năm trước.

Tiếng lành đồn xa, thành công của chú Ba nhanh chóng lan khắp vùng, bà con đua nhau học hỏi kinh nghiệm nuôi cá bổi công nghiệp. Sau hơn 6 năm kể từ khi mới khai sinh với diện tích vài ngàn m2, đến nay riêng huyện Trần Văn Thời đã có đến 200 ha nuôi cá sặc bổi.

Không chỉ vậy, quả ngọt, trái thơm chú Ba gặt hái ở mô hình này còn tỏa hương ra các huyện Thới Bình, U Minh, TP Cà Mau... Đến nay tỉnh Cà Mau có diện tích nuôi cá bổi công nghiệp gần 300 ha.

Ghi nhận công lao

Chú Ba có năm người con, hai người con trai đầu đang theo nghiệp của chú, gắn đời mình với con cá bổi, ba người còn lại được chú lo cho ăn học tươm tất. Một cô con gái đã là thạc sĩ chuyên ngành sinh học, hai người còn lại tốt nghiệp đại học kinh tế và làm trong lĩnh vực ngân hàng.

Chú Ba còn khẳng định được tiếng nói của mình trong việc phát triển con cá bổi ở địa phương. Ông Duy Quốc Tuấn, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Trần Văn Thời nói: "Địa phương không ai có thể phủ nhận công lao của anh Ba Đức trong việc nuôi cá bổi công nghiệp. Anh Ba đã góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương và được vinh danh xứng đáng bằng nhiều Bằng khen SXKD giỏi".

Ông Ngô Minh Chiến, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Cà Mau nhận xét: "Tôi đã biết Ba Đức từ cái hồi ông nuôi cá rô, rồi đến khi chuyển qua nuôi cá bổi thì anh em lại càng gần nhau hơn. Tôi nhớ nhất hồi ông mới bắt tay vào làm, chưa biết ép cá giống, nhờ Hội Nông dân giúp, tôi đã thấy được sự quyết tâm, không ngại khó của thằng em.

 Tính Ba Đức làm cái gì cũng kỹ, nhờ vậy mà sản phẩm bổi khô của gia đình được Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng cấp giấy chứng nhận. Có được thành công ngày hôm nay là nghị lực của chính bản thân Ba Đức".

Xem thêm
Thả 4,7 triệu con tôm giống ra biển Gành Hào

Bạc Liêu Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện Lễ hội Nghinh Ông huyện Đông Hải lần thứ XXI năm 2024.

Bộ đội Biên phòng vận động chủ tàu đánh số tạm thời với tàu cá '3 không'

Bà Rịa - Vũng Tàu Trong ngày 9 và 10/4, Đồn Biên phòng Bình Châu đã tổ chức tuyên truyền về phòng, chống khai thác IUU cho các ngư dân trên địa bàn.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm