| Hotline: 0983.970.780

Cá bớp giá thấp, khó bán

Thứ Ba 09/07/2013 , 09:54 (GMT+7)

Do tỷ lệ cá hao hụt cao, thời gian nuôi kéo dài, giá cá thương phẩm lại thấp hơn từ 20-30 ngàn đ/kg so với năm ngoái khiến người nuôi không có lãi.

Chúng tôi về thôn Cát Lợi, xã Vĩnh Lương, TP Nha Trang (Khánh Hòa), một trong những nơi hiện nay đang nuôi nhiều cá bớp, bởi hiệu quả kinh tế mang lại rất cao. Theo ông Nguyễn Phước, phó chủ tịch Hội Nông dân xã Vạn Lương thì hiện nay toàn xã có hàng chục hộ dân nuôi cá bớp trên đầm Nha Phu. Người nuôi ít nhất cũng khoảng 500 con, nuôi nhiều khoảng 3.000 con.

Phong trào nuôi cá bớp trong xã được bắt đầu từ năm 2009, khi Trung ương Hội Nông dân hỗ trợ 600 con giống triển khai nuôi thí điểm trên đầm Nha Phu tại hộ anh Phan Thành Long. Sau hơn 8 tháng thả nuôi, cá đạt trọng lượng từ 5-7 kg/con, bán với giá 100-110 ngàn đ/kg, trừ tất cả chi phí người nuôi lãi hơn 60 triệu đồng.


Anh Trần Văn Dũng cho biết, năm nay người nuôi cá bớp không có lãi mấy do giá cá thấp, chi phí tăng cao

Từ hiệu quả mô hình này, nhiều ngư dân bắt đầu để ý đến đối tượng nuôi mới, sau đó học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau rồi nhân rộng mô hình nuôi cá bớp. Bởi cá bớp dễ nuôi, giá cả ổn định, chi phí thấp cho nên nuôi có lãi cao. 

Nhưng đó là những năm trước, còn năm nay thì ngược lại. Do tỷ lệ cá hao hụt cao, thời gian nuôi kéo dài, giá cá thương phẩm lại thấp, chỉ từ 80-100 ngàn đ/kg (thấp hơn từ 20-30 ngàn đ/kg so với năm ngoái) khiến người nuôi không có lãi.

Như hộ anh Trần Long ở thôn Cát Lợi, thả 1.000 con giống, với giá 27 ngàn đ/con cá giống (thả từ tháng 3 năm ngoái), do cá bị hao hụt cao lại chậm lớn nên chỉ thu được gần 2 tấn, bán với giá từ 80-100 ngàn đ/kg, sau khi trừ chi phí anh chỉ huề vốn.

“Năm nay giá cá bớp rớt, giá thức ăn (cá tạp) lại tăng cao từ 12-14 ngàn đ/kg (gấp đôi so năm ngoái). Hơn nữa, cá tiêu thụ chậm, đến kỳ thu hoạch vẫn không có người mua. Gần 1 tháng nay chưa bán được, mỗi ngày tôi phải mất 3 triệu đồng tiền cá mồi làm thức ăn cho cá bớp”, anh Long nói.

Còn hộ anh Trần Văn Dũng, người cùng thôn cũng vừa mới thu hoạch 400 con cá bớp, bán với giá 90 ngàn đ/kg, trừ chi phí không có lãi. Anh Dũng than vãn: “Thả 800 con nhưng bị hao hụt một nửa, giá bán thấp, trong khi chi phí tăng cao nên làm sao nuôi có lãi”.

Trước tình hình nuôi cá bớp không có lãi như hiện nay, trong khi giá giống hiện hơn 30 ngàn đ/con, khiến nhiều người nuôi e dè. Anh Nguyễn Tấn Duy, vụ thả mới năm nay quyết định chuyển sang nuôi ốc hương chứ không đầu tư nuôi cá bớp.

Anh Duy cho biết, sở dĩ không dám thả nuôi vì hạch toán nuôi thấy lỗ. Bởi theo anh, cứ 8kg cá mồi nuôi được 1kg cá bớp, nhưng với giá cá mồi hiện nay từ 12-14 ngàn đ/kg, thì giá cá bớp phải trên 120.000 đ/kg mới có lãi, nếu không sẽ lỗ, chưa kể chi phí thuê mướn lao động, khấu hao bè lưới…

Ông Phạm Thúc, chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Ích cho biết: Toàn xã có 68 hộ nuôi cá bớp với 1.400 lồng (mỗi lồng nuôi khoảng 100 con). Trước tết giá cá bớp ở mức từ 110-120 ngàn đ/kg, song cá chưa đủ trọng lượng xuất bán. Có một số hộ nuôi trước, cá đạt trọng lượng xuất bán (5-7 kg/con), nhưng lại đợi giá cao hơn, ai dè giá lại càng rớt xuống thấp, khiến thua lỗ.

Được biết, cá bớp được người dân tỉnh Khánh Hòa đưa vào nuôi hơn 6 năm nay, chủ yếu là nuôi lồng trên biển. Cá bớp tiêu thụ chính ở thị trường nội địa. Tại Nha Trang, Công ty Hoàng Hải xuất cá bớp đi Mỹ, kích cỡ 6-8kg/con, nhưng số lượng không lớn. Chính vì vậy, thị trường cá bớp lâu nay vẫn do thương lái thu mua quyết định.

Xem thêm
Gạo ST24, ST25 chưa được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang châu Âu

Vừa qua, xuất hiện thông tin về việc giống gạo ST24 và ST25 đã được ưu đãi thuế xuất khẩu sang thị trường EU. Tuy nhiên, đây là các thông tin chưa chính xác.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm