| Hotline: 0983.970.780

Cả cộng đồng chung tay phòng, chống bệnh dại

Thứ Tư 26/09/2012 , 10:29 (GMT+7)

Tại VN, sau một thời gian giảm đáng kể tỷ lệ mắc và tử vong vì bệnh dại, trong mấy năm gần đây lại có xu hướng tăng trở lại, nhất là ở các tỉnh miền núi và trung du.

Tại VN, sau một thời gian giảm đáng kể tỷ lệ mắc và tử vong vì bệnh dại, trong mấy năm gần đây lại có xu hướng tăng trở lại, nhất là ở các tỉnh miền núi và trung du.

Tại Hội thảo khoa học “Chung tay bảo vệ cộng đồng trước bệnh dại” diễn ra hôm qua 25/9 tại TPHCM, nhiều đại biểu không khỏi giật mình khi biết rằng, trung bình mỗi năm VN có nửa triệu người bị súc vật nghi dại cắn và khoảng 100 người chết vì bệnh dại…

Theo BS.Lê Hoàng San – Phó Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM, bệnh dại là bệnh viêm não và màng não do virus dại gây ra. Đây là một trong những căn bệnh cổ xưa nhất của động vật và có thể lây truyền sang người. Kết quả nghiên cứu trên người cho thấy, bệnh dại có thể xảy ra quanh năm, gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng nhiều nhất là ở trẻ em dưới 15 tuổi (chiếm trên 40%) và hầu hết các trường hợp chết do bệnh dại đều không tiêm vắc xin. Trong số đó, 95 – 97% số ca mắc bệnh là do bị chó nhà cắn hoặc do tiếp xúc với chó ốm, mổ chó; số còn lại do mèo dại cắn.

BS.Nguyễn Ngọc Anh Tuấn – Trưởng phòng Khám bệnh và tiêm ngừa (Viện Pasteur TPHCM) thông tin, bệnh dại giết chết 55.000 người trên thế giới mỗi năm, (trung bình 10 phút có 1 người chết). Tại VN, trung bình mỗi năm có nửa triệu người bị súc vật nghi dại cắn và khoảng 100 người chết vì bệnh dại, chiếm tỷ lệ cao nhất so với các bệnh truyền nhiễm gây dịch ở nước ta. Khó khăn nhất của VN hiện nay là đàn chó nuôi trong cộng đồng quá lớn, khoảng 6 – 8 triệu con. Việc tiêm vắc xin phòng dại cho chó chưa thực hiện được thường xuyên, tỷ lệ chó đã được tiêm vắc xin dại hàng năm đạt quá thấp. Người dân cũng chưa có biện pháp quản lý đàn chó nuôi, chưa giám sát, quản lý được các ổ dịch dại ở động vật (gồm ổ dịch dại lưu hành, ổ dịch dại xâm nhập) nên dịch dại đã lưu hành trên diện rộng, không kiểm soát được.

Đặc biệt, VN thiếu sự đầu tư về con người, kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị để xây dựng hệ thống phòng chống dịch bệnh trên động vật từ tuyến trung ương đến tuyến cơ sở. Vắc xin hầu hết phải NK nên giá thành tương đối cao và đôi khi không chủ động được việc cung cấp vắc xin. Nguy hiểm nhất hiện nay là tỷ lệ tiêm phòng tại các vùng trung du, miền núi đạt tỷ lệ thấp. Đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, tỷ lệ tiêm phòng cực nhỏ hoặc có nơi không tổ chức tiêm phòng bệnh dại cho chó như tại Lai Châu, Điện Biên…

Theo BS.Nguyễn Thị Minh Phượng, khi bị chó cắn cần xử lý vết thương như sau: Đầu tiên phải rửa thật kỹ bằng xà phòng đặc 20%, nước muối 0,9%, bôi sát khuẩn như cồn 70%, dung dịch iode ít nhất 5 phút. Không nên khâu kín vết thương hoặc băng kín. Dùng kháng sinh phòng ngừa nhiễm trùng vết cắn; Nếu cần, dùng huyết thanh kháng độc tố uốn ván. Sau đó đưa ngay đến cơ sở y tế để điều trị.

Tuy nhiên, các chuyên gia y tế đều khẳng định, bệnh dại có thể phòng ngừa được bằng tiêm ngừa vắc xin. Các phương tiện KHKT ngày nay có thể giúp diệt trừ bệnh dại trên toàn cầu. Vấn đề ở đây là con người cần có những hành động cụ thể như thế nào?

Theo BS.Nguyễn Thị Minh Phượng – Viện Pasteur TPHCM, việc quan trọng nhất hiện nay là phải đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân nuôi, buôn bán, giết mổ, vận chuyển, kinh doanh chó, mèo trong từng thôn xóm, xã, phường ký cam kết thực hiện “5 không”: “Không nuôi chó, mèo chưa khai báo với chính quyền địa phương; không nuôi chó, mèo chưa tiêm phòng bệnh dại; không nuôi chó thả rông; không để chó cắn người; không nuôi chó, mèo gây ô nhiễm môi trường”.

Trong công tác phòng ngừa, mấu chốt phải đạt được tỷ lệ tiêm vắc xin phòng dại trên 70% đàn chó trong thời gian liên tục ít nhất là hơn 2 năm, sau đó tiêm bổ sung thường xuyên cho những con chó mới được nuôi. Ngoài ra, phải giải quyết nguồn truyền bệnh ở động vật. Muốn vậy, Bộ NN-PTNT, ngành thú y là nơi giám sát và phát hiện chính các ổ dịch dại trên động vật để phối hợp với Bộ Y tế và chính quyền thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh dại. Các ngành chức năng cũng cần phối hợp tăng cường công tác giám sát và đáp ứng phòng chống dịch dại ở động vật và trên người; xã hội hóa công tác phòng chống bệnh dại, huy động sự ủng hộ cao nhất của cộng đồng trong “cuộc chiến” này.

Xem thêm
'Trục xuất' khối bướu khổng lồ hơn 20 kg cho bệnh nhân

TP.HCM Mới đây, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đã phẫu thuật thành công khối u buồng trứng khổng lồ gây chèn ép nội tạng cho bệnh nhân nữ 46 tuổi.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Bảo tồn bài thuốc gia truyền Kháu Vài Lèng giúp đàn ông tăng sinh lý

Bài thuốc gia truyền Kháu Vài Lèng giúp đàn ông cải thiện sức khỏe sinh lý được Chủ nhiệm Hợp tác xã Dược liệu Nam dược Mạc Minh tâm huyết phát triển.

Bình luận mới nhất